Chương X
17:32', 28/3/ 2005 (GMT+7)

Sớm dậy công chúa đã vào phòng trang điểm. Nàng không dùng phấn son lòe loẹt, áo quần sặc sỡ. Công chúa mặc chiếc áo dài màu tía cổ thêu đôi chim phượng bằng chỉ kim tuyến, đai ngọc thắt hở. Hai cửa tay thụng viền chỉ bạc, quần màu xanh nõn chuối, chân giận hài cong màu cánh chả, và xức một thứ nước trầm hương lên làn tóc mây đen nhức, buông xõa tới ngang lưng.

Đầu đội chiếc mũ bằng lông điêu trắng muốt.

Công chúa có đôi mắt đen huyền, hàng mi cong như chiếc lá liễu rũ trên cành. Chiếc mũi thanh tú hòa hợp với khuôn mặt trái xoan được nước da mịn mỡ trắng hồng tôn lên, nom nàng đẹp như một cô tiên lạc bước xuống trần. Và bao giờ ra khỏi nhà, công chúa cũng ngụm một hớp nước trầm, xúc miệng thật lâu.

Huyền Trân vừa toan bước xuống bậc thềm, thì hai tì nữ ùa tới. Cả hai cùng reo lên:

- Công nương đẹp quá! Công nương đẹp quá!

Huyền Trân mỉm cười, đôi má ửng hồng như một trái đào khoe mã. Nàng dắt tì nữ ra dạo ngoài khuôn viên. Chiếc hồ bán nguyệt nước trong tới đáy. Rặng liễu quanh hồ rũ bông xuống nước buồn hiu. Mấy cây hoa lan, hoa mộc kín đáo tỏa hương dìu dịu. Lại kia khóm bạch trà nở muộn khoe sắc trắng phau. Lấp ló vài bông hải đường còn sót sau tết Nguyên tiêu, rã cánh chỉ còn trơ lại đám nhụy vàng xơ rơ. Nắng xuân tỏa sắc vàng mơ. Công chúa đi dạo quanh vườn, tà áo nhè nhẹ đung đưa theo nhịp bước khoan thai, cứ dập dờn như cánh bướm thoắt đậu thoắt bay.

Chợt có người bên Đông cung sang đệ trình công chúa một bức thư.Nàng vén tay áo mở thư đọc. Khóe mắt ánh lên như cười. Gấp thư lại, nàng ném cái nhìn bâng khuâng vào vòm trời xanh nhạt. Dạo thêm vài bước, như chợt nhớ ra, công chúa quay về phía ngườii nô bộc bên phủ Đông cung, bèn hất hàm nói:

- Ngươi về thưa lại với thái tử, ta sẽ sang ngay. 

Rồi sai bọn tì nữ đi lấy kiệu, để nàng sang phủ Đông cung nghe quan giáo thụ giảng kinh sách.

Thái tử còn nhỏ, mới theo học được vài năm, phải có người phụ giúp để kèm cặp. Mấy quan giáo thụ trước đây, việc dậy, giảng nghiêm khắc, nên không hợp ý thái tử. đều phải thay cả. Nhà vua dù có tôn sư trọng đạo, dù có nghiêm đến mấy cũng vẫn là một người cha, không thể không chiều con. Thái tử được người phụ giảng dẫn ra lạy chào hoàng cô. Trần Huyền Trân hỏi han sự học hành của thái tử.Có đôi lần nàng hỏi về quan giáo thụ Trần Khắc Chung. Thái tử cười tủm tỉm, đáp:

-Thưa hoàng cô, cái ông thầy này vui tính lắm. Dể tính lắm. Ông không bắt học thuộc như mấy ông thầy trước. Ông còn kể chuyện vui cho cháu nghe nữa.

Công chúa xem sách học của thái tử, thấy quan giáo thụ dạy không chuyên theo một sách nào. Tứ thư (1), Ngũ kinh (2) đều có trích dạy cả. Nàng hỏi lại thái tử đôi chỗ, xét ra sự hiểu nghĩa cũng còn lơ mơ, có khi không hiểu nghĩa hoặc quên lời thầy giảng mà nói sai. Lật trang cuối cùng trong sách học, thấy chép một đoạn trong sách Trung dung, công chúa bèn bảo thái tử đọc.

Thái tử lấy giọng đọc to:

- Hữu phất học, học chí phất năng, phất thố giã. Hữu phất vấn, vấn chi phất tri, phất thố giã. Hữu phất tư, tư chi phất đắc, phất thố giã. Hữu phất biện, biện chi phất minh, phất thố giã. Hữu phất hành,hành chi phất độc, phất thố giã. Nhân nhất năng chi, kỷ bách chi; nhân thập năng chi, kỷ thiên chi. Quả năng thử đạo kỷ, tuy ngu tất minh, tuy nhu tất cương.

