NHỮNG BỨC ĐIỆN KHẨN VÀ NGÀY CHIẾN THẮNG
19:57', 26/4/ 2007 (GMT+7)

Ngày 10 tháng 3 năm 1975, tôi từ Hà Nội lên đường cùng hai đồng chí Trương (Đào Can) và anh Nguyễn Tâm đi về Nam bằng chiếc xe U oát được Trung ương cấp. Đến Hà Tĩnh tôi vào thăm anh Nguyễn Chương, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh như lời hẹn với anh. Hôm trên đường đi ra tôi có ghé vào thăm anh, anh tha thiết mời tôi ở lại thăm tỉnh Hà Tĩnh kết nghĩa, tôi có hứa lúc vào sẽ ở lại cùng anh một tuần.

Anh Chương và tôi coi nhau thân thiết như người nhà. Anh người Hà Tĩnh, cũng đã có nhiều năm hoạt động trong Nam, nghe tiếng anh nói chẳng khác nào người Nha Trang, Bình Định.

Anh đưa tôi đi thăm các huyện trong tỉnh rất vui. Anh còn giới thiệu cho tôi loại cây cọ dầu, theo nhiều tài liệu cho biết loại cây này trồng cho hiệu quả kinh tế rất cao. Anh còn bứng một cây con cho tôi làm quà mang về Bình Định trồng thử.

 Thời gian này tôi ít được nhận tin tức ở chiến trường; trong lòng cũng đinh ninh theo phương án sẽ giải phóng miền Nam năm 1976. Và mọi nội dung về kế hoạch giải phóng miền Nam vẫn đang là vấn đề tuyệt mật.

Đang ở Hà Tĩnh, tôi nhận được bức điện khẩn của đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy: “Anh Tín về gấp! Vô Khu ủy!”. Lập tức tôi và anh Chương bỏ dở chuyến đi thăm thú; cơm nước xong, cảm động ôm nhau chia tay, hẹn gặp lại trong ngày chiến thắng. 

Nhận thức tình hình chuyển biến khác, tôi vội hối hả trên chuyến xe tốc hành. Mùa này, đường Trường Sơn trời mưa tầm tã, xe lại đi rất đông, hầu hết là xe chở lính, vũ khí, quân trang vào Nam; hàng trăm chiếc nườm nượp nối đuôi nhau thành đoàn dài hàng hai ba cây số. Anh tài xế cũng biết tôi rất sốt ruột, nhưng đường hẹp nên không cách gì có thể vượt lấn xe khác được. Đi suốt ngày đêm và cũng không lo bị đói, vì khi lên đường chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ gạo mắm, có gà, thịt kho mặn mang theo. Chỗ nào kẹt xe mới tranh thủ nấu cơm ăn, cột võng nghỉ….

Trên đường vô có nhiều binh trạm. Đi khoảng một ngày là gặp một binh trạm, có những binh trạm cấp trung đoàn, nơi ăn uống nghỉ ngơi rất đàng hoàng; có nhà cửa nghỉ ngơi, có trạm xá, và chỗ để xe an toàn…

Qua các đoàn xe vào cho biết tình hình khẩn trương lắm, làm tôi càng sốt ruột thêm. Phải mất năm ngày đêm, ngày 25, tôi mới tới được Khu ủy. Lúc này, nghe đài đã biết được nhiều nơi giải phóng. Vô tới Khu ủy, anh Năm Công đã đi Đà Nẵng; Văn phòng truyền đạt ngay cho tôi ý kiến chỉ đạo của anh Năm: “Anh Tín về, phải vô Quy Nhơn ngay!”.

Tại đây, tôi cũng đã nắm được một số tình hình: Sau chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Bộ Chính Trị quyết định mở mặt trận Huế - Đà Nẵng… Bọn địch nhiều nơi bỏ chạy “tuỳ nghi di tản”… Anh em tôi lại tức tốc ra đi.

Tôi về tới Bình Định. Tỉnh ủy bấy giờ không còn ở Kim Sơn (Hoài Ân) nữa mà đã chuyển về Cát Sơn (Phù Cát). Đường về Cát Sơn, ô tô chưa đi được, tôi bỏ xe ở Kim Sơn, cứ thế lội bộ bươn đi ngay. Mười một giờ trưa ngày 28-3, vừa về đến Văn phòng Tỉnh ủy ở Cát Sơn, tôi gặp và làm việc ngay với anh Tám Lý, phái viên của Khu ủy tới và anh Đinh Tân Phó Bí thư Tỉnh ủy. Khi tôi ra Bắc, anh Thành được giao quyền Bí thư.

