THỜI THƠ ẤU
10:36', 11/7/ 2006 (GMT+7)

Sống chung với sốt rét

Làng tôi tuy có những thắng cảnh nhỏ rất kỳ thú, nhưng lại bị một cái nạn lớn: là một vùng sốt rét. Dân trong làng ai cũng bị sốt rét. Nhà tôi cũng thế. Đã thế, cả làng lại chưa biết nằm mùng nên bệnh càng hoành hành. Tôi sinh ra, lớn lên trong thế “chung sống với sốt rét”. Người tôi xanh xao gầy yếu, nên mãi đến năm lên bảy mới được học vỡ lòng. Để đề phòng hạn chế tuổi trong trường công, cha tôi phải làm giấy khai sinh xuống tuổi. Lẽ ra là 1917, phải để muộn một năm mới khai: 1918. Ngày tháng sinh của tôi cũng được cha khai một cách tình cờ: ngày 1 tháng 5. Sau này, trong chỉnh huấn chính trị thời kháng chiến, tôi đã lấy lại đúng năm cũ 1917. Thành ra tình cờ ngày tháng năm sinh của tôi trùng hợp những ngày tháng năm cách mạng. Việc đặt tên cho tôi cũng công phu. Vì chữ Hán, tên cha tôi có bộ “mịch” nên cha tôi phải tra tự điển tìm chữ có bộ “mịch”. Cha tôi tìm được chữ “khoán” nghĩa là sáng. Theo thông lệ nhà nho, song song với tên phải có “tự”. Cha tôi đặt cho tôi tự: Tử Quang. Để cầu Phật phù hộ cho tôi, cha tôi đưa tôi đến chùa xin quy y Phật, trong khi cha mẹ tôi chưa quy y. Hòa thượng cúng quy y cho tôi và đặt cho tôi pháp danh “Như Hòa”. Mặt khác để tránh cho tôi khỏi chết non như hai chị tôi, cha mẹ tôi làm lễ “bán” tôi cho bác ruột tôi bắt tôi gọi bác ruột bằng “cha” và gọi cha mẹ tôi là “chú”, “thím”. Sau này khi tôi lớn lên mới bỏ tục lệ ấy. Và đến khi tôi tham gia Hội văn nghệ Bình Định trong thời gian chống Pháp, đi hẳn vào văn nghệ chuyên nghiệp thấy chữ Tử Quang cha tôi đặt cho có vẻ “Mạnh tử Khổng tử” quá, tôi đã tự ý chiết tự chữ Khoán ra thành bút danh Mịch Quang. Như thế, Nguyễn Thế Khoán đã sinh ra trong thời Pháp thuộc, nhưng cách mạng tháng Tám đã sinh ra Mịch Quang.

