“Kẻ sĩ trung hiếu không bao giờ
quên sự việc của cha ông mình”
(Phương ngôn cổ)
LÀNG TÔI
Tôi tên thật là Nguyễn Thế Khoán, sinh ngày 1 tháng 5 năm 1917 tại làng Phụng Sơn xã Phước Sơn huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định. Trước tôi, có hai chị đều bị chết lúc 3,4 tuổi. Do đó tôi trở thành con cưng. Nhưng cách cưng của cha mẹ tôi không phải là muốn gì được nấy, mà là đặc biệt chú trọng dạy dỗ tôi, vừa thương yêu vừa nghiêm khắc. Nhà tôi có 5 sào ruộng tư, thuê người cày, mẹ tôi đi cấy nên được xếp vào trung nông. Cha tôi là một nhà nho đỗ tú tài. Thấu hiểu cái lẽ “nhân chi sơ tính bản thiện, tánh tương cận, tập tương viễn”, cho nên ông cố ý “tập” tôi từ thời thơ ấu. Trước tiên, ông kể cho tôi nghe sự tích các vị tiên tổ bên nội, bên ngoại để tôi sống xứng đáng với tiên tổ, sau ông dạy cho tôi tình yêu làng, làng Phụng Sơn. Phụng Sơn nghĩa là núi Phụng. “Phụng” là tên miền nam của con phượng hoàng.
Ranh giới phía Tây của làng tôi với làng Tình Giang là một dãy núi nhỏ. Dãy núi nhỏ ấy lại được tổ tiên người dân làng tôi và làng Kỳ Sơn chia hai núi khác nhau thuộc hai làng khác nhau: núi Phụng Sơn thuộc làng Phụng Sơn, núi Kỳ Sơn thuộc làng Kỳ Sơn. Đặt tên Phụng Sơn vì trên núi có một gộp đá giống hình chim phượng hoàng nằm ấp. Đặt tên Kỳ Sơn vì lưng núi giống hình cái yên ngựa. Núi Kỳ Sơn là một ngọn núi đá sỏi. Núi Phụng Sơn là một núi đá hoa cương. Nhiều nơi trên núi những động đá, theo sự di chuyển của mưa gió tự nhiên đã hình thành những thắng cảnh nhỏ, là niềm tự hào của dân làng, nhất là của các nhà nho, theo thuyết “địa linh nhân kiệt”…
Theo sự hướng dẫn dần dần của cha tôi, tôi và mấy bạn cùng trang lứa cùng xóm đã lần lượt làm quen những thắng cảnh tí hon ấy và cũng thấy tự hào.
Thấp nhất trên núi Phụng là cảnh “Hố Chuông hố Trống”. “Hố” là tiếng địa phương dân gian đặt tên cho những suối có những tảng đá chồng chất lên nhau, chỉ có nước vào mùa mưa, và do nước xoáy tạo thành hầm hố trong gộp đá. Các nhà nho gọi là “Cổ Khê, Chung Khê”. Gọi là hố Chuông hố Trống là vì trên hố có tảng đá có tiếng kêu như tiếng chuông, lại có tảng đá kêu như tiếng trống.
Cha tôi chỉ tảng đá to mặt phẳng hình tròn đường kính độ 2 mét. Ông nhặt một viên đá nhỏ cầm tay, đánh vào tấm đá nghe tiếng kêu như chuông. Rồi ông đánh vào một tảng đá dựng đứng cạnh đá chuông, tiếng kêu như tiếng trống. Lũ chúng tôi reo hò, rồi đua nhau nhặt đá, đánh chuông đánh trống rất thích thú, đánh theo cả một hồi trống hồi chuông như ở đình làng. Chợt tôi đánh thử vào một tảng đá dựng đứng đối diện đá trống. Tảng đá kêu lên “cụm… cụm… cụm… cụm” như tiếng mõ tròn lớn của nhà chùa. Tất cả vừa đánh theo vừa hét lên: “Có cả đá mõ nữa nè!”. Cha tôi nói: “Đúng là tiếng mõ đại của chùa”. Mà lạ thật! Chỉ có ba tảng đá ấy đánh vào kêu tiếng chuông, tiếng trống, tiếng mõ, còn tất cả những tảng khác chỉ kêu cạch cạch. Cha tôi dẫn chúng tôi theo đường mòn vừa lên cao vừa đi vào phía Nam để xem “đá Phụng”. Nơi đây rất nhiều gộp đá. Tất cả đều là đá hoa cương không phải thạch nhũ. Cha tôi chỉ vào một gộp giữa đám cây cỏ gồm ba tấm đá. Một tấm đá nằm giữa vươn lên giống như cái cổ và đầu của con chim lớn. Hai tấm đá xếp nghiêng hai bên cổ như hai cái cánh. Cha tôi cho biết nhà nho gọi đó là “Phụng hoàng sào” (phượng hoàng nằm ổ) mà trông giống thật. Và ở chỗ này, trên đỉnh núi, nhô lên một tảng đá cao đến 5 mét giống hình lưỡi dao. Cha tôi bảo đó là “Đá Mũi dao”. Tôi chạy đến gần xem cho rõ. Hóa ra không phải một tảng đá chôn cắm dưới đất mà là hai tảng đá chồng lên nhau. Đá Mũi dao dựng chồng lên một tảng đá ngập dưới đất, chồng hơi lệch một tí. Thế mà nó đứng trên đỉnh núi lộng gió bốn phương bao nhiêu đời không đổ ngã. Thật là “vững như trời trồng”.
