Mịch Quang - nhà nghiên cứu và tác gia sân khấu xuất sắc (2)
Mịch Quang có một điểm hết sức đáng quí là luôn quan tâm tới lớp cán bộ trẻ nghiên cứu sân khấu. Đã không ít buổi ông đã dành thời gian trình bày, trò chuyện với họ tại Viện Sân khấu về phương pháp, kinh nghiệm nghiên cứu sân khấu nói chung, đặc biệt là về sân khấu dân tộc. Với những cán bộ ham học hỏi, ông lại càng không nề hà tuổi cao, sức yếu, đã chỉ bảo tận tình. Với kiến thức uyên thâm nhiều mặt, sự từng trải và vững vàng, ông không chỉ trao lại cho một số cán bộ trẻ của Viện sân khấu kiến thức mà cả tình yêu, tâm huyết bền chặt đối với nghệ thuật dân tộc.
Ông thường tâm sự với những người đồng nghiệp, nhất là cán bộ nghiên cứu trẻ: “Các bạn học ở Châu Âu về, vốn thực tiễn truyền thống chỉ như cưỡi ngựa xem hoa nên càng phải cố gắng hơn để nắm bắt cho được vốn nghệ thuật dân tộc, để từ đó viết nên công trình. Không có công trình thì không thể nào xưng tài, xưng tướng được. Tôi biết có vài bạn nghiên cứu không có công trình, nhưng ngồi đâu cũng chê bai công trình của người khác, liệu những chê ở quán trà, quán bia ấy có được ghi lại để báo cáo công trình không? Kinh nghiệm của tôi, là tìm mọi cách để học, để tích lũy và phát hiện vấn đề mới, khi tìm ra được vấn đề mới, gặp bạn bè rất dễ hứng thú, khoe khoang, nhưng khi viết, hoặc trong cuộc họp, tôi luôn tự nhắc mình phải hết sức khiêm tốn và dè dặt. Tôi luôn cố tìm nhận cho được những nhược điểm, những mặt yếu kém của mình để mà tự điều chỉnh, tự khắc phục. Bởi nghiên cứu là công việc vô cùng khó khăn, gian khổ, đòi hỏi phải có tài năng, phải khiêm tốn, phải ham học và phải lao động hết mình mới may ra có kết quả chút ít. Chả thế mà không ít người có học hàm học vị, nhưng lại không có công trình, đó là một bi kịch!
Chắc các bạn đều biết ở đời, muốn đắc dụng, không chỉ phải có tài mà còn phải có đức, đức là hàng đầu, như Bác Hồ đã nói. Tôi viết kịch thơ “Vua Hùng kén rể” năm xưa và tuồng “Vua Hùng kén rể” vừa rồi là với chủ đề đức - tài để nói với đời là sống phải có đức. Dù cho tài năng xuất chúng mà không có đức thì xã hội cũng không công nhận. Cho nên, anh em ta, kể cả tôi, tài cán không bao nhiêu thì, càng phải lo trau dồi cái đức. Phải khiêm tốn, phải học tập và lao động công phu, phải chịu thương, chịu khó, học thầy, học bạn, không ăn cháo đá bát, không làm cây tầm gửi của cơ quan mình sống, phải biết đạo lý dân gian “ăn cây nào rào cây ấy”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Theo tôi, Viện sân khấu nơi tôi đang làm cố vấn, có nhiều mặt công tác như sưu tầm, nghiên cứu lý luận, lý luận phê bình, và thể nghiệm v.v… ai thạo cái gì hãy dấn thân vào cái ấy, đừng bắt cá nhiều tay, đừng đứng núi này trông núi nọ, thấy công tác sưu tầm âm thầm quá, muốn xưng là nghiên cứu lý luận cho oai, nhưng thực tế lại không có khả năng nghiên cứu lý luận. Ngược lại, có những người như tôi, nghiên cứu lý luận thì hăng, nhưng sưu tầm thì kém, nên tôi rất tôn trọng những người chuyên công tác sưu tầm tư liệu. Có những người lúc nào cũng tự cho mình là đa tài (sáng tác và nghiên cứu) nên cuối cùng không có gì thành đạt cả. Đất nước đang mở cửa, đang hội nhập, đòi hỏi chúng ta phải có kiến thức mới, phải có trình độ cao để tiếp thu cái tiến bộ và loại bỏ cái lạc hậu, nhất là phải nắm vững đặc trưng bản sắc sân khấu dân tộc, nếu không sẽ rất khó trong quá trình giao lưu, đối tác với mọi luồng văn hóa rất đa dạng và phức tạp của thế giới hôm nay”.