Tôi hỏi về tình hình trong tỉnh, các anh nắm chưa hết, chỉ nói còn khó khăn.

- Tình hình găng quá! Sư đoàn 3 đánh cả tháng nay mà không được chi viện; một đại đội chỉ còn hai mươi, ba mươi tay súng; bọn địa phương quân còn rất gian ác; địch bảo vệ Quy Nhơn dữ, vỏ bên ngoài còn rất cứng…

- Hôm rồi Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”- Anh Thành báo cáo thêm.

 - Tình hình địch thế nào?

 - Còn sư đoàn 22 nguỵ; chúng còn hai trung đòan; dân vệ tiếp tục đàn áp phong trào…

Anh Phạm Chí Công, anh em thường gọi là Diên An, Phó Bí thư tiền phương bị thương phải về hậu cứ, gặp tôi anh nói:

- Nó phản kích ghê lắm ông ơi, tôi bị thương đây này…

Ăn cơm xong, tôi nhận tiếp bức điện thứ ba của anh Năm Công: “Anh Nam về Quy Nhơn chưa?”. “Tôi về đến nơi rồi!” - Tôi điện trả lời. Anh Năm điện lại: “Vào Quy Nhơn ngay!” Rồi anh điện tiếp:

“Đừng bóc vỏ! Đột vào trung tâm ngay!” Tôi biết mình phải làm gì trong lúc này! Đó là khẩn trương về Quy Nhơn ngay!

Đúng là thời cơ rất khẩn trương, anh Năm Công đã theo dõi từng bước đi của tôi. Tôi vừa về đến nơi là đã nhận được điện của anh rồi.

Tôi nhận được những bức điện của đồng chí Bí thư Khu ủy Võ Chí Công, thấy rõ tình hình rất gấp rút, diễn biến chiến trường hết sức mau lẹ. Tuy nhiên bên ngoài anh em chưa nhận thức rõ thời cơ chiến lược. Điều đó cho thấy tính chất tuyệt mật của kế hoạch giải phóng. Lúc đó Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng cũng đã giải phóng rồi. Tình hình rõ ràng đã rất khác; chuyển biến thời cơ! Thời cơ giải phóng đã đến! Hai mươi năm chỉ chờ đợi một ngày lịch sử này đây! Phải tranh thủ thời cơ hành động! Tiếng gọi vô hình đâu đó luôn luôn giục giã tâm trí tôi!

Sau khi trao đổi với anh Tám Lý và anh Thành, giao đồ đạc cho anh em, tôi đi ngay. Cùng đi với tôi có đồng chí Đào Xuân Trường, người Phù Cát, và mấy anh ở miền Bắc mới vô.

Anh Trường mới tắm giặt, quần áo còn ướt, thấy tôi nói “đi ngay”, anh vô tình hỏi: “Còn quần áo ướt làm sao?”. Tôi bảo: “Quần áo ướt cũng phải đi, còn làm sao thì tuỳ ông!”. Anh Trường hiểu ra, vội vã thu dọn, gấp rút lên đường.

Trên đường núi xuống trạm, nghe đài biết Tây Nguyên địch chạy hết rồi, Quảng Ngãi đã giải phóng, trong người tôi càng thấy rạo rực, thôi thúc.Vừa đi tôi vừa nghĩ: “Quảng Ngãi đã giải phóng! Bình Định cũng giải phóng được!”. Người tôi như run lên trong ý nghĩ “giải phóng!”.

Lúc đến trạm ở Cát Hanh, tôi hỏi anh em “có phải cởi dép không?” Anh em nói “phải cổi dép đi chứ dân vệ còn bắn pháo dữ lắm!” Quy định chung-khi qua trạm giao liên này phải cởi dép, để khỏi bị lộ, địch bắn pháo, lùng sục.

Nghe đài biết được chủ trương của địch, bọn trên “tuỳ nghi di tản” nhưng cấp dưới phải “tử thủ”, tôi nói: “Tình hình này cổi dép chi nữa, ta sắp thắng đến nơi rồi!” Nhưng anh bảo vệ ở trạm vẫn bắt tôi phải “cởi dép, đi cho an toàn!”.

Gần tới khuya, chúng tôi mới qua đường đến trạm phía đông.

Đúng là cụm pháo địch ở Gò Quánh bắn rất dữ dội, tiếng nổ ùng, oàng không ngớt, như đe doạ chúng tôi. Nhưng lúc này, không có một trở lực nào có thể ngăn cản được bước chân của chúng tôi tiến về Quy Nhơn với quyết tâm giải phóng!.

