Chương VII
11:25', 24/3/ 2005 (GMT+7)

Thuyền vừa cập bến đông bộ đầu, Huyền Trân đã nom thấy mấy nữ tì với chiếc kiệu chờ sẵn ở trên bờ. Đám nữ tì lao xao ríu rít như một bầy chim vỡ tổ. Họ chạy túa ra mạn thuyền, đón chiếc ván lao từ thuyền xuống đặt cho chắc chắn, để rước công chúa lên bờ. Mới xa kinh thành có nửa tuần trăng, trở về cảnh đã đổi khác rồi. Rặng muỗm ven đê hôm đi mới bật lên vài chiếc lá non tim tím, nay đã trổ trắng một trời hoa. Hương hoa muỗm có mùi thơm ngai ngái. Bãi ngô bữa trước cây còn thấp lè tè thưa thoáng, nay đã cao vổng chấm lưng người, ngăn ngắt một màu xanh. Cả Thăng Long như vừa thay áo mới. Nhìn vào đâu, nhìn về hướng nào Huyền Trân cũng thấy sức sống mùa xuân đang trỗi dậy. Công chúa còn thấy như mùa xuân đang len lỏi trong huyết quản. Dưới lớp da mịn mỡ, và cả trong lồng ngực, Huyền Trân cảm nhận mơ hồ như có tới cả ngàn ngàn con kiến gió đang bò mơn man, khiến nàng lâng lâng như chính cơ thể mình đang giãn nở - đang lớn. Ôi tạo hóa thật là kỳ diệu, thật là bí ẩn khôn lường.

Còn đang ngỡ ngàng trước cảnh vật, công chúa thoáng thấy bóng một cô bé núp dưới gốc muỗm ở chéo cung đường, như đang tìm ai, đang chờ ai. Thấy có người để ý, cô bé không dám thấp thỏm nhìn về bến nữa.

Bích Huệ, Thúy Quỳnh, hai tì nữ thân cận nhất nài nỉ mời công chúa lên kiệu về cung. Khi kiệu vừa đi hết chéo đường, có tiếng gọi giật giọng phía sau:

- Chị Gái, chị Gái ơi!

Đám nữ tì vừa đi vừa nói chuyện ầm ĩ, không ai nghe thấy tiếng cô bé gọi phía sau.

Tiếng gọi lại vang lên tha thiết như giận dỗi, như trách móc:

- Chị Gái! Chị Gái ơi! Sao chị tệ thế?

Đến lúc này đám nữ tì mới nghe thấy và dừng lại. Bích Huệ hốt hoảng ngoái nhìn về phía tiếng gọi. Thoáng thấy bóng người lấp ló sau gốc cây muỗm, Huệ chạy lại:

- Tẹo! Huệ reo lên - Em đến từ bao giờ? Sao biết chị qua đây mà chờ? Trời ơi con Tẹo, sao mày gầy thế em? Thầy ốm hử? Mẹ có ra cùng em không?

Thấy chị hỏi vồn vã, cô gái có tên là Tẹo ấy ý chừng đã bớt hờn dỗi, bèn lững thững từ sau gốc muỗm bước ra chào:

- Chị gái!.

Hai chị em đang bá vai nhau thì kiệu của công chúa quay lại. Huyền Trân xuống kiệu đi về phía hai chị em Bích Huệ. Cả đám nữ tì, đứng im phăng phắc, nhìn về phía chị em Bích Huệ, tỏ ý thương cảm, và cầu mong công chúa rủ lòng độ lượng. Họ sợ hãi thay cho Bích Huệ bởi triều đình có lệnh:”Các nô, tì đã hầu hạ trong cung vua hoặc các nhà quan, không được tự tiện gặp gỡ, hoặc tiếp đãi người thân thích ruột thịt của mình. Tội đó khép ngang với tội nô, tì bỏ chủ trốn đi. Bắt được đều xử theo ngũ hình (1)”. Bích Huệ tái mặt sụp lạy Huyền Trân xin tha tội.

Công chúa ngơ ngác hỏi:

- Vậy chớ em có tội gì Bích Huệ? Em bé này là em của em à?

Bích Huệ gạt nước mắt tâu lại cùng công chúa về lệ triều đình cấm đoán. Công chúa cườii cảm thông và xua tay:

- Ta là người của triều đình đây. Ta không thấy chị em em có tội tình gì hết. Thôi, hãy theo ta về cung.