Cách đá Phụng mươi bước có ba tảng đá vuông vức, cao hơn 2 mét đứng ba góc như ba ông táo khổng lồ. Cha tôi bảo đó là “Cụm Ông Táo”. Cách Cụm Ông Táo mươi bước có ba tảng đá, hai tảng dựng đứng, một tảng đặt lên trên hai tảng kia, tạo khoảng trống có hai vách tường và một mái che đủ cho hai người đứng ngồi tránh mưa nắng. Cha tôi bảo đó là “Đá nhà”. Ông nói tiếp: “Đá Mũi dao, Cụm Ông Táo, Đá Nhà, có sự tích cả đấy?”, rồi ông kể
“Ngày xưa, không biết từ thuở nào, vùng này là vùng Tiển ngập”. Núi này, núi “kỳ Sơn”, núi “Cột Tàu Lại”, đều là ba hòn đảo nhô lên giữa biển. Bỗng từ đâu ông Khổng Lồ đến. Ông ấy lội trên biển như mình lội trên ruộng nước vậy. Ông ấy đắp bờ giữa biển. Các con hãy nhìn xuống phía đầm Thị Nại kia kìa, dãy núi xa xa ngăn đầm Thị Nại với biển Đông, là bờ do ông Khổng Lồ đắp đấy. Ông lại be một sòng tát, kia kìa, các con hãy nhìn cái lõm xuống giữa dãy núi, đó là cái sòng tát của ổng. Ổng tát cạn hết nước biển vùng này để bắt cá ăn. Xương cá ổng vứt chất đống lâu ngày hóa đá thành “Núi Xương Cá” lởm chởm giữa vùng ruộng của làng Nhơn Ân ở đây nhìn thấy kia. “Đá Mũi dao” là dao của ông Khổng Lồ lâu ngày hóa đá. “Cụm Ông Táo” là bếp của ổng. “Đá Nhà” là nơi ổng ngồi nghỉ. Chính nhờ ông Khổng Lồ mà bây giờ ta có các làng, có ruộng đất”. Chúng tôi đang đứng trên đỉnh núi, cho nên mắt nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn. Chúng tôi thấy rõ dãy đảo ngăn cách đầm Thị Nại và biển đông, có chỗ đá lõm thấp xuống theo hình cong mà dân cả vùng đều gọi là “Sòng Tát”. Gần hơn, chúng tôi nhìn rõ núi “”Xương Cá” nhô lên giữa ruộng, cách núi Phụng Sơn mấy cây số.
Cha tôi ngừng một lúc rồi nói tiếp: “Đó là chuyên đời xưa, còn chuyện bây giờ thì quả làng chúng ta xưa kia là biển. Hôm nào các con ra núi “Cột Tàu Lại” sẽ thấy còn cái mỏ neo tàu từ đời nào nằm trên cát. Dân làng ta cày ruộng, nhiều người cày trúng những đoạn giây neo bằng sắt”.
