Phần ba: Những bài viết về Mịch Quang
13:58', 18/8/ 2006 (GMT+7)

Mịch Quang - nhà nghiên cứu và tác gia sân khấu xuất sắc (3)

Dưới đây chúng tôi đi sâu giới thiệu với bạn đọc một số vở tuồng với những đề tài khác nhau, nhưng đều mang ý đồ và ý nghĩa gần giống nhau. Đó là lòng tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống quê hương, nơi đã sinh ra những anh hùng dân tộc, những danh nhân văn hóa kiệt xuất. Ví dụ, viết vở “Quang Trung”, tác giả Mịch Quang muốn ca ngợi tài năng và công đức của người anh hùng áo vải Tây Sơn - Nguyễn Huệ ở quê hương ông.

Viết vở “Giấc mộng hồ hoa”, một lần nữa Mịch Quang thể hiện hình tượng và tư tưởng của Đào Tấn, nhà thơ kiệt xuất, vị hậu tổ của ngành tuồng cũng cùng quê Bình Định với ông. Và gần đây viết vở “Nguyễn Hiển Dĩnh”, tác giả Mịch Quang cũng đề cao những danh nhân văn hóa, những nghệ sĩ lỗi lạc, cụ thể là cụ Tuần Dĩnh- ông quan tuồng nổi tiếng ở đất Quảng Nam, người đã từng làm quan và làm tuồng khắp các tỉnh miền Trung và đã gọi Đào Tấn là “Thánh trung thánh”.

Viết vở “Vua Hùng kén rể”, tác giả Mịch Quang muốn thông qua sân khấu tuồng để thể hiện lời dạy của Bác Hồ là: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải ra sức giữ lấy nước”. Đồng thời, tác giả cũng muốn thể hiện quan điểm đức, tài trong việc lựa chọn cán bộ, mà Bác Hồ và Đảng ta đã nêu ra. Tư tưởng sáng ngời ấy của Đảng và Bác Hồ đang soi sáng cho chúng ta đi.

Vở Quang Trung, được Mịch Quang viết xong từ trước ngày đất nước thống nhất. Ông gọi đó là “vở tuồng tư liệu lịch sử sử thi”, nhằm nêu rõ quan điểm của mình là tuyệt đối trung thành với các tư liệu chính sử, không hư cấu tùy tiện, không bóp méo sử liệu nhằm phục vụ nhu cầu hấp dẫn như một số người đã làm. Ông chỉ hư cấu ở những chỗ mà chính sử bỏ trống, đồng thời kết hợp với “dân sử truyền miệng” ở Bình Định về nghĩa quân Tây Sơn. Ông còn dụng ý nêu rõ sự thống nhất đất nước khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ theo lời thỉnh cầu của các quan và tướng sĩ phải chính ngôi Hoàng đế mới có thể gạt bỏ tàn tích phù Lê của cựu thần. Cũng qua vở này, tác giả muốn nói rõ, là khi Quang Trung lên ngôi, thì không còn Thái đức Hoàng đế nữa để phản biện một số sử gia cho rằng “một nước hai vua” với hàm ý quy công thống nhất đất nước cho Nguyễn Ánh, mà thực chất lúc ấy Nguyễn Nhạc đã tự nguyện giữ chức “Tây Sơn vương”. Quan điểm kịch “tư liệu” của ông còn nhằm mục đích đưa đến cho quảng đại quần chúng những trang sử oai hùng của dân tộc không bị bóp méo cho “ly kỳ, cụp lạc” như dòng sân khấu thương mại bất chấp lịch sử dân tộc. Với khái niệm “sử thi”, tác giả nêu rõ cách viết theo phong cách anh hùng ca, có những lớp dùng ngôn ngữ tuồng biểu hiện sự hùng tráng cảnh ra quân của Quang Trung, không có tính kịch, chỉ có tính hoạt cảnh, nhưng vẫn mang tính chất hoành tráng sử thi. Song khả năng hấp dẫn bằng hoạt cảnh của tuồng dù hơn kịch nói, cũng có hạn. Vì thế tác giả đã phải hư cấu một tuyến phụ có kịch, nhằm “chở” cuộc hành quân tốc chiến, tốc thắng của Quang Trung, quét sạch 29 vạn quân Thanh.

