· Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh
Tôi được biết anh Mịch Quang từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Lúc đó anh Mịch Quang là Trưởng Ban văn hóa trong Ban chính trị Trung đoàn 94. Ngót 2 năm, anh đã say sưa vừa là giáo viên bổ túc văn hóa, vừa phụ trách nhóm văn nghệ phục vụ bộ đội, phục vụ cả nhân dân những nơi trung đoàn đóng quân. Thời kỳ này, hoạt động chủ yếu của anh là ngâm thơ và đơn ca hát mới. Giọng hát của anh đã được sự ngưỡng mộ của bộ đội và nhân dân nơi đóng quân một thời. Anh đã bị bệnh phổi, nên phải phục viên. Lành bệnh, bác sĩ không cho tái ngũ, nên anh tham gia Phân hội văn nghệ tỉnh Bình Định. Anh phụ trách Đội văn nghệ tuyên truyền lưu động của Phân hội. Hoạt động của anh vẫn là làm thơ, ngâm thơ, đơn ca. Nhưng trong đơn ca, bên cạnh hát mới, anh đã trình diễn thêm Bài chòi, cải lương, Dân ca. Chỉ sau khi tập kết, bệnh phổi tái phát, điều trị xong, anh bỏ hẳn nghề ca hát về làm biên tập Đài tiếng nói Việt Nam, rồi về ban nghiên cứu tuồng và chính mảnh đất nghiên cứu tuồng đã tạo điều kiện cho anh dốc hết vốn liếng đã được tích lũy trên đất quê hương từ thuở thiếu thời. Có một sự ngẫu nhiên, theo lời anh kể, mặc dù Bình Định là đất tuồng, nhưng bài ca mà anh thuộc sớm nhất, từ thuở lên năm tuổi, lại là bài Hành Vân và Bình Bán trong vở Kiều của gánh cải lương Thuộc Hớn từ Nam bộ ra cư trú tại thị trấn Bình Định, đi diễn khắp các làng quê. Đến năm lên mười, anh mới biết thêm Hò giã gạo, Bài chòi, Hát bội và đến khi học ở trường quốc học Quy Nhơn, anh mới biết thêm nhạc Huế, nhạc Cải lương, hát Tây. Đồng thời xem Hát bội liên tục của gánh Chánh Ca Đựng, hậu thân của tuồng Vinh Thạnh, của cụ Đào Tấn. Như thế, trên mảnh đất Bình Định quê hương, chàng thanh niên học sinh Nguyễn Thế Khoán (tên thật của Mịch Quang), đã tích lũy được Hát bội, Cải lương, Dân ca, Bài chòi, nhạc Huế và hát mới. Và tích lũy được từ suốt quãng đời công chức phiêu bạt khắp nơi: Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Campuchia, Khánh Hòa. Anh Mịch Quang đã tự bổ sung thêm vốn tích lũy của mình. Song, cách mạng tháng Tám tạo cho anh bước ngoặc và niềm tự hào đi chuyên nghiệp vào nghệ thuật thì những tích lũy ấy vẫn chỉ là trà dư tửu hậu của người công chức bưu điện chơi nghệ thuật tài tử của chế độ cũ. Bút danh Mịch Quang đã được Cách mạng Tháng Tám khai sinh trên nguyên quán Bình Định, trú quán Khánh Hòa để nhập ngũ vào Trung đoàn 94. Mặc dù không còn tại ngũ sau 1948, nhưng Mịch Quang vẫn phấn đấu như một chiến sĩ nghệ sĩ từ ấy đến nay trên mặt trận văn hóa nghệ thuật của nước nhà. Anh là một nghệ sĩ cựu chiến binh rất đáng tự hào.
