Chương XII
11:16', 1/4/ 2005 (GMT+7)

Vua Nhân tôn và đoàn tùy tùng đi theo đường ngựa trạm vào các châu, quận phía nam, để rồi vào Chiêm bằng đường thủy. Chỉ những đoạn nào hiểm trở lắm, nhà vua mới chịu đi cáng.Nhà vua cũng cấm ngặt không được thông đạt cho các viên an phủ sứ, tri phủ hoặc kinh lược sứ, quan sát sứ ở các châu, quận để tránh sự tiếp rước phiền nhiễu cho dân. vừa đi nhà vua vừa xem xét dân tình. Quả như Khắc Chung nói: “Chúng dân tuy vẫn một lòng hướng về triều đình nhưng quá đỗi nghèo nàn. Nhiều người đã phải lìa bỏ quê quán đi tha hương cầu thực. Nhiều người chồng con vẫn còn tại ngũ, không ai làm trụ cột gia đình cũng sa vào cảnh sống vất vưởng”. Nhà vua thường cải dạng đi lẫn vào dân. hỏi bất cứ người nào, ở vùng nào họ cũng đều có chung một nguyện vọng, được sống trong thái bình, ổn định. Ai cũng mong mỏi được an cư, lạc nghiệp, chồng con không phải ra trận mạc, không phải chết vì mũi tên ngọn giáo. Đức vua thương dân đến quặn thắt cả ruột gan. Người tự nhủ: “Chuyến này vào Chiêm, mọi việc suôn sẻ tốt lành ta sẽ tha bớt lính cho về quê quán làm ăn. Không những thế, còn phải giảm thuế ruộng cho dân, và bắt nhà giàu cũng phải giảm bớt tô cho người nghèo. Rồi khuyến khích việc tầm tang, việc làm muối, khai mỏ, việc thông thương hàng hóa trong cả nước. Còn phải biệt đãi những người có tài lạ chước hay. Mong sao trong một vài năm tới, có thể chấn hưng được nền kinh tế, hồi phục được sức dân. Thương dân, không gì bằng lo cho dân được no ấm. Lo cho dân no ấm, không gì bằng khuyến khích dân vỡ đất cấy trồng, tha bớt tô thuế, hạn chế tạp dịch. triều đình cũng phải xén bớt các cuộc tế lễ, yến ẩm linh đình. Việc kiệm ước phải thấu đạt từ vua quan tới chúng dân trăm họ. Phải có hình phạt nặng nề đối với bọn xa hoa lãng phí. Phải ghép bọn quan lại, bọn hào mục hay bòn rút của dân, của nước vào tử tội…”. Nhà vua có lòng thương dân như thương con. Tới vùng nào vua cũng dừng lại chẩn cấp chút ít, gọi là lộc nước cho những người nghèo khổ, phải lang thang kiếm sống. Và làm lễ cầu siêu cho những người đã bỏ mình vì nước. Lại nữa, dù bận rộn đến đâu, nhà vua cũng không quên khai mở hội giảng để đích thân ngài truyền bá kinh Phật cho tăng chúng và đệ tử. Ngài chỉ mong bố cáo cùng thiên hạ, về tấm lòng từ bi hỉ xả của đức Phật. Ngài kêu gọi mọi người hãy từ bỏ sông đục bến mê, mở lòng mở dạ, tu tính tu tâm. Chớ có tin vào chuyện dị đoan nhảm nhí. Lời nói của nhà vua có sức thuyết phục lạ lùng. Nhà vua không bao giờ nói đến chuyện cấm đoán đền nọ phủ kia, thần này thánh nọ. Nhưng hễ ai đã nghe vua nói rồi, đều thấy việc kính cẩn thờ phụng từ con chó đến gốc đa, gốc gạo là chuyện khôi hài, nhảm nhí. Vì vậy, gót chân của nhà vua đặt tới đâu, thì ở đó bãi bỏ được mê tín quàng xiên. Việc thờ cúng rốt cuộc chỉ còn lại với tổ tiên, ông bà trong các ngày giỗ, ngày tết. Và thờ một vị thần cao nhất, ấy là đức Phật tổ. Nhưng việc thờ cúng Phật tổ, cũng chỉ ở trong lòng là chính. Ai ai cũng vậy, đã theo về Phật, đều phải rèn cho được cái bản ngã trở thành vô dục. Có nghĩa là từ bỏ lòng tham vô lối. Vì lòng tham, chính là con đường dẫn tới tội ác. từ bỏ được lòng tham, con người đã hé được cánh cửa đi vào cõi thiện.