Trong tuyến chính khó tìm thấy tấn kịch tâm trạng (cái gọi là đất để dụng võ của tuồng) cho nhân vật Nguyễn Huệ mà tác giả lại tập trung khai thác tâm trạng Ngọc Hân khi nghe tin Lê Chiêu Thống cầu viện quân Thanh, thời kỳ Nguyễn Huệ với chức trách Long Nhương tướng quân ra Bắc Hà gặp vua Lê Hiển Tông dâng biểu phù Lê diệt Trịnh, được vua Lê phong Bắc Bình Vương và gả Ngọc Hân công chúa. Chính Ngọc Hân do sự thúc ép của Viên quận công buộc phải xin Bắc Bình Vương đồng ý cho Lê Duy Mật (tức Lê Chiêu Thống) được nối nghiệp nhà Lê. Dựa vào sự thực lịch sử ấy, tác giả đã viết lớp độc thoại của Ngọc Hân khi nghe tin Lê Chiêu Thống cầu viện quân Thanh, đau xót và hối hận về việc cầu xin của mình với Quang Trung. Lớp này cũng khá hấp dẫn nhờ tô đậm chất tuồng. Tác giả lại tiếp thu “tiếng đế” của chèo làm cho lớp độc thoại sinh động hơn: Được tin báo, Ngọc Hân bị ngất, Nguyễn Huệ đang luyện quân ban đêm vội chạy về. Ngọc Hân tỉnh dậy, trong cơn nửa tỉnh nửa mê đã nhìn Nguyễn Huệ ra Lê Chiêu Thống liền mắng và đuổi đi… Tỉnh lại, Ngọc Hân tỏ ý hối hận với Nguyễn Huệ về việc đã xin cho Lê Chiêu Thống kế nghiệp, mặc dù biết rõ tài đức hắn không ra gì. Nguyễn Huệ an ủi và nói rõ: “Nàng không có lỗi gì cả, và không phải vì nghe nàng mà ta chấp nhận cho Chiêu Thống nối ngôi, mà vì tình thế lúc ấy không cách nào khác”. Sau khi Ngọc Hân hồi phục, Nguyễn Huệ khuyên nàng yên tâm đi nghỉ để ông trở ra thao trường tiếp tục luyện quân, Ngọc Hân vội đưa cho Nguyễn Huệ chiếc áo bào và nói:

NGỌC HÂN: (Xin chàng hãy)

Khoác áo bào cho đỡ giọt sương khuya.

NGUYỄN HUỆ: Nàng cứ để mặc ta, hãy vào nghỉ đi. (Ngọc Hân vào).

NGUYỄN HUỆ: (một mình tay cầm áo bào)

Tấm lòng của nàng làm ta thật cảm động!

Nhưng nàng có biết đâu rằng

Dân áo vải đã quen rồi sương giá

(với lại) Kẻ làm tướng nếu giữ mình ấm quá (thì)

Hiểu làm sao nỗi lạnh của muôn binh!

Mấy câu tuồng cuối lớp ấy đã được khán giả vỗ tay vang dậy cả hội trường Quang Trung (T.P Quy Nhơn). Xin nói rõ, vai Nguyễn Huệ do Võ Sĩ Thừa đóng, vai Ngọc Hân do Hòa Bình đóng, và nhiều diễn viên xuất sắc Nhà hát tuồng Đào Tấn đã tham gia vở này. Đến nay họ còn thuộc lòng những câu tuồng đầy chất thơ và chất tuồng của Mịch Quang. Đáng chú ý là, để thể hiện tính cách vừa lãnh tụ, vừa nông dân của Nguyễn Huệ, tác giả không dùng nối lối 7 chữ quen thuộc nghiêm ngặt như tuồng ổc, mà sử dụng nói lối 8 chữ cho tiết tấu nhẹ hơn. Trong cảnh này, tác giả cũng cố gắng tạo cho được một lớp “trường dạ” cho Bắc bình vương Nguyễn Huệ trước khi lên ngôi. Tác giả để cho Nguyễn Huệ thể hiện sự băn khoăn, ngại Nguyễn Nhạc hiểu lầm mình, tuy đã nói là chỉ giữ chức “Tây Sơn vương” thôi! Và tác giả cố nuôi tấn kịch tâm trạng ấy của Quang Trung cho đến khi ra tới nơi hội quân Tam Điệp, bằng những đoạn văn tự sự có chiều sâu.

