Qua cuộc quân cấp bắt thăm, do bắt phải ruộng xấu, kinh tế nhà tôi suy sụp hẳn. Cha mẹ tôi không còn đủ khả năng cho tôi và em trai tôi, nhỏ hơn tôi 7 tuổi, ở trọ ăn cơm tháng đi học. Cha mẹ tôi phải cầu cứu bên ngoại. Hai cậu ruột tôi đang học đệ tứ niên, bàn với cha tôi tìm một nơi ở nhờ tự túc nấu cơm ăn học. Cha tôi sực nghĩ đến chùa Long Khánh nằm ngay giữa thành phố. Hoà thượng trụ trì chùa là chỗ quen thân với cha tôi. Không ngờ ngôi chùa trông nguy nga như thế mà không có một phòng nào bỏ không cả. Hoà thượng chỉ cho cha tôi mái tranh che thêm phía sau chùa là chỗ để cho bổn đạo gởi quan tài, còn rộng. Không còn chỗ nào hơn, cha tôi và hai cậu tôi xin Hoà thượng cho ở nhờ chỗ mái ấy. Cha tôi về quê nói với một ông anh họ tôi người ốm yếu không thể làm nông được xuống lo cơm nước.
Thế là hình thành một bếp ăn tập thể do anh họ tôi quản lý. Lúc đầu thấy chái chùa dầy đặc quan tài tôi hơi sợ. Nhưng rồi không thể sợ được vì không còn chỗ kê giường, phải trải chiếu trên quan tài ngủ. Chỗ trống chỉ vừa kê một bàn to và mấy cái ghế để ngồi học, làm bài. Đặc biệt là phía sau này vườn chùa rất rộng trồng toàn xoài lâu năm toả bóng mát. Ngày chủ nhật chúng tôi xách ghế ra ngồi học dưới bóng xoài. Lúc đầu bếp tập thể chỉ có hai cậu tôi và hai anh em tôi. Sau, các học sinh nhà nghèo biết được xin đến ở chung, tất cả là chín người. Chùa vẫn ở trong thành phố nhưng cách các phố đông đúc nên không gian yên tĩnh rất tốt cho việc học hành. Tiếng đại hồng chung vang lên sớm chiều càng gây không khí trang nghiêm và như nhắc nhở giờ giấc cho chúng tôi. Thời kỳ này tôi đang học Cao đẳng tiểu học. Tôi giỏi Việt văn, khá Pháp văn, kém toán, lý hoá sinh trung bình. Đến đây tôi mới thấy rõ nền giáo dục đô hộ. Tiếng Việt, Việt văn, quốc hồn quốc tuý của dân tộc chỉ như một sinh ngữ. Số giờ rất ít đã đành lại hệ số một. Pháp văn đã là chủ ngữ, (các thầy dạy toán lý hoá sinh đều phải giảng bằng tiếng Pháp) lại thêm hệ số ba. Toán hệ số bốn, lý hoá sinh hệ số ba. Tuy giỏi Việt Văn nhưng do hệ số rất thấp của nó, cuối cùng tổng kết tôi chỉ là học sinh trung bình. Bấy giờ tôi mới thấm cái thân phận vong quốc mà cha tôi đã mớm cho tôi, thấy cái sâu sắc của chữ “tạm” và “phi ngô thổ” của Cụ Tú Nhơn Ân. Cũng trong những năm này cha tôi đọc cho tôi nghe bài thơ họa vận “Vịnh Tháp đôi” với tri phủ Hồ Sĩ Thản. Tâm lý vong quốc ở trong tôi nặng đến nỗi khi được đọc bài thơ của Hàn Mặc Tử do học sinh chuyền tay nhau (em ruột Hàn Mặc Tử cũng đang học cùng lớp với tôi):
Trăng nằm sóng soài bên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi …
Tôi không thích, đã viết tiếp mấy câu:
Thơ anh nghe đẹp tuyệt vời
Đọc lên tôi thấy rụng rời tâm can