Những tiếng nổ đó chỉ là thủ đoạn, là “chiêu” doạ dẫm cuối cùng của địch; vì bọn trên đã thấy rõ thế thua, các cơ quan đầu não của chúng đã “tuỳ nghi di tản” chạy tháo thân cả rồi.

Qua được đường, tôi tính, nếu cứ đi đường Núi Bà xuống Quy Nhơn, như thường lệ thì phải mất hai ngày, mà tình hình lại rất gấp, cần phải rút ngắn thời gian, vì vậy, tôi quyết định: “Phải xẻ đường mà đi!”. Cứ đường rìa núi đi xuống, đoạn đường này có thể nguy hiểm nhưng ngắn hơn. Đến được trạm Tuy Phước đã tối 29. Lúc này đò giao liên qua đầm đã đi rồi. Nghe tình hình các địa phương còn rất găng, ban ngày dân vệ vẫn lùng sục, bắn pháo uy hiếp, ban đêm chúng mới co cụm lại.

Sáng 30 ra trạm, đò đã về, nhưng anh em giao liên nói ban ngày không đi được, phải chờ đến tối mới đi. Chờ? Sẽ mất đứt một ngày? Thời gian bây giờ là thời cơ, phải tính từng giờ từng phút! Tôi hỏi giao liên:

- Qua các chốt Vinh Quang, tháp Thầy Bói, có địch không?

- Chốt Vinh Quang vẫn còn, ban ngày chúng vẫn bắn dữ.

- Có súng lớn không?

- Không thấy cối, chỉ có đại liên.

Tôi nghĩ, thời cơ đã tới rồi, không thể chần chừ! Những giây phút này vô cùng quý báu, thời giờ là vàng ngọc, phải khẩn trương chớp lấy thời cơ! Chờ đợi đến tối sẽ chậm mất; dù đại liên bắn rát cũng không thể chờ đến tối! Tôi quyết định đi ngay ban ngày. Tôi nghĩ, trên đường đi, nếu không may có mệnh hệ gì trên đường giải phóng, tôi có thể hy sinh, thì đó cũng là vinh dự, vì mình đã dâng hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng giải phóng đất nước…

Tiếng súng địch nổ rất gần cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.

Ăn cơm trưa xong, chúng tôi vội vã ra bến sông. Anh giao liên nhanh nhẹn kéo chiếc thuyền nhận sâu xuống nước lên và gắn máy vào.

Mới tháng ba mà trời đã nắng chói chang. Mặt đầm trắng loáng, mênh mông nước. Mười hai giờ trưa chúng tôi khẩn trương lên thuyền. Anh giao liên cầm chắc mái chèo xoay con thuyền, lấy sức giật mạnh máy nổ. Tiếng máy nổ thật giòn giã, phun hơi khói phì phì. Anh hối hả kéo dây buộc thuyền và nói:

- Trưa nay là lần đầu tiên tôi đi đò vào ban ngày. Chuyến đò này cũng là chuyến đò lịch sử của tôi đây! Giọng anh vang to không dấu nổi niềm vui như muốn át tiếng máy nổ.

- Đi tầm này địch thường nghỉ trưa, ít bắn hơn, ta cũng có cơ may thoát khỏi hòn tên mũi đạn. Tôi nói với anh em. Đại liên mức sát thương là một ngàn năm trăm mét - tôi dặn - ta phải đi cách xa Cồn Chim khoảng cây rưỡi, vì chốt Vinh Quang chúng có đại liên. Nếu địch bắn, phải nằm rạp xuống, đội mũ che đầu lại. Phải giữ cái đầu, còn mình mẩy có bị thương cũng không sao.

Nghe tôi nói, có anh vừa cười vừa có ý trêu chọc nhau. Nhưng quả nhiên, đúng như tôi dự đoán, một lúc sau, thấy thuyền ta, địch nghi ngờ nã đại liên liền. Tuy nhiên, chúng tôi đi cách xa nên tránh được tầm đạn.

Khoảng ba, bốn giờ chiều 30 tháng 3, tôi về đến thôn Quảng Vân- vùng ven Quy Nhơn, cơ sở tiền phương của tỉnh, gặp anh Đinh Bá Lộc, Phó Bí thư Tỉnh ủy; anh Võ Tấn Hạt, Tỉnh đội trưởng, người chỉ huy chiến dịch. Lúc đó cũng có cả anh Hồ Quang Mươi. Anh em ở đây cũng đã nhận được lệnh của Khu ủy: “Đừng bóc vỏ, đột tung thâm ngay!”