Tiền thân của vở tuồng “Vua Hùng kén rể” là vở kịch thơ truyền thanh mang cùng tên do tác giả viết và dựng theo giọng ngâm thơ LK5 cho Đài phát thanh giải phóng nhằm phục vụ lễ giỗ Tổ hàng năm. Tác giả đã cảm hứng từ câu nói của Bác Hồ tại đền Hùng năm xưa: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Từ cảm hứng ấy nhìn vào yếu tố kén rể trong truyện Sơn Tinh Thủy Tinh, tác giả thấy có chỗ chưa hợp lý: Tại sao vua Hùng lại kén rể  may rủi như thế? Mặt khác kén rể của vua Hùng tức là chọn người kế nghiệp để giữ nước - Muốn giữ nước, phải chọn kẻ vừa có tài vừa có đức vì bọn xâm lược, bọn phản động, cũng có tài, có khi tài cao nữa là khác. Trong vở tuồng, tác giả nhấn mạnh đến tài năng xây dựng của Sơn Tinh và tài năng phá hại của Thủy Tinh với cái “đạo lý cá mập” cá lớn nuốt cá bé của chúng. Và chính tài năng xây dựng của Sơn Tinh đã khiến cho vua Hùng quyết định chọn chàng làm rể. Tác giả cũng nêu việc thách cưới của dụngbên ngoài có vẻ như may rủi nhưng bên trong đã có dụng ý rõ ràng. Song, việc dụng ý của vua đã bị tài phép của Thủy Tinh vô hiệu hóa: sáng hôm đúng hẹn, cả Sơn Tinh và Thủy Tinh đều dâng đủ báu vật, và cùng đến một lượt “chẳng ai làm sai - chẳng ai đến trước” khiến vua phải lúng túng. May sao nhờ các bô lão Phong Châu mang chiếc gương thần ánh sáng của muôn dân đến, vua Hùng dùng gương thần rọi làm tan những báu vật giả của Thủy Tinh khiến hắn phải thua cuộc.

Trong vương quốc của nước, tác giả hư cấu thêm cha con Long Vương và các tướng tốt. Chính Long Vương đã vì quá tin dùng Thủy Tinh đã bị hắn cướp ngôi, bắt cả hai cha con giam vào ngục - Tướng cá Nược (tức cá heo) đã tìm cách giải thoát Thái tử Long Vương và khuyên nên cầu cứu Sơn Tinh. Tác giả cũng hư cấu câu chuyện cho một chủ đề phụ: nội giám và nữ binh của Mỵ Nương bị sóng thần lôi xuống biển, bơi hết hơi, chìm dần, sắp chết. Bỗng nội giám nhìn thấy những tướng cá mập bị tên đồng ta bắn chết nằm dưới đáy biển. Anh ta chợt nghĩ: hay là cởi bỏ áo người khoác áo cá mập sẽ thở được dưới nước chăng, và bảo nữ binh cùng thực hiện. Nữ binh không dám, vì sợ thay áo người bằng áo cá mập sẽ biến thành cá mập, thà chết làm người còn hơn sống làm cá mập. Nội giám bảo: ta thì phải sống với bất cứ giá nào. Và anh ta thay áo người bằng áo cá mập. Lập tức anh ta hết ngộp, thở được dưới nước, và bảo nữ binh làm theo. Nữ binh vẫn e ngại, mặc dù đang ngộp thở. Bỗng nhiên nội giám cảm thấy thèm thịt người, đuổi bắt nữ binh để ăn. Nữ binh bỏ chạy, kêu cứu, và được tướng cá voi đến cứu đưa vào bờ. Như thế, song song với chủ đề thiện, ác, tác giả còn nêu thêm chủ đề sống thiện, sống ác. Cái thiện đời nào cũng được đề cao, ngược lại cái ác bao giờ cũng phải phê phán và loại trừ. Từ chủ đề mang tính vĩnh cửu, đồng thời cũng mang tính thời sự đó mà vở “Vua Hùng kén rể” của Mịch Quang đã được nhiều đoàn, nhiều thể loại dựng diễn từ tuồng, cải lương, đến múa rối, kịch thơ. Tuy vở này không được giải cao ở hội diễn, vì còn tùy thuộc vào nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhưng theo tôi, đây là một kịch bản văn học tuồng hay, nó xứng đáng được xếp loại A trong kho tàng văn học tuồng hiện đại. Tôi tâm đắc với nhận xét của nhà văn Đỗ Kim Cuông trên tờ Văn hóa nghệ thuật Phú Khánh số 3/1994: “Một số người xem vở “Vua Hùng kén rể”, thích thú và khen chi tiết món quà dẫn cưới của vua Hùng giao cho Sơn Tinh và Thủy Tinh: “Voi chín ngà, gà chín cựa, và ngựa chín hồng mao…”. Chúng tôi nghĩ, đóng góp thực sự có giá trị của tác giả Mịch Quang là ở chỗ xây dựng được một hình tượng vua Hùng với đức độ của người đứng đầu quốc gia. Ai xứng đáng là người phò mã của vua thì phải là người có đức, có tài năng, phải rành thao lược, phải biết thương dân, lấy ý dân làm ý mình, biết buồn đau với nỗi khổ của sinh linh, “biết lấy việc giúp đời để làm sự nghiệp, biết không mất lòng trước lời nói thật, biết quay lưng trước lũ nịnh ngọt ngào, nếu cần, sẵn sàng đi chân đất, ăn rau…” (lời trong kịch bản)”.