Chắc bạn đọc cũng dễ thông cảm mấy lời tâm sự trên đây của một người già làm nghiên cứu chỉ mong cho các bạn trẻ đồng nghiệp làm tốt hơn, có hiệu quả hơn trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện tốt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh. Dĩ nhiên trong con người tài hoa này cũng có một số nhược điểm, cái đã làm cho ông chịu thiệt thòi không nhỏ trong đời sống riêng của mình, mà mãi đến cuối đời, ông mới rút ra thành bài học. Ông nói “Chớ nên viện cớ cá tính để bao che những chỗ kém về đạo đức, về nhân cách, về nghề nghiệp của mình. Tôi tự nhận thấy nình có hai nhược điểm mà phải luôn luôn lưu ý khắc phục. Nhược điểm thứ nhất là không đồng tình với ai điều gì trong học thuật và phát biểu ngay (tuy thường là phát biểu đúng) nhưng thái độ có hơi thẳng thắn, bốp chát. Những năm còn ở Ban nghiên cứu sân khấu tôi tự cho cách sống như thế là thẳng thắn, là đúng. Nhưng đến khi vị lương y xem mạch bảo tôi là gan bị nóng mà triệu chứng sinh hoạt là nóng nảy, bốp chát … Bác sĩ cho biết tính bốp chát là triệu chứng của suy nhược thần kinh và cũng là một nhược điểm về tính cách cần khắc phục. Từ đó, tôi mới thấy được chỗ hở của mình và tôi ân hận mãi việc bốp chát với GS Hoàng Châu Ký trong hội thảo về vở tuồng “Cổ thành” của Đào Tấn và bốp chát với nghệ sĩ Chánh Ca Chạng về vai Lưu Khánh trong tuồng “Ngũ hổ”. Anh Hoàng Châu Ký thì không để bụng, nhưng ông Chánh Ca Chạng thì tự ái đã bỏ không dạy nghề cho diễn viên trẻ một thời gian dài. Trong những bài tiểu luận nghiên cứu của tôi, tính “bốp chát” thể hiện ở giọng văn bút chiến. GSTS Nguyễn Thuyết Phong cũng đã có lần nói với tôi qua đọc những bài cũ của tôi: “Bài viết của bác rất Polemique”. Hiện nay, tôi vẫn đang cố khắc phục những nhược điểm đó, dĩ nhiên phải kiên trì. Cho nên, bài viết ban đầu nào của tôi, sau khi đọc lại, tôi đều phải viết lại lần thứ hai, có khi lần thứ ba, để loại bỏ giọng văn “bốp chát” không cần thiết…”. Thật là đáng quý ở lời tâm sự của một lão tướng tuồng, một nhà nghiên cứu uyên thâm và kiên định. Chính vì thế mà gần đây Mịch Quang ít viết kịch bản, nhưng lại thấy xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu, vì bản chất ông say nghiên cứu hơn sáng tác. Hoặc có thể nói nghiên cứu là cánh tay phải của ông, càng về cuối đời càng rắn chắc và có hiệu quả cao.