Chúng tôi bàn, thống nhất nhận định và thông qua phương án: “Thời cơ chiến lược đã đến! Đánh vào đầu não, nhất định địch sẽ tan tác ngay!” và ra lời kêu gọi “Động viên Đảng bộ và quân dân toàn tỉnh xông lên, đạp bằng mọi trở lực, phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, tổng công kích và nổi dậy giải phóng thị xã Quy Nhơn! Giải phóng Bình Định!”

Tôi cùng các đồng chí trong bộ phận tiền phương quyết định đưa lực lượng tiến thẳng vào Quy Nhơn, với lệnh “Đánh tung thâm!” đánh, chiếm các mục tiêu chính là Tỉnh đường, Ty Công an, Đài Phát thanh, Ty Thông tin…

Tôi vô Hưng Thạnh, gặp cô Ái trong nội thị ra, báo cáo: “Địch rục rịch chạy từ ngày 28-3". Đúng là bọn đầu não ở trên rất qủy quyệt đã “tuỳ nghi di tản”, mà lại lừa buộc bọn tay chân ở dưới phải “tử thủ” ngăn cản bước tiến công của ta để bọn chúng có điều kiện, có thời gian bỏ chạy được an toàn!.

Địch bỏ chạy rồi, ta vô Quy Nhơn coi như vô tiếp quản! Lòng tôi như reo lên!.

Chiều tối ngày 30 tháng 3, lực lượng ta tiến vô Quy Nhơn.

Tối 30 tháng 3 tôi và Thu Hoài, phóng viên văn học cùng đi theo tôi gặp anh Nguyễn Văn Phú, Thường vụ Thị uỷ Quy Nhơn tại một cơ sở là nhà bà Bảy Tình, mẹ của chị Tần. Anh Phú nói, đồng chí Phó Bí thư Thị uỷ đang ở trên căn cứ. Còn bà Bảy mừng rỡ đón chúng tôi:

- Chu cha! Hổm rày tui mong anh em  mình vô ghê quá; lũ nó rục rịch chạy hết từ mấy bữa nay rồi. Vừa nói bà Bảy vừa lấy nước mát cho tụi tôi uống rồi quày quả xuống bếp lo bữa tối.

Tôi và anh Phú trong lòng đều thấy náo nức cùng ngồi bàn một số việc chuẩn bị cho việc tiếp quản. Một lúc sau đã nghe bà Bảy gọi mời ăn cơm. Một nồi cơm trắng phau, bốc hơi thơm phức được dọn lên cùng với  tô canh chua cá, dĩa đậu chiên, dĩa giá xào trứng, sao mà ngon quá! Bà Bảy ngồi bên cạnh, tay lia lịa gắp thức ăn cho chúng tôi. Tôi vừa ăn vừa mừng muốn ứa nước mắt.

Tôi bưng bát cơm nhìn qua Thu Hoài, thấy cậu “nhà văn” đang trầm tư  với vẻ mặt rất xúc động. Thu Hoài quê ở An Nhơn, là phóng viên văn học được đào tạo ở miền Bắc về. Từ  năm 1971 ở Khu về Bình Định  anh đã có nhiều chuyến công tác cùng đi với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thâm nhập thực tế chiến trường và ghi chép, viết lách khá tỉ mỉ. Anh Tám Lý và tôi thường dặn Thu Hoài:

- Chú đi cùng lũ tui, biết rõ tình hình, tích luỹ nhiều, làm sao sau này phải có tác phẩm thật “hoành tráng” về Bình Định nghe.

- Dạ, em sẽ cố gắng. Bình thường hay nói , bàn luận rất sôi nổi các vấn đề, thế mà khi chúng tôi đề cập đến “tác phẩm” Thu Hoài lại trả lời rất nhỏ nhẹ. Hình như anh thấy đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, không dễ hoàn thành một sớm một chiều nên anh phải “giữ tiếng”. Và cũng hình như đúng thế thật, mới đây, ba mươi năm sau cái ngày anh em cùng ăn bữa cơm chiều trước ngày giải phóng hôm ấy, Thu Hoài có đem đến trình làng với Tỉnh uỷ hai tập bản thảo tác phẩm của anh trên một ngàn trang chữ nhỏ ly ty dày đặc với lời giới thiệu của Đại tướng Chu Huy Mân hết sức xúc động. Khi tác phẩm đang in , trong giới văn nghệ Bình Định đã có những đánh giá khá tốt về chất lượng. Tôi cũng mừng cho những thành công của anh, anh đã vượt qua được những gian khó của thời kinh tế thị trường thực hiện sứ mệnh lịch sử của một phóng viên văn học chiến trường như anh đã nguyện với đồng bào và quê hương.