Ý nghĩa hiện đại và sự cách tân của vở “Vua Hùng kén rể” là ở đó. Tư tưởng ấy không phải mới lạ trong thời đại chúng ta nhưng nó soi sáng bản sắc của con người Việt Nam bằng chứng cứ lịch sử qua các truyền thuyết dân gian. Tác giả Mịch Quang đã suy luận lôgích để xây dựng nên một vua Hùng được công chúng chấp nhận. Có lẽ vì thế mà trong dịp tết Mậu Dần, vở tuồng “Vua Hùng kén rể” liên tục được trình chiếu trên màn ảnh nhỏ ở Trung ương và ở Khánh Hòa.

Vở tuồng “Giấc mộng hồ hoa” là tập một trong bộ ba mà Mịch Quang định viết về danh nhân Đào Tấn:

I. Giấc mộng hồ hoa

II. Thanh gươm Hát bội

III. Còn đó Lam Hồng

Đến nay ông mới chỉ viết được hai tập 1 và 2. Sau khi đọc, Nhà hát tuồng Khánh Hòa đã chọn Thanh gươm Hát bội dựng trước, sau đó mới dựng thử nghiệm vở “Giấc mộng hồ hoa”.

Nhan đề vở “Giấc mộng hồ hoa” là tác giả mượn chính tên vở “Hoa trì mộng” hồi thứ 41 trong bộ “Vạn bửu tình trường” do Đào Tấn viết. Ý đồ của tác giả khá đơn giản: Phản ảnh thời kỳ Đào Tấn mới ra làm quan ở Ban Hiệu thư trong triều Tự Đức, đồng thời phát huy vở “Hoa trì mộng”, một vở tuồng hết sức độc đáo, hầu như không có xung đột, trong khung cảnh thần tiên mộng ảo gần giống như ca khúc “Thiên Thai” của Văn Cao. Lớp thơ tuồng hầu như không có xung đột ấy lại được vua Tự Đức phê sơn “Kỹ thuật thần kỳ”. Nhà hát tuồng Khánh Hòa sau khi thành công vở “Thanh gươm Hát bội” có thêm kinh nghiệm trong việc thể hiện danh nhân văn hóa Đào Tấn nên đã mạnh dạn giao cho diễn viên tự dựng, tự tập, không có đạo diễn theo cách làm tuồng xưa. Kết quả đêm biểu diễn báo cáo đã được khán giả tán thành.