Mịch Quang - một kho tàng
· Hà Đăng
Tôi và anh Mịch Quang đã biết nhau từ thời kháng chiến chống Pháp. Thời ấy, chúng tôi đều hoạt động văn nghệ. Thưở ấy, “Đêm văn nghệ ngoài trời” là hình thức sinh hoạt quen thuộc nhất, phục vụ nhân dân không bán vé, cả người sáng tác lẫn biểu diễn đều không có thù lao, chỉ “ăn cơm nhà, mặc áo vợ, làm việc dân”. Trong “Đêm văn nghệ ngoài trời”, những người làm thơ, tự đọc thơ mình, những nghệ sĩ ngâm thơ, trình bày những bài thơ góp nhặt được khắp nơi, các nghệ sĩ đơn ca hát cả nhạc kháng chiến lẫn nhạc tiền chiến. Mịch Quang làm thơ, ngâm thơ, diễn kịch thơ, hát đơn ca. Ở tỉnh có Hội văn nghệ, các huyện đều có tổ văn nghệ. Các “Đêm văn nghệ” luôn luôn là sự liên kết giữa các nhóm của tỉnh với anh chị em ở cơ sở từ nơi này đến nơi khác, như những người di-gan. Hồi đó, hầu như không Hát bội, vì Hát bội không thể hát bài lẻ như Bài chòi, cải lương được, nên không ai biết đến cái kho tuồng trong Mịch Quang. Đó là điều bất ngờ đối với tôi khi được đọc “Tìm hiểu nghệ thuật tuồng” của anh ra đời năm 1963, và bài tiểu luận tuồng “Đào Tấn, nhà thơ, nhà soạn tuồng kiệt xuất” trên tạp chí văn học cũng vào thời gian ấy.
Từ ấy đến nay, anh Mịch Quang vẫn kiên trì và say sưa xông vào hướng đã tự khai phá, hợp với tình cảm và khả năng mình, đồng thời hợp với yêu cầu của cách mạng, của dân tộc, của quê hương chúng tôi, cái nôi của nghệ thuật tuồng. Bình Định quê anh, có danh sĩ Đào Duy Từ, từ đàng ngoài đã vào ẩn danh ở đấy, đi chăn trâu và dạy hát bội trong sinh hoạt dân gian, rồi được phát hiện giới thiệu lên chúa Nguyễn. Đào Tấn có lẽ cũng có họ xa với Đào Duy Từ. Phú Yên quê tôi, nơi có Bá Hộ Tịnh nổi tiếng cùng thời với Đào Tấn, thành lập gánh Hát bội rất lớn, mỗi đào kép được cấp 3 sào ruộng. Cha ông Bá Hộ Tịnh là ông Nguyễn An chồng bà Đào Thị Ân, cháu nội Đào Duy Từ; tương truyền, Bá Hộ Tịnh dùng gánh Hát bội để vận động cần vương chống giặc Pháp và có liên hệ chặt chẽ với Đào Tấn.
Anh Mịch Quang cùng quê với Đào Tấn nên chịu ảnh hưởng tuồng rất sớm và rất sâu, nên sau này trở thành một soạn giả và nhà nghiên cứu tuồng có tên tuổi. Nhưng anh không dừng lại ở Tuồng, mà còn nghiên cứu cả Cải lương, Bài chòi, âm nhạc dân tộc, và hăng hái đấu tranh không mệt mỏi để bảo vệ bản sắc dân tộc trong nghệ thuật.
Tôi rất hoan nghênh tinh thần ấy của anh và hoan nghênh những công trình nghiên cứu, sáng tác của anh vì mục đích ấy…
Tôi đã học tập được rất nhiều ở Mịch Quang
Cách đây khoảng 30 năm, lần đầu tiên tôi được nghe anh Mịch Quang nói chuyện về Tuồng ở Câu lạc bộ Đoàn kết Hà Nội.
Tôi vốn rất mê tuồng từ hồi còn bé. Được đi theo bố, tôi xem tuồng từ hồi còn 7, 8 tuổi, tuồng đã ăn sâu vào “máu” tôi từ khi nào mà tôi không biết. Tôi nhớ hồi còn đi học, ở nhà, tôi với em cũng đóng tuồng, hát “tấu mã”, “Dục mã a…”.
Khi đi vào nghiên cứu văn học, tôi phải nghiên cứu cả tuồng, dĩ nhiên dưới góc độ ký hiệu học là môn đi sâu của tôi. Thế là may mắn tôi gặp được một ông thầy tuồng như Mịch Quang, bên cạnh các cố lão nghệ nhân kiệt xuất như bác Tảo, bác Lai, bên cạnh các bạn nghệ sĩ trẻ tài năng như Kim Cúc (đã mất), Đàm Liên, Minh Ngọc và sau này Tiến Thọ, Mẫn Thu…
Tôi kết nghĩa với Mịch Quang từ đó và khi anh về lại miền Nam có lần tôi đã vào tận Nha Trang thăm anh, hoặc dẫn các đoàn khoa học Hung-ga-ri, CHDC Đức vào gặp anh.