Không riêng gì tôi, cả các bạn cùng đi đều rất thích thú và tự hào về những kỳ quan nhỏ bé ấy. Những năm lớn lên, đi ở trọ học ở Quy Nhơn, cứ nghỉ hè là chúng tôi lại rủ nhau leo núi ngắm lại các kỳ quan ấy. Có một lần trời chiều không nắng chúng tôi rủ nhau đi sớm. Chúng tôi bàn nhau đi thẳng lên khu đá nhà Đá Mũi dạo chơi trước rồi quay về ghé Hố Chuông nghỉ chơi, đánh chuông đánh trống rồi về nhà. Ngắm cảnh Đá Nhà, Đá Mũi dao, đá Phụng hoàng, Cụm Ông Táo, với trình độ học vấn đã khá, anh em chúng tôi cứ hỏi nhau tại sao tạo hóa lại đặt nên những kỳ quan ấy. Nhất là Đá Nhà, hỏi bàn tay nào, sức lực nào nâng nổi tảng đá mái nhà to và nặng đến mấy tấn đặt gác lên hai tảng đá dựng đứng? Còn Đá Mũi dao nữa. Đá Mũi dao cao đến 4,5 mét, đặt chênh vênh trên tảng đá, cán chôn dưới đất, thế mà đứng vững đấy bao nhiêu đời, trải qua hàng nghìn trận cuồng phong bão táp của vùng này mà không đổ. Tôi chợt nhớ câu thơ trong bài thơ Động Hương Tích : “Hóa nhi vô ý tự nhiên công” (Đứa trẻ vô tình tạo nên kỳ công) đọc cho các bạn nghe, các bạn rất thích thú.
Ngắm chơi mãi thấy trời còn sớm bọn tôi rủ nhau cứ theo đường mòn đi quá vào phía Nam xem chơi. Đi được vài trăm mét, bỗng một bạn kêu:
- Kia! Có cụm đá dựng đứng đằng kia?
Và anh bước tới, đi tiên phong. Đến nơi, một thắng cảnh hiện ra trước mặt khiến cả bọn bàng hoàng:
- Trời ơi! Đẹp quá!
Trước mắt chúng tôi hiện ra cảnh đá xếp kỳ lạ: một tảng đá phẳng, phẳng hơn đá chuông, hình hơi tròn đường kính độ 3 mét, nằm ngửa giữa cây cỏ như một tấm bàn lớn. Nửa vòng cung sau tảng đá, dựa vào lưng núi, là một loạt tảng đá cao chiều cao hơn 3 mét, chiều ngang 1/2 mét hình búp măng xếp hàng theo vòng bán nguyệt. Tất cả thành một kết cấu rất hoàn chỉnh chứ không tùy tiện như Hố Chuông. Chúng tôi sững sờ đứng ngắm hồi lâu rồi cùng nhau ngồi xuống đá phẳng. Giữa lưng chừng núi, hướng mặt về phía đông, gió nồm mát rượi, không hiểu các bạn tôi nghĩ gì, chứ tôi, tôi tưởng như mình lạc vào động tiên. Một bạn hỏi:
- Cái nầy là cái gì, các bạn?
Một bạn nói:
- Chỗ nầy chắc thầy (cha tôi) chưa biết, nếu biết năm xưa thầy dẫn bọn mình đi rồi.
Tôi nói:
- Có lẽ vậy.
Một bạn:
- Vậy tụi mình đặt cho nó đi!
Một bạn khác:
- Đặt tên là động đá.
Một bạn cãi:
- Có hang động gì đâu mà gọi là động?
Tôi nói:
- Chớ gọi là gì bây giờ? Hay cứ gọi là động, mà mình nghĩ nên gọi là động tiên, chớ gọi động đá nghe thô thiển lắm, mà cảnh nó đẹp biết bao.
Các bạn đồng ý. Tôi nói thêm:
- Không biết chừng những đêm trăng sáng các ông tiên hiện xuống đây đánh cờ…
Một số bạn:
- Không biết chừng thật…
Một bạn:
- Mình nghĩ có thể đây là chỗ ngồi nghỉ của ông Khổng Lồ, chỗ Đá Nhà chật lắm.
