Huyền Trân về tới kinh thì được tin phụ hoàng đã lên đường đi thăm Chiêm quốc từ mấy bữa trước. Vua Nhân tôn có để lại cho con gái mấy dòng viết trên nền giấy long tiên, do đích thân Đặng Dương đem từ cung Thánh Từ (1) sang trao tận tay cho công chúa. Huyền Trân cứ đọc đi đọc lại và ngắm nghía nét chữ của vua cha viết rất chân phương trên tờ giấy nền vàng, có điểm vết bạc lưa thưa và có vẽ hình rồng óng ánh kim nhũ.
Lão Dương dâng bức thư cho công chúa xong chắp tay đứng chờ. Không hiểu công chúa mải xem thư cha, hay còn muốn lưu lão lại hỏi chuyện, nên chưa có lệnh lui. Cũng vì chưa có lệnh nên lão Dương vẫn cứ phải chắp tay đứng hầu. Trong khi đó nơi xương sống lão cứ đau sụn xuống, như có hàng trăm con rết đốt cùng một lúc, buốt tận óc. Lão cắn răng, oằn người chịu đau, chứ lão không tự ý xin lui. Đời lão chưa mở miệng xin xỏ ai một tí gì. Công chúa mải đọc thư cha, hết suy nghĩ về những điều vua khuyên nhủ, lại tưởng tượng ra cảnh non sông thành quách của Chiêm quốc - nơi vua cha sẽ tới. Chợt công chúa quay ra thấy lão Dương vẫn đứng chắp tay với vẻ nhăn nhó. Nàng kinh ngạc hỏi:
- Lão chưa về ư? Có chuyện gì nữa đấy lão Dương?.
- Ôi ta vô ý quá. Tại ta mải đọc thư của phụ hoàng để lão phải đứng chờ mãi. Xin lão bỏ lỗi cho ta. Nếu lão không có việc gì bận lắm, mời lão hãy nán lại giây lâu. Lão ngồi vào bàn kỷ này cho đỡ mỏi.
Gượng ngồi vào mép kỷ, lão Dương chậm chạp thưa:
- Bẩm công nương, chẳng hay công nương có điều gì sai bảo?
- Lão dạy quá lời. Ta đâu dám lạm quyền. Dẫu sao lão vẫn là ân nhân của thượng phụ ta.
- Trước sau tôi cũng chỉ là một tên nô bộc. Công nương cứ tự tiện sai bảo.
- Ta chỉ phiền lão kể giùm cho nghe một vài chuyện, hồi lão và các bậc tiền bối của ta đánh giặc Thát. Về chuyện lão cõng thượng phụ ta từ thuyền phi thân vào bờ, ta đã được nghe phụ hoàng kể lại. Ta cứ cho việc ấy phải có thần giúp rập, chứ sức người làm sao nổi. Có đúng vậy không lão Dương?
- Dạ, đúng như công nương dậy đấy ạ. Sức người thường sao làm nổi. Nhưng theo ngu ý của kẻ tôi tớ này, nếu có thần linh giúp sức, sao lão còn bị sụn xương sống, hỏng cả một đời người?
- Ờ, ờ… tội nghiệp cho lão. Vậy lão kể lại chuyện ấy đi!.
- Thưa công nương, chuyện của lão, công nương đã nghe rồi. Bây giờ kể lại nó vô duyên quá. Nhưng còn nhiều chuyện khác mà lão biết, lão xin kể hầu để công nương nghe. Chẳng hạn như chuyện bảo nghĩa vương Trần Bình Trọng đã thét vào mặt giặc khi chúng dụ hàng:”Ta thà làm quỉ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”.
- Đa tạ lão phu. Truyện đó ta đã có nghe đôi ba lần.
- Vậy chớ còn chuyện quan đương kim đại an phủ sứ của kinh sư vào trại giặc cầu hòa, công nương đã nghe chưa?.
- Dạ, chuyện đó ta mới chỉ nghe loáng thoáng, chưa có ai kể được tường tận. Có đôi lần ta nài nỉ chính quan đại an phủ sứ kể cho nghe, nhưng lần nào ông cũng tìm cớ thoái thác. May ra lần này…
Công chúa đang nói, gương mặt bỗng ửng hường, nàng có ý hơi thèn thẹn.
Lão Dương vội đỡ lời.
- Bẩm công nương, ấy là vào khoảng năm Ất dậu (1285), vua Nguyên sai thái tử là Thoát-hoan thống lĩnh năm chục vạn quân, lấy cớ là mượn đường đi đánh Chiêm Thành để xâm lấn bờ cõi bờ ta…
- Giống như chuyện đồ Ngu diệt Quắc (2) - công chúa nói xen vào.