Giữa khi đất nước điêu tàn
Làm trai sao nỡ mơ màng yêu đương…
Viết chơi để trong cặp chứ không đưa cho ai. Mấy năm học cũng bình thường nhưng tôi lại bị sốt rét tái phát phải nghỉ nhiều nên phải lưu ban năm thứ hai. Thời kỳ này một số chúng tôi tự tổ chức một nhóm văn nghệ trong Collège Quy Nhơn do Huỳnh Văn Cát đứng đầu. Trong nhóm có Huỳnh Văn Cát viôlông, Đào Địch viôlông, tôi ácmônica, Trần Văn Cây măngđôlin. Nhóm vừa ca hát bài Tây vừa chơi nhạc tài tử. Thời kỳ đầu bọn tôi không biết ký âm pháp, chỉ biết hò xự xang, nên Huỳnh Văn Cát đã dịch tất cả bài nhạc yêu thích thành hò xự xang. Tôi còn nhớ mấy câu của bài Sérénata:
Xán… liu ú công liu
Xàng xâng cộng ý u liu
Xê cống phán xang ỵ
Xang xê xự hò xự ỵ liu xê công xàng…
Trong những bài hát Tây thời đó, tôi thích nhất là bài Sérénata và còn nhớ đầy đủ đến bây giờ. Về nhạc tài tử tôi thích nhất bài “Dạ cổ hoài lang” với lời có những chỗ khác bài lưu truyền ở Nam Bộ hiện nay:
Từ ngày đưa phu tướng
Bảo kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Năm canh mơ màng
Trông luống trông tin chàng
Gan vàng quặn đau…
Tôi thích vì có một lưu truyền: ông Sáu Lầu là người trong hội Đông du, thác lời người thiếu phụ trông chồng để nói lòng mình trông người đang ở nước ngoài. Không hiểu thuyết ấy từ đâu mà có, trong khi sau này những nhà chuyên nghiên cứu cải lương không thấy ai nhắc đến.
Cũng trong thời kỳ này nhiều gánh cải lương ở Nam bộ ra diễn. Các gánh Văn hí ban, Cao long Ngã, Năm Châu, Phước Cương, Tân chinh… Mỗi gánh tôi được hai cậu dẫn đi mua vé xem một đêm, còn sau đó tôi toàn đi xem vào giờ “thả cửa”. Tất cả các gánh hát thời bấy giờ, hát bộ cũng như cải lương đều chỉ kiểm soát vé vào cửa đến khoảng 9 giờ tối, sau đó thả cửa ai muốn vào thì vào. Chính nhờ chủ trương thả cửa ấy mà tôi xem không sót gánh nào từ sau 9 giờ. Thời kỳ này cải lương đã thay bài chào khán giả “Hội ca cầm” bằng bài Ma-đờ-lông:
Đê đầu cầu xin
đồng công chúc quý quan khán tràng
Đê đầu cầu xin
cho cô bác bá niên bình an
Đê đầu cầu xin
chớ nề chấp dở hay lớp lang
Trong đêm nay diễn tấn tuồng
“Duyên kia lỡ làng”…
Ngày thì ve ngâm còn đêm trường nghe Đỗ Quyên
Vì nước non nên hồn Thục đế kêu vang
Khi tàn đông, xuân kề đến, hoa chào bướm…
Hồi đó, chưa có trình độ bình luận gì, tôi chỉ biết Phước Cương có Năm Phỉ Bảy Nhiêu ca rất hay. Tôi được xem đầy đủ vở “Xử án Bàng Quý Phi”. Năm Phỉ đóng Bàng Quý Phi, Bảy Nhiêu đóng Tống Nhơn Tông, tôi còn nhớ mấy câu thành văn của Tống Nhơn Tông khóc Bàng Quý Phi:
Đi xuôi một giấc
Chẳng trối đôi lời
Chạnh tủi cho người
Bặt hình dung từ đây
Gạt giọt sầu lơ lảng làm khuây
Bàng Phi em hỡi
Từ nay còn ai chầu chực long cung.