Được công tác ở Viện Sân khấu từ những ngày đầu và được quen biết ông từ những năm đầu mới tập kết ra Bắc, tôi đã xem hầu hết những vở tuồng của Mịch Quang và tôi cũng đã đọc gần ngót 60 công trình của Mịch Quang (sách và tiểu luận đăng các tạp chí), thậm chí có tiểu luận tôi nhắc đến, ông mới chợt nhớ ra, vì ông viết nhiều và nhiều nơi in nên không nhớ hết. Tôi thấy ông có những đặc điểm nổi bậc:
- Luôn vận dụng phương pháp luận duy vật biện chứng trong nghiên cứu.
- Luôn nhắc đi nhắc lại các phương châm độc lập, tự chủ của Đảng, của Bác Hồ trong suy nghĩ và sáng tạo, như: “Đừng đểû những tiêu chuẩn này nọ của nghệ thuật phương Tây trói buộc, khiến ta không thấy hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta” hoặc “Tuồng cần phải cải tiến, nhưng đừng gieo vừng ra ngô”. Và lời dặn của nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Phải làm chủ cho được vốn nghệ thuật dân tộc, rồi trên cơ sở đó, tiến hành từng bước làm chủ những tinh hoa nghệ thuật phương Tây” Mịch Quang ghi tâm khắc cốt những câu nói bất hủ đó.
Có lẽ chính nhờ những điều tâm niệm ấy mà Mịch Quang không lúc nào đi chệch hướng suốt chặng đường dài kế thừa, phát triển tinh hoa dân tộc và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật thế giới trong lý luận phê bình cũng như trong sáng tác hơn nữa thế kỷ qua.
Những phát hiện, khám phá do sự kiên trì và công phu nghiên cứu của Mịch Quang đều được các nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc có uy tín như GS Trần Bảng, GS Hà Văn Cầu, Gs Hoàng Châu Ký, PGS Tất Thắng, GS Hồ Sĩ Vịnh, GSTS Nguyễn Thuyết Phong, GSTS Trần Văn Khê… tâm đắc vận dụng và phát triển. Trò chuyện về khám phá liên tục suốt 40 năm của ông, lão tướng Mịch Quang nói:
- “Mọi khám phá khoa học tuy là bắt đầu từ cá nhân, nhưng đều là thành tựu chung, của tập thể, vì khám phá có được tập thể công nhận và vận dụng thì mới có giá trị. Tự mình khám phá, tự mình vỗ tay reo thì chẳng có giá trị gì, nếu có giá trị thì cũng phiến diện. Ví dụ: Vấn đề mô hình, lúc đầu tôi chỉ đề cập đến làn điệu, anh Trần Bảng tâm đắc vận dụng sang cả nhân vật, rồi tôi lại tiếp thu sự bổ sung của anh Trần Bảng…
