Chương III
16:5', 14/3/ 2005 (GMT+7)

Từ bữa theo vua cha về thiên trường, Huyền Trân cứ tung tăng như một con bướm. Nàng mải mê xem ngắm cảnh ly cung ngoạn mục. Cung Trùng Quang (1) với cung Trùng Hoa (2) cao chất ngất, tường xây bằng đá cẩm thạch, nền dát đá ngũ sắc, mái lợp ngói màu thiên thanh nguy nga soi bóng xuống mặt hồ, nom như hai viên ngọc bích khổng lồ. Hai cung cách nhau chừng nửa dặm đường và cùng nằm trong một vuông đất dài, rộng gần hút tầm nhìn. Những cây tùng, cây bách nhấp nhô như hàng trăm ngọn tháp xanh chen chúc cạnh lâu đài. Xung quanh có sông nhỏ bao bọc. Thuyền của các cung nhân du ngoạn giữa hai bờ đầy hoa thơm, cỏ mật. Đứng ngồi ở bất cứ chỗ nào cũng sực nức mùi hương. Xa xa những bãi quất bạt ngàn, hoa nở trắng xóa. Huyền Trân mường tượng ra mùa quả chín, cánh đồng kia sẽ nhuốm vàng cả bầu trời. Hèn chi có danh sĩ đã gọi vùng này là "kim quất quốc". Ngay cả vua cha cũng từng viết:

Bách bộ sinh ca, cầm bách thiệt,

Thiên đàng nô bộc, quất thiên đầu…(3)

Thật là một cảnh thần tiên nơi hạ giới. Nàng bắt Thúy Quỳnh, Bích Huệ cùng mình đi dạo khắp các vườn hoa, lầu các trong cung. Chỗ nào đẹp thì dừng lại xem ngắm mãi không thôi. Có chỗ nàng còn vịnh thơ tức cảnh. Công chúa đang say sưa ngắm một cây quất có hình thù là lạ. Dáng cây khác thường, tán lá to hơn cả một chiếc lọng xòe của hàng quan chánh nhất phẩm của triều đình. Đầu tháng hai, chanh, bưởi, quất đều đã khai hoa. Riêng có cây quất này nửa phần còn trĩu trịt quả chín vàng ươm, nửa phần hoa trắng ngát thơm, ong bướm qua lại nườm nượp. Hoa quất có một vị thơm riêng không thể lẫn với mùi thơm hắc của hoa chanh, cũng không ngào ngạt như hoa bưởi, mà nó có mùi thơm ngọt, mát tinh tế. Giữa lúc công chúa đang xem hoa thì Thúy Quỳnh đã tìm được Bích Huệ và dẫn tới trước Huyền Trân, Bích Huệ vừa đi vừa lẩm nhẩm mấy câu vừa mới học:

Khoan khoan thư kiu

Tại hà đi đâu…

Vừa trông thấy công chúa, Bích Huệ đã nhăn mặt, chun mũi:

- Bẩm công nương, con giả hết chữ nghĩa cho công nương đó. Con không học được đâu. Khó lắm!.

- Các em ngồi xuống đây ta bảo. – Công chúa bá vai cả hai nữ tì cùng ngồi xuống thảm cỏ. Rồi nhẹ nhàng khuyên bảo:

- Bích Huệ nói đúng đấy. Ở đời khó nhất là sự học. Đời phân biệt người trí với người ngu cũng là bởi sự học. Ta nhỏ tuổi hơn các em, nhưng ta biết được nhiều điều hơn các em, là bởi ta có học. Thánh nhân đã dạy:"Nhân bất học bất tri lý". Tức là người không có học, không biết nghĩa lý ở đời. Nghe ta, chịu khó học đi rồi sẽ có danh, có phận. Sao Thúy Quỳnh học được, còn em cứ giẫy nẩy lên làm vậy. Ta nghĩ là tại em chưa thích học đấy thôi. Hễ em thích đọc, chữ tự nó sẽ vào nằm trong đầu em. Vừa rồi ta nghe em đọc mấy câu, ta không thể nén cười được. Nào Bích Huệ, em đọc lại ta nghe, rồi ta sửa cho, để em nhớ.