Thái tử vừa đọc dứt lời, Trần Huyền Trân mỉm cười hỏi:

- Vậy cháu có hiểu nghĩa đoạn văn trên nói gì không ?

Thái tử lắc đầu:

- Ông ấy chưa giảng. Hôm nay mới bắt đầu học sách Trung dung.

Chợt có người vào bẩm:

- Quan trừ cung giáo thụ đã tới!.

Công chúa cúi đầu chào với vẻ bẽn lẽn đứng né sang một bên.

Trần Khắc Chung vòng tay đáp lễ, rồi nói:

- Thưa công nương, hôm qua tôi có được hân hạnh đọc thư công nương ngỏ ý muốn xem thái tử học hành thế nào. Tôi không dám thiện tiện trả lời công nương, bởi việc đó lại quyền ở thái tử. Còn về phần tôi, được tiếp rước công nương, tôi cho là một ân huệ.Xin công nương và thái tử bỏ lỗi cho buổi học hơi trễ này, là bởi sớm nay quan gia cho gọi tớii chầu. Tan chầu, tôi vội vã về đây ngay, kẻo công nương cùng thái tử phải đợi. 

- Nếu ông giáo thụ không cho việc tôi tới đây nghe giảng là quấy rầy, thì xin ông cứ giảng cho thái tử.

Quan giáo thụ sửa lại mũ, áo ngay ngắn rồi ngồi xếp bằng trên kỷ nói:

-Thưa thái tử, buổi học bắt đầu. Xin thái tử đọc lại đoạn văn chép hôm qua, để thần được hầu giảng.

Thái tử mở sách đọc lại đoạn văn lúc trước đã đọc cho hoàng cô nghe. Vừa đọc dứt lời, quan giáo thụ cất giọng sang sảng:

- Đoạn văn trên Đức thánh dạy rằng: Có điều mình chẳng học,nhưng đã học mà chưa hay thì chẳng thôi. Có điều mình chẳng hỏi nhưng đã hỏi mà chưa biết thì chẳng thôi. Có điều mình chẳng nghĩ, nhưng đã nghĩ mà chưa ra lẽ thì chẳng thôi. Có điều mình chẳng biên bạch, nhưng đã biện bạch mà chẳng rõ ràng thì chẳng thôi. Có điều mình chẳng làm, nhưng đã làm mà chưa hết sức thì chẳng thôi. Người ta ra công một lần mà thành, mình hãy ra công đến trăm lần. Người ta ra công mười lần mà thành, mình hãy ra công đến nghìn lần. Nếu giữ vững đường lối ấy, dầu ngu độn cũng hóa ra thông minh, dẫu nhu nhược cũng hóa ra cường mạnh.

Cắt xong nghĩa đen, quan giáo thụ ngửng nhìn thái tử và công chúa. thấy mặt thái tử còn ngây ngây, ông chắc người học trò của mình chưa hiểu. Nhưng công chúa lại tươi tỉnh. Mắt nàng ánh lên những tia sáng như he hé cười. Ý như giục quan giáo thụ cứ giảng tiếp. Quan giáo thụ muốn nhân lời thầy Tử Tư nói về  sự học hành mà huấn dụ cho thái tử phải động tâm, sửa mình, để cho sự học được siêng năng tấn tới. Bởi mai đây thái tử sẽ lên ngôi báu, trị vì thiên hạ. Người đứng đầu một quốc gia, phải là người thông tuệ. Phải có ý chí sắt đá, kiên cường. Phải có lòng khoan dung đức độ.Cái chí và cái tâm của vị đứng đầu thiên hạ sau này phải được rèn giũa từ bây giờ. Ông chủ tâm đường học là ở nơi rèn trí và rèn đức, bởi vậy ông không nhồi nhét, bắt trẻ nhỏ phải thuộc làm lòng những điều mà nó chưa ý thức được. Cho nên việc khai trí trước hết phải bắt đầu từ việc khai tâm. Cáii gốc vẫn là ở sự khai tâm. Quan giáo thụ cũng biết công chúa là người hiếu học,ham đọc kinh sách. Nên nhân bài học này, quan cũng muốn khích lệ lòng trọng học của nàng, để nàng thấy được cái ý thâm viễn của thánh hiền, huấn giáo cho kẻ hậu học, là học để làm người, chứ không phải học để nhuyễn văn.