Không ai có thể tưởng tượng được cuộc kháng chiến lại ác liệt và kéo dài đến thế. Từ chỉ tạm chia “hai năm” mà thành hai mươi năm. Tôi ở trên quê hương của mình, có lúc nằm ở nơi chỉ cách trung tâm thị xã năm, ba cây số mà phải “đi” qua hơn hai mươi năm gian khổ, ác liệt mới vô đến được Quy Nhơn, mới được ăn một bữa cơm ngon lành như vầy!..

Cơm nước xong, chúng tôi trao đổi thêm một số ý, hẹn gặp nhau vào ngày mai rồi chia tay. Anh Phú hỏi tôi ở chỗ nào, tôi nói sẽ vô ở trong cơ sở hoả xa. Tối đó, tôi nằm trong cơ sở chi bộ công nhân hoả xa như đã dự tính từ trước; vì khi chưa giải phóng không thể ở các cơ sở khác. Anh em công nhân xe lửa có truyền thống cách mạng từ thời Pháp; lúc Cách mạng Tháng Tám nổ ra, công nhân xe lửa hăng hái chở lực lượng cách mạng đi tổ chức, hoạt động. Trong kháng chiến chống Mỹ, ta khôi phục cơ sở sớm ở Quy Nhơn cũng từ anh em công nhân hoả xa. Vì vậy, trong lúc này nằm trong cơ sở của lực lượng công nhân là an toàn hơn cả. 

Ngày 31 tháng 3, các mũi tiến công của lực lượng bộ đội vẫn ráo riết truy kích địch, áp sát vào nội thị.

Ngày 29 tháng 3 ta giải phóng Hoài Nhơn. Ngày 31 tháng 3, tin chiến thắng ở các địa phương liên tục truyền về làm nức lòng anh em: tám giờø sáng, quận lỵ Phù Mỹ đã được giải phóng! Ở đây, trước đó, trung đòan 92 và quân dân Phù Mỹ đã tiêu diệt và làm tan rã lực lượng địch từ Hoài Nhơn chạy vào; Lúc chín giờ, quận lỵ Phù Cát đã về tay nhân dân ta; mười giờ, quận lỵ Phú Phong đã rợp trời cờ cách mạng và từ mười hai giờ ta đã giải phóng, làm chủ quận lỵ An Nhơn, Tuy Phước. Anh em bộ đội các Tiểu đoàn 50, 53, 75, Trung đoàn 92, 93, sư đoàn 3, một bộ phận Sư đoàn 968 ở Tây nguyên xuống, đã phối hợp tác chiến rất nhịp nhàng và táo bạo cùng với lực lượng quần chúng nổi dậy, tiến công địch mạnh mẽ, giáng cho chúng những đòn quyết định …

Trưa 31 tháng 3, tôi và mấy anh chị em đã đi dạo trong thị xã. Một không khí vắng vẻ bao trùm. Thảng hoăïc có tiếng súng đì đùng nhưng nghe vang từ rất xa.Quần chúng nhân dân sợ, đóng cửa im ỉm. Trên đường Gia Long (nay là Trần Hưng Đạo) có nhà ai đó vừa hé cửa thò đầu ra nhìn, thấy chúng tôi họ giật mình dập cửa lại ngay tức khắc. Có thể họ sợ là vì trước đó, đã bị địch hù doạ “sẽ có cuộc tắm máu khi cộng sản chiếm thành phố, thị xã!”.

Một số nhà vắng chủ, trong sảnh chất đầy hàng hoá vải vóc, điện đài, xe máy… cô Ái và mấy anh bảo vệ đi cùng nhìn hàng hoá rất thích, trầm trồ mãi, nhưng tôi không cho lấy bất cứ thứ gì dù đó chỉ là cái hàn thử biểu.

Quy Nhơn im ắng lạ lùng. Mấy chục năm qua, chắc chưa có một ngày nào như ngày hôm nay. Nắng vàng rực tràn ngập trên mọi mái nhà, và gió thổi lồng lộng, mát rượi. Hai mươi năm mới có một ngày hôm nay, tôi được bước đi tự do giữa thị xã trong niềm vui lâng lâng. Nhiều lúc nằm ở vùng ven cách thị xã chỉ năm ba cây số, mà cũng phải đến năm ba năm sau mới vào được đến nội thị.

Đã hai mươi năm trôi qua, vì niềm khát khao cháy bỏng về ngày giải phóng quê hương mà tôi và những người con yêu nước đã dâng hiến cả tuổi xuân của mình, ngày ấy nay đã thành sự thật.