Tôi cũng còn thuộc mấy câu “Dạ cổ ai” trong vở “Mổ tim Tỷ Can” (Văn hí ban)
Đê đầu xin vọng bái
Sáng tạo khai cơ miếu đường
Thành Thang ơi! Tiên vương hỡi người
Có thấu chăng hỡi trời
Ngày nay ngửa nghiêng nước nhà
Còn chi là ruột rà lão phu
Tiên hoàng hiển linh xin chứng
Cho lão thần vô cớ thác oan…
Đối với gánh Năm Châu thì tôi thuộc mấy bài hát Tây theo điệu “J’ai deut amours” (vở “Khúc oan vô lượng”):
Rồi đây toà án
Theo phép công thi hành luật pháp
Bè bạn gì mi
Ai sát nhận tội về ta
Các gánh mỗi gánh một vẻ đều được công chúng Quy Nhơn tán thưởng. Song, gánh làm sôi nổi dư luận, mê hoặc khán giả là gánh “Tân Chinh” chuyên diễn “Tây du ký” với kỹ thuật phù phép biến hoá của vai Tôn Ngộ Không được diễn viên diễn rất hay. Tôi còn nhớ như in lớp Tôn Ngộ Không từ trong cánh gà, tay không ra, bỗng gặp Ngưu Ma Vương vác đại đao sấn tới, vai Tôn Ngộ Không khoa tay một cái lập tức trong tay có thiết bảng đồ đao. Tôi thừa biết là thiết bảng được nhân viên hậu đài từ cánh gà tung ra, nhưng tôi phải phục sự nhanh nhẹn, ăn khớp giữa diễn viên và hậu đài đến mức ta không nhận ra bằng mắt được.
Trong giai đoạn này (1930 - 1936) có mấy sự kiện về hát bộ. Đó là sự ra đời của hai gánh do chủ là nhà giàu kinh doanh: gánh Thông Cừu và gánh bà Bốn Chùi, và sự ra đời của phong trào tuồng tiểu thuyết do nhóm các nghệ nhân nổi tiếng: Quách Đán, Hoàng Chinh, Trần Long Trọng, đề xướng với vở diễn đầu tiên “Tái sinh kỳ ngộ” do Quách Đán viết dựa theo “Mạnh Lệ Quân”. Các gánh Thông Cừu, Bốn Chùi, ăn khách ở chỗ trang phục rất đẹp, và mỗi gánh cũng tranh thủ chiêu mộ một số đào kép giỏi, nhưng vẫn diễn vở cũ, phong cách cổ truyền.
Nhóm Quách Đán ra đời do động cơ tranh khách với cải lương có những điểm cải cách:
- Thúc tiết tấu vở diễn nhanh hơn.
- Bỏ bộ ta thay bộ Tàu
- Bỏ trống ta thay mõ Tàu
- Thay Nam ai cổ bằng Nam ai Xuân nữ có hơi hướng cải lương.
- Bỏ tuồng phò vua phục nghiệp thay bằng tuồng xã hội.
Tất cả những cải cách trên chỉ có hai điểm là chân chính:
1- Thúc tiết tấu
2- Diễn tuồng xã hội.
Còn các cải cách khác đều làm cho tuồng bị lai căng. Song hồi đó chưa ai biết và để ý nên kiểu tuồng tiểu thuyết rất ăn khách vì gần thị hiếu thẩm mỹ của quần chúng hơn.
Ở chùa, những khi làm bài, học bài xong, gặp lúc chùa có lễ cúng, tôi thường ra xem. Xem thường xuyên đến nỗi tôi thuộc một số làn điệu của nhà chùa như: tán lễ hiệu, tán rơi, bạch, xướng, thỉnh, tán cô lâu… nhờ đó mà sau này khi làm nghiên cứu mới biết làn điệu hát bộ chịu ảnh hưởng rất nhiều làn điệu nhà chùa. Chùa có mua đều hai tạp chí Phật giáo “Từ bi âm” và “Niết bàn”, tôi thường mượn đọc. Qua một thời gian tôi thấy thích “Niết bàn” hơn vì “Niết bàn” giảng giải sâu về triết học Phật giáo trong khi “Từ bi âm” thì nói nhiều về kinh kệ. Tôi thích nhất cách giải thích Tây du ký. Đọc Tây du ký, khi chưa có được giải thích của “Niết bàn”, tôi cứ ấm ức mãi một điều về Đường Tăng: Tại sao mỗi lần nghe lời Trư Bát Giới là mỗi lần mắc vào vòng yêu quái, thế mà Đường Tăng vẫn thích nghe Trư Bát Giới hơn Tôn Ngộ Không? Theo tạp chí “Niết bàn” (tôi quên mất tác giả) đời Đường ở Trung Quốc có nhà sư Trần Huyền Trang pháp danh Tam Tạng đi Tây Trúc thỉnh Kinh thật. Nhưng ở Tây du ký, tác giả Ngô Thừa Ân đã huyền thoại hoá chuyến đi ấy nhằm phát huy triết lý Phật giáo. Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng, con ngựa, không phải là năm nhân vật, mà chỉ là năm thành phần của con người được tượng trưng hoá:
- Đường tăng: tượng trưng cho lòng thành cầu đạo.