Như đã nói trên, do sốt rét nên đến 7 tuổi tôi mới học vỡ lòng. Học với một thầy dạy tư ở gần nhà. Khỏe thì đi học, sốt rét thì nghỉ. Nhưng rồi cũng qua được chương trình vỡ lòng trong 1 năm. Thời gian này nhà tôi nuôi con chim cưỡng biết nói. Nó bắt chước những câu nói của mẹ tôi: “Khoán dậy ăn cháo”, “Khoán dậy ăn cháo đi học”. Nhớ lại, lúc ấy cái khó khổ nhất của tôi là chữ “đ” và chữ “r”. Từ bé tôi đã nói ngọng hai chữ ấy. “Đ” nói là “đê” thì tôi nói thành “ê”, “r” nói thành “e rờ” thì tôi nói thành “e gờ”. Tôi lại có tật thuận tay trái, cầm bút bằng tay trái. Tật này dễ khắc phục nhưng hơi đau đớn một chút. Thầy dạy cách cầm bút bằng tay phải. Hễ cầm bằng tay trái thì bị thầy lấy thước gạch đánh vào tay mấy lần thì quen. Nhưng “đ” và “r” thì thật gian khổ. Thầy đã dạy muốn nói “đê” thì phải để cong lưỡi lên vòm họng rồi bật xuống nói; muốn nói “e rờ” thì cong lưỡi ít hơn nhưng phải rung lưỡi. Tật này thì thầy không đánh. Thầy bảo phải tập liên tục lúc về nhà, ngồi cũng tập, đi đứng cũng tập. Tôi cố công tập nhưng chưa được, thầy chê, bạn bè chế riễu, tôi bắt đầu thấy chán. Bỗng một hôm, ăn cơm chiều xong, tôi ra sân, vừa đi vừa tập. May sao, tôi bật ra được chữ “đ” và chữ “r”. Tôi liền đưa hai tay bụm miệng sợ nó chạy mất, chạy vào khoe với cha mẹ. Từ đấy tôi phấn khởi học, cho nên đã bù được những ngày nghỉ do sốt rét, xong được chương trình vỡ lòng. Xong lớp vỡ lòng, cha tôi cho tôi đi Quy Nhơn ở trọ nhà thầy thông Trương Trọng Cừu, y tá trưởng, đã từng được mời về làng tôi chữa bệnh nên quen thân. Thầy lại có con trai cùng tuổi với tôi. Trường Quy Nhơn lúc ấy chỉ mới có tiểu học, do hiệu trưởng Dayde’, người Pháp, phụ trách. Trường gồm có 6 lớp: lớp năm, lớp tư, lớp ba, lớp nhì đệ nhất, lớp nhì đệ nhị, lớp nhất. Tiếng Pháp gọi là “Ecole de plein exercisse”, ý nghĩa tương đương với phổ thông cơ sở của ta, nhưng khác cách xếp thứ tự lớp, và học xong lớp ba có thi lấy bằng tốt nghiệp tiểu học, học xong lớp nhất có thi lấy bằng trung học (pri-maire). Một cái khác rất cơ bản: đây là trường Pháp Việt, tiếng Pháp là chính ngữ, tiếng Việt có vị trí sinh ngữ kiểu như các ngoại ngữ ngày nay. Suốt mấy năm học tiểu học, tôi luôn bị sốt rét hành hạ, làm cho chương trình mất liên tục. Thấy cha tôi cứ phải xin phép cho tôi nghỉ vì sốt rét, hiệu trưởng Dayde’ đã phải nói với cha tôi: “Tình hình sức khỏe nó như vậy, tôi cho phép cứ nghỉ cho đến lúc khỏe sẽ đến học, ông khỏi phải xin phép hàng tuần. Tôi hứa không gạch tên nó trong lớp”. Tôi học khá thông minh. Các bài học thuộc lòng thầy viết lên bảng đen, giảng xong, là tôi đã thuộc. Nhưng vì sốt rét cứ đeo đẳng mãi, học thiếu nhiều bài nên tôi bị lưu ban lớp tư. Nhưng tôi vẫn lấy được bằng cấp “tiểu học yếu lược” và primaire (hồi đó gọi là trung học).

 

 

Bắt chước hát ca

Làng tôi thường có hát bộ, nhưng tôi còn nhỏ quá chưa được đưa đi xem. Có chuyện khá ngược đời là sinh ra nơi có hát bộ, mà nghệ thuật tôi bắt chước đầu tiên là cải lương. Năm tôi lên 5 tuổi, có gánh cải lương ông thuộc Hớn từ Nam bộ ra, về diễn tại chợ làng tôi, tôi được cha mẹ đưa đi xem. Gánh cải lương diễn hai vở: “Kim Vân Kiều” và “Thoại Khanh Châu Tuấn”. Tôi xem hai đêm nghe thuộc lòng bài ca “Hội ca cầm” chào khán giả, nay còn nhớ được mấy câu:

Là hội ca cầm

Chúc cậu mợ giàu sang

Giàu sang phú quý

Phú quý vinh hoa

Sống bá niên tràng thọ

Đông con đông cháu

Trên ô tô dưới lại ca nô

Nằm giường lèo đắp thêm nệm gấm

Mang đôi giày ma mị (?)

Mình dựa gối loan

Bịt ba cái răng vàng

Tôi cũng còn thuộc mấy câu của Kiều ca mượn chuông vàng:

Mượn cái chuông vàng

Là mượn cái chuông vàng

Khánh bạc chế ra mà đi

Trời xin chứng

Cất bước lưu ly

Và mấy câu của Thoại Khanh cõng mẹ đi tìm Châu Tuấn:

Trông trời mau sáng

Xuống Tràng An tìm chàng Châu lang

Biết bao giờ cho gặp mặt chàng

Vai thời cõng mẹ

Mẹ ngồi trên lưng

Xin mẹ an lòng

Con liều cắt thịt cho mẹ ăn mẹ ăn

Xiết bao đau đớn

Chém đá lửa ra

Cúi lạy ông bà

Xin mẹ nhứt tâm nhứt tâm

Cả ba bài đều theo điệu Hành vân. Thời ấy, mới ra đời mấy năm, cải lương chưa biết Dạ cổ, Vọng cổ. Bản “Hành vân” là bản thường dùng nhất.