- Bẩm công nương, con để ý nghe công nương răn dạy. Con quên hết bài học rồi ạ.

Không nhịn được, công chúa cũng phì cười:

- Vừa rồi ta nghe em đọc:"Khoan khoan thư kiu. Tại hà đi đâu". Công chúa cười rũ rượi. Thúy Quỳnh cũng cười theo. Chỉ có Bích Huệ là ngơ ngác không biết hai người cười cái gì. Trận cười dịu xuống, Huyền Trân khẽ vén mấy sợi tóc mai dánh vào khóe mắt, ôn tồn nói:

- Ta đã giảng cho các em rồi. Bây giờ ta nói lại, phải nhớ lấy. Có nhớ nghĩa mới thuộc chữ. Đây là một bài thơ trong Kinh thi của Trung Quốc:

Quan quan thư cưu

Tại hà chi châu

Yểu điệu thục nữ

Quân tử hảo cầu.

Nghĩa là con chim thư, chim cưu nó kêu "quan quan" ở ngoài bãi sông. Cũng như con chim cuốc của ta nó kêu "cuốc cuốc". Thế mà Bích Huệ lại đọc là: "Tại hà đi đâu". Học thế thì ai mà nín cười được. Còn hai câu dưới có nghĩa là:"Người con gái xinh đẹp dịu dàng, xứng đôi với chàng trai quân tử". Đại ý đây là bài thơ nói về một cuộc nhân duyên tốt đẹp qua tiếng kêu của con chim thư, chim cưu.

Đang bàn chuyện học hành nghiêm túc, Bích Huệ vụt đứng lên nói.

- Bẩm công nương, ngoài kia chợ họp đông vui lắm. Có một bà xẩm hát rất hay, người xem xúm xít như ruồi. Công nương có muốn ra đó chơi, con dẫn đi.

Thúy Quỳnh bĩu môi gièm:

- Chợ thì có gì mà xem. Học chẳng hơn à?

- Chị Thúy Quỳnh nói hay thật đấy. Chợ người ta họp một tháng có sáu phiên, không đi thì hết người, tan chợ. Còn học thì lúc nào học chả được.

Thấy Bích Huệ nói hay quá, Huyền Trân bèn hỏi:

- Chợ là cái gì?

Bích Huệ đã toan trả lời, nhưng không ghìm nổi tiếng cười. Cô cười phì phì. Rồi như chột dạ. Bích Huệ vòng tay vái công chúa ba vái:

- Xin công nương tha tội cho con.

- Em có tội gì đâu. Chắc là lời ta hỏi ngô nghê quá, làm em buồn cười. Cũng như em học Khoan khoan thư kiu chứ có khác gì đâu. Vậy em nói cho ta rõ, vì ta ở trong cung cấm chứ có được ra ngoài như các em đâu mà biết.

- Dạ thưa công nương, chợ là nơi mọi người có gì cần bán thì đem tới đó, cũng như ai cần mua cái gì thì cũng tới đó. Chợ họp năm ngày một phiên chính, ba ngày một phiên xép. Phiên chính đông vui, người tứ xứ kéo về mua bán. Còn phiên xép, chỉ có người quanh quanh trong một vài làng.

- Vậy thế họ bán những thứ gì ở chợ?

- Thưa công nương, họ bán đủ các thứ. Từ vàng đến cám, thứ gì cũng có.

- Vàng thì ta đã biết, còn cám như em nói, nó là cái gì vậy?

Suýt nữa thì Bích Huệ lại cười phá lên.Nhưng cô đã kìm được bằng cách giả vờ cúi xuống lấy tay véo thật đau vào bụng. Ngửng lên, Huệ nói:

- Bẩm công nương, cám là vỏ gạo. Khi người ta xay lúa để bỏ vỏ trấu đi, cũng giống như người ta giã gạo, là cốt để bỏ vỏ gạo. Vỏ gạo đó gọi là cám. Cám thường dùng để chăn lợn, chăn gà, vịt. Gặp những năm mất mùa đói kém, người ta phải ăn cám.

- Em nói người ta phải ăn cám là người nào?.