- Tôn Ngộ Không: tượng trưng cho trí tuệ.
- Trư Bát Giới: tượng trưng cho dục vọng.
- Sa Tăng: tượng trưng cho tính kiên trì nhẫn nại.
- Con ngựa: tượng trưng cho sự bền bỉ.
Dục vọng được hình tượng hoá thành con heo (Trư Bát Giới) thì hiểu được. Nhưng dựa vào đâu mà hình tượng hoá trí tuệ thành con khỉ? Dựa vào đặc tính của trí tuệ. Trí tuệ rất nhanh nhẹn, trong mọi con vật không con nào nhanh nhẹn bằng con khỉ. Trí tuệ rất biến hoá, cho nên Tôn Ngộ Không có bảy mươi hai phép huyền công. Một nháy mắt trí tuệ có thể nghĩ đến vạn dặm, cho nên Tôn Ngộ Không có phép “cân đẩu vân” một bước nhảy tới vạn dặm. Nhưng trí tuệ phải được lãnh đạo mới đi đúng hướng. Do thế, Tôn hành giả, khi chưa có Kim cô do Phật Quan Âm cài vào đầu, đã nổi loạn náo thiên cung, náo thuỷ cung…
Hiểu được cách viết tượng trưng và ngụ ngôn của tác giả, tôi hết ấm ức về việc Đường Tăng nghe lời Trừ Bát Giới hơn Tôn Ngộ Không, vì thông thường con người phàm tục thích nghe lời và hành động theo dục vọng hơn trí tuệ. Và đó cũng là bài học lớn cho “đạo làm người”. Trong đời sống, từ khi thấu ý nghĩa sâu sắc ấy của Tây du ký, tôi luôn luôn vận dụng lý trí để điều khiển dục vọng của mình, mặc dù không tụng Kinh niệm Phật.
Trong tập thể chúng tôi có mua tạp chí AJS (Ami de la jeunessel studieuse - nghĩa là: bạn của tuổi trẻ chăm học). Tôi cũng đọc thường xuyên, và tôi nhớ nhất trong tạp chí là hai bài thơ tản văn (poèmes en prose) của vua Duy Tân đang bị đày ở đảo Reunion viết bằng Pháp văn rất hay. Tạp chí cũng cho biết là nhà phê bình văn học Pháp J. Desthieus đã viết về thơ tản văn của Duy Tân như sau: “Những bài thơ tản văn của ông (Duy Tân) có thể ký tên Beaudelaire”. Tôi đã học thuộc lòng.
Nghỉ hè về, tôi khoe với cha tôi về hai bài ấy, cha tôi đã đọc cho tôi nghe mười bài thơ liên hoàn của Thượng tân thị thác lời vợ của Thành Thái khóc chồng con. Tôi còn nhớ được mấy câu hay nhất:
Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự
Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương
Quê người đành gởi thân trăm tuổi
Cuộc thế mong gì nợ bốn phương.
Qua mấy kỳ nghỉ hè tôi lần lữa theo học đàn nguyệt đàn Huế ở ông anh họ làm trợ giáo ở Phú Phong. Lúc đầu tôi học các bản Kim tiền, Bình bán, Hành vân, Lưu thuỷ, Tứ đại cảnh, Nam bình, Nam ai theo kiểu cũ. Hai năm sau anh ấy học được các bản Tứ đại cảnh, Nam bình, Nam ai mới ứng tác của ông Chánh nhạc Sửu ở Phú Phong rất hay, tôi cũng bỏ các bản cũ theo học các bản mới.
Cũng trong các kỳ nghỉ hè, làng có đám hát bộ, tôi đi xem hiểu được khá hơn, cha tôi cũng nhân tôi có trình độ Việt văn khá, giảng cho tôi hiểu về văn học hát bộ, nhất là của cụ Đào Tấn. Năm 1936, tôi cùng cả lớp đi Huế thi đỗ Cao đẳng tiểu học (tục gọi là “đíp-lôm”). Không có tiền ra Huế học tú tài, tôi đành ở nhà chờ tìm công việc làm ăn.