Đi hết mảnh đất phía nam của Đại Việt, vua Nhân tôn vỗ về quan điện súy thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão cùng đoàn hộ giá. Ngài hết lời khen ngợi sự tận tâm của quan điện súy, song ngài không quên nhắc nhủ: “Ta biết quan tướng quân là người mưu lược, dụng binh như thần. Nay ta muốn quan tướng quân cũng chăn dân giỏi như dụng binh. Vì gốc của nước là dân. Có dân mới có nước. Binh phiên gì cũng là từ dân cả. Nay ta ra khỏi cõi, chỉ mượn vài lời của tiền nhân ký thác lại tướng quân, ấy là: “Vạn sự xuất ư dân”. Nói xong nhà vua phóng tầm mắt nhìn bốn phía mảnh đất của tổ tiên. Ngài như muốn thu vào tận đáy mắt cả non sông gấm vóc. Từng ngọn núi, dải rừng cho tới các thôn ấp đìu hiu bỗng rực sáng lên, trong trẻo lên dưới nắng xuân vàng ấm. Tất cả như cùng hát lên lời ca tạm biệt. Đức vua khoan thai bước xuống thuyền.

Quan điện súy dù là người đã xông pha trăm trận cũng không khỏi bùi ngùi, trước tấm lòng nhân ái như trời bể của nhà vua, đối với trăm họ. Viên võ tướng cúi đầu, chắp tay vái nhà vua:

- Thần xin lĩnh mệnh!

Khi nhà vua cùng đoàn tùy tùng đã yên vị xong, các thủy thủ bèn nhổ neo, căng buồm nhằm hướng nam lướt sóng. Phạm Ngũ Lão cùng đoàn tháp tùng đồng thanh hô:

- Chúc thượng hoàng bình an! Thượng hoàng thiên tuế!. Thiên… thiên… t… u… ế!

Gió đem lời chúc bằng an vào tận khoang thuyền. Vua Nhân tôn xúc động, với lấy cây thiền trượng huơ lên ba lần. Đoàn thuyền lẩn vào sóng rồi khuất dần sau một đám mây lang thang, bỗng sà thấp xuống như một chiếc tán bạc khổng lồ che cho thuyền ngự .

Ròng rã gần hết một tuần trăng trên mình ngựa, hoặc trong các đền, chùa, quán xá, nhà vua thấy thấm mệt. Ngài nằm thư giãn trên tấm nệm gấm, mắt lim dim ngắm cảnh hoàng hôn trên biển. Nhà vua thiếp đi lúc nào không biết. Lúc tỉnh dậy thấy trắng xóa một trời trăng. Lòng bồn chồn không sao ngủ được, nhà vua khẽ hất tấm mền mà người hầu cận đã đắp cho ngài lúc thiu thiu ngủ và ngồi nhỏm dậy. Ngài khêu to ngọn bấc trong cái đĩa đèn dầu lạc. Lão Thái giật mình thấy nhà vua đang thả hồn trên mặt biển. Biển sáng lấp lánh đến nỗi lão có cảm giác như thuyền đang đi trên một vùng biển thủy ngân. Lão chính là hòa thượng Minh Thái, trụ trì ở chùa Quỳnh Lâm. Nhân một buổi nhà vua có ghé qua chùa thuyết pháp, lão mến mộ đức lớn của nhà vua nên tình nguyện xin được theo hầu. Vua nhận làm đồ đệ đem về Yên Tử để ngài sai khiến. Chuyến đi này lão xin theo làm hầu cận nhà vua, và cũng là đi hộ giá luôn thể. Lão khẽ mở rương lấy tấm áo ngự hàn khoác lên vai nhà vua. Ngài ậm ừ một điều gì đó mà lão Thái chỉ cảm thấy hơn là nghe thấy. Công bằng mà nói, tài cảm nhận của lão đã đạt tới mức siêu phàm. Chưa một lần nào lão bị nhầm lẫn. Cũng vì vậy lão mới săm săm đi lấy nghiên, bút cùng một xếp giấy hoa tiên đem lại hầu vua. Rồi lão quay ra quạt lò đun nước pha trà. Chính lão vừa quạt lò vừa phân vân. Vì rằng từ lâu lắm nhà vua không dùng trà, người chỉ dùng một thứ gỗ của cây mai để nấu nước uống. Và người thường gọi là “Lão mai trà”. Ngài hằng tâm khuyến dụ mọi người nên kiệm ước. Bao giờ ngài cũng đi đầu thực hiện những lời chính ngài khuyên bảo chúng dân. Nhà vua hí hoáy viết, đoạn người quay lại nói cùng lão Thái: - “Ngươi lại phía sau lâu thuyền, mời quan ngự sử trung tán tới dùng trà”.