Lấy nhan đề của “Hoa trì mộng” làm nên vở tuồng, Mịch Quang muốn tìm nguyên nhân viết vở tuồng lãng mạn ấy của đại tác gia Đào Tấn. Theo Mịch Quang cho biết, nhân đọc thơ Đào Tấn, ông thấy có bài “Hái sen”:

Áo phồng no gió mát ban mai

Lướt sóng đôi chèo chớp cánh bay

Hái được đôi hoa đôi lá nõn

Quay về tóc rối quyện hương đầy

Ông nghĩ tới trường hợp Đào Tấn đã hái sen trên thuyền một cô gái. Và từ việc ấy, bài thơ ấy, đã là “nguyên mẫu” cho Đào Tấn nghĩ và viết lớp tuồng “Hoa trì mộng” khi được lệnh của Tự Đức.

Và, để đề phòng sự kém hấp dẫn của câu chuyện “quá thơ” ấy, Mịch Quang đã ghép vào câu chuyện thật “Đánh trống kêu oan” của cô đào hát Nam bộ Nguyễn Thị Tồn, vợ hai của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Không ngờ trong vở diễn thử của Nhà hát tuồng Khánh Hòa, khán giả lại tỏ ý rất thích lớp  “Hoa mộng trì”. Đấy quả là một “chuyện lạ” ở sân khấu tuồng mà chúng ta cần suy nghĩ, một lớp tuông gần như không có xung đột, không có tính bạo liệt, cái mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng yếu tố hàng đầu để tạo ra tuồng. Có lẽ cái hay của một vở tuồng trước nhất phải là văn học, là chất thơ.

Trong quyển “Đặc trưng nghệ thuật tuồng”, Mịch Quang đã tỏ ý không tán thành quan điểm tuyệt đối hóa tính bạo liệt trong tuồng, cho nên ông đã cố gắng thử nghiệm với vở “Giấc mộng hồ hoa” để chứng minh quan điểm của mình. Xin được nói rõ thêm: Cảm tác vở “Hoa trì mộng” của Đào Tấn, nhưng nhà soạn tuồng Mịch Quang sáng tác vở “Giấc mộng hồ hoa” bằng một cốt truyện hư cấu hoàn toàn. Chuyện kể về nhà thơ Đào Tấn, lúc ấy khoảng trên 30 tuổi, làm việc ở Ban hiệu thư triều đình Tự Đức. Một buổi sáng tinh mơ, rảo bước ra ngoại thành để đón gió đồng nội. Bỗng ông nhìn thấy một hồ sen bát ngát, hoa đang nở rộ, đồng thời lại thấy một cô gái đẹp đang đẩy thuyền bên hồ. Đoán là cô gái đi hái sen, ông gọi xin đi nhờ để ngắm hồ hoa. Cô gái mời ông xuống thuyền. Lúc hái hoa, Đào Tấn với tay hái một đóa hoa ngoài xa, vô ý làm thuyền chòng chành. Ông ngã dựa vào cô gái. Hái hoa xong, vào bờ, Đào Tấn lấy bút viết lên chiếc quạt bài thơ chữ Hán “Thái liên”   (nghĩa là hái sen) và đưa tặng cô gái. Cô gái cầm quạt nhìn bài thơ rồi đọc ngay bài dịch nôm của cô ta, khiến cho Đào Tấn trố mắt ngạc nhiên, không hiểu mình đang mơ hay thật. Về nhà, ông vừa ngồi chép lại bài thơ kẻo quên thì, Võ Đình Phương, vừa là người đồng hương Bình Định, vừa cùng làm việc trong Ban hiệu thư đến truyền lệnh của Tự Đức phải viết tiếp hồi thứ 41 của bộ “Vạn bửu trình tường”, kịp mừng lễ sinh nhật vua sắp tới. Thấy bài thơ “Hái sen”, Võ Đình Phương nhắc Đào Tấn lời thầy dạy khi ra làm quan cần tránh mơ mộng mà quên việc nước, đồng thời ông báo tin rằng Trương Định đã giương cờ khởi nghĩa lên án triều đình Huế. Đào Tấn, nhân việc vua mơ ước hão, ký nhường ba tỉnh Nam Kỳ cho Pháp và cũng nhân việc mình gặp cô gái bên hồ sen, liền cấu tứ ra vở “Hoa trì mộng” dựa theo thang thuốc gia truyền chữa bệnh lóa mắt, nhìn mơ ra thật, nhằm kín đáo nhắc vua Tự Đức hãy tỉnh trước vận nước đang lâm nguy. Cùng lúc ấy, ở Nam Kỳ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa làm tri phủ, bị Tổng đốc bắt giam, vì ông chống lại hắn cướp ruộng của dân khai phá, bán cho Hoa kiều. Bùi Hữu Nghĩa báo cho vợ hai là đào hát Nguyễn Thị Tồn tìm mọi cách ra Huế để gặp Đào Tấn nhờ giúp cách kêu oan.