Sau khi bắt chước ca cải lương của gánh Thuộc Hớn, tôi bắt chước hô bài chòi của anh Chín, trai cày nhà tôi, một nghệ nhân bài chòi có cỡ:

Thương mà cảm thương

Cho thím Thông Tằm

Chồng đau bịnh trượng xuống nằm nhà thương

Ở nhà,

Ở nhà bôn bức nhớ thương

Mướn xe kéo thẳng xuống nhà thương thăm chồng

Đi mà ra đi …

Ra đi quần lục áo hồng

Trâm cài lược giắt mấy đôi vòng cũng đeo

Ra đi chẳng có mà ai dõi theo

Tết năm nào làng tôi cũng cho dựng chòi, tổ chức chơi bài chòi. Năm nào, tôi cũng giục cha tôi đi sớm để mua thẻ được chòi trung ương, vì chòi trung ương được ra hiệu bằng trống cán, các chòi khác đều ra hiệu lệnh bằng mõ tre. Nhân đây xin nói rõ về “chòi trung ương” của cuộc chơi làng tôi. Mấy năm gần đây đọc trên báo chí, tôi thấy có vài bài của vài tác giả nói “chòi trung ương là chòi cầm cái”. Không hiểu có nơi nào như thế không, chứ chòi trung ương ở làng tôi chỉ là chòi đứng giữa hai dãy chòi dọc, mỗi dãy 4 chòi, cộng với chòi trung ương thành 9 chòi. Ở làng tôi không có “chòi” cầm cái mà là “nhà” cầm cái. Nơi cầm cái là một ngôi nhà trống tứ phía, những người cầm cái là các chức việc làng. Ngôi nhà ấy vốn là nơi bán hàng xén của chợ, ba ngày Tết chợ nghỉ, làng trưng dụng làm nhà cầm cái. Cuộc chơi bài chòi diễn ra như sau: Khi các chòi đã đủ khách rồi, anh “hiệu” (quản trò) đem bài đi phát cho các chòi. Còn “bài trùng” được dán lên một thẻ tre. Mỗi chòi được phát 3 thẻ. Phát xong, anh ta vào trước ban cầm cái, nói to:

“Hiệu phát bài đã đủ

Cho hiện thủ bài tì ”

“Bài tì” là một bài cũng dán trên thẻ tre y hệt như bài đã phát đặt trong một ống tre lớn. Anh hiệu nói xong, ban cầm cái đánh một tiếng trống chầu, tức là hiệu lệnh “đồng ý”. Anh hiệu cầm ống thẻ lên, xóc hồi lâu rồi rút ra một thẻ. Anh xem con bài gì rồi hô một câu thai (câu đố bằng thơ lục bát), ví dụ:

“Lòng thương chị bán thịt heo

Hai vai gánh nặng lại đèo móc cân”

Người chơi sành điệu có thể đoán biết đó là câu đố về con bài gì. Chòi nào có con bài đó thì đánh 3 tiếng mõ, nếu là chòi trung ương thì đánh 3 tiếng trống cán báo hiệu “ăn”. Anh hiệu mang bài tì đến xem có trùng nhau không, nếu trùng thì giao bài tì cho chòi và hô to:    

“Chòi… ăn con tứ móc”

Trong trường hợp hô xong câu thai, chờ mãi mà không chòi nào đoán được, anh hiệu phải hô to:

“Tứ móc ơi là tứ móc!”

Chừng đó chòi có thẻ bài tứ móc mới gõ mõ cho hiệu mang đến. Gọi “bài trùng” là do “ăn” bằng cách có thẻ trùng con bài. Khi “ăn” đủ 3 con bài thì gọi là “tới”. Anh hiệu hô to:

“Chòi… ăn một con tứ móc, một con ngũ trợt, tới con ông ầm rõ ràng?”

Tất các chòi hồi mõ, chòi trung ương hồi trống cán. Anh hiệu mang 6 thẻ của chòi “tới” trình làng (ban cầm cái), làng đánh một hồi trống chầu. Anh hiệu đi thu tất cả thẻ của các chòi, xong vào trình diện trước làng. Làng lấy một cái khay đặt tiền thưởng và một lá cờ nhỏ vào, giao cho hiệu. Hiệu nói lối theo kiểu hát bộ:

“Vâng lệnh làng lãnh lấy khay tiền

Lên tráng mã điện cờ đệ nhứt ”.