ĐI LÀM
Ở nhà được một năm, tôi được trường tư thục An Thái (huyện An Nhơn, giáp giới huyện Tuy Phước và cách làng tôi 15 km) nhắn mời lên dạy. Trường do thầy giáo Lê Bôn làm chủ và hiệu trưởng, gồm hai cấp: cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở. Tôi được phân công dạy lớp nhất (tương đương lớp năm hiện nay). Tôi và anh Lê Hóng, xa nhà, được bố trí ăn ở ngay trong nhà trường, mỗi người một phòng riêng. Nhà trường xây dựng theo hình chữ U, ban giám hiệu ở giữa, hai dãy hai bên là lớp học và phòng của giáo viên. Phòng của tôi và của anh Lê Hóng đối diện nhau.
An Thái là một làng nhưng có dáng vẻ một thị trấn nhỏ. Nơi đây nổi tiếng về nghề võ và nghề làm bún (miến) nhãn hiệu Song Thần nổi tiếng khắp tỉnh. Nghề võ thì mỗi thầy, mỗi phái, luôn giữ miếng bí truyền. Nghề làm bún Song Thần cũng vậy. Bún được chế biến bằng chất dẻo của bột đậu xanh (tỷ lệ chất dẻo trong bột đậu xanh rất ít, nhưng ngon và bổ hơn chất dẻo của bột dong, bột sắn). Các gia đình làm bún Song Thần cũng giữ bí truyền rất ghê. Mỗi khi chế biến, người ta mang vào trong phòng kín, và bí mật của cách chế biến chỉ dạy cho con trai, con dâu, chứ không dạy cho con gái. Lấy chất dẻo xong, bột đậu xanh còn lại được bán rất rẻ. Tôi và các giáo viên mua ăn thường xuyên. Vì không có quen ai ở An Thái, xong giờ dạy, tôi chỉ quanh quẩn trong trường không đi chơi đâu. Một hôm, ăn cơm chiều xong tôi mắc võng ngoài hiên phòng tôi, nằm đu đưa, hát bài Sérénata. Nghe tôi hát, anh Lê Hóng, cũng đang đu đưa trên võng bên hiên đối diện, cất tiếng hỏi:
- Khoán ơi, cậu hát Tây đấy à? Hát Tây dễ lắm, hát bội mới khó. Cậu có muốn biết hát bội, tôi dạy.
- Hát bội cũng dễ thôi?
Anh Lê Hóng ngồi dậy hỏi:
- Thế ra cậu cũng biết hát bội à? Cậu hát câu này mình nghe thử coi:
“Diêu sơn viễn hải thân như diệp”
(nghĩa là: qua non qua biển thân ta như chiếc lá)
Biết đấy là câu hát khách của nhân vật Quan Công trong tuồng Cổ Thành của Đào Tấn, tôi hát. Nghe tôi hát xong, anh Lê Hóng bảo:
- Cậu hát đúng điệu hát khách đấy. Nhưng mà hát như cậu là đàn bà hát chớ có phải Quan Công đâu? Cậu nghe mình hát đây.
Anh ấy mới hát có bốn chữ “Diêu sơn viễn hải…” thôi, mà tôi chợt nghe lạnh người từ xương sống đến gáy. Chỉ nghe bốn chữ mà tôi tưởng tượng thấy hiện ra tư thế Quan Công mà tôi đã từng xem kép nổi tiếng Tám Ngũ đóng. Trước đây tôi chỉ chú ý đến hình tượng không chú ý nghe hát. Cha tôi chỉ mới giảng cho tôi về phần kỹ thuật “tượng cảm xúc”, chưa nói đến kỹ thuật “tượng thanh”, “tượng hình”. Từ đấy tôi bắt đầu “sợ” hát bội.