- Dạ, công nương nói chí phải. Sau gần ba chục năm thái bình. Ấy là kể từ khi quân Nguyên lấn vào cõi bờ ta ở quãng năm Đinh tị (1257), chúng bị bại phải rút về. Nay chúng lại sang. Sức giặc cường lắm. Quân kỵ của chúng nếu thả sức ra ngày đi tới trên trăm dặm. Chúng thoắt tiến thoắt lui chớp nhoáng, biến ảo khôn lường.
Để địch lại với chúng, triều đình ta cử đức Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương thống lĩnh chư quân sự. Vào đầu cuộc chiến, quân Nguyên tiến binh ào ạt như nước chảy, mây bay.
Thế giặc lớn lắm. Nhiều nơi quân ta bị vỡ. Tình hình nguy cấp. Ngày mồng sáu tháng giêng. Ấy là lão vẫn nói về năm Ất dậu đó. Chính cái năm đức Khâm từ sinh hạ công nương trên đường chạy loạn. Công nương sinh ra giữa gan bàn chân trái có một nốt ruồi son đỏ chót.
Thấy lão Dương nói có nốt ruồi son nơi gan bàn chân, Huyền Trân vội rút chân khỏi hài, kín đáo nhìn, quả đúng như lời lão. Nàng vẫn thấy người ta nói, nốt ruồi son ở chỗ kín, là biểu hiện của quí tướng, nên cảm thấy vui vui.
Lão Dương vẫn chậm rãi nhả ra từng tiếng chắc nịch:
- Quan thái bốc xem tử vi nói công nương có tướng cực quí. Nhưng chỉ phát ở ngoài cõi… A mà miên man quá, lão nói đến chỗ nào rồi thưa công nương?.
Công chúa lòng còn đang muốn nghe cái đoạn quan thái bốc nói về số phận mình, lão Dương đột ngột dừng. Song nàng không tiện hỏi thêm. Vả lại nàng còn muốn biết việc đi cầu hòa của Khắc Chung, nên lại vui vẻ nhắc:
- Vừa giờ lão nói đến ngày mùng sáu tháng giêng.
- Dạ, dạ, thưa công nương cái năm ấy, kể như không có tết. Vì quân Thát đánh vào ải Nội Bàng từ cuối tháng chạp. Tới mùng sáu tháng giêng Ô-mã-nhi đánh tan quan quân ở Vạn Kiếp. Ngày mười hai, giặc đã tới Vũ Ninh, Đông Ngàn, Gia Lâm. Thế ta núng lắm. Hai vua buộc phải đem An Tư công chúa, em gái út của thái thượng hoàng ta bây giờ dâng cho Thoát-hoan. Nhưng sức má hồng sao cản nổi vó ngựa quân Nguyên. Thế nước ngàn cân treo sợi tóc. Trong lúc ấy thì thượng vị Chương Hiến hầu Trần Kiện, con của Tĩnh Quốc đại vương và liêu thuộc, là bọn Lê Tắc đem cả nhà cùng với một vạn quân đầu hàng giặc. Rồi thượng vị Văn Chiêu hầu Trần Lộng tới hàng tại dinh Thoát-hoan. Ngay cả đến Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, một người văn học lẫy lừng được thái thượng hoàng yêu quí cũng hàng giặc. Tiếp đến là bọn Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long đều đem cả nhà theo giặc. Thăng Long sắp mất. Trước tình thế đó, vua cần một người đi dò la thế giặc, đưa thư xin hòa. Là cốt để làm chậm bước tiến của quân Nguyên. Vua còn đang phân vân chưa biết sai ai, thì chi hậu cục thủ là Đỗ Khắc Chung, liền chạy đến tâu rằng: “Tôi là kẻ ti tiện không có tài cán gì, xin đi”. Vua mừng lắm, nói rằng:”Biết đâu trong đám ngựa kéo xe muối lại chẳng có ngựa kỳ ngựa ký”. Bèn sai Khắc Chung đem thư tới trại giặc xin giảng hòa.
Ô-mã-nhi đập án quát mắng:
- “Vua nước ngươi vô lễ, sai người thích chữ”Sát Thát”, khinh nhờn quân thiên triều, tội ấy to lắm”.