Một lát sau, Đoàn Nhữ Hài đã có mặt. thấy vua Nhữ Hài toan sụp lạy. Nhà vua vội xua tay miễn lễ, và chỉ cho Nhữ Hài ngồi vào tấm nệm gấm.

Với cử chỉ e lệ như một nho sinh nơi thôn ấp mới được vào trường Quốc tử giám, Nhữ Hài khép nép ngồi vào góc tấm nệm.

Lão thái bê ra một chiếc khay khảm, trên để hai chiếc chén có nắp. Vua Nhân tôn tự mình bê lên một chén ban cho Đoàn Nhữ Hài và nói:

- Trà này ta trồng trên thung Yên Tử. Còn việc sao, hái, ướp sen là do hòa thượng đây giúp rập vào.

Nhà vua vừa nói vừa nhìn về phía lão Thái nửa như khen ngợi, nửa như tỏ ý biết ơn.

Đoàn Nhữ Hài cung kính đón lấy chén trà. Lòng bồi hồi xúc động. Nhữ Hài nói, giọng run run:

- Muôn tâu thượng hoàng, thần chưa có chút công lao gì…

Nhữ Hài còn đang ấp úng, nhà vua đã gạt đi:

- Ta mến khanh tuổi còn trẻ mà đã sớm bộc lộ cái chí của mình. Nhưng khanh quá giữ lễ vua tôi, khiến cho tình ta với khanh cách biệt quá. Đạo thần tử là cốt để gìn giữ rường mối quốc gia. Việc đó thể hiện ở lễ thiết triều, hoặc khi giao tế. Còn khi đàm đạo đôi điều tâm đắc, mà khanh cứ thủ lễ một cách thái quá, ta e câu chuyện sẽ trở nên khách sáo. Khanh hãy cứ coi ta như một người bạn vong niên.

- Tâu thượng hoàng, thần đâu dám nghĩ vậy.

- Khanh uống đi, rồi nhích lại gần đây đọc giùm ta bài thơ tức cảnh. Khanh có thấy biển phương nam đẹp không. Ta đã từng thưởng trăng nhiều dịp . Mỗi nơi mỗi cảnh đều có cái đẹp riêng. Nhưng với cảnh sắc đêm nay ta thấy có gì lạ lắm. Lạ lắm.

- Tâu… thượng hoàng thấy thế nào ạ?.

- Ta thấy… ôi khó nói quá chừng. Nói cho đúng ta cảm thấy hơn là ta thấy. Ta cảm thấy như ta có thể hòa nhập cùng vũ trụ. Và ta cũng chính là… là một phần của vũ trụ. Vừa đây ta cứ nhìn mãi vào một ngôi sao chính diện trong chòm sao Thần nông kia, và ta trò chuyên. Đúng thế, ta đã trò chuyện trong cái mênh mông vô thức. Cảm nhận chính ta là một phần của vũ trụ, nảy sinh trong khoảnh khắc đó.