An Thái là đất võ mà cũng là đất hát bội. Có điều lạ là các võ sĩ võ sư đều thành thạo hát bội, cũng như các kép hát bội giỏi đều giỏi võ. Tương truyền sau khi thắng Tây Sơn, Gia Long đổi tên phủ Quy Nhơn thành tỉnh Bình Định, và ra lệnh cấm truyền dạy thập bát ban võ nghệ (đao, thương, kiếm, kích…) chỉ cho dạy quyền. Để đối phó với lệnh cấm ấy và để giữ gìn vốn cổ truyền, nhà võ và nhà hát bội bàn nhau dạy đao thương kiếm kích trong nghề hát bội, viện lẽ: đào kép đóng vai sử dụng binh khí gì phải am thạo binh khí ấy. Chính vì thế mà hát bội Bình Định nổi tiếng về tuồng võ. Thời ở nhà, tôi đã nghe nói ông Tám Ngũ chuyên đóng vai Quan Công và Tiết Cương nên rất giỏi đại đao và độc phủ, ông Cửu Khi chuyên đóng vai Triệu Tư Cung rất giỏi song phủ…
Giỏi nhất về nghề võ và thâm thuý trong cầm chầu và bình luận hát bội, ở An Thái nổi tiếng ông Tàu Sáu. Gọi ông ấy là Tàu vì ông ấy là người Việt gốc Hoa. Tôi được nghe kể một số giai thoại về ông ta với kép hát:
Một hôm ông xem kép D.L. đóng vai “Phàn Định Công đề cờ”. Xong cuộc, ông gặp riêng D.L. khen và mời đến nhà ăn cơm. Giữa bữa cơm ông hỏi D.L:
- Tôi thiệt không ngờ chú vốn là tay kép xéo, chuyên các vai Lưu Khánh Mạnh Lương, mà chú lại đóng ông Phàn đề cờ được như vậy. Song, cũng còn một chỗ chưa được. Tôi hỏi chú, khi chú múa đề cờ là chú đề những chữ gì lên hai lá cờ vậy?
Kép D.L. thưa:
- Thưa chú, đề thì cứ đề vậy thôi, cháu có biết chữ gì đâu.
Ông Tàu Sáu ôn tồn nói:
- Ông Phàn đề trên hai lá cờ có bốn chữ “Thuận Thiên Phục quốc” vậy mà tôi thấy chú múa đề cờ tới hai chục chữ.
Kép D.L. ngạc nhiên hỏi lại:
- Bốn chữ đó ở đâu vậy chú?
- Trong lời nói lối của ông Phàn
“Nhứt kỳ đề chữ Thuận thiên
“Nhị kỳ ghi câu phục quốc”
Chú cũng có nói đấy, chú không nhớ sao?
Kép D.L. gãi tai thưa:
- Dạ bởi vì vai ấy cháu học lỏm không có thầy.
- Học lỏm mà đóng được như vậy cũng đã giỏi.
Có một lần ông Tàu Sáu xem diễn lớp tuồng “Đổng mẫu thượng thành” (tuồng Sơn hậu III) lớp tuồng kể về đoạn Đổng Kim Lân sau khi qua đèo đến được Sơn Hậu họp cùng Phàn Diệm. Phàn Diệm giao quân của ải quan cho Đổng Kim Lân cử binh về đánh bọn Tạ. Binh của Đổng Kim Lân lần này tướng tài quân đông đánh luôn một mạch đến tận thành của bọn Tạ tặc. Chưa kịp đối phó, Tạ Ôn Đình ra lệnh đóng chặt cửa thành cố thủ. Sau, chúng nghĩ ra kế bắt Đổng mẫu, mẹ của Đổng Kim Lân treo trên thành chuẩn bị nổi lửa đốt, bảo Đổng Kim Lân phải đầu hàng. Mấy câu nói lối của Đổng Kim Lân như sau:
“Mặt nhìn tường tận
“Chân lạc mã yên
“Kham tường ngọc luỵ lưu liên
“Bất giác kim yên đảo ha”.
Anh kép đóng vai Đổng Kim Lân (tôi quên mất tên) nói lối xong, làm động tác buông dây cương ngã ngựa… Anh ta vừa nghiêng mình, ông Tàu Sáu tay đánh chầu, miệng nhắc:
- Không đọa mã! Không đọa mã! Nắm chắc lại dây cương lên ngựa!
Anh kép làm theo, nhưng xong cuộc, anh đến gặp ông Tàu Sáu hỏi:
- Thưa chú, chú dạy con làm theo, nhưng con thấy câu lối “Kim yên đảo hạ”, và vai diễn cũng đọa mã cả.