Mịch Quang là một nghệ sĩ tuồng toàn diện, uyên bác về văn học, biết cả nhạc ta, nhạc Tây, biết cả sáng tác và múa hát. Mỗi lần nói chuyện với anh, tôi cứ “gạ” anh hát cho một vài câu theo các làn điệu trong tuồng.
Mịch Quang hoạt động liên tục không mệt mỏi trong lĩnh vực tuồng với cái say sưa, dường như có tính bản năng. Tuy anh đã gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi trên con đường nghệ thuật nhưng niềm say sưa của anh đã chiến thắng. Nhờ đó anh có những khán giả độc đáo đó là nhiều nhà nghiên cứu quốc tế quan tâm đến tuồng. Phải khâm phục cái phát hiện khoa học đầy ý nghĩa về “cấu trúc động – mở” trong tuồng và nghệ thuật dân tộc của anh đã được nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài nhắc đến.
Tôi đã học được rất nhiều ở Mịch Quang cho nên tình bạn ở đây cũng có thể gọi là tình đồng nghiệp vậy.
Tôi mong anh luôn giữ được sức khỏe, tuổi thọ, để có thể tiếp tục “nhả mật” cho nghệ thuật, cho các nghệ sĩ con em đang được đào tạo để kế tục sự nghiệp của anh. “Nghệ thuật thì dài mà cuộc đời thì ngắn” (Gớt). Bởi vậy thọ thêm tuổi nào thì quý tuổi nấy cho nghệ thuật.
Mịch Quang – nhà nghiên cứu nghệ thuật thực tài
Nếu căn cứ vào phương pháp nghiên cứu của đội ngũ khoa học xã hội và nhân văn nước ta trong vòng trên 50 năm nay, ít nhất ta cũng có thể chia họ ra làm hai nhóm: nhóm thứ nhất thường dựa trên những tư liệu sưu tầm được, phân loại, dùng phương thức miêu tả, cũng có thể có những thẩm định, đánh giá. Kết quả là con số cộng to tướng, mặc dầu con số đó cũng cần thiết, nhưng nếu không có phương pháp luận làm xương sống thì công trình lại ở bề nổi. Nhóm thứ hai lấy phương pháp biện chứng duy vật làm công cụ nghiên cứu, bám chắc vào thực tiễn đời sống, thực tiễn văn hóa dân tộc và vươn tới đời sống văn hóa nghệ thuật các nước để khảo sát, so sánh, quy chiếu. Công trình của họ ở dạng bề sâu, nhiều vấn đề lý luận được đề xuất, nhiều tổng kết học thuật có giá trị, nhiều luận điểm có thể còn tranh cãi nhưng là sự tranh cãi thú vị, “đêm hôm trước” của chân lý khoa học, rất có ích cho đời sống khoa học.
Mịch Quang là nhà khoa học thuộc nhóm thứ hai. Khảo sát hành trang khoa học của ông, tôi thấy có hai phẩm chất rất đáng trọng. Đó là: sự vận dụng Phép biện chứng vào khảo sát và đánh giá các hiện tượng nghệ thuật. Ông ý thức được sớm và sâu sắc rằng, phép biện chứng là khoa học nghiên cứu những quy luật phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy với những đặc trưng cơ bản là: tất cả các sự vật và các hiện tượng đều tác động lẫn nhau, đều biến hóa, đều chuyển hóa từ lượng sang chất và đều có các mặt đối lập, ông tự tin nên nhiều luận điểm độc đáo, tranh luận với những đồng sự nhiều hiện tượng văn hóa dân tộc mà trước đó chưa có người nêu lên. Đọc công trình “Về phương thức diễn đạt nghệ thuật cổ truyền của người Việt”, ta cảm nhận được nhận xét vừa nói. Thông qua những chất liệu về âm nhạc, kiến trúc, nghệ thuật dân tộc và sân khấu tuồng, chèo, Mịch Quang nêu lên bốn đặc điểm trong phương thức diễn đạt nghệ thuật cổ truyền: tính biến hóa uyển chuyển, tính biện chứng, tính đa chiều và tính tương phản. Trong nghiên cứu, việc xác định định tính của sự vật, của hiện tượng thường mang tính ước lệ.