Nhữ Hài chăm chú nhìn mãi vào tờ giấy hoa tiên do nhà vua trao cho. Quan ngự sử không còn tin ở mắt mình nữa, cứ xoay đi xoay lại tờ giấy không tìm đâu ra lấy một chữ. Chỉ có một hình vòng tròn. Giữa là một nhân tròn bằng hạt đậu màu đậm đặc. Màu đó cứ chuyển nhạt dần đều cho tới lúc nó chỉ còn mờ mờ như một màn khói. Toàn thể hình tròn chỉ to bằng lòng bàn tay. Do dự một lát, quan ngự sử trung tán bèn trao tờ giấy lại cho vua và nói:

- Tâu thượng hoàng, chẳng biết có phải thần là hạng người ngu tối không. Quả thần không đọc được một chữ nào. Phải chăng đây là là một thứ thiên thư vô tự?.

Vua Nhân tôn vội đón lấy tờ giấy từ tay Đoàn Nhữ Hài. Lại đến lượt nhà vua sửng sốt. Nhìn hình vẽ, nhà vua thốt lên:

- Chính lúc ấy ta trông thấy ngôi chủ tể trong chòm sao Thần nông y hệt thế này. Trời, sao ta lại có thể vẽ ra được cái điều huyền bí dường kia của tạo hóa. Ta cho đây là giây phút thăng hoa nhất của tâm linh, khiến con người có thể tiếp xúc được với cái vô biên. Chính lúc lão Thái đưa giấy bút cho ta, là lúc ta vừa có tứ thơ nảy ra ở trong đầu. ta định cầm lấy bút viết, hóa lại vẽ thành cái hình này.

Nhà vua lặng đi trong giây lát. Nhữ Hài cũng băn khoăn xét đoán. Chàng tự nghĩ: Hay là thượng hoàng mắc phải chứng bệnh gì đây. Thời tiết phương nam chắc không hợp với tạng của người. Chàng đã toan ngỏ lời vấn an nhà vua bỗng giọng nhà vua lại cất lên ấm áp:

- Trong cuộc tuần thú, nói cho đúng là cuộc vi hành các châu Hoan, Ái vừa qua, khanh có ghi nhận điều gì về chúng dân, về quan chức ở các lỵ, sở, châu, quận?.

Nhữ Hài im lặng, như còn cân nhắc đắn đo những lời sắp nói. Vua Nhân tôn tự tay rót cho Nhữ Hài một tuần trà thứ hai nữa, ngài khích lệ:

- Khanh cứ mạnh dạn nói lên cái ý của riêng khanh. Khanh chớ nên chọn ý lựa lời cốt làm đẹp lòng ta. Dù khanh nói có trái ý ta, nhưng là việc phải, không bao giờ ta trách. Ngay cả những điều quấy, được nói qua miệng khanh, ta cũng không thể trách phạt. Ta biết trong dân chúng, trong quan lại, ngay cả trong triều đình, vẫn còn nhiều điều làm ta áy náy.

Nhữ Hài là một viên quan trẻ nhất triều. Mới hai mươi tuổi đã đựoc vua Anh tôn tin dùng, cất nhắc vào hàng ngự sử trung tán. Vì tài năng chưa có cơ hội bộc lộ, nên các bạn đồng liêu vẫn tỏ ý không phục. Đôi người làm thơ chế giễu (1) . Việc ấy đến tai, Nhữ Hài chỉ cười.