Năm 1997, nhà nghiên cứu và soạn giả Mịch Quang tròn 80 tuổi. Ông cho biết theo dự định thì đáng ra ông đã bắt tay viết hồi ký nhưng vì còn mãi lao vào cuộc bảo vệ bản sắc dân tộc trong nghệ thuật thông qua nghiên cứu lý luận, muốn cởi dây trói của những tiêu chuẩn học thuật phương Tây, thì phải chứng minh khoa học cho được giá trị triết, mỹ học của những đặc trưng nghệ thuật dân tộc. Chính vì nghĩ như thế nên ông lao vào một công trình khá hốc búa “Kinh Dịch và nghệ thuật truyền thống” từ luận điểm của Ăng-ghen: “Các nhà bác học muốn làm gì thì làm, họ vẫn bị triết học thống trị”. Ông không tìm hiểu ở Kinh Dịch phép bói toán hay đạo người quân tử, mà tìm ở đấy quan niệm về cấu trúc vũ trụ, nhân sinh, nhằm soi rọi cho cấu trúc nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Tiểu luận “Cấu trúc động…” được dịch đăng trên Tạp chí Nhạc Việt ở Mỹ là một bước thăm dò thành công của ông, khuyến khích ông lao vào hoàn thành công trình “Kinh Dịch và nghệ thuật truyền thống” mà ông cho là bước quá độ cần thiết để tiến tới tổng kết mỹ học, nghệ thuật học của nghệ thuật dân tộc, tạo điều kiện cởi trói những tiêu chuẩn phương Tây, bảo vệ đầy đủ bản sắc dân tộc trong sự phát triển nghệ thuật cổ truyền. Năm 2003, 86 tuổi, Mịch Quang lại dừng việc viết hồi ký để tiếp tục công việc ấy với công trình “Khơi nguồn mỹ học dân tộc” như chính ông dự định. Chắc chắn sự chịu thương, chịu khó của ông đã đưa đến nhiều thành tựu dù chỉ bước đầu, tạo điều kiện cho sự “hợp tác xã hội chủ nghĩa” xây dựng lý thuyết có hệ thống cho nghệ thuật dân tộc nói chung và sân khấu dân tộc nói riêng. Năm nay, đã 88 tuổi nhưng ông vẫn không lo già. Thế, ông lo gì? Xin giới thiệu bài thơ tự thuật của ông năm 80 tuổi:
Hưu nghề công chức, chuyên nghề viết
Chút thú điền viên chửa nếm qua
Năm chục năm dư không biết mỏi
Tám mươi tuổi trọn chẳng lo già
Lo phai hồn Việt bao dàn nhạc
Lo đậm mầu Âu những giọng ca
Lo quá! Mai đây trong hội nhập
Mất ta, do sùng ngoại sa đà.
Xuất sắc trong nghiên cứu, Mịch Quang cũng có những đóng góp quan trọng trong tư cách tác giả với nhiều vở tuồng đặc sắc trong suốt 50 năm qua.
Nói về sáng tác, có lẽ rất ít ai biết Mịch Quang đã từng làm thơ, viết tùy bút, truyện ngắn đã in chung trong 2 tập “Nón che nghiêng” và “Đây miền Trung” của Nhà xuất bản Lao động. Về sáng tác tuồng, thì vở mở đầu của ông là thời còn trong thường vụ phân hội văn nghệ Bình Định: vở “Đường về Lam Sơn”. Vở ấy, theo ông kể, chỉ nhằm góp phần đáp ứng tình hình khôi phục nghệ thuật tuồng lúc bấy giờ mà thôi, đồng thời cũng là bài tập viết tuồng đầu tay của ông, chưa có sáng tạo gì đáng để ý. Song, phải nói là nhờ có bài tập đầu tay ấy mà ông đã viết thành công vở “Má Tám”, mở đầu cho tuồng đề tài cách mạng ở đoàn tuồng Bắc Trung ương sau này. Vở đã được giải A trong Liên hoan sân khấu toàn quốc năm 1970.
