Ra Huế tôi được đưa tới nhà quan đề đốc họ Phạm, người Mộ Đức (Quảng Ngãi), nhà có năm con. Người con cả đã ra làm việc, bạn với cậu tôi, con trai thứ nhì đang học cao đẳng tiểu học, tôi không phải kèm. Tôi chỉ kèm ba người: con trai thứ ba, con gái thứ tư và con trai thứ năm, đều đang học tiểu học và trung học cơ sở. Ở đấy tôi được ăn ở miễn phí, còn tiền tiêu hàng tháng thì cậu tôi cho. Cụ ông cụ bà đề đốc tính hiền lành, tác phong bình dân, không quan dạng. Các con cũng được giáo dục theo tác phong bình thường không ai ra vẻ cậu ấm, cô chiêu cả. Điều kiện khách quan ấy giúp tôi sớm hoà hợp vào gia đình như anh em một nhà. Tôi nạp đơn vào học trường tú tài tư thục Phú Xuân vì đã lỡ ngày thi vào trường công Khải Định. Nhà thì ở trong thành, trường thì ở bên kia sông Hương, khu vực hành chính bảo hộ, khoảng cách độ 3km, chỉ toàn đi bộ. Thời ấy học sinh sinh viên chưa biết đến xe đạp. Thời tiết Huế mùa mưa thật là khó chịu, mưa luôn cả tháng không ngớt. Tôi cũng chưa biết đến áo mưa kiểu Tây, chỉ biết có áo tơi lá. Áo tơi lá của Huế tốt nhất cả nước. Trời mưa tôi mang áo tơi lá kín cả người, cầm dù, cứ lững thững đi từ nhà đến trường, chỉ ướt có đôi chân và đôi guốc.
Sau mấy tháng vừa dạy kèm vừa đi học, tôi tỉnh ra một thực tế: Không thể nào thực hiện tốt song song cả hai nhiệm vụ được vì số phải kèm tới ba học sinh. Để giữ danh dự, tôi tự bảo: phải dạy kèm cho thật tốt, và phải hy sinh việc học. Tôi vẫn đi học đều, nhưng tôi phải chịu kém những môn vốn đã kém: toán lý hoá, gắng sức giữ học tốt môn Việt và Pháp văn. Suốt cả năm thứ nhất, tôi học trường Phú Xuân, sang năm thứ hai tôi chuyển sang trường Hồ Đắc Hàn vì ở đấy có thầy Cao Xuân Huy dạy Văn nổi tiếng. Tôi đã xác định học chứ không thi tốt nghiệp, vì có thi cũng lệch yếu do hỏng về môn tự nhiên. Với lại đối việc học của tôi, cha tôi đã từng dặn ráng học vì hiểu biết chứ không phải vì tấm bằng cấp.
Hai năm ở Huế, tôi còn giữ mấy kỷ niệm sâu sắc:
- Kỷ niệm tốt về gia đình cụ đề đốc không bao giờ quên.
- Bài thơ tôi làm khi được thằng bạn rủ góp tiền đi chơi đò sông Hương. Tiền hai đứa góp chỉ đủ thuê chiếc đò chèo dọc sông Hương nhân đêm trăng, không có đàn hát gì cả.
Chơi thuyền sông Hương
Bạn cùng tôi chơi đò sông Hương
Không đàn không hát chỉ ngồi suông
Dòng sông mở nhẹ đôi tà áo
Đón mũi thuyền ra dưới rặng dương
Hỏi sông: Sông có tự bao giờ
Trôi giữa kinh thành một suối mơ
Đôi bờ tơ liễu buông mành lụa
Đón sợi trăng ngà dệt ý thơ
Nhìn Phú Văn Lâu nép bóng cầu
Nỗi niềm ưu quốc quặn lòng đau
Mái chèo trở nhẹ sông cau mặt
Như cảm cùng ta một mối sầu
Muốn hỏi sông Hương đến thuở nào
Bầu trời ta sạch bóng diều hâu
Để khi nhìn xuống dòng trong vắt
Chỉ thấy trời xanh biếc một mầu
Một hôm, chủ nhật tôi đến chơi nhà thằng bạn học cũng ở trong thành. Vừa bước vào tôi thấy cây đàn nguyệt treo trên vách. Tôi hỏi:
- Cậu chơi đàn nguyệt à?
Nó bảo:
- Đâu có. Đàn từ đời nào treo đấy, có ai chơi đâu.
Tôi bèn lấy cây đàn xuống, so dây, đánh bản Tứ đại cảnh. Tôi đang đánh ngon lành, bỗng chị nó đi chợ về. Nó giới thiệu, tôi chào rồi vẫn đánh tiếp. Bà chị vào nhà sau cất rổ chợ, trở ra ngồi chăm chú nghe tôi đàn. Tôi chơi dứt bản, chị nói:
- Bản Tứ đại cảnh của chú hay quá, ở đây chúng tôi chưa có bản ấy. Mà hình như chú không phải người Huế?