Anh ta làm bộ lên ngựa như hát bộ và vừa đi vòng giữa các chòi vừa hát nam như hát bộ. Chòi trúng thưởng kêu anh hiệu hô một câu bài chúc mừng. Lúc này anh hiệu mới hô một bài dài kết thúc bằng câu hát nam hát bộ. Chòi trúng thưởng thưởng tiền cho hiệu. Thế là xong một ván. Hiệu lại phát thẻ cho ván tiếp…

Ký ức của tôi từ thuở lên chín, lên mười về trò chơi bài chòi chỉ có chừng ấy. Hồi đó, cái thích chính của tôi là ngồi trên chòi cao, đánh trống cán, xem hiệu quản trò, còn “ăn” và “tới” là việc của cha tôi. Tôi nghe các tên con bài như: “tứ móc”, “nhứt nọc”, “nhí bỉ”, “ông ầm”… và thấy mấy con bài không có chữ Hán nào, chỉ toàn là hình vẽ, thì cũng biết thế, chẳng suy nghĩ gì. Nhưng bây giờ làm nghiên cứu mới chợt nghĩ lại: những con bài không có chữ, chỉ toàn là hình vẽ tượng hình cách điệu, đã ra đời từ bao giờ? Chắc chắn nó phải ra đời từ khi ta chưa có văn tự? Bộ bài lại có hai con đặc biệt: “nhứt nọc” tượng trưng dương vật, “lá liễu” tượng trưng âm vật, là của ta hay của dân tộc Chăm? Nếu là của ta và ra đời từ thời chưa có văn tự thì nó phải lưu hành ở miền Bắc chứ? Đằng này nó chỉ lưu hành ở miền Nam Trung bộ, mà nơi có phong trào mạnh nhất là tỉnh Bình Định, nơi có thành Đồ Bàn xưa?

Sau hai lần chơi bài chòi và bắt chước được mấy câu, tôi lại có dịp bắt chước hò giã gạo nhờ những đêm tổ chức tại sân nhà tôi, bắt chước nói thơ Vân Tiên của anh Chín, bắt chước ngâm Kiều của cha tôi. Tôi không học, không hỏi mà cứ nghe nhiều lần rồi nhập tâm.

 

THỜI NIÊN THIẾU

Suốt thời kỳ học ở Collège Quy Nhơn, tôi vẫn ăn cơm tháng học. Nhờ thường xuyên xa nhà, nên sốt rét ít hoành hành hơn, tôi lên đều đặn mỗi năm một lớp. Tôi giỏi văn, kém toán, các môn khác trung bình. Cuộc sống ở trường ngày hai buổi, bằng phẳng, chẳng có gì đáng nhớ. Ngoài đời sinh hoạt vui chơi thì có một điều tôi nhớ mãi. Đó là năm tôi lên mười, gánh hát bộ Chánh ca Đựng về rao hát bán vé tại rạp… (tôi quên mất tên) trong thành phố Quy Nhơn, buổi chiều tối cho đi rao trống inh ỏi. Trẻ con rủ nhau đến rạp coi. Tôi theo đến, không ngờ gặp Lâm, con trai ông Cửu Khi (kép hát giỏi của Đào Tấn) cùng tuổi với tôi và đã quen nhau từ những lúc ông Cửu Khi đến nhà tôi dẫn Lâm theo. Lâm lập tức đưa tôi vào đình xem hát khỏi mua vé. Lâm đang theo cha học nghề hát bộ và lúc ấy chuyên các vai “Kép con” (nhân vật thiếu nhi). Lâm giới thiệu cho người xé vé biết tôi là “con thầy Tú Bảy Phụng Sơn”, thế là tôi muốn vào xem lúc nào cũng được. Từ đấy, không đêm nào tôi không đi xem. Tối nào không phải học, làm bài thì tôi đi xem từ đầu, tối nào phải học, làm bài thì tôi xem giữa chừng. Gánh ông Chánh ca Đựng là gánh nhiều đào kép nổi tiếng toàn tỉnh, gom góp tất cả đào kép của cụ Đào Tấn sau khi cụ qua đời. Thầy thông, nhà tôi ở trọ đi học, lại là người rất am thạo hát bộ và đánh chầu rất giỏi, cũng thường đi xem. Gánh Chánh ca Đựng lại là gánh đầu tiên có đào nữ. Hai đào nữ nổi tiếng là chị Ngọ và chị Xuân. Các kép của Cụ Đào thì đủ mặt cả: ông Bát Phàm, ông Cai Tám, ông Cai Tư, ông Cửu Khi, ông Tám Ngũ… thêm những kép giỏi như ông Nhưng Mười, ông Ghình (sau này là Chánh ca) ông Đông (sau này lên Chánh ca)… Gánh trụ diễn ở đấy ngót tháng, tôi cũng xem ngót tháng. Tôi thích trước tiên là các vai kép con do bạn Lâm đóng như “Na Tra xuất thế”, “Hoàng Phi Hóa hạ sơn”, “Thiên Trường Thiên Lộc”. Tôi được xem rất nhiều vở, còn nhớ tên được mấy vở: “Sơn hậu”, “Thanh xà Bạch xà”, “Đào Phi Phụng”, “Bạch Kỳ Châu”, “Cổ thành”, “An trào kiếm”, “Ngũ hổ”, “Hộ sanh”, “Tam khí chu du”, “Lý Phụng Đình”…