Chả là trong quân, vì lòng căm ghét giặc, thảy mọi người đều thích hai chữ “SÁT THÁT” vào cánh tay. Tỏ ý giết giặc Thát đến cùng. Khi mặt trận Đông Ngàn, Vũ Ninh vỡ, giặc bắt được quân ta, người nào trên cánh tay cũng có hai chữ đó. Chúng tức lắm, giết hại rất nhiều. Ô-mã-nhi mắt đỏ sọc hết nhìn vào mặt quan chi hậu cục lại nhìn vào thanh gươm để trước mặt, có ý hù dọa rằng “Ta sẽ cắt đầu ngươi bằng thanh gươm này”.
Quan chi hậu cục thủ mặt không biến sắc, thản nhiên đáp:
- Sự thường chó trong nhà cắn người lạ, vì không phải là chủ nó. Đây hẳn là do lòng trung thành tức giận, sĩ tốt họ tự thích mực lấy, quốc vương tôi có biết đâu.
- Ngươi còn già mồm cãi nữa, ta sẽ cắt lưỡi. Đây không phải nơi dùng lưỡi của Tô Tần (3), Trương Nghi (4) mà khua khoắng. Ô-mã-nhi vẫn quát mắng thô lỗ tục tằn. Rồi y gõ ba tiếng vào chiếc chậu đồng để trên giá. Lập tức có hai tên lính khiêng vào một chục mâm thau phủ nhiễu đỏ. Chúng đặt ngay trước mặt Khắc Chung. Ô-mã-nhi đứng dậy giật tung vuông khăn phủ, lộ ra một mâm đầy những chiếc cánh tay có thích hai chữ “SÁT THÁT” màu chàm.
Quan chi hậu cục bèn đứng dậy nói:
- Tướng quân quả là tàn bạo. Tôi đã nói quốc vương tôi không biết tới việc này. Nếu không, tôi là kẻ hầu cận, sao việc ấy lại không có. Nói xong, bèn vén cả hai cánh tay áo lên.
Ô-mã-nhi đuối lý nói lảng sang chuyện khác:
- Đại quân ta ở xa đến đây, nước ngươi sao không trở ngược giáo cùng đến ra mắt, mà còn chống cự mệnh lệnh? Vua tôi nước ngươi lớn mật, dám lấy càng con bọ ngựa chống lại bánh xe. Ngươi có biết sự thể rồi sẽ ra sao không?. Ô-mã-nhi chìa hai bàn tay ra bóp vào không khí rồi nắm lại xoắn xoắn, kiểu như người bóp một quả trứng.
Vị sứ giả của nhà vua vẫn tỏ ra ôn nhu trước viên tướng giặc. Y cứ lồng lên như một con sư tử vừa vướng bẫy. Khắc Chung trả lời:
- Hiền tướng không theo kế sách của Hàn Tín bình nước Yên ngày xưa (5) đóng quân ở địa giới, đưa thư tín trước, nếu không chịu hòa hiếu mới có lỗi; nay đem quân bức nhau, tức như người ta nói “muông cùng phải đánh lại, chim cùng phải mổ lại, huống chi là người”.
Vẫn cái giọng dọa dẫm, Ô-mã-nhi nói:
- Đại quân của ta mượn đường nước ngươi để đi đánh Chiêm Thành, vua nước ngươii nếu đến gặp nhau thì trong cõi yên ổn, không xâm phạm mảy may, nếu cứ chấp mê thì trong khoảng giây phút, núi sông sẽ thành đất bằng, vua tôi sẽ thành cỏ mục.
Khắc Chung liền đáp:
- Tướng quân lấy gì bảo đảm để chúng tôi khỏi ngờ rằng đây không phải là kế đồ Ngu diệt Quắc?
- Nói rồi Khắc Chung cáo từ ra về.
Lão Dương dừng lại giây lâu. Công chúa đang háo hức nghe như uống lấy từng lời, cảm thấy sốt ruột, bèn giục:
- Lão kể tiếp đi.
Vẫn cái giọng đều đều chắc nịch, lão tiếp:
- Nghe đâu khi quan chi hậu cục thủ về rồi. Ô-mã-nhi nói với các tì tướng rằng:”Người ấy đương lúc bị uy lực áp chế mà lời nói, sắc mặt vẫn tự nhiên, không hạ thấp chủ nó làm Chích, không nịnh hót ta làm Nghiêu, nước nó có người giỏi, chưa dễ đánh lấy được”.
Rồi Ô-mã-nhi sai người đuổi theo bắt lấy, nhưng không kịp. Quan ta ra cản, hai bên đánh nhau.