Đêm mừng sinh nhật nhà vua, Đào Tấn cho diễn vở “Hoa trì mộng”. Diễn xong Tự Đức lấy bút phê son “kỹ thuật thần kỳ”. Vừa lúc ấy, có tiếng trống kêu oan. Tự Đức cho bắt Nguyễn Thị Tồn và hội triều ngay tại Duyệt thị đường. Nghe lời kêu oan của Nguyễn Thị Tồn, Tự Đức đã hạ chiếu phải thả ngay Bùi Hữu Nghĩa, đồng thời cũng biết ẩn ý của Đào Tấn trong vở tuồng, muốn hỏi ông “Trẫm đang mơ hay thật đây?”. Tác giả kết thúc vở tuồng bằng lời bộc bạch của Đào Tấn:

Trong giấc mộng cõi tiên hoa nở

Tỉnh mộng ra áp bức oan khiên!

Có còn không chúa sáng tôi hiền?

Ẩn đâu đây anh hùng dũng sĩ?

Dũng sĩ anh hùng đâu đó

Hãy vì đời cứu khổ trừ gian

Từ khi sau vở “Thanh gươm Hát bội” viết về Đào Tấn, danh nhân văn hóa của cả nước và là người cùng quê mình, Mịch Quang đã nghĩ ngay đến việc phải cố gắng viết một vở về danh nhân Nguyễn Hiển Dĩnh quê Quảng Nam, người đã từng gọi Đào Tấn là “Ông trạng” là “thánh trung thánh” trong tuồng. Sau mấy năm nghiền ngẫm, ông đã hoàn thành vở tuồng: “Nguyễn Hiển Dĩnh, ông quan tuồng”. Đầu đề vở, ông đã lấy từ câu nói của chính Nguyễn Hiển Dĩnh “Tiến vi quan, thoái vi bầu gánh”. Cốt chuyện dựa theo đúng tiểu sử của danh nhân từ khi ra làm quan đến khi từ quan, qua ba địa phương điển hình: Tri phủ Tam Kỳ (Quảng Nam), Án sát (Quảng Trị), Tuần Vũ (Khánh Hòa). Cũng như vở “Thanh gươm Hát bội”, Mịch Quang đã lấy những thơ và từ của Đào Tấn làm lời hát cho nhân vật, trong vở này, ông cũng ra sức tìm những đoạn thơ, những đoạn văn hay trong tuồng của Nguyễn Hiển Dĩnh làm lời cho nhân vật chính. Ví dụ như, mấy câu nói lối của nhân vật Nhạc Phi trong tuồng “Phong ba đình” của Nguyễn Hiển Dĩnh:

Mặc bay thói lằn xanh hút máu

Dầu ta xa bụi đỏ khỏe lòng

Treo xa không bì kẻ cao phong

Ngửa mặt cũng học người viễn kiến

Chòm mây nổi ra chi mà quyến luyến

Nắm đất vun rồi đó cũng chơ hơ

Vứt mão đai cho lũ chực hờ

Gói quần áo dầu ta thong thả

Mịch Quang đã lấy làm lời nói lối của nhân vật Nguyễn Hiển Dĩnh, khi từ chức Tuần vũ Khánh Hòa về hưu, mà thực ra chính bản thân Nguyễn Hiển Dĩnh, khi viết câu nối lối ấy, đã mượn hoàn cảnh của Nhạc Phi để bộc lộ tâm sự của mình.

Tác giả Mịch Quang đã khá dầy công nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân “tú tài mà được sơ bổ tri phủ” là trường hợp rất hiếm hoi của danh nhân Nguyễn Hiển Dĩnh, Mịch Quang cũng tìm ra tính chất ngụ ngôn trong lũ nịnh tiếm ngôi trong các vở tuồng của Nguyễn Hiển Dĩnh, mà đỉnh cao là vở “Võ hùng vương”, để làm động cơ chống lũ công sứ Pháp của ông có thêm bề sâu.