Như tôi đã trình bày ở phần trên, Mịch Quang không sáng tác vì sáng tác, mà sáng tác vì nghiên cứu lý luận, tức là sáng tác để phục vụ nghiên cứu và nghiên cứu để phục vụ sáng tác. Không vở nào của ông không có ý đồ thử nghiệm. Trong vở “Má Tám”, (Đình Phong đạo diễn) ông cố tìm những tình huống và vận dụng ngôn ngữ văn học thế nào cho diễn viên có thể dễ dàng vận dụng các mô hình cũ trong tuồng cổ để diễn đề tài hiện đại. Tiếp sau “Má Tám”, ông viết thử nghiệm vở “Hộp truyền đơn” dựa theo truyện ngắn của nhà văn Phan Tứ. Trong vở này, tác giả thử kích thích diễn viên thoát mô hình cũ về bộ, khi xử lý động tác câm (nhân vật Út chui vào đám mía, moi đất, chôn giấu hộp truyền đơn). Vở đã được hai học sinh tuồng bấy giờ là Quang Hạnh và Kim Thu diễn và đạo diễn Đình Phong dựng khá thành công, với hình thức hài kịch. Tôi nhớ, những đêm diễn vở “Hộp truyền đơn” ở rạp Hồng Hà, người xem rất thích thú, nhưng sau đó là những cuộc tranh luận sôi nổi. Có nhiều ý kiến phê bình vở tuồng hiện đại này là “kịch tuồng”. Nhưng tác giả lại nói: Khi đang sáng tác, ông luôn luôn giữ được tư duy nghiên cứu và giữ được đặc trưng tuồng. Ông kể, khi chứng kiến NSND Minh Đức diễn vai Chị Ngộ hát nguyên xi điệu Nam ai cổ, không cải biên nhưng rất thành công, tiếng vỗ tay vang dội cả hội trường thì ông lại nghĩ ngay tới việc vận dụng làn điệu cổ vào nhân vật mới trong vở “Má Tám”. Ông viết:
“Với những tình huống thật bi kịch như trong vai Chị Ngộ đúng với bản sắc tuồng truyền thống thì diễn viên hoàn toàn có thể vận dụng các mô hình cũ, tất nhiên là theo truyền thống “học chết dùng sống”. Và sau đó ông đã thử viết tiếp vở “Nỗi lòng bà mẹ”, cảm hứng theo tiểu thuyết “Hòn đất” của nhà văn Anh Đức. Vở tuồng đã được Nhà hát tuồng Khánh Hòa dựng thử nghiệm khá thành công. Thường thường ông làm một lúc cả hai việc: Sáng tác và nghiên cứu. Ông viết công trình “Đặc trưng tuồng”, xong bản thảo, thì ông tạm gác để bắt tay viết vở “Áo vải cờ đào” cho đoàn tuồng Bình Định kịp phục vụ kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Với “Áo vải cờ đào”, tác giả định thử nghiệm hình thức tuồng tư liệu lịch sử, bám chắc không pha chế xuyên tạc các sự kiện chính sử nhằm mục đích giáo dục lịch sử cho quảng đại quần chúng. Vì theo ông, cuộc đời và chiến tích của Tây Sơn - Nguyễn Huệ quá lớn lao, quá ý nghĩa, không thể bỏ qua một sự kiện nào. Nhưng nếu đưa trơ trụi các tư liệu chính sử lên sân khấu, thì dễ khô cứng, nên tác giả đã hư cấu một tuyến song hành, đó là, tuyến gia đình ông Khóa Vũ, một nho sĩ Thăng Long sùng Lê, không thích Tây Sơn và bị mắc mưu Tôn Sĩ Nghị, hợp tác với giặc Mãn, tự gieo vạ cho gia đình. Về chủ đề, tác giả đã nêu giả thuyết về chiến lược quân sự của anh hùng Quang Trung mà sử sách chưa nêu: đội quân chủ lực do vua Quang Trung đích thân chỉ huy thực ra mang tính chất nghi binh làm cho Tôn Sĩ Nghị tập trung đối phó phía ấy, để hở phía Khương Thượng cho đội quân do đại đô đốc Đặng Văn Long chỉ huy và đô đốc Đặng Tiến Đông Phó tướng, đánh thắng. Khi phân công và ra lệnh xuất quân, Quang Trung đã nói với đô đốc Đặng Văn Long: “Ta nhường công đầu cho ông đấy, chớ để lỡ dịp”. Giả thuyết ấy tình cờ đúng với dã sử lưu truyền ở Bình Định. Ngoài ra, tác giả còn sáng tạo thêm một số chi tiết khác để tạo ra tính hấp dẫn. Dĩ nhiên, thành công của một vở diễn còn tùy thuộc vào tài năng dàn dựng của đạo diễn và tài nghệ biểu diễn của diễn viên, mà ở đây tôi không bình luận.