Nói xong, công chúa vẫy cả bé Tẹo cùng đi theo. Khi cả đám nữ tì đã xúm xít quanh kiệu, công chúa mới căn dặn:

- Ta cấm các em không được để lọt chuyện này ra khỏi cung. Nếu đã là lệ của triều đình, ai ai cũng phải tuân phục. Riêng ta, ta muốn gia ân cho các em. Khi biết là lệ của triều đình, Huyền Trân thấy mình không được phép cưỡng lại, nên mới cấm đoán tì nữ không được phép hớt lẻo. Tuy vậy, trong thâm tâm, công chúa vẫn lấy làm hậm hực. Lệ luật gì quái ác đến nỗi con cái không được gặp lại cha mẹ, chị em không được gặp lại nhau. Nàng tự nhủ:Nếu ta có quyền lực, ta quyết bãi bỏ ngay lập tức những điều cấm kỵ bất công này.

Về phòng riêng của Bích Huệ, bé Tẹo thấy cái gì cũng lạ, cũng nhìn ngó, hỏi han. Điều làm Tẹo kinh ngạc là ở đây cái gì cũng đẹp cũng quí mà ở chốn dân dã quê mùa, Tẹo chưa bao giờ nhìn thấy.

Vừa hoàn hồn, Bích Huệ vội dặn em đôi điều. Nào không được nghịch ngợm sờ mó đồ vật. Không được tò mò đi lại. Tất cả những gì cấm kỵ, Huệ đã nhắc nhở dặn em kỹ lưỡng. Kể cả việc không được gọi cô là Gái. Cái tên cha mẹ đặt cho ấy đâu có hợp với chốn cung cấm đài các này. Lúc này Huệ mới chợt nhớ ra: Vậy chớ con bé lên đây có việc gì? Cô hỏi em:

- Ở nhà thầy bu có khỏe không em?

Dường như chỉ chờ có dịp chị hỏi đến, cô bé tủi thân òa khóc nức nở. Nó càng ấm ức khi thấy ở đây, chị nó sống sung sướng. Cái gì cũng thỏa thuê, thừa mứa. Thế mà chị nó chẳng nghĩ gì đến bố mẹ và chị em nó ở nhà, quanh năm đói rách. Bố thì từ khi quan bắt phải đi lao dịch trở về, không ngày nào không ốm. Ngã nước, bố phải hai lần nuốt giun đất, bệnh lại càng tăng. Mẹ ngày nào cũng lùi lũi đi làm ruộng cho nhà quan. Ruộng nhà, chỉ có mấy chị em bé bỏng, làm được đến đâu hay đến đó. Lúa xấu như cỏ may. Bao nhiêu nỗi đói khổ, tủi sầu, cái Tẹo định bụng gặp được chị thì phải kể lể hết mọi khúc thôi. Nhưng giờ đây, nó lại không muốn nói một tí gì. Nó cứ ôm mặt khóc tức tưởi. Cho mãi tới khuya, chị nó mới tỉ tê dỗ được nó nói. Giờ lại đến lượt chị nó khóc. Nó ngạc nhiên không hiểu tại sao chị nó lại khóc.

Nó liền hỏi:

- Chị Gái ơi, chị ở đây sướng thế, sao chị còn phải khóc?

Bích Huệ thấy tủi thẹn vô cùng. Ngay đến nỗi khổ của mình, người thân cũng đâu có hiểu để mà chia sẻ. Đúng là Huệ ở đây sung sướng thật. Nhưng đó là nỗi sung sướng của một con lợn, được người ta nhốt vào chuồng chăm sóc. Còn phận con hầu vẫn cứ là con hầu, chứ có gì thay đổi. Đến nỗi cha mẹ yếu đau đói rét, không làm sao có được lấy một xu quà bánh thăm hỏi, còn nói gì đến việc báo hiếu, phụng dưỡng. Ngay cái quyền được đi lại, thăm nom người thân thích ruột thịt của mình, cũng không có nữa. May được bà chúa này là người nhân hậu che chở cho, nếu không, cả hai chị em, cả cha mẹ lại vướng vào tội lưu đầy. Mai đây cái Tẹo về quê, lấy gì cho nó đem về kính mẹ biếu cha? Nhũ mẫu là ngườii quản lý khắt khe. Bà không cho phép ai có cái gì thừa. Quần áo, năm vài ba bộ. Khi được may bộ mới, phải trả lại bộ cũ để nhập vào kho chẩn cấp cho người nghèo. Bích Huệ cứ loay hoay không biết xử sự thế nào trong hoàn cảnh éo le này cho phải lẽ, Mãi tới gà gáy sang canh, Huệ mới chợp mắt được.