Tôi thưa tôi là người Bình Định và bản Tứ đại cảnh vừa rồi là một trong ba bản Tứ đại cảnh, Nam bình, Nam ai do ông Chánh nhạc Sửu ở Phú Phong sáng tạo, mà tôi chỉ mới học được bản Tứ đại cảnh thì phải ra Huế. Các bản Nam bình, Nam ai tôi chơi theo bản cũ.
Lời nhận xét của bà chị Khiển thật bất ngờ. Hoá ra người Bình Định cũng như các nơi khác, chơi đàn Huế, dù điêu luyện đến đâu cũng “không Huế” bằng người Huế, có lẽ do giọng nói của vùng mình nó nhập vào ngón nhấn một cách hữu cơ?
Sau hai năm ở Huế như một cuộc dạo chơi, tôi trở về nhà. Lúc này cha tôi bàn việc tìm việc làm một cách nghiêm túc. Hy vọng với mảnh bằng kế toán kép và đánh máy chữ xin làm các hãng tư nhân (nộp đơn đã một năm) tắt ngấm. Chỉ còn một con đường là làm việc nhà nước. Lúc ấy đang có hai nhà nước: nhà nước bảo hộ Pháp và nhà nước Nam triều. Nam triều thì chỉ có con đường thừa phái. Bảo hộ thì rộng rãi hơn: toà sứ, thương chánh, đường sắt, bưu điện. Cha tôi bàn nên thi bên bảo hộ, vì chỉ nô lệ một lần chứ thi vào Nam triều thì phải hai lần nô lệ. Cân nhắc bên bảo hộ: bở nhất là thương chánh toà sứ nhưng phải hối lộ. Đường sắt và bưu điện, không có bổng lộc gì, không ai tranh nên khỏi phải hối lộ. Nhưng giữa đường sắt và bưu điện thì lương thư ký bên bưu điện cao hơn. Thế là tôi nộp đơn thi vào thư ký bưu điện, vì tôi chỉ có mảnh bằng đíp-lôm. Nếu tôi có bằng tú tài thì được thi vào ngạch kiểm soát viên. Bây giờ tôi mới thấm thía việc tôi đã không cố lấy bằng tú tài. Nhưng rồi nhớ đến hoàn cảnh không cách nào khác, tôi đành tự bằng lòng vậy. Tôi nạp đơn thi bưu điện. Thi đỗ, tôi được gọi ra Hà Nội tu nghiệp ba năm. Được học tu nghiệp tôi mới biết là ngành bưu điện có hệ thống toàn Đông dương (cả Lào, Campuchia) và nó là một ngành dịch vụ chứ không phải cai trị. Các giảng viên người Pháp luôn nhắc nhở vấn đế ấy: “nhân dân người đến với chúng ta, cần chúng ta, là khách hàng của chúng ta chứ không phải là dân”. Cơ chế hành chính nghiệp vụ của bưu điện có một điều tôi rất thích: cấp trên tuyệt đối không được la mắng cấp dưới. Khi thấy cấp dưới có lỗi thì ghi ngay một biên bản về vấn đề đưa cho nhân viên để nhân viên trả lời bằng văn bản. Nếu thấy nội dung trả lời của nhân viên là hợp lý, thì biên bản được huỷ bỏ. Nếu nhân viên trả lời không thoả đáng về lỗi của mình, thì cấp trên, thủ trưởng ghi mức kỷ luật vào biên bản. Nhân viên nếu thấy oan ức thì có thể làm đơn kháng cáo lên vượt cấp.
Học xong, tất cả đều được cho về nhà chờ bổ nhiệm. Trong thời gian chờ bổ nhiệm, tôi lo việc lập gia đình. Mấy năm đi đây đó, nhất là ở Huế, ở Hà Nội, tôi có quen nhiều cô gái, song tôi chỉ giữ tình bạn. Tôi đã xác định không yêu đương, vì ngại đến khi cha mẹ trái ý thì phiền hà. Tôi cứ để cha mẹ lo theo con đường cũ. Cũng may, có một ông cậu ở Phú Yên giới thiệu với cha mẹ một gia đình gia giáo, đức độ, có người con gái hiền lành, xinh đẹp. Cậu tôi đưa tôi vào Phú Yên xem mặt, cả hai bên, hai gia đình đồng ý. Tổ chức lễ cưới xong, được công văn bổ nhiệm vào Sài Gòn. Tôi cùng vợ thu xếp ra đi.
|