Năm 1985, đoàn tuồng Phú Khánh dựng vở “Phâùt cờ nương tử” của Mịch Quang. Vì sao ông lại viết lại truyện Hai Bà Trưng mà tác giả Tống Phước Phổ đã có kịch bản khá hay về đề tài này? Theo ông, cách giải quyết của cố tác giả Tống Phước Phổ về nguyên nhân cái chết của Thi Sách chưa thỏa đáng. Để tạo ra tính kịch và xử lý cái chết của Thi Sách, cố tác giả Tống Phước Phổ mô phỏng hành động của Triệu Khắc Thường, (trong tuồng Sơn Hậu), nóng nảy vạch mặt bọn họ Tạ gian ác giữa tiệc, nên bị chúng giết. Trong tuồng “Trưng Nữ Vương”, Tống Phước Phổ cũng cho Thi Sách mắng Tô Định giữa tiệc, nên bị Tô Định giết. Mịch Quang không tán thành hành động nóng nảy phiêu lưu ấy của Thi Sách, nên ông đã hư cấu: Tô Định đánh hơi thấy Thi Sách có ý bênh vực dân, chống hắn, nên phái Thi Sách đi hiểu dụ dân chúng phải nạp sừng tê, ngà voi, ngọc trai cho hắn, mưu làm cho Thi Sách bị mất lòng dân, nhưng Thi Sách, theo lời khuyên của Trưng Trắc, cứ đi, nhân cơ hội này hiểu dụ dân chúng đứng dậy chống giặc. Đến hôm dự tiệc, các quận mục đều nạp ngọc trai, sừng tê, ngà voi… riêng Thi Sách chỉ dâng một vò rượu cúc, nói là đặc sản của Châu Diên. Tô Định rất ức, nhưng tương kế, tựu kế, hắn ra lệnh đem vò rượu cúc khao thưởng binh sĩ, dặn ngầm cho thuốc độc vào rượu. Đang giữa bữa tiệc, quân hầu báo tin binh sĩ uống rượu cúc bị ngộ độc chết nhiều. Thế là Tô Định vỗ án kết tội Thi Sách dâng rượu độc cho hắn rồi truyền chém Thi Sách.
Vở “Phất cờ nương tử” (Quang Vinh đạo diễn) đã làm sôi nổi dư luận ở hội diễn 1985 tại T.P Quy Nhơn với các miếng trò rất đôïc đáo như: Miếng giặc Hán chôn gái đồng trinh làm thần giữ của, miếng đoạt đò và miếng Trưng Trắc, Trưng Nhị giỗ tổ cử binh rất phong phú hành động và đầy ắp chất tuồng. Nhà hát tuồng Khánh Hòa cho biết hiện nay tại Nha Trang trong các buổi biểu diễn phục vụ khách quốc tế tại khách sạn Viễn Đông, khán giả trong nước và nước ngoài đánh giá các trích đoạn “Đoạt đò” và “Trưng Trắc cử binh” hiệu quả nghệ thuật ngang với các trích đoạn tuồng cổ như “Mạch Lương bắt ngựa”, “Hàn Công câu cá”v.v…
Năm 1987, để phục vụ hội thảo khoa học lần thứ 3 về danh nhân Đào Tấn và phục vụ hội thảo đặc trưng nghệ thuật tuồng do Viện Sân khấu tổ chức, Mịch Quang viết vở “Thanh gươm Hát bội” về danh nhân Đào Tấn. Tôi trực tiếp dàn dựng, nhạc sĩ Thao Giang viết nhạc nền, nghệ sĩ Nguyễn Thành làm trợ lý cho tôi. Vở diễn đã làm rung chuyển ở hội thảo khoa học (1987) và sau đó đã dành được huy chương vàng trong hội diễn toàn quốc (1990) tổ chức tại T.P Nha Trang. Đây là một công trình thể nghiệm tuồng trong tuồng được các nhà lý luận phê bình đánh giá là thành công nhất từ trước tới nay. Có thể nói “Thanh gươm Hát bội”, là một thành công lớn nhất của Mịch Quang về sáng tác tuồng. GS Hồ Sĩ Vịnh viết: “Vở tuồng Thanh gươm Hát bội là đài tưởng niệm danh nhân”. Nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ viết: “Vở tuồng Thanh gươm Hát bội, là một vở rất hay, có sức hấp dẫn bất kỳ đối tượng nào, từ người bình dân, đến người trí thức, từ người già, đến người trẻ”. Đây là một vở tuồng đã được lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa chọn diễn phục vụ thường xuyên cho những đoàn khách ở Trung ương về tỉnh và những hội nghị toàn quốc được tổ chức ở Nha Trang.