Lại tiếp đến một giấc mơ hãi hùng. Huệ mơ thấy có một người đội mũ trụ vàng, tay cầm bảo kiếm chỉ vào mặt cô, bắt cô phải xuống thuyền. Khi bước xuống thuyền đã thấy công chúa Huyền Trân ở đó, mặt rầu rầu, mắt đau đáu nhìn lại phố xá kinh thành, còn phía sau là biển cả. Thuyền giương lên chín lá buồm đỏ thắm. Những cánh buồm no gió kéo con thuyền lao đi vun vút. Bích Huệ sợ quá hét lên. Mồ hôi toát đầm người. Huệ không làm sao lý giải được, cứ trằn trọc mãi tới khi nghe tiếng tù và báo thức của trại cấm binh, cô liền vùng dậy ra cửa ngó nhìn tứ phía, xem có gì khang khác không. Thực tình Bích Huệ sợ người ta ập đến bắt chị em cô, mà giấc mơ như một điềm báo trước.

Buổi sáng, cơm nước vừa xong, công chúa cho gọi Bích Huệ lên thư phòng có việc. Huệ lo lắng vô cùng.

Thư phòng là nơi công chúa học hành, đọc sách, chỉ có nhũ mẫu được phép ra vào, hoặc giả một đôi khi có thù tiếp với khách văn chương. Cớ sao Huệ lại được gọi lên đây? Bích Huệ lo lắng đến bồn chồn.

Trước khi lên gặp công chúa, Huệ dặn em:

- Em ơi, nếu công nương có quở phạt, chị một mình chịu tội. Chị ráng xin để em được trở về nhà.

Nói rồi, nàng lủi thủi bước lên thềm. Mỗi bước đi như lê theo cả một sợi xích dài nặng trĩu.

Thấy Bích Huệ vào, công chúa tươi cười nắm lấy cánh tay Huệ lắc lắc:

- Em cảm thông cho ta nhé. Dẫu sao cũng không thể để cho em của em ở lại trong cung được. Ta e việc này lộ ra, có kẻ đàn hặc thì nguy hại cho em, chớ ta sợ gì.  Mọi việc ta đã nhờ nhũ mẫu thu xếp. Em vào trong này cho nhũ mẫu căn dặn.

Bích Huệ đi vào phòng trong, thấy nhũ mẫu vẻ mặt đăm đăm đang ngồi bên một đống những gói cùng bọc. Bà chỉ cho Bích Huệ ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Bà nói:

- Thân phận ta với em chẳng có khác gì nhau cả. Ta cũng thương em như thương ta thôi. Không có việc gì em phải khép nép sợ sệt ta. Các em thấy ta nghiêm quá phải không? Ta biết vậy. Nhưng ta nghĩ lại, dù ở vị thế nào cũng phải hoàn thành trách vụ tới mức cao nhất, để không ai có thể chê trách được mình. Việc của em, công chúa trao cho ta lo liệu. Mấy bọc này là quần áo cũ sửa lại đem về cho các em. Bọc này là hai tấm lụa, đem về cho bố, mẹ em. Còn đây là hai nén vàng ròng.

Nhũ mẫu vừa nói vừa đặt mấy nén vàng vào tay Bích Huệ.

Sực nhớ đến bà lão ăn xin ngoài chợ bữa trước ở Thiên Trường, cô vội rụt tay lại. Nhũ mẫu nhìn Bích Huệ cười:

- Em cứ cầm lấy. Tất cả là của công chúa cho em. Để tránh phiền phức, công chúa còn viết cả tờ bảo chứng nữa, phòng khi ra cổng hoàng thành gặp lính canh xét hỏi. Hoặc khi về nhà, xã quan, phủ quan ra vào hoạnh họe.

Tay nắm chặt nén vàng, mắt nhìn nhũ mẫu mà Bích Huệ vẫn cứ tưởng mình nằm mơ, bay lên chín tầng trời được bà tiên cho của.