Do chưa có tri thức gì về văn học, trong khi văn tuồng hát bộ quá nhiều chữ Hán, nên tôi chỉ có thể xem bộ tịch và nghe giọng hát. Tôi còn nhớ chị Ngọ người đẹp giọng hát rất hay, chị Xuân hát cũng rất hay nhưng mặt bị rỗ nên thường đóng các vai mặt có hóa trang (thời ấy vai mặt trắng kể cả kép, đào, lão, đều để nguyên mặt tự nhiên không hóa trang), ông Nhưng Mười chuyên đóng kép đỏ, có giọng hát rất vang, ông Tám Ngũ múa đại đao rất giỏi, ông Cửu Khi múa song phủ rất tài. Có mấy lớp tuồng gây ấn tượng cho tôi mạnh nhất khiến tôi còn nhớ đến bây giờ:

- Lớp mở đầu tuồng Thanh xà Bạch xà có hai con rắn to tướng xuất hiện một con rắn trắng một con rắn xanh (lốt rắn làm bằng vải, diễn viên chui vào) ra múa một lúc, xong, vào trong màn hậu bỏ lốt, hai nhân vật Bạch xà (do chị Ngọ đóng) Thanh xà (do chị Xuân đóng) xuất hiện xưng danh.

- Lớp “chắp râu” trong “Đào Phi Phụng”, Tám Ngũ đóng vai tượng Quan Công, Cai Tư đóng vai tượng Châu Xương. Lúc đầu, cả hai từ trong màn hậu ra, Quan Công tay không, Châu Xương cầm thanh long đao. Vai Quan Công ngồi xuống ngai thờ, vai Châu Xương cầm thanh long đao đứng hầu bên cạnh, im lặng trong nghiên, bất động y như hai pho tượng thật. Tiếng đàn nhị gây thêm không khí thiêng liêng, (hồi đó tôi không biết bài gì, sau này mới biết đó là bài “Xây thượng”). Hồi lâu, vai Quan Công từ từ đứng dậy, lấy thanh long đao, biểu diễn một bài võ đại đao. Biểu diễn xong, đưa thanh long đao trở lại vào tay tượng Châu Xương, rồi lại ngồi xuống ngai thờ, bất động. Với tài năng của Tám Ngũ và Cai Tư, lớp tuồng đã gây được không khí thiêng liêng, mà sau này được xem lại do các kép khác diễn, tôi không thấy cảm giác ấy.

Tôi cũng còn nhớ cảm giác khi xem lớp “Phàn Định Công đề cờ” (tuồng “Sơn hậu”) do ông Chánh ca Đựng đóng, thật hùng dũng bi tráng, không biết tả thế nào cho được. Chỉ biết sau này lớn lên, xem những kép khác đóng vai ấy, tôi thấy một trời một vực.

Tôi cũng được chứng kiến hai sự cố trong thời gian gánh diễn, có thể ghi vào giai thoại sân khấu được.