Có thể nêu thêm một số thuộc tính khác nữa. Ở đây, điều đáng quý là nhà nghiên cứu đã sớm cho rằng, tư duy dân tộc, trong đó tư duy nghệ thuật vừa xa lạ với cái thần bí, vừa không hoàn toàn phụ thuộc vào cái duy lý, mà có rất nhiều yếu tố biện chứng và yếu tố hiện đại. Bản chất của bốn đặc điểm nêu trên tự thân đã mang những yếu tố hiện đại. Lấy ví dụ tính đa chiều trong một bộ múa tuồng truyền thống với những nguyên tắc: nội ngoại tương quan, thượng hạ tương phù, tả hữu tương ứng, phì sấu tương chế là phép biện chứng ở cấp vi mô. Cũng như nguyên tắc tư tưởng và phương thức ứng xử trên có thể ứng dụng ở cấp vĩ mô là giao lưu văn hóa và hoạt động văn hóa. Ông am hiểu và viện dẫn nhiều hiện tượng văn học, sân khấu, âm nhạc các nước châu Âu nhưng ông rất cảnh giác với những ai dùng những chuẩn mực đó để trói buộc sự đánh giá nghệ thuật dân tộc.
Nếu không có phép biện chứng làm chỗ dựa, tôi cam đoan Mịch Quang không sao có được những kiến giải đúng đắn, khi ông thẳng thắn bác bỏ những quan niệm mơ hồ về hát ru của vài nhạc sĩ. Những chức năng của hát ru con mà ông nêu trong bài “Nghĩ về hát ru con “thật đầy sức thuyết phục. Có thể tóm tắt: hát ru con thuộc thể điệu, chứ không phải thể ca khúc… Chức năng của nó là gây ngủ. Do yêu cầu ru ngủ nên hát ru không phong phú về giai điệu, vì càng đơn điệu càng dễ gây ngủ… Thơ của hát ru hầu hết là lục bát, âm điệu của hát ru là âm điệu tạo sự thư giãn v.v… Ông cũng không hài lòng khi xem trình diễn trên màn ảnh nhỏ hát ru con đã làm mất mát không ít bản sắc của hát ru. Ví như đưa hát ru lên sàn nhạc nhẹ, ít nhiều bị nhạc nhẹ hóa; muốn sinh động nó bằng phối khí … Thật ra, phục hồi hát ru không chỉ góp phần bồi dưỡng cho những người mẹ biết hát ru con, mà mục tiêu quan trọng nhất là “cấy” vào tâm khản của các bé âm điệu dân tộc, âm điệu quê hương. Tôi tin là Mịch Quang đúng.
Mịch Quang còn là nhà viết kịch thơ và soạn tuồng. Đề tài lịch sử là nỗi đam mê sáng tạo của ông. Không phải kịch bản văn học nào của ông cũng trở thành vở diễn. Đó là một chỗ bất cập, ví như khuynh hướng minh họa lịch sử, ví như tư liệu lịch sử và văn học ngồn ngộn như núi và người viết thì bé nhỏ, nhưng để bù lại là tính văn học cao trong nhiều kịch bản của ông.
Là một nhà nghiên cứu uyên thâm, ông hiểu biết sâu sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là lĩnh vực mà ông chuyên sâu: sân khấu và âm nhạc cổ truyền, lại nắm được công cụ nghiên cứu, biết nhiều chữ Hán, am hiểu văn thơ cổ điển dân tộc, thơ và từ Trung Hoa; ông cũng sử dụng thành thạo tiếng Pháp, đọc không ít những tác phẩm văn học các nước phương Tây, vì vậy văn ông trong kịch bản mang đậm tính chất văn học mượt mà mang tố chất trí tuệ. Thành công của vở tuồng “Thanh gươm Hát bội”, một đoạn tuồng viết về đoạn đời đầy bất hạnh của Đào Tấn, trước hết là sự thành công của kịch bản nhiều chất thơ vừa hào hùng vừa trữ tình tha thiết, nhiều kịch tính, nhưng thật khó khăn cho tác giả và cho đạo diễn, nếu như tác giả kịch bản không am hiểu thấu đáo thơ văn Đào Tấn, đồng cảm sâu sắc với những tấn bi kịch của người sĩ phu yêu nước, người nghệ sĩ tài hoa họ Đào giữa một thời kỳ đen tối của đất nước.