Ngày giải phóng đến như một tất yếu lịch sử !

Mới cách đó một năm, hồi đầu năm 1974, Trung ương Đảng, Khu ủy dự kiến sẽ giải phóng miền Nam vào cuối năm 1975 - đầu năm 1976. Khu ủy còn giải quyết “cho tôi ra miền Bắc thăm gia đình ít tháng rồi trở vô với chiến dịch”, vậy mà nay, mới nửa năm ta đã giải phóng rồi.

Việc giải phóng là không bất ngờ vì ta đã có dự kiến trước, nhưng điều bất ngờ đây chính là tình hình diễn biến mau lẹ quá, lực lượng nguỵ quân nguỵ quyền tan rã nhanh quá! Tôi chỉ tiếc một điều là giá mình có mặt ở quê, chỉ cần trước mười ngày thôi thì Quy Nhơn- Bình Định sẽ được giải phóng sớm hơn !   

Quy Nhơn đã thuộc về ta, Bình Định đã giải phóng. Những việc gì ta phải làm sau giải phóng? Tư tưởng chỉ đạo chung của chúng tôi đối với tất cả anh em ta lúc này là: tiếp tục truy tróc tàn quân địch; lập Ủy ban cách mạng phường; tổ chức tiếp quản nhanh chóng các cơ quan của nguỵ quân, nguỵ quyền và đưa lực lượng ta vào làm việc; quản lý tốt tài sản của nhà nước và tài sản của dân bỏ chạy, không để tình trạng lộn xộn trong thị xã…

Sau khi ta đã chiếm các cơ quan đầu não của nguỵ quyền, Tỉnh ủy đã phát “Lời kêu gọi” phát động nhân dân thị xã phối hợp với bộ đội truy kích, bao vây và gọi hàng binh lính chính quyền Sài Gòn còn ẩn núp. Đến hai mươi bốn giờ ngày 31-3 các chiến sĩ tiểu đoàn 50 tiến vô tỉnh đường và treo lên một lá cờ Mặt trận lớn, khẳng định giờ cáo chung của chế độ nguỵ Sài Gòn tại Quy Nhơn - Bình Định. 

Sau khi vào thị xã, chúng tôi đã địên ngay cho lực lượng tiếp quản của ta đã chuẩn bị trước, nằm túc trực tại Núi Bà, vùng Cát Chánh, Phước Thắng, do đồng chí Hoàng Đinh, cán bộ Khu phụ trách, vào Quy Nhơn, tiếp quản các công sở của nguỵ quyền và quản lý các cơ sở dân bỏ chạy.

Việc chiếm thị xã Quy Nhơn đã diễn ra khá nhanh chóng trong ngày 31 tháng 3, thực chất như là ta vào tiếp quản Quy Nhơn vì địch đã bỏ chạy từ ngày 28 tháng 3.

Từø mờ sáng ngày 1 tháng 4, ở thị xã Quy Nhơn, không khí khác hẳn ngày 31 tháng 3, đồng bào khắp các phố đã hân hoan ra đường đón chào đoàn quân giải phóng. Trong khi đó ngoại vi thị xã, tiếng súng nổ nhiều nơi, lúc thưa thớt, lúc rộ lên dữ dội. Anh em bộ đội ta còn tiếp tục chiến đấu, ráo riết truy quét,vây đánh tàn quân của sư 22 nguỵ chạy xuống từ đường 19. Khoảng sáu ngàn tên lính với ba trăm xe quân sự các loại, cả xe tăng, thiết giáp của sư đoàn mà chúng từng huyênh hoang là “trấn sơn bình hải” nay lại liều chết mở đường máu tràn vào Quy Nhơn hòng thóat thân bằng đường biển. Anh em ta đã phá một nhịp cầu sông Ngang, chặn đường không cho địch tiến vô Quy Nhơn gây thiệt hại cho nhân dân, buộc địch phải chạy theo đường Lam Sơn, lọt vào trận địa của ta.

Chúng đã bị bộ đội ta đã khép chặt vòng vây, chặn đánh tiêu diệt làm tan rã. Ngoài bờ biển quân ta còn phải bắn chặn đoàn tàu hải quân địch đổ bộ vào vớt đồng bọn; cùng lúc, hàng ngàn tên địch đủ các thứ quân bị bắt sống đã phải cúi đầu vào các nhà giam… Đến mười sáu giờ tàn quân nguỵ đã bị ta diệt gọn. Trên bờ biển Quy Nhơn, xác xe bọc thép của địch nằm ngổn ngang, đen ngòm bãi cát, nhiều chiếc nằm chỏng gọng dưới nước. Sóng biển đục ngầu giận giữ cuồn cuộn trào lên như muốn cuốn phăng chúng đi...