Sự cố thứ nhất là: đêm ấy, do gánh cho quảng cáo diễn vở “Trầm hương” tức “Trầm hương các” của Đào Tấn nên khán giả đến xem rất đông. Sắp sửa trình diễn thì chủ rạp đến ngăn lại không cho diễn “Trầm hương” với lý do vở ấy toàn là yêu quái hồ ly. Hai bên cãi nhau sắp xô xát thì cảnh sát đến can thiệp, đề nghị thay vở. Sau này tôi mới biết là vở “Trầm hương các” chỉ được diễn ở các đám hát đình chùa, không bao giờ các tư gia và các rạp tư nhân cho diễn vì sợ yêu quái lộng hành.

Sự cố thứ hai là: đêm ấy, diễn tuồng “Cổ thành”, Chánh ca Đựng đóng vai Hạ Hầu Đôn, Tám Ngũ đóng vai Quan Công. Vở tuồng được viết theo truyện Tam Quốc của Trung Quốc: giữa khi ba anh em Đào viên kết nghĩa Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi lưu lạc nhau, Tào Tháo mời Quan Công tạm lưu trở tại dinh cơ của hắn, hắn dụng ý mua chuộc Quan Công làm tướng của hắn. Quan Công có đặt vấn đề: Khi nào biết tin Lưu Bị, Trương Phi ở đâu ông ta sẽ ra đi. Tào Tháo đồng ý. Ít lâu sau Quan Công bắt được tin Trương Phi ở Cổ thành bèn đến tạ từ Tào Tháo để ra đi. Tào Tháo lánh mặt, không cấp giấy “thông hành”. Mặc kệ, Quan Công cứ phò nhị tẩu ra đi. Dọc đường trên đất Tào do không có “giấy thông hành” nên các tướng giữ ải không cho qua. Quan Công đành phải đánh nhau với các tướng của Tào Tháo, qua 5 ải Quan Công chém 6 tướng. Được tin, Tào Tháo hoảng hốt, sợ Quan Công chém luôn tướng ải thứ sáu là Hạ Hầu Đôn, nên sai Trương Liêu mang lệnh ra bảo Hạ Hầu Đôn phải mở ải cho Quan Công qua. Lệnh chưa đến kịp Hạ Hầu Đôn đóng cửa ải và đánh nhau với Quan Công. Trước khi diễn, Chánh ca Đựng và Tám Ngũ đều đã uống rượu nhiều, say. Do cả hai đều say nên cuộc giáp chiến diễn ra rất quyết liệt của hai võ sĩ tài cao, Chánh ca Đựng giỏi thương, Tám Ngũ giỏi đại đao, khán giả xem vỗ tay nhiệt liệt. Đến khi Trương Liêu ra truyền lệnh của Tào Tháo, Hạ Hầu Đôn (theo tuồng đáng lẽ phải tuân lệnh lưu chiến mở ải) đang say bất chấp lệnh của Trương Liêu, vừa đánh vừa nói: “Ở nhà dễ thua chưa”, đến nỗi ông Nhưng trong màn trướng mấy lần gõ xuống sàn gỗ (hiệu lệnh nhắc nhân vật vào) cũng mặc kệ. Và cuối cùng, phải hai người ra kéo Hạ Hầu Đôn Chánh ca Đựng vào.

Vài năm sau, tôi được xem tuồng “Trầm hương các” do gánh Chánh ca Đựng được làng tôi mời diễn phục vụ lễ Kỳ yên (cầu an). Ông Cai Tư đóng hồ ly, kép trẻ Ghình đóng Đắt Kỷ, ông Cai Tám đóng vai Trụ vương… Lớp diễn hồ ly xuất hiện (tiếng nhà nghề gọi là “hồ ly đi điềm”) do ông Cai Tư đóng thật đặc biệt hấp dẫn. Đây là lớp tuồng không có lời. Bằng động tác và vũ đạo, ông Cai Tư đã biểu hiện được một yêu ác độc và biến hóa. Đến lớp “hồ ly nhập vào Đắt Kỷ” sân khấu chuyển sang một sự hấp dẫn khác. Khi hồ ly thét một tiếng chụp lấy Đắt Kỷ thì lập tức toàn thân của Kép Ghình (16 tuổi) mềm như con bún, tha hồ cho hồ ly tung hứng, bê, tiếng, để biểu hiện quá trình được hồn hồ ly nhập vào xác Đắc Kỷ…

Cũng trong thời gian này, nhờ ngồi sát sân khấu, tôi nghe thuộc được câu hát Nam của Tiết Cương (tuồng Hộ sinh đàn) do Tám Ngũ đóng.