Quan giáo thụ lại ném cái nhìn về phía thái tử và hỏi:

- Thưa thái tử, tôi nói thế, thái tử đã thâu nhận được cái ý của bài văn chưa ạ?

Thái tử gật đầu, nhưng mắt vẫn nhìn quan giáo thụ với vẻ ngây ngây. Biết cậu bé này chưa hiểu bài, ông lại cắt nghĩa một cách rành rọt, giản dị. thái tử chăm chú nghe, mắt cứ sáng dần lên, khuôn mặt nom lanh lợi. Kinh nghiệm cho ông biết, như vậy là học trò đã nắm được bài. Ông bắt thái tử phải tự mình cắt nghĩa. Khi cậu bé nói lại được những điều vừa nghe giảng, quan giáo thụ gật gù khen ngợi:

- Bây giờ tôi lại giảng sang nghĩa bóng của đoạn văn trên, xin thái tử lưu tâm.

Với giọng nói uyển chuyển, với lối dẫn dụ xa gần, kim cổ khiến bài giảng của ông vừa cao, sâu, vừa giản dị, làm cho người nghe tưởng như mình đang chứng kiến những cảnh có thực trong đời. Bởi vậy không những thái tử bị hấp dẫn, mà ngay cả công chúa cũng cuốn hút vào lối giảng vừa hiển lộ vừa uẩn ảo của quan giáo thụ.

Sau khi nói hết những ý sâu xa, ông lại nhấn mạnh thêm:

- Người đời thường đem chuyện ông Ngu Công dở núi, với chuyện mài sắt thành kim, để khích lệ ai đã làm việc gì phải hằng tâm hoàn tất. Chứ thật ra người đời có ngu gì mà không dời nhà mình đi chỗ khác mà lại đi dời núi. Cũng như cái công bỏ ra mài một cục sắt mà thành cây kim, nếu để làm việc khác có thể mua được tới cả ngàn cây kim. Bởi chưng việc học ở đời là việc cực khó; nên người đời mới đặt điều khuyến dụ như vậy. Ấy là nói cái học để thành nhân, chứ không phải cái học để thành danh. Các đấng minh quân từ xưa tới nay,đều là những bậc trí huệ nhân bản cả. Người trị vì cả một nước dù là nước nghèo, nếu như giữ được cái đạo thường, dân vẫn mến nghĩa nghe theo. Nước vẫn thái bình thịnh trị. Muốn giữ được kỷ cương ấy, người cầm đầu thiên hạ phải là người trí. Hóa nên dân tuy có tạm bị mất mùa mà thiếu đói, nhưng nước vẫn có rường mối, ổn định, Còn như nước giàu, mà người cầm đầu thiên hạ lại không phải là người trí, thì mọi kỷ cương đều xáo trộn. người dân không còn biết tin và nghe cái gì nữa. Thành thử nước tuy có giàu, mà vẫn không có lễ luật, khiến cho nhân tâm biến loạn. Nước ấy sẽ nát như tương. Thái tử là người sau này giữ gìn ngôi báu chăn dắt trăm họ, không thể không lưu tâm đến điều có quan hệ tới việc trị nước, an dân. Nói tới điều này hẳn nhiên Trần Khắc Chung đứng trên cương vị của quan đại an phủ sứ mà thẩm định. Tan học, quan phụ giảng ra mời quan giáo thụ, thái tử và công chúa vào trà thất.

Sau hai tuần trà rồi, mà đầu óc công chúa vẫn còn vương theo những lời huấn giảng của quan trừ cung giáo thụ. Rõ ràng là từ trước, nàng chưa được nghe một buổi giảng kinh sách nào vừa nghiêm trang lại vừa hấp dẫn, vừa hiểu được nghĩa của sách, vừa biết được cái nhẽ ở đời. Lời lời như thúc giục người nghe phải hành động, chứ không phải chỉ nhấm nháp thụ hưởng văn chương.

Quan giáo thụ là người thông bác cả dịch lý, nên ông thừa biết tâm trạng của công chúa thế nào. Tuy vậy, ông vẫn nhũn nhặn hỏi cái điều ông đã biết:

- Thưa công nương, chẳng hay việc hầu giảng của tôi bữa nay có gì khiếm khuyết, xin công nương phủ chính cho.

- Ông giáo thụ quá khiêm nhường. Tôi trộm nghĩ, nếu được ông chỉ giáo, hẳn là đá cũng phải trở thành hiền nhân quân tử.

Trần Khắc Chung cười, mọi người cười theo.