Những ngày đầu sau giải phóng, khắp nơi tràn ngập không khí rộn ràng của những ngày mới, đặc biệt ở các nơi anh em ta tiếp nhận các công sở của địch và bố trí cho các cơ quan của ta là sôi nổi, rộn ràng nhất. Các bộ phận đã được chúng tôi phân công, chuẩn bị từ trước, giờ như cỗ máy đã được ráp vô, cứ thế mà chạy, trục trặc đâu sửa đó.

Trong khi tiếp quản, có một số anh em ta rất “lơ tơ mơ”, thấy máy quạt, tủ lạnh thích quá cứ bật lên cho chạy vù vù bất kể thời gian; có anh dùng các ổ cắm sai, quạt điện thế 110 von lại cứ cắm vào ổ điện 220 von, làm cháy hàng loạt chiếc quạt mà cũng không biết…

Lúc này, tôi vô làm việc tại Ủy ban vừa làm việc Bí thư Tỉnh ủy vừa là Chủ tịch Ủy ban Quân quản; đồng chí Mai Tân, Chính ủy sư đoàn 3 làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản.. Cơ quan Đảng chưa có trụ sở, nên lấy toà án của nguỵ làm cơ quan Tỉnh ủy. Toà án tỉnh chuyển đến đường Mai Xuân Thưởng…

Hiện thời, chúng tôi có hai việc phải khẩn trương làm, đó là tiếp tục truy quét tàn quân địch, kể cả bọn ác ôn đang ẩn náu; đồng thời hình thành bộ máy chính quyền đến phường, xã, quản lý tốt vũ khí, đạn dược của địch còn lại để phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn…

Trong không khí rộn ràng của ngày giải phóng, hàng trăm anh em thanh niên hăng hái tham gia nhập ngũ, bổ sung quân cho sư đòan 3 tiếp tục tiến thẳng vào mặt trận phía Nam, đánh chiếm Phan Rang và giải phóng Sài Gòn. Cùng lúc, các sư đoàn bộ đội ở Gia Lai và Kon Tum xuống Bình Định yêu cầu chi viện lương thực, thực phẩm, xăng dầu, xe cộ... chúng tôi ra quyết định giải quyết và lệnh ngay:

- Đối vơiù anh em ta, không được có hành động nào cản trở, gây khó khăn! Có lực lượng các sư đòan ta đến nhận lương thực, thực phẩm là xuất ngay, chỉ yêu cầu có biên nhận, chữ ký đầy đủ của Thủ trưởng đơn vị.

Tiếp đó, có một Trung đoàn binh chủng hải quân từ Đà Nẵng vào Quy Nhơn, nhân dân khu Cảng nuôi ăn ở hai ngày, sau đó anh em lại tiếp tục lên đường vào phía Nam. Và địa bàn Quy Nhơn trở thành nơi trung chuyển cung cấp lương thực, thực phẩm, xe cộ và cả xăng dầu lái xe cho quân ta đi tiếp vào chiến dịch.

Ngày 28 tháng 3 một số nguỵ quân, nguỵ quyền chạy ra Nhơn Châu ở vì chưa đi xa ngay được, trong đó có lực lượng ở phái Liên hiệp thứ ba. Có ông Lê Ba, trước là Chủ tịch Hội đồng giáo dục Bình Định là cơ sở của ta. Nghe Quy Nhơn giải phóng, ông Ba viết thư vào cho tôi đề nghị được liên hiệp với ta để quản lý xã hội.

Tôi cũng đã trả lời rõ với các ông: “Trước giải phóng còn lực lượng thứ ba; giải phóng rồi, chỉ có hai phái: cách mạng và đối lập với cách mạng, không còn lực lượng thứ ba nữa. Mong các ông về với chính quyền cách mạng và Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam!”. 

Những ngày chuẩn bị cho cuộc mít tinh chào mừng ngày giải phóng Quy Nhơn thật náo nức làm sao!