“ Quả là một vị anh hùng! Huyền Trân thầm nghĩ - Tranh biện hơn thua ở chốn muôn chết mà vẫn giữ được khí tiết, là việc không phải xưa nay ai cũng làm được”. Công chúa hít vào một hơi thở sâu, như muốn chôn chặt vào lòng các sự tích kỳ diệu của một con người, mà bấy lâu nay nàng ngưỡng mộ. Đoạn Huyền Trân quay ra nhìn lão bộc với ánh mắt dịu hiền như thầm biết ơn lão. Một lát, nàng nói:
- Cảm ơn lão phu.
- Không dám! Không dám! Lão Dương giẫy nẩy lên - Xin công nương đừng xếp nhầm tôi vào hàng các đấng bậc. Thân phận tôi suốt đời chỉ là kẻ nô bộc.
- Lão phu nhìn nhận như thế nào về phẩm cách quan đại an? Ấy là tôi muốn hỏi ý lão về ông ta ngay cả trong thời bình.
Với vẻ khó chịu, nhưng rồi lão Dương cũng ép lòng mình thuận theo những đòi hỏi tò mò của một cô bé mới mười lăm mười sáu tuổi.
- Mong công nương bỏ lỗi cho, phận nô bộc như lão, nhân danh gì để thẩm định phẩm cách một vị đại thần? Nhưng lão trộm nghĩ, con người ông ta, có gì đã bộc bạch hết cả ra ngoài rồi đấy. Lúc có giặc thì xả thân vì nước. Lúc thái bình lo giúp rập vua, chứ không đua đòi vét của dân xây dinh lập phủ. Công chúa thử xem các quan giữ chức đại an phủ sứ ở kinh này từ trước tới nay, có ai là người không có phủ đệ nguy nga, hay chỉ có quan lớn Trần Khắc Chung? Một người trong sáng như thế, còn gì nữa để phẩm bình? Nhưng thưa công nương, cuộc đời cũng như nắng sớm mưa chiều, biết thế nào mà nói trước. Có khi hôm nay là người thiện, mai đã thành kẻ ác. Cũng ví như Chiêu Quốc vương Ích Tắc, nếu không có chuyện quân Thát vào cõi, thì sao biết được bụng bán nước cầu vinh của ông ta. Ông ta đủ các điều đạo lý để răn dạy thiên hạ. Lại ví như không có quân Thát vào, thì sao Bình Trọng tỏ được cái bụng trung dũng ngất trời của một vị Bảo nghĩa vương?.
Công chúa cúi xuống với vẻ suy tư, một lát nàng ngửng nhìn lão bộc, nói:
- Cảm tạ lão lắm lắm. Chỉ nghe lão kể ít giờ, ta hiểu thêm được bao điều rõ ràng khúc triết, mà trước đây những việc ấy ta được nghe, cũng giống như ta trông vào đám sương mù dày đặc. Quả thật hơn nhiều lắm so với sách của vài nhà soạn gần đây, nói về cuộc chiến. Bởi các tác giả chỉ thiên về việc múa bút khoe văn, mà ít chú trọng đến thân phận con người, còn công trạng thì phẩm bình thiên lệch. Ta ước sao thi thoảng lão ghé qua chơi, lão lại kể cho nghe đôi điều hữu ích. Còn bây giờ ta không dám lưu lão nữa. Chắc hẳn lão đã mỏi:
Lão Dương chống hai tay vào đầu gối đứng dậy vái chào công chúa, rồi bước ra. Ông đi với cái dáng khom khom, tập tễnh.
(Còn tiếp)
(1) Tên đặt cho cung điện, nơi thượng hoàng sau khi đã truyền ngôi cho con, lui về ở đó.
(2) Nước Sở muốn đánh nước Ngu phải qua nước Quắc. Vua Sở hẹn với nước Quắc xin mượn đường đem quân qua Quắc để diệt Ngu. Và hứa khi nào diệt xong Ngu sẽ chia đôi công quả. Quắc bằng lòng. Khi quân Sở vào đất Quắc rồi bèn diệt luôn Quắc sau đó mới diệt nốt nước Ngu. Qua chuyện này ý muốn nói đến sự tráo trở của người Nguyên.
(3), (4) Hai tay cự phách trong làng thuyết khách thời Chiến quốc của Trung Hoa cổ đại.
(5) Hàn Tín là tướng của Hán Cao tổ, muốn đánh nước Yên hỏi Lý Tả Xá. Tả Xá bàn nên viết thư đưa cho nước Yên để dụ. Hàn Tín theo kế, đưa thư cho nước Yên, quả nhiên nước Yên đầu hàng không phải đánh.
|