- Bẩm công nương, đó là những nông phu, những người chuyên trồng lúa ấy. Ngay đến cám, họ cũng không có mà ăn nữa, nhiều khi phải chết đói cả nhà. Thảm lắm.

- Ôi, sao lại có chuyện lạ vậy? Người trồng lúa lại chết đói vì không có lúa gạo ăn. Ai đã lấy mất lúa của họ? Bất công quá đáng! Vừa mới ló ra ngoài cung cấm thôi mà đã có bao nhiêu điều không lý giải được. Công nương buồn rười rượi.

- Thưa công nương, lúa gạo người nông phu trồng cấy được, phải nộp cho quan trên gần hết. Để quan trên còn phải nộp cho quan trên nữa. Quan trên nữa, nộp về đâu, con không được biết. Còn chuyện bất công, thưa công nương, con lớn lên đã thấy như thế rồi. Ví như ở làng con, nhà xã quan, nhà phú hộ, thóc lúa để hôi để mục, tiền của giàu có không kể xiết. Còn nhà chúng con, ngay ngày mùa, cơm cũng chẳng có ăn đủ no. Mùa đông chỉ co ro một manh áo mỏng. Con hỏi bố con:"Bao giờ mới hết cảnh bất công này?" Bố con bảo:" Bao giờ trên mặt đất này tận diệt thì sẽ có sự công bằng". Nhưng thôi, công nương biết đến những thứ đó làm gì cho chóng già. Nếu công nương có muốn đi chơi chợ thì phải cải dạng mau mau.

- Tại sao phải cải dạng? Ta cứ đi như thế này có được không?

- Dạ được, nhưng công nương sẽ chẳng biết được điều gì. Vả lại, nếu không cải dạng, đi đến đâu, dân chúng sẽ bu lại xem công nương, chứ họ chẳng để cho công nương đi xem chợ đâu.

Thế là Bích Huệ bèn khoác ra ngoài cho Huyền Trân một bộ đồ nâu, người hầu vẫn mặc. Ba thầy trò chủ tớ kéo nhau ra chợ.

Chợ quả là hấp dẫn với công chúa. Vì đây là lần đầu tiên nàng được đi xem chợ. Từ những con giống bằng đất nung đến những ông phỗng sành. Từ những chiếc bùa túi bằng vải màu, chỉ màu đến các con giống phòng phành làm bằng bột nhuộm màu, vừa làm đồ chơi, vừa làm đồ ăn cho trẻ. Thật là lạ mắt và ưa nhìn. Rồi các hàng mã với những tay thợ hoa man vừa trổ, vừa cắt dán làm thành những mũ, lọng, voi, ngựa, khiến công chúa vô cùng kinh ngạc. Nàng nhích sát tới gần, nhìn chăm chú vào hai bàn tay người thợ với con dao trổ, nàng cố kiếm tìm xem họ có dùng âm binh phù phép gì không mà họ biến ảo từ giấy thành đủ các thứ mà họ muốn.

Chợt ngẩng lên, công chúa thấy người xem chen chúc vòng trong vòng ngoài. Huyền Trân tưởng dân chúng cũng tò mò, xem tài nghệ mấy bác thợ hoa man như mình. Nàng vội quay phải, quay trái tìm Thúy Quỳnh, Bích Huệ. Hai cô nữ tì bị chen bật ra xa, kêu oai oái. Lạ thay, đám đông vẫn chừa ra một khoảng cách. Họ không sấn sổ đến sát công nương một cách thô bạo. Khi Bích Huệ luồn qua được đám đông, bèn quay trở lại chỗ Huyền Trân, cũng vừa lúc Thúy Quỳnh khăn áo xộc xệch chạy bổ lại phía công chúa. Hai cô nữ tì lo lắng dìu công chúa đi ra. Huyền Trân cưỡng lại:

- Các em làm gì thế, để ta xem mấy bác này làm các thứ kia kìa, đẹp lắm. Vừa nói, công chúa vừa chỉ vào mấy thằng đánh gậy trổ bằng giấy bồi gắn vào hai đầu que với một khúc chỉ. Và biết bao nhiêu thứ khác, nom đến hoa cả mắt.