Hiểu biết rộng, cảm thụ sâu nhiều đối tượng nghiên cứu như vậy mà Mịch Quang luôn luôn tự nhắc mình “phải hết sức khiêm tốn, dè dặt, luôn cố tìm, nhận cho được những nhược điểm những mặt yếu kém của mình để tránh những khinh xuất, khi nói cũng như khi viết”. Điều quý hiếm hơn cả, ít khi gặp ở những nhà khoa học cao niên khác là ở Mịch Quang ngọn lửa đam mê sự nghiệp nghiên cứu nghệ thuật sân khấu dân tộc vẫn hừng hực cháy sáng: một vị lão tướng vào tuổi bát tuần mà hễ gặp đồng nghiệp là dễ lây truyền cảm hứng, bàn bạc học thuật, tranh luận những đề tài nóng bỏng đang đặt ra trong đời sống văn hóa – nghệ thuật dân tộc. Nghĩ đến ông, tôi nghĩ ngay đến câu chuyện nghịch lý giữa học hàm học vị và thực tài.
Thật đáng buồn cho những ai có đủ tất cả danh hiệu “mũ cao, áo dài”, nhưng chưa hề có lấy một công trình cho sự nghiệp, cho đội ngũ đã đắp nền, xây móng cho họ có cây, có bóng. Và thật đáng kính trọng, xứng đáng đeo vòng nguyệt quế cho những nhà khoa học chân chính, thực tài như Mịch Quang.
Nhiều người ngạc nhiên về ông không được phong giáo sư. Ôâng tự nguyện về hưu từ năm 1979, về hưu để dồn cả thì giờ công chức cho công cuộc nghiên cứu lý luận và sáng tác nghệ thuật. Thời kỳ về hưu, công trình của ông nhiều gấp ba lần thời đương chức, nhưng rủi thay, ông lại lọt ra khỏi chủ trương của Nhà nước ta không phong giáo sư cho người về hưu.
Nghĩ về một người thầy
· NSND Đàm Liên
Chú Mịch Quang là thầy dạy tôi về lý luận tuồng từ ngày tôi mới học nghề những thập kỷ 60, 70… Về nghề thì ban ngày tôi học hát, múa của cô Liễu, cô Đức, tối về mẹ tôi dạy thêm. Mẹ tôi cũng là một diễn viên khá ở Đoàn tuồng LK5. Đặc biệt chú Mịch Quang vừa giảng lý luận đến đâu, hát minh họa đến đấy, nên chúng tôi dễ tiếp thu. Với giọng hát rất tốt của chú thời ấy, đã giúp tôi phân biệt được cái hay, cái đẹp của hát tuồng, khác với cái hay, cái đẹp của cải lương, ca nhạc mới, để khỏi lầm lẫn lai căng. Quyển sách “Tìm hiểu nghệ thuật tuồng” của chú ra năm 1963 là công trình nghiên cứu tuồng đầu tiên đã là sách gối đầu giường suốt thời học sinh rồi ra làm diễn viên của tôi. Đặc biệt tôi rất thích chương chú viết về ngữ khí, ngữ điệu, ngữ phong trong hát tuồng, bởi nó giải thích rất rõ những vấn đề kỹ thuật hát tuồng mà trước đó chưa ai nói tới.