Nói lối

 

Bước Long sơn bao sá dặm ngàn

Nơi điểu tích ngõ toan lần lõi

 

Hát

Điểu tích ngõ toan lần lõi

Gẫm sự mình nhiều nỗi gay go

Hai vai chất chặt tang hồ

(Võ hậu! Tao nói thiệt)

Biển oan chưa lấp mật thù càng ngon

Tiếng dập dồn phong huyên nhạc hám

(họ họ) Giục vó lừa chỉ dặm Long sơn

 

Thấy tôi nghe thuộc được câu hát, cha tôi giảng cho tôi biết ý đồ của cụ Đào trong “Trầm hương các” và “Hộ sinh đàn”. Trong “Trầm hương các” với việc vua Trụ say mê nữ sắc, uống rượu sâm banh, Đắt Kỷ ăn cháo gà uống sữa bò, là Cụ Đào muốn ám chỉ ông vua nào đó của ta chứ không phải nói chuyện bên Tàu; còn tuồng “Hộ sinh đàn” là ám chỉ Trương Như Cương với Nguyễn Thân, hai tên quan Việt gian khét tiếng đương thời bằng các câu tuồng:

“Một thằng Cương đã nhức nhối thiên hạ…

Thằng Thân hạ mã”.

Năm 14 tuổi tôi học xong lớp nhứt, thi đỗ ri-me (pri-maire), gia đình tổ chức ăn mừng. Trong những ngày này (nghỉ hè để chuẩn bị vào đệ nhứt niên Cao đẳng tiểu học), cha tôi bắt đầu kể cho tôi nghe về chuyện của chính ông, chuyện các ông bên nội bên ngoại. Ông nhấn mạnh nhất vào chuyện của ông nội tôi hy sinh trong khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp và bài thơ của ông Đặng Xuân Thiều khóc ông nội tôi. Bài thơ ấy tôi học thuộc lòng từ thời ấy đến bây giờ.

Hè ấy làng tôi có nhà tổ chức hát bộ ăn mừng việc gì đó. Thời xưa, không chỉ có làng tổ chức hát bộ, mà các tư gia khấn vái việc gì đó khi thành đạt cũng thường tổ chức hát bộ cho dân xem tự do. Trong cuộc hát ấy, tôi được xem tuồng “Địch Thanh qua ải”. Về nhà, tôi hỏi cha tôi tại sao Địch Thanh lại nói “Gá duyên tạm với Trại Ba” trong khi vở tuồng diễn tả rất rõ tính chung thủy của chàng. Cha tôi giảng:

- Đó là ám hiệu của Cụ Tú Nhơn Ân (tác giả) nhắn những ai sau khi Tây Sơn thất bại, vì sinh kế phải đi làm quan cho triều Nguyễn bán nước. Con hãy nghe những câu hát của Địch Thanh lúc đi dạo huê viên nước Đơn (Địch Thanh là người nước Tống)

Liễu giương mày rước khách

Đào mở miệng chào người

Vườn Đông bướm lượn reo cười

Viện Bắc ong đua chớp cánh

(Đẹp cha chả là đẹp? Phong cảnh mỹ tú đó chứ nhưng mà phi ngô thổ)

Câu nầy nghĩa là: Phong cảnh đẹp thật, nhưng không phải đất nước của ta.

Cụ Tú đã mượn hoàn cảnh Địch Thanh đang ở nước Đơn để nói rằng đất nước ta không còn là của ta nữa do triều Nguyễn đã bán cho Tây, nên nếu có làm với họ để kiếm cơm phải luôn nhớ chữ “tạm”. Vì thế hiện nay trong giới quan lại người ta phân biệt hai loại, loại quan thường và loại “quan bầy tôi”.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Quan nào chẳng là bầy tôi, thưa cha?

- “Bầy tôi” nói lái ra là “bồi Tây” con hiểu chưa? Ông Án sát Kỳ Sơn cạnh làng mình là quan bầy tôi đấy. Do đó cha hết sức tránh giao du với ổng.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
CHA TÔI   (05/07/2006)
HỌ NỘI HỌ NGOẠI   (04/07/2006)
HỒI KÝ: ĐỜI TÔI VÀ NGHỆ THUẬT   (03/07/2006)
LỜI GIỚI THIỆU   (03/07/2006)