Bích Huệ ghé tai công chúa nói thầm một điều gì đấy, làm nàng đỏ mặt, rồi đứng dậy đi theo hai cô nữ tì. Đám đông giãn ra. Họ thì thầm chỉ trỏ. Họ đoán già đoán non, nghĩ là con quan phủ, quan châu, hoặc con nhà quyền quý đi du ngoạn ghé qua đây. Không một ai có thể ngờ đó lại là con vua.

Tới chỗ quang, Huyền Trân hỏi nhỏ Bích Huệ:

- Em bảo có người hát xẩm, họ đâu rồi?

- Thưa công nương, chắc là bà lão đi kiếm ăn ở chỗ khác. Vì chợ đã vãn người.

Bích Huệ cứ dẫn công chúa đi dạo khắp các hàng quán trong chợ. Bất cứ một thứ gì đối với công chúa cũng đều lạ lẫm, thích thú. Có điều hơi lạ, là công chúa quen sống nơi cung cấm, đài các, cái gì cũng sạch, đẹp, sang quý và tiếp xúc với thuần một loại người hào hoa phong nhã. Nay ở nơi chợ búa, sang hèn lẫn lộn, mọi thứ đều ô hợp, vậy mà nàng không hề tỏ ra trái ý. Không thấy tởm lợm bởi những người dân quê chất phác, rách rưới. Nhiều người đến chợ bán, mua chỉ có một manh khố che nơi hạ bộ. Nhiều người đói khát, mù lòa kêu xin đến thảm thiết. Khi ba người tới gần cuối chợ, có một bà lão tóc bạc trắng như cước, da đen sạm, mặt mày hốc hác, dúm dó bởi hàng ngàn vết dăn ngang dọc.

Bà chắp hai cánh tay cụt gần đến khuỷu vái ba cô gái và nói:

- Già chúc ba cô một đời may mắn. Chúc ba cô phú quí vinh hoa. Xin ba cô mở lòng cứu giúp. Nói xong bà lão chắp hai cánh tay cụt vào nhau chìa ra phía trước, kiểu như người lành ngửa hai bàn tay. Mắt bà lão nhoèn rử, màng, mộng phủ gần kín nửa con ngươi mở trừng trừng nhìn thẳng vào mặt các cô. Dường như đây là một cuộc thách thức lòng từ thiện của mấy cô gái trẻ.

Xúc động, Huyền Trân bước tới sát bên bà lão hỏi:

- Thưa lão bà, chẳng hay tai họa nào đã đến, khiến lão bà mất cả hai bàn tay? Vả chăng con cái của lão bà đâu mà để lão bà phải đi kiếm ăn độ nhật thế này?

Bà lão giật thót hai tay lại. Mắt bà tối sầm. Nước da sạm nắng trở nên tái ngắt. Môi run run. Một lúc sau đôi môi ấy mới mấp máy. Bà lão nói thều thào:

- Già vốn làm nghề bán nước bên bến sông. Ngày nọ giặc Thát xâm lấn bờ cõi. Đức vua bố cáo từ tiểu hoàng nam đến đại hoàng nam đều phải xung vào cơ ngũ. Thân góa bụa, có hai đứa con trai đều đi đánh giặc cho vua cả. Già vẫn bán nước tại bến sông quê. Một hôm có đoàn quân thất thủ từ Thăng Long rút về qua bến sông này. Lão cứ nhìn mãi xem có thấy mấy đứa con lão không, nhưng chẳng gặp một đứa nào. Chừng nửa khắc canh thì quân Thát ầm ầm kéo đến. Phải nói là chúng nó đi như voi đi. Vườn tược, cây cối, nhà cửa chúng đốt phá, dày xéo tan hoang hết cả. Mấy đứa vào hỏi lão: "Có thấy đoàn quân chạy trốn qua đây không?". "Có đấy". Lão trả lời.

- Nó chạy hướng nào? Chúng quát.

Đáng lẽ chỉ theo hướng đoàn quân chạy, thì lão lại chỉ về hướng có gài bẫy chông, bẫy đá.