Huyền Trân lại hỏi:

- Bữa nay quan giáo thụ tan chầu muộn. Chẳng hay vương huynh ta cùng các trọng thần luận bàn điều chi. Ông có hay tin phụ hoàng ta vào Chiêm đã có hồi âm chưa?

- Thưa công nương, việc thượng hoàng vào Chiêm thì sáng nay quan gia đã bố cáo nơii triều hội. Rằng theo như lời biểu của quan điện súy thượng tướng quân, từ biên thùy phía nan gửi về, thì thượng hoàng vào Chiêm được tiếp rước nồng hậu. Sức khỏe của thượng hoàng và đoàn tùy tùng vẫn bình thường. Người vẫn chưa ấn định ngày về. Ngừng một lát, quan đại an phủ sứ tủm tỉm cười, nói tiếp:

- Có một điều lẽ ra tôi không có quyền nói ở đây, nhưng đều là người trong hoàng gia cả nên tôi cứ mạo muội… Bỗng quan an phủ sứ ngừng lời khiến mọi người càng háo hức muốn nghe. Phút yên lặng tưởng dài đến vô tận.

Không nén nổi tính tò mò con trẻ, thái tử lên tiếng giục:

- Xin ông giáo thụ kể tiếp đi. Kể tiếp đi.

Quan giáo thụ cố giấu đi nụ cười, làm ra vẻ nghiêm trang, ông nói:

- Chả là sớm nay, quan thái y lật đật vào triều tâu trình một việc hơi lạ. Cứ như lời quan thái y thì suốt đêm qua, đám lính canh không dám ngủ. Họ nói là có ma đập vào cửa.

Nghe nói tới đây, Huyền Trân công chúa bưng miệng để tránh một tiếng cười phì. Còn hoàng tử thì tròn xoe mắt ngơ ngác, nửa phần như sợ hãi, nửa phần như muốn quan giáo thụ kể tiếp. Quan giáo thụ lại nói:

- Kỳ lạ là cứ mỗi khi đám lính canh thắp đèn đuốc soi tìm thì không thấy một dấu vết gì. Nhưng vừa tắt đèn vào nhà, tiếng đập cửa lại vang lên. Cứ thế tới cả chục lần, sau đám lính sợ quá chạy dạt ra ngoài. Nghe đâu việc ấy xảy ra ngay lúc chập tối. Đêm khuya thì ắng lắm, nhưng mọi người vẫn sợ.

Sự việc chỉ có thế. Qua gia truyền quan thái bốc đoán xem là điềm gì.

Sau một hồi suy đoán tính toán, quan thái bốc bèn tâu rằng:

- Đó là các oan hồn chết vì thuốc của thái y viện, nay chúng kéo nhau về đòi giải oan để chúng được thoát sang kiếp khác. Việc này không lập đàn chay cúng tế là không xong.

Làm ra vẻ bình thường có pha chút tò mò, công chúa hỏi quan giáo thụ:

- Thưa ông, việc đó theo ông nên hiểu như thế nào? Có đúng là có ma như quan thái y nói không? Có đúng như quan thái bốc nói là lập đàn chay cúng tế là giải thoát được không? Nhưng nếu cúng tế rồi mà vẫn không yên thì sao?

- Thưa công nương, tôi vốn không tin vào những điều dị đoan, nhảm nhí. Bởi vậy, tôi không tin vào lời của quan thái y và thái bốc. Tôi nghĩ rằng “linh tại ngã bất linh tại ngã”. Nghĩa là thiêng hay không thiêng đều ở nơi mình mà ra.

- Quan giáo thụ nói chí lý lắm. Tôi cũng tin rằng linh tại ngã bất linh tại ngã. Công chúa nói thêm ma quỷ thần thánh gì thì cũng ở nơi con người mà ra cả.

Nói rồi công chúa cáo lui.   

(Còn tiếp)

(1) Tứ thư: bốn pho sách kinh điển của đạo nho học: Đại học, Luận ngữ, Nạnh tử, Trung dung. 

(2) Ngũ kinh: Tức năm bộ kinh sách cơ bản của đạo nho: Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Xuân thu. Vậy là sáu kinh nhưng Tần Thủy Hoàng đốt mất Kinh hạc, không sưu tầm được, chỉ còn năm Kinh lưu truyền tới tận ngày nay. Nên gọi là Ngũ kinh.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chương IX  (28/03/2005)
Chương VIII  (25/03/2005)
Chương VII  (24/03/2005)
Chương VI  (22/03/2005)
Chương V  (18/03/2005)
Chương IV   (16/03/2005)
Chương III   (14/03/2005)
Chương II  (10/03/2005)
Chương I   (07/03/2005)
Tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quốc Hải   (07/03/2005)