Chuyện cổ tích về ông Khổng Lồ rất phổ biến và có rất nhiều dạng. Ở đây là việc huyền thoại hóa hiện tượng lấn biển tự nhiên mà Hán - Nho đã đúc thành điển cố văn học “Tang hải thương trần” (biển xanh biến thành ruộng dân). Nhưng chỗ đặc biệt của chuyện ông Khổng Lồ ở làng tôi là có đầy đủ chương tích, khiến cho tôi vừa thích thú vừa có một niềm tự hào nho nhỏ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Từ xưa, làng tôi không bị nạn đói, không có cố nông. Không có cố nông vì tất cả mọi người dân khi đến 18 tuổi đều được chia ruộng công. Không bị nạn đói là nhờ năm Tự Đức 12, ba ông Nguyễn Thế Hiển tú tài, Nguyễn Thế Lương tú tài, Trần Điển án sát hưu trí, bàn nhau tổ chức họp các nhà giàu trong làng vận động hiến tiền hiến ruộng, để lập quỹ Nghĩa Thương (có nghĩa như quỹ cứu tế xã hội). Tự ba ông xung phong hiến ruộng nhà mình trước. Cuộc vận động được tất cả nhà giàu hưởng ứng. Tiền thì mua lúa cho vào kho. Ruộng thì đấu giá phát canh đến mùa thu lúa cho vào kho. Khi xảy ra nạn đói thì phát không cho dân. Không có nạn đói thì đến mùa thu lúa mới thay cho lúa cũ, tổ chức bán rẻ cho mọi người, kể cả các làng khác, lấy tiền mua thêm ruộng. Đến trước cánh mạng tháng Tám, quỹ Nghĩa Thương của làng tôi đã có gần 60 mẫu. Xin nói rõ: ruộng của quỹ Nghĩa thương không thuộc công điền cũng không phải ruộng tư của địa chủ. Ruộng thì do Ban Nghĩa Thương đứng sở hữu, lúa thì đổ vào kho làng cắt dân canh giữ. Về sau, lý trưởng kiêm quản lý ruộng Nghĩa Thương. Có mấy lần lý trưởng bán lúa Nghĩa Thương lấy tiền mua ruộng tư, dân làng biết, kiện lên phủ, phủ xử tịch thu luôn ruộng tư của lý trưởng sung vào ruộng Thương. Chính nhờ đó số ruộng Thương tăng lên nhanh chóng. Xin giới thiệu bài văn bia của tri phủ Tuy Phước Lê Trung Khoảng:
“Năm Khải Định nguyên niên, tôi có đến phủ nhậm tại hạt Tuy Phước nầy. Có một hôm tôi đi hành hạt qua làng nghe thấy nhà học, đình làng, thảy đều rực rỡ, tiền làng, lẫm lúa, thấy đều dinh dư. Hỏi ra, mọi người đều thưa rằng: “ Làng tôi ngày nay được giàu có thế nầy, đều nhờ có quan cố tri phủ là Nguyễn Thế Hiển, có quan án sát là Trần Công Điển và cố tú tài Nguyễn Thế Lương sáng tạo ra vậy”.
Nhơn tôi muốn tìm sự tích, người làng ấy mới soạn tất cả các hạng đơn từ bia chí trình qua, tôi lấy làm khen ngợi lắm, muốn đề ít lời kỷ nệm nhưng vì chưa rảnh.
Đến năm Khải Định thứ hai, tháng mười một, tôi đi hiểu quốc trái, thì số lạc quyên của người làng ấy nhiều hơn các làng; đến kỳ hạn nộp bạc, thì làng ấy nộp trước hơn các làng. Xét chỗ sở do mới biết nhờ có tiền lúa của làng mới được như thế.
Hồi tháng Giêng tháng Hai năm Khải Định thứ ba, đồng tiền mất giá, tôi đem kim ngân đi phát chẩn. Đi ngang qua làng ấy tôi thấy dân tình người người đều no ấm, không một tiếng than, lại thấy trước cửa lẫm làng người qua kẻ lại đông ních, ấy là các làng đến vay lúa mượn lúa. Than ôi! Các ông khởi thủy mà xướng lập xã Nghĩa Thương ra chẳng qua muốn mưu việc ích lợi cho làng mình đó mà thôi, không ngờ ngày nay lại kịp đến việc nước, kịp đến các làng khác như thế đâu.
Nhơn đó tôi nghĩ lại: trong lúc tôi làm tri huyện huyện Quảng Điền có ông thị lang làng Phổ Lại, tên là Hồ Văn Trí lập thành Xã Thương, tôi có đặt hai câu đối dán trong làng để bày tỏ điều tốt. Lại lúc tôi làm tri phủ phủ Ninh Thuận, có ông hương sư làng Đại Long tên là Lê Văn Hiếu lập xã Nghĩa Thương, người làng lấy làm ơn. Tôi cũng có làm một bài văn bia tán dương cái công đức ấy.
Vả chăng các ông Hồ công, Lê công mà thiết lập Xã Thương ích lợi mới có một làng, tôi còn chẳng dám làm ngơ thay, phương chi cái lòng công của các ông này lại kịp đến việc nước, kịp đến các làng khác, mà tôi làm ngơ đi sao cho phải. Nhưng mà cái công đức cái nhân phẩm của các ông, xem trong tờ cáo giả của Nguyễn Công đời Tự Đức và lại lời lập tự, lời bia của ông tú tài Nhơn Ân tên là Nguyễn Quỳnh Phủ nói ra đã rõ rồi, không còn chỗ nào mà tôi nói lại được nữa.