Trong Hội thảo khoa học lần thứ 2 về danh nhân Nguyễn Hiển Dĩnh, tháng 9 /1995 ở Đà Nẵng, NSƯT Quang Hạnh, người học trò của dòng tuồng Quảng Nam, đã diễn lớp “Từ quan” trong vở Nguyễn Hiển Dĩnh của Mịch Quang. Những nhà nghiên cứu dự hội thảo đã nhiệt liệt hoan nghênh. Vở tuồng chưa phải đã hoàn chỉnh, song tác giả đã viết được những lớp khá hấp dẫn (tất nhiên là hấp dẫn tuồng chứ không phải kịch tuồng), trong sự ràng buộc của người thật việc thật. Ở đấy tác giả cũng cố gắng thể hiện tâm trạng nhân vật Nguyễn Hiển Dĩnh, qua những câu thơ tuồng đậm chất tuồng. Xin trích một đoạn hát Nam, trong lớp Nguyễn Hiển Dĩnh khăn gói “Trả ấn từ quan” mà chúng tôi đã nói trên đây:

NGUYỄN HIỂN DĨNH:

Tán:

Đám mây nổi ra chi mà quyến luyến

Nắm đất vun rồi đó cũng chơ vơ

Vứt mão đai cho lũ chực chờ

Gói quần áo về quê thong thả

 

Hát Nam

Thong thả cung đàn, tiếng hát

Gẫm quan trường tráo chác mà kinh

Ta về quê xây dựng cái “non nước” riêng của ta, cái non nước.

 

Tán

Thốn thổ tức triều đình châu quận

Nhất thân đô phụ tử quân thần

 

Hát Nam

Cù Huân gió giục mây vần

Nghĩ thương dân chúng cảnh thân tôi đòi

Bước thảnh thơi lìa nơi cương tỏa

Tôi thương cho dân lành

Mắc lưới thù khó gỡ cho xong…

Xem tuồng của Mịch Quang trên sân khấu cũng như đọc kịch bản văn học của ông, ta thấy ông chủ trương bám chắc kết cấu dàn trải truyền thống mà ông gọi tạm là “tự sự kịch tính trữ tình”, nhất thiết không đổi mới tuồng theo kết cấu dồn nén kiểu kịch tính phương Tây. Mặt khác, ông cũng quyết thừa kế phong cách thoáng của Đào Tấn, không chồng chất sự kiện. Do đó, nếu đọc kịch bản của ông theo tư duy kịch phương Tây, thì rất dễ quy là “mỏng”, là “rề rà”. Đã có lần, ông thử viết một pha kết cấu dồn nén trong vở “Nỗi lòng bà mẹ”. Nhưng ông cho biết, trong buổi diễn sơ duyệt ở Nhà hát tuồng Khánh Hòa mấy khán giả thạo tuồng đã kêu với ông: “Căng quá, không chịu nổi!”. Qua đó ông muốn khẳng định kết cấu tuồng truyền thống là “tự sự kịch tính trữ tình” như ông đã tổng kết…

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phần ba: Những bài viết về Mịch Quang   (17/08/2006)
Phần ba: Những bài viết về Mịch Quang  (17/08/2006)
VỀ LẠI MIỀN NAM   (13/08/2006)
Một số khác biệt giữa tuồng Bình Định và Quảng Nam, tuồng LK5 và tuồng Bắc:   (08/08/2006)
NHỮNG THÁNG NGÀY TRÊN ĐẤT BẮC   (07/08/2006)
Ở Phân Hội Văn nghệ tỉnh Bình Định   (25/07/2006)
Ở NINH HÒA   (24/07/2006)
Ở Sài Gòn   (23/07/2006)
Ở HUẾ   (21/07/2006)
Ở CHÙA ĐI HỌC   (12/07/2006)
THỜI THƠ ẤU   (11/07/2006)
CHA TÔI   (05/07/2006)
HỌ NỘI HỌ NGOẠI   (04/07/2006)
HỒI KÝ: ĐỜI TÔI VÀ NGHỆ THUẬT   (03/07/2006)
LỜI GIỚI THIỆU   (03/07/2006)