Phút mơ màng của Bích Huệ chưa qua, nhũ mẫu lại nói:

- Em còn được công nương cho phép về quê thăm cha mẹ, họ hàng mười ngày nữa. Vậy là công nương biệt đãi em nhiều lắm đó. Ráng mà tận tâm với người.

Bích Huệ vái dài nhũ mẫu hai vái rồi trở ra sụp lạy Huyền Trân. Công chúa đỡ Bích Huệ dậy, an ủi vài lời, khuyên Huệ nên thu xếp đi ngay.

Xách mấy bọc gói và hai nén vàng về phòng riêng, Bích Huệ vội gọi em:

- Tẹo! Tẹo ơi! Lại đây chị bảo.

Đang nằm quay mặt vào tường đùa với con mèo trước tấm gương, chợt nhìn thấy Bích Huệ bước vào, lại nghe giọng nói như reo của Huệ, biết là có chuyện gì vui lắm, Tẹo vùng dậy đón lấy mấy bọc gói từ tay Huệ và hỏi:

- Chị Gái!… Suỵt em quên, chị Huệ ơi, chị lấy đâu ra những thứ này.

- Đây là những váy áo cũ của người hầu như bọn chị thải ra, công chúa ban cho chị đem về quê đấy.

- Thật ư chị Huệ, chị cho em một chiếc váy lành nhá. Váy em rách hết cả rồi.

- Được! Được! Cứ đem về, cái nào em thích, em mặc vừa là của em. Vừa nói, Huệ vừa mở tay đẫy lôi ra cho Tẹo xem.

- Ối giờ, cơ man nào là váy đẹp. Mắt Tẹo bừng sáng lên. Hết ướm bộ này, Tẹo lại ướm sang bộ khác, tới cả chục bộ mầu sắc lộng lẫy làm Tẹo hoa cả mắt. Tẹo đứng ngắm đống váy áo mà không dám tin đây là sự thật, bèn quay lại hỏi chị.

- Chị Huệ ơi, có đúng là công chúa cho chị đem về nhà mình, hay đây là xiêm áo công chúa ban cho chị mặc khi hầu hạ người.

- Chị nói thật mà, đây là những thứ bọn chị thải bỏ, nhũ mẫu thu lấy để chẩn cấp cho người nghèo mỗi khi công chúa đi thăm viếng các miền quê. Chị không nói dối em đâu.

Chợt nhận ra điều gì, mặt Tẹo buồn thiu, nhìn chị với vẻ thất vọng - Cơ mà đây là những thứ xiêm y sang trọng, chỉ có thể mặc đi chơi hội hoặc mặc vào ngày tết thôi, chứ không mặc đi làm đồng được đâu chị Huệ.

Huệ khẽ tát yêu vào má em gái - Sao em ngốc thế, chỉ để lại vài bộ mặc ngày hội thôi, còn thì nhuộm nâu, nhuộm chàm, nhuộm đen đi mà mặc.

Tẹo cười hớn hở - Ừ, em ngốc thật.

- Thôi đi ngủ, Huệ bảo em - Mai chị em mình về sớm kẻo thầy u mong.

 

(1) Ngũ hình:Năm bực hình: Xuy, trượng, đồ, lưu, tử.

1). Xuy hình: Đánh bằng roi, có 5 bực (chung cho cả đàn ông, đàn bà): 10 roi, 20 roi, 30 roi, 40 roi, 50 roi.

2). Trượng hình: Đánh bằng gậy (chỉ dành cho đàn ông). Có 5 bậc: 60 trượng, 70 trượng, 80 trượng, 90 trượng, 100 trượng.

3) Đồ hình: Đầy làm khổ dịch. Có 3 bậc: a) Dịch đinh. b) Tượng phương binh. c) Thực điền binh.

4) Lưu hình: Đầy phát vãng, có 3 bậc: a) Lưu cận châu. b) Lưu ngoại châu. c) Lưu viễn châu.

5) Tử hình: Giết chết, có 3 bậc: a) Giảo: Thắt cổ. b) Trảm: chém đầu. Chém bêu đầu gọi là KHIÊU. c) Lăng trì: Chặt chân tay, xẻo thịt làm cho chết dần.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chương VI  (22/03/2005)
Chương V  (18/03/2005)
Chương IV   (16/03/2005)
Chương III   (14/03/2005)
Chương II  (10/03/2005)
Chương I   (07/03/2005)
Tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quốc Hải   (07/03/2005)