Từ nay về sau, chỉ mong cho làng ấy giữa lấy thành nghiệp ngày một thêm nhiều, để ích lợi không biết đâu mà cùng. Lại trông cho người các làng khác noi gương theo đó, làm thế nào lẫm có lúa dư, rương có tiền ròng, vì xã hội mà mở việc công ích, lo việc công lợi, thời chẳng những người trong sở tại hương hoa đình đời, dẫu đến người khác hạt như tôi đây cũng cũng không sao mà không khen ngợi được”
(Đây là một trong hai bài văn khắc trên bia đá cẩm thạch dựng trước nghĩa tự - đền thờ ba nhà công đức).
Nhờ quỹ Nghĩa Thương lớn, làng tôi trợ cấp cho gánh hát bội của ông Bầu Ba trở thành gánh hát của làng, phục vụ các lễ hội Xuân Kỳ Thu tế, ngày Tết, hát không lấy tiền, cho nhân dân xem. Tôi được xem hát bội từ thuở lên năm. Gánh hát Phụng Sơn làng tôi có hai kép nổi tiếng cả tỉnh: Ba Gà và Chánh Ca Đông. Ba Gà chuyên kép rằn (như Tiết Cương, Trương Phi), Chánh Ca Đông chuyên kép trắng kép đỏ (như Địch Thanh, Đổng Kim Lân).
Cũng nhờ quỹ làng sung túc, cho nên Tết năm nào, ngoài hát bội của làng, làng còn tổ chức đốt cây bông (pháo hoa cổ truyền) do ông Thầy Kiên ở làng Kỳ Sơn sản xuất. Năm quỹ dư nhiều thì đốt cây bông 12 tầng, năm dư ít thì đốt cây bông 6 tầng. “Cây bông” là kiểu pháo hoa cổ truyền kết hợp với rối pháo. Tôi được các bạn bên múa rối cho biết ở Hà Tây, Bình Đà cũng chuyên pháo hoa này nhưng phần rối thì do một nghệ nhân đứng dưới cây pháo giật dây. Cây bông của ông Thầy Kiên thì tất cả đều được điều khiển bằng pháo. Gọi “tầng” là vì mỗi tầng có một kiểu pháo với một trò rối kết hợp do pháo giật dây. Tất cả mấy tầng đều được bố trí trên cây trụ gỗ chôn dưới đất giữa quảng trường rộng. Khi bắt đầu, người đốt pháo đốt ngòi đặt dưới cùng cây pháo. Nhưng về sau, ông Thầy Kiên sáng tạo ra “con ngựa châm ngòi” từ xa chứ không đứng dưới cây pháo. Cây pháo được trồng ngay giữa quảng trường chợ làng tôi. Ông Thầy Kiên ngồi trước hiên một cửa hàng cách cây pháo khoảng chục mét. Ông châm ngòi ngay tại đấy. Một chiếc pháo chuột xì cháy và chạy men theo một đường dây ông ấy buộc từ chỗ ngồi đến cây pháo. Chạy đến gặp ngòi cây pháo, pháo chuột xì lớn ra châm ngòi. Kiểu “con ngựa châm ngòi” từ xa ấy được người xem tán thưởng vỗ tay vang dậy. Tôi còn nhớ mấy loại pháo và mấy kiểu rối. Pháo có pháo nổ, pháo xì. Pháo nổ chỉ có một loại khác nhau ở tiếng nổ to hay nhỏ. Pháo xì có nhiều loại: pháo giằng xay, pháo hoa cải, pháo đèn, pháo thăng thiên, pháo chuột. Rối, tôi chỉ còn nhớ được ba cảnh: cảnh xổ liễng chúc mừng năm mới, cảnh tiên múa (hình tiên bằng giấy bồi, do pháo điều khiển xoay tròn dưới ánh pháo đèn), cảnh gõ chuông gõ mõ (chuông mõ thật được đặt trên cây pháo, pháo điều khiển đánh). Trò pháo chuông mõ là trò khiến người xem ngạc nhiên, tán thưởng nhất. Tôi thích cây bông cổ truyền hơn bắn pháo hoa, thích ở chỗ nó kết hợp rất hay với rối.
Dân làng tôi ai cũng tự hào về Nghĩa thương của làng mình. Sau cách mạng tháng Tám, do chủ trương hợp nhiều làng thành xã, làng tôi hợp với mấy làng lân cận thành xã Phước Sơn. Và quỹ Nghĩa thương bị xóa, nhập vào công điền.
|