Trong quá trình sáng tác của mình, Mịch Quang còn có một thử nghiệm nhỏ về vở “Quan Âm Thị Kính”, rất đáng lưu ý. Lớp Thị Mầu ghẹo Thị Kính, tác giả chuyển thể và tự đạo diễn, đã để cho nhân vật Thị Mầu bắt bài nhịp tư, khiến cho chỉ có Thị Mầu hát một mình, còn Thị Kính thì lặng im, không “niệm nam mô-a-di-đà-phật” vào đâu được. Nhiều người thấy thế cho rằng, lớp ấy là “độc năng” của chèo, còn tuồng không thể làm được. Mịch quang cho là không phải thế, mà là do sử dụng làn điệu chưa hợp lý. Ông thử viết cho Thị Mầu Hát khách ghẹo, thế là Thị Kính hát xen kẽ rất ngọt “niệm Nam mô-a-di-đà-phật” vào giữa các nhịp khách ghẹo, người xem cho rằng Thị Mầu tuồng với khách ghẹo có màu sắc độc đáo riêng không kém Thị Mầu chèo. Điều này, chứng minh Mịch Quang là một nhà nghiên cứu và sáng tác luôn luôn tìm tòi, thử nghiệm và sáng tạo. Sáng tác để phục vụ nghiên cứu và nghiên cứu để phục vụ sáng tác là thế. Những tìm tòi, thử nghiệm và sáng tạo của ông đã thực sự có tác dụng tích cực cho phong trào, đóng góp cho sự phát triển nền sân khấu dân tộc.
Trở lại vở tuồng “Nỗi lòng bà mẹ”. Năm 1988, nhà hát tuồng Khánh hòa dựng gấp để kịp phục vụ Đại hội Đảng tỉnh. Đúng như dự kiến của tác giả, với những tình huống đặc chất bi kịch thì diễn viên có thể tận dụng mô hình cũ. Nghệ sĩ Xuân Thời trong vai “Bà mẹ” định giết con, nhưng run tay, đưa dao lên, buông dao xuống mấy lần, nói lối rịn, lối ai… như tuồng cổ, rất vào. Nghệ sĩ Xuân Thời rất thích lớp tuồng ấy nên diễn rất vào. Khán giả cũng thừa nhận là vở tuồng đậm chất tuồng. Theo Mịch Quang, cái khó của tuồng đề tài hiện đại, không phải do hình thức tuồng không hợp mà là do tác giả và đạo diễn không thạo xử lý, mà trước tiên là tác giả phải vận dụng làn điệu đúng chỗ, đúng lúc, đồng thời phải “tân chế điệu” bằng văn học. Đặc biệt, ông đã sử dụng biến hóa bài “gia ban cứu” một bài hát tính chất thanh bình trở thành một đoạn đối thoại bốp chát giữa bà mẹ và đứa con ác ôn.
Do cách sử dụng làn điệu luôn biến hóa nên thường khi viết, Mịch Quang phải nghiên cứu trước cách hát và nói lối, rồi gợi ý cho diễn viên “tân chế điệu”. Cách làm này, chúng ta cũng thấy ở NSND Tào Mạt trong bộ ba chèo “Bài ca giữ nước”.