Ông Tàu Sáu ôn tồn nói:
- Diễn đọa mã là vì thất truyền đó thôi, chú nhớ “bất giác” nghĩa là chỉ trong giây phút rồi kịp nghĩ lại, lấy lại thế. Chú nên biết trong nghề võ anh tướng buông cương ngã ngựa là anh bại tướng. Tướng mà ngã ngựa thì binh sĩ rối loạn hết. Ở đây Đổng Kim Lân không phải bại tướng mà là trí tướng. Chẳng qua vì quá thương mẹ và cũng không ngờ chúng tìm bắt được mẹ mình nên khi trực nhìn bỗng hoảng hốt giây phút, rồi lại lên ngựa nhìn thẳng vào lũ Tạ tặc.
Một lần, ông Tàu Sáu hỏi chơi một kép chuyên đóng vai Khương Linh Tá , sau khi xem anh ta diễn lớp “Ôn Đình chém Tá”:
- Tôi đố chú, tại sao Linh Tá bị Ôn Đình chém đứt đầu?
- Dạ vì Linh Tá một người một ngựa mà Ôn Đình đông binh đông tướng, Linh Tá cố sức cản cự để cho Kim Lân chạy.
- Chú có học võ không?
- Dạ có.
- Vậy chú đã học đến thế hồi mã thương chưa?
- Dạ chưa.
- Hèn gì! Chú học nghề bị thất truyền mà học võ lại chưa tới cho nên lớp tuồng vừa rồi các chú diễn ước chừng. Đây, chú nghe tôi nói đây: Linh Tá đuối sức cũng có. Nhưng nếu chỉ đuối sức thì Ôn Đình dùng thương đâm cũng chết, cần gì dùng dao. Cái chính là thế này: Tạ Ôn Đình tay cầm thương lưng dắt dao là vì hắn có thế võ bí truyền “thoái thương lạc mã phản đao”. Nóng lòng hạ Linh Tá để đuổi theo Kim Lân, Ôn Đình trá bại để dùng ngón bí truyền, Linh Tá thấy hắn thoái thương tưởng lầm là hắn dùng thế hồi mã thương nên đã đối phó theo cách hồi mã thương. Không ngờ cách đối phó ấy lại vào đúng tầm đao của Ôn Đình nên bị hắn chém đứt đầu.
Nghĩ rằng ông ta giỏi võ nên suy tính theo kiểu nhà võ, anh kép hỏi:
- Thưa chú, cái đó ở đâu nói ạ.
- Trong tuồng chớ đâu! Chú đã xem Sơn hậu III, lớp thằng Nhược xức thuốc cho Tạ Ôn Đình chưa?
Suy nghĩ một lúc anh kép nói:
- Dạ có. À, thằng Nhược hỏi Ôn Đình: Chớ ngón nghề đâu yên không dở ra để cho thằng nhỏ Phàn Diệm chém sả vai làm vậy, Ôn Đình đáp: Có chớ, tao đang thoái thương lạc mã đặng mà tao phản đao, không ngờ thằng nhỏ lại trị được thế võ của tao… á! Cháu hiểu rồi! Chú là người cầm chầu mà chú thuộc tuồng sâu hơn bọn cháu.
- Phàn Diệm kép con mà chém được Ôn Đình là vì được cha truyền cho thế võ trị thế của Ôn Đình.
- Cháu hiểu rồi.
Cũng ở An Thái tôi được xem chị Thu đóng vai Lan Anh hát sắp Nam xuân luỵ rất sâu. Cũng ở An Thái, ngoài anh Lê Hóng, các bạn giáo viên mê hát bội đã kể tôi nghe về cách xử lý của các đào kép khác nhau về một mảnh tuồng hay một câu hát “thầy bà” của một vai. Tôi cũng được nghe chị Thu An hát Nam pha do chính chị ấy sáng tạo với kiểu “láy sa hầm” rất muồi, ít buồn hơn Nam ai.
Đang dạy suôn sẻ, bỗng một hôm tôi được thư của cậu tôi đang làm việc ở Huế, báo cho tôi biết đã xin cho tôi một chỗ làm gia sư để vừa dạy kèm ban đêm, học tú tài ban ngày. Tôi vội thu xếp về nhà rồi ra Huế.
|