Đến năm 1989, chú Mịch Quang từ Nha Trang ra Hà Nội đưa tặng tôi quyển “Đặc trưng nghệ thuật tuồng”. Tôi đã đọc rất say sưa quyển sách mới ấy của chú. Trong sách dày trên 425 trang, chú đã phân tích rất kỹ văn tuồng, nhạc tuồng, múa tuồng, hát tuồng, kỹ thuật diễn viên tuồng, giúp cho tôi nắm được khá chắc cơ sở khoa học của nghề mình. Vì sao diễn viên tuồng cũng như chèo, cải lương… hát để phản ảnh nhân vật hoặc khi nói thường, hoặc lặng thinh không nói trong đời sống? Vì sao nàng công chúa thể hiện như cô gái bình dân? Tôi đã được chú Mịch Quang chỉ rõ trong sách. Những vấn đề kỹ thuật vừa kể, vừa tả, vừa biểu hiện, của diễn viên tuồng, phương pháp nghệ thuật lấy cái tôi thứ nhất, cái tôi diễn viên làm thường trực cũng được chú phân tích rất kỹ, đến nơi đến chốn. Từ đó quyển “Đặc trưng nghệ thuật tuồng” cũng trở thành sách gối đầu giường của tôi và là quyển sách độc nhất về lý luận nghệ thuật diễn viên tuồng, đối với tôi nó giúp tôi rất nhiều trong sáng tạo nhân vật và giảng dạy cho diễn viên trẻ. Dù đã 20 năm qua chú Mịch Quang rời khỏi Viện Sân khấu về sống ở Nha Trang, nhưng chú Mịch Quang vẫn gắn bó với Viện nghiên cứu và với những đoàn tuồng để nghiên cứu, sáng tác, chú vẫn là người thầy tin cậy đối với chúng tôi. Mới đây tôi lại được chú Mịch Quang tặng cho quyển “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc”, công trình thứ 4 của chú đã xuất bản. Tôi cũng đã đọc say mê vì tác giả phân tích rất kỹ, rất sâu về âm nhạc và sân khấu dân tộc, một vấn đề quan trọng bậc nhất trong sân khấu tuồng, chèo, cải lương, kịch dân ca mà lâu nay chưa ai tổng kết và phân tích đầy đủ như thế.
Có thể nói, đối với tôi, đây là một “bửu bối” là một giáo trình bổ túc rất sâu cho việc tìm hiểu “Đặc trưng nghệ thuật tuồng” và về âm nhạc tuồng, cái nghề mà tôi nguyện suốt đời không rời bỏ nó.
Năm nay, chú Mịch Quang đã tròn 80 tuổi. Tôi hết sức vui mừng thấy chú vẫn sáng suốt, vẫn hăng say lao động nghiên cứu và sáng tác. Và điều lạ là không hiểu sao, chú Mịch Quang 80 tuổi rồi, mà chưa thấy xuất hiện một người thừa kế chú trong việc nghiên cứu về nghệ thuật biểu diễn hát, nhạc, múa tuồng? Tôi có đem điều thắc mắc ấy trao đổi với GS Hoàng Chương, Viện trưởng Viện Sân khấu để mong được lời giải đáp. Giáo sư nói: “Muốn thừa kế được nghề lý luận tuồng như các cụ Mịch Quang, Hoàng Châu Ký thì phải có ba điều kiện: Một là am hiểu sâu sắc văn thơ cổ. Hai là phải biết hát tất cả các thể loại hát dân tộc của miền Trung, thậm chí phải hát thạo cả hát nữa như cụ Mịch Quang thời trẻ. Ba là phải am hiểu sâu về bộ phận triết học phương Đông có dính dáng đến tuồng. Cả ba điều kiện ấy hiện nay chưa có tiến sĩ, phó tiến sĩ, thạc sĩ nào hội đủ. Một PTS sân khấu, nếu muốn trở thành một nhà nghiên cứu sân khấu vững vàng về tuồng thì phải mất mười, mười lăm năm hoặc hơn nữa để học tập, nghiên cứu thật kỹ, thật sâu về nghệ thuật tuồng”.
Nghe Viện trưởng Hoàng Chương nói, tôi mới thấm thía về tài năng và vốn tích lũy kỳ lạ của chú Mịch Quang, những gì mà ông đã nghiên cứu, học tập, tích lũy suốt hai phần ba thế kỷ qua.
Tôi mong ước sao, những người có tài năng, có tâm huyết, có đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy vốn nghệ thuật dân tộc như chú Mịch Quang mãi mãi khỏe mạnh, sống lâu và luôn sáng suốt để dìu dắt những người trẻ chúng tôi tiếp tục kế thừa và phát triển sân khấu dân tộc theo định hướng “dân tộc hiện đại” như định hướng của Đảng ta.
|