Quân Thát hùng hổ đi về hướng có giăng bẫy. Chúng bị thụt hầm, thụt hố, chết quá nửa. Chắc là chúng nó căm lắm. Khi trở lại, chúng đốt quán, trói lão lại rồi chặt hai bàn tay. Giặc Thát diệt xong rồi, nhưng các con lão không một đứa nào trở lại. Lão bị giặc đốt nhà, đốt quán, lại không có tay, nên đành phải sống như vậy. Nói ra cực đủ trăm đường. Xin các cô rủ lòng làm phúc.

Cảm thông với hoàn cảnh của bà lão, công chúa nói:

- Chị em tôi không mang tiền theo. Nhưng tôi có cái này xin giúp lão bà.

Vừa nói, Huyền Trân vừa nong hai tay vào trong cổ áo tháo chiếc vòng ngọc bích nạm vàng. Đúng lúc bà lão chìa hai cánh tay cụt ra. Bà vội rụt cánh tay lại như vừa chạm vào lửa. Chiếc vòng rơi xuống đất, lăn quay rồi đổ ngã. Bà lão thất vọng xua tay:

- Giả ơn các cô.

- Ơ kia lão bà. Tôi biếu lão bà thật mà. Công chúa ngơ ngác tưởng lão bà sợ bị đánh lừa.

- Tôi biết cô có lòng cho tôi thật. Nhưng ích gì đâu. Ví bằng tôi nhận của cô, hẳn nhiên bọn trộm cướp không để tôi yên. Dẫu bọn trộm cướp có để tôi yên, thì các quan lớn, quan bé ở đây cũng không để tôi yên. Họ lại cướp mất. Khéo không các quan còn cho ngồi tù. Bà lão ngửa mặt lên trời chắp hai cánh tay cụt, vái chơi vơi. Bà thở dài, nói tiếp:

- Tôi lấy gì chống lại họ. Bọn trộm cướp, bọn quan nha ấy. Của hại người như chơi. Nói rồi bà lão quay quắt đi, không một lời cảm tạ.

Trước đó ai cũng bảo bà lão "dở người", "dại". Ai cũng xui bà "cứ nhận chiếc vòng đi". Nhưng khi nghe bà giãi bày nông nỗi, ai cũng nhận điều bà nói là chí lý.

Bà lão bỏ đi, công chúa bàng hoàng như người bị lấy mất hồn. Vừa xúc động, vừa tủi. Huyền Trân òa khóc.

Bích Huệ dẫn Huyền Trân và Thúy Quỳnh ra khỏi chợ, thấy dòng người tuôn đổ về hướng Tức Mạc cũng đi theo. Phần đông là các cụ lão ông. Có cụ đầu bạc trắng, tay chống gậy trúc, thủng thẳng bước đi. Có cụ lưng còng rạp xuống phải bám vào chú tiểu đồng, dò dẫm từng bước. Loáng thoáng có những nhà sư vận áo cà sa dài quét đất, đầu đội mũ hoa sen, tay chống thiền trượng, uy nghi như các đức Phật sống. Các tăng, ni, phật tử, trong vùng nườm nượp đổ về. Tất cả mọi người đều kéo nhau vào chùa Phổ Minh. Họ kháo nhau đi nghe nhà vua thuyết pháp. Huyền Trân nghĩ thầm: Chắc chắn vua cha đăng đàn.

Khi mọi người đã tề tựu, Huyền Trân cùng hai nữ tì ngồi khuất sau gốc cây ngâu phía sân chùa, để nghe nhà vua giảng đạo. Một lát, Trần Nhân tôn xuất hiện. Nhà vua đi trong tiếng A di đà râm ran như tiếng cầu kinh của các phật tử. Vua Nhân tôn đăng đàn với tất cả y phục của vị tu hành. Ngài vận chiếc cà sa màu vàng, đầu đội mũ hoa sen, tay cầm thiền trượng. Ngài đứng ngay dưới chân bệ tượng Phật Thích-ca mà nói. Nhà vua có dáng người hơi nhỏ. Khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt long lanh tỏa ra một sắc sáng xanh như người có huệ nhãn. Đôi tai to, vành tai dày và chảy xuống như tai Phật. Nhà vua nói với các tăng già và bô lão trong vùng về sự thống nhất tín ngưỡng. Nhà vua không bài xích, không cấm đoán các tín ngưỡng khác. Người chỉ nói đến tính dung tục của đa thần giáo. Và trình độ sơ khai của dâm thần và các tạp thần. Người khuyên mọi người nên hướng về đạo Phật. Có người hỏi về ý nghĩa xuất gia và tại gia của việc tu dưỡng khác nhau như thế nào. Người đáp:

- Mục đích của việc tu đạo là tu dưỡng vô dục, vô ngã. Việc làm dưỡng ấy quả là công phu lắm. Người tại gia cũng có thể đạt tới mục đích giải thoát. Khốn thay, thế gian vốn được xác lập trên nền tảng của dục. Cho nên, sống giữa thế gian mà tu dưỡng được vô dục, vô ngã là việc khó lắm, hiếm lắm. Bởi thế, người ta mới phải ỷ vào phép xuất gia, dứt bỏ ái ân phú quí, vinh hoa, trừ khử lòng ngã chấp, ngã dục để chuyên tâm tu đạo. Nhưng nếu ai ai cũng muốn xuất gia cả thì ở vào đâu mà tu. Việc xây cất chùa chiền tràn lan không phải là việc có lợi cho dân, có lợi cho đạo. Chùa là chốn để sư ở, chứ Phật đâu có ở chùa. Không ai có thể đem Phật nhốt vào chùa được. Vả lại, việc tu đạo cốt ở tu tâm. Trước hết mọi người phải chính tâm mới tu được. Ta muốn đem cái lẽ bác ái của đạo Phật để thức tỉnh nhân tâm trong toàn cõi Đại Việt. Ta muốn mọi nhà, mọi người đều tu Phật, tức là tu tâm. Tâm thiện ấy chính là Phật. Nên chỉ mỗi gia đình phải thực sự hòa thuận, kính trên nhường dưới, bảo ban nhau làm ăn. Chớ có tin vào những điều nhảm nhí, dị đoan của bọn phù thủy đem từ Trung Quốc sang. Sao cho nhà nào cũng không phải lo đói, lo rét, lại còn dư dật ra chút ít để cứu giúp những người cơ nhỡ.Tức là mỗi gia đình đều có khả năng làm điều thiện. Nhà nhà đều no ấm, thuận thảo, hiếu nghĩa thì toàn xã hội không còn nạn trộm cắp, lừa đảo, bất hiếu, bất mục nữa. Khi mọi nhà đã no ấm, sẽ đua nhau làm việc thiện. Một xã hội đủ đầy, hiếu thuận là một xã hội có sức mạnh thần thánh, không còn lo sợ sự xâm nhập của ngoại bang nữa. Vua Nhân tôn nhìn khắp lượt mọi người rồi nói tiếp: - Ta muốn các chư vị bô lão, hào trưởng cùng tăng già hãy góp sức nhau lại làm cho sự đạo phát khởi. Làm sao cho quốc gia Đại Việt ta sẽ là một Niết bàn giữa trần gian.

Nhà vua đang say sưa thuyết giảng thì quan ngự sử trung tán Đoàn Nhữ Hài, cỡi con ngựa trạm chạy mệt sùi bọt mép, đang đứng giậm chân cồm cộp ngoài cổng chùa. Nhữ Hài được quan gia sai xuống kính báo cáo cho vua cha biết là có đoàn cống sứ Chiêm Thành sang. Họ đã tới kinh đô.

(còn tiếp)

 

(1)     Các vua đã nhường ngôi cho con, ở cung Trùng Quang.

(2)     Cung Trùng Hoa dành cho các tự quân ngự trong khi đến chầu thượng hoàng.

(3)     Dịch thơ Trần Nhân tông. Bài Chơi hành cung Thiên Trường. Dịch nghĩa:

… Trăm tiếng chim thành trăm giọng đàn hát,

 Nghìn ngọn quýt thành nghìn đội quân hầu…

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chương II  (10/03/2005)
Chương I   (07/03/2005)
Tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quốc Hải   (07/03/2005)