Anh em các cơ quan, đơn vị rộn ràng dọn dẹp, cắt khẩu hiệu, biểu ngữ, treo cờ, trang trí công sở, đường phố. Sân vận động Quy Nhơn sẽ là nơi tổ chức mít tinh, lễ đài, cổng ra vào được trang trí rực rỡ cờ, hoa, băng rôn khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, “Nhiệt liệt chào mừng ngày giải phóng Quy Nhơn!”…

Bài phát biểu tại cuộc mít tinh đã được nữ nhà báo, nhà thơ Lệ Thu chấp bút. Là một nữ phóng viên chiến trường, nhanh nhẹn, tháo vát từng lăn lộn với chiến trường Khu Đông, nên chỉ trong vài ngày Lệ Thu đã hoàn thành bản thảo một cách xuất sắc. Anh Tô Liễu lúc đó là trưởng Ban Tuyên huấn có duyệt lại, nhưng hầu như không phải chỉnh sửa gì.

Mọi việc đã được chuẩn bị sẵn sàng, anh em chúng tôi và mọi người dân đều rất náo nức chờ đón giờ phút ra mắt. Riêng tôi lúc đó là Chủ tịch Ủy ban quân quản vừa là Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời, sẽ là người đọc bài phát biểu trước hàng vạn đồng bào, tôi vừa mừng, vừa hồi hộp, và cũng cảm thấy lo lo. Ngày ra mắt, mình phải mặc thường phục hay quân phục? Anh em chúng tôi lúc đó hầu hết là mặc quần áo bà ba. Lúc này, bỗng nhiên gặp một đồng chí thiếu Tướng vào Ủy ban làm việc, tôi mừng quá, hỏi luôn:

- Với danh nghĩa Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời, trong ngày mít tinh, tôi mặêc gì?

- Không mặc thường phục được, phải mặc quân phục! Anh nói một cách nghiêm trang, sau đó còn ngắm nghía tôi và đùa: “Ông cao lớn, mặc quân phục chắc là đẹp, nhưng chỉ tội ốm quá !”- anh nói rồi cười dòn tan.

- Ông có bộ nào cho tôi một bộ? Tôi cũng vui vẻ đề nghị.

Đồng chí Thiếu tướng vội lấy tặng tôi một bộ quân phục mới của mình.

Ngày mít tinh chào mừng Quy Nhơn, Bình Định giải phóng và ra mắt Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời - ngày 7 tháng 4 năm 1975 - là một ngày không thể nào quên!.

Quần chúng nhân dân với trang phục chỉnh tề, đẹp đẽ đã tập trung từ sáng sớm; chị em phụ nữ quần trắng áo dài hoa đủ màu sặc sỡ, các cháu thiếu nhi tổ chức theo từng đội ngũ ngay ngắn, chỉnh tề, tay cầm hoa, cầm cờ Mặt trận và khẩu hiệu chào mừng ngày giải phóng đi vào quảng trường. Trên một vạn người vui tươi và trật tự, đứng ngay hàng thẳng lối trước lễ đài. Tất cả như một rừng hoa với muôn sắc màu rực rỡ dưới ánh nắng mai.

Không khí của buổi mít tinh thật tưng bừng náo nhiệt…

Cùng các đồng chí đứng trên lễ đài, lòng tôi vui mừng khôn xiết. Niềm vui của những ngày giải phóng khiến nước mắt tôi cứ chực trào ra. Tôi cảm thấy nghẹn ngào, xúc động vô cùng khi cất lên lời nói vang vọng qua loa phóng thanh, mở đầu cho bài phát biểu: “Kính thưa toàn thể đồng bào!…” 

Niềm phấn khởi hân hoan đón mừng ngày quê hương giải phóng cứ dâng tràn, dâng tràn mãi trong lòng chúng tôi như muôn đợt sóng trào cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Sài Gòn và miền Nam hoàn toàn giải phóng, trở thành niềm hạnh phúc huy hoàng, trọn vẹn, cả nước tưng bừng trong ngày hội non sông được thu về một mối với ý nghiã thiêng liêng của hai tiếng HÒA BÌNH...

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
NHỮNG BỨC ĐIỆN KHẨN VÀ NGÀY CHIẾN THẮNG   (20/04/2007)
NHỮNG NGÀY ĐẦU ĐÁNH MỸ   (19/04/2007)
KHU ĐÔNG DẬY SÓNG   (19/04/2007)
KHU ĐÔNG DẬY SÓNG   (19/04/2007)
KHU ĐÔNG DẬY SÓNG   (16/04/2007)
KHU ĐÔNG DẬY SÓNG   (12/04/2007)
KHU ĐÔNG DẬY SÓNG   (10/04/2007)
KHU ĐÔNG DẬY SÓNG   (08/04/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN   (05/04/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN   (04/04/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN   (02/04/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN (tiếp theo)  (31/03/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN (tiếp theo)  (31/03/2007)
NÚI RỪNG RUNG CHUYỂN   (29/03/2007)
Cùng bạn đọc   (28/03/2007)