Trong thời gian tôi dựng vở “Thanh gươm Hát bội” cũng thế, tác giả Mịch Quang đã dạy cho diễn viên hát “lý tình tang”, ca “cổ bản”. Chính tôi đã chứng kiến lúc Mịch Quang hát “lý tình tang” cho diễn viên Kiều Hạnh hát theo, hai diễn viên Thanh Hoa và Xuân Thời thì thầm vào tai tôi: “Ổng hát hay quá!”. Từ cách làm của Mịch Quang, tôi có thể khẳng định rằng, tác giả viết tuồng, chèo, cải lương, bài chòi, nhất thiết phải hát thạo, nếu hát không hay thì, cũng phải biết hát thì mới viết đúng bài bản để cho diễn viên sáng tạo. Nhiều người làm sân khấu dân tộc đã hoàn toàn thống nhất quan điểm ấy. Riêng sáng tác sân khấu dân tộc thì, Mịch Quang còn cho rằng, tác giả phải là nhà thơ. Chèo là thơ dân gian, tuồng là thơ bác học, tác giả cải lương phải giỏi từ khúc, tác giả bài chòi phải giỏi vè, lục bát và lục bát biến cách. Trong bài ngắn: “Tuồng vè- một tai họa” năm 1977, ông phân tích rất rõ về mối quan hệ hữu cơ giữa các thể văn thơ và các thể cách diễn xướng dân gian, không thể tùy tiện viết tuồng bằng bàn tay viết vè như khá nhiều trường hợp hiện nay. Theo tôi, đó là vấn đề cần trao đổi trong những người sáng tác ca kịch dân tộc. Chính Mịch Quang đưa ra thuật ngữ “Tự sự kịch tính trữ tình” và luôn luôn nhấn mạnh yếu tố thơ trong kịch bản tuồng là từ luận điểm trên.
Để chứng minh luận điểm này, tôi xin trích giới thiệu một đoạn ngắn trong vở tuồng “Thanh gươm Hát bội” của Mịch Quang, đoạn Đào Tấn cùng đội Hiệp (kép hát) đi vi hành trên sông Hương ở Huế, thời Đào Tấn làm Phủ Doãn Thừa Thiên.
(Đội Hiệp chèo xoáy cho đò đi chậm. Đào Tấn lấy giấy ghi cảm xúc thơ…).
ĐỘI HIỆP: (hát)
Dòng sông nước chảy lờ đờ
Nắng chiều có nón bài thơ che đầu.
ĐÀO TẤN: (ngâm bài thơ vùa ứng tác)
Bóng liễu còn ghi dấu sử xanh
Bao anh hùng vì nước vô danh
Trụ cầu gẫy gục rơi trên sóng
Ai biết nơi này bãi chiến tranh.
ĐỘI HIỆP: (hát)
Vừa qua một cuộc bể dâu
Trên sông còn dấu trụ cầu gãy rơi…
(Đò cặp bến, cả hai bên bờ- tiếng hò mái nhì vọng câu cuối).
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non.
LOAN: (Cô gái bán hoa xinh đẹp bước ra miệng rao)
Ai mua hoa không? Hoa cúc, hoa thược dược, hoa cẩm chướng, hoa hồng nhung, ai mua hoa không?
(Cô đi một vòng sân khấu. Đào Tấn và Đội Hiệp ra. Loan mời)
Mời hai cậu mua hoa giùm em đi!
ĐÀO TẤN: Cô bán hoa gì vậy?
LOAN:Dạ! Hồng nhung, Cẩm chướng, thược dược…
À mà cậu mua hoa cắm bình hay hoa ướp trà?
ĐÀO TẤN: Tôi mua hoa ướp trà.
LOAN: Dạ thưa! Hoa ướp trà đây
Hát lý tình tang
Ngọc lan thoang thoảng hương thơm
Cúc thơm ngào ngạt, lài thơm đậm đà…
ĐÀO TẤN: (cầm hoa ngắm và nói)
Hoa của cô đã thơm mà giọng hát của cô lại hay
Hèn chi có câu:
Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế bỏ đi không đành… |