Và chàng cũng tự thú nhận: “Chức quan quá to, so với tuổi của ta, quả là ta còn là một đứa trẻ nít thật”. Gần đây được vua sai khiến, qua vài việc Nhữ Hài làm vừa ý, nhà vua lại có ý định thăng Nhữ Hài lên hàng ngự sử đại phu, có thể sánh ngang với các vị đại thần trong háng nhất nhị phẩm. Biết mình còn nhiều người ganh ghét, và Nhữ Hài cũng không muốn vì được nhà vua tin dùng mà lên mặt. Cho nên chàng cố xin vua hãy khoan thăng bổ. Còn việc nhận xét các bạn đồng liêu trên, dưới, trong ngoài triều chính, Nhữ Hài lại càng cẩn trọng lắm. Phải nói nhờ có đức cẩn trọng ấy mà Nhữ Hài đứng được vững trên vị trí của mình. Nhưng nó cũng làm cho chàng trai hai chục tuổi, vướng vào đường công danh ấy già đi tới chục tuổi nữa. Không những chàng phải giữ mồm giữ miệng, giữ từng tư thế cử chỉ cho đến mọi mối giao du y hệt một nhà tu giữ đạo. Về khía cạnh này, Nhữ Hài là mặt trái của Trần Khắc Chung. Khắc Chung phóng túng hào hoa, tới mức như chẳng cần gìn giữ một tý gì trong cương vị của mình.

Mải đắn đo cân nhắc, Nhữ Hài chợt nhớ câu hỏi của thượng hoàng bèn kính cẩn đáp:

- Muôn tâu thượng hoàng, theo thiển ý của thần thì dân chúng các châu Hoan, Ái trong hai cuộc kháng Nguyên vừa qua, đã tỏ ra xứng đáng là phên dậu của triều đình. Các nhà đã đóng góp tới suất đinh cuối cùng, đồng tiền bát gạo cuối cùng cho triều đình đánh giặc. Vì vậy sức dân hầu như đã kiệt. Sau chiến tranh, triều đình có tha tô, thuế một phần nhưng nhiều năm hạn hán, bão lụt, mất mùa, kinh tế xã hội chưa kịp hồi phục thì nạn tham nhũng đã mọc lên. Quan lại ở các nha, trấn, châu, quận đua nhau xây nhà, lập phủ, bòn rút của dân. Vì vậy tiếng oán vọng trong dân chúng không phải là không có.

Nhữ Hài thấp giọng, vẻ như ngậm ngùi. Kỳ thực chàng thăm dò ý tứ xem nhà vua có còn muốn nghe những điều nghịch lý, trái tai nữa không. Chàng ngừng lời một cách đột ngột.

Vua Nhân tôn khẽ nhíu đôi hàng mi, vầng trán ngài in đậm những nét nhăn ngang dọc, cặp mắt ngài ánh lên vẻ buồn buồn. Nhìn về phía Nhữ Hài, ngài nói giọng trầm tĩnh:

- Ta vẫn lắng nghe, khanh cứ nói tiếp đi. Ta nhắc lại, khanh cứ nói những việc tai nghe mắt thấy. Và cả những điều khanh suy nghĩ thầm kín, nhưng không muốn bộc lộ. Ta muốn khanh nói rõ hơn. Chớ có nói chung chung. Ta không mong mỏi trong dân chúng không có điều chi oán vọng. Vì rằng ta tăng cho phần của người này, hẳn là phải bớt phần của người kia. Người được tăng sẽ ơn ta. Người bị xén bớt sẽ oán ta. Nhưng cái chính là sau mỗi việc làm,ta thấy lương tâm yên ổn. Tuy nhiên, bọn quyền cao chức trọng, bộn giầu nứt đố đổ vách có oán ta, ta chẳng mảy may động tâm. Nào, khanh nói đi!.

Nhữ Hài chợt nghĩ không cần phải giấu kín những điều mắt thấy tai nghe, những điều bấy lâu hằng tâm suy ngẫm, chàng mạnh dạn thưa:

- Tâu thượng hoàng, trước hết tư cách trong hàng quan lại của triều đình có nhiều điều sa sút. Luật pháp không được tôn trọng, dân chúng không còn biết tin vào đâu. Tỷ như quan thái bốc đi nói những điều dị đoan nhảm nhí, lòe bịp dân chúng để lấy lễ lấy tiền. Quan thái y không lo việc trị bệnh lại thiên sang đường cầu cúng. Quá nửa số quan lại trong triều từ hàng ngũ, tứ phẩm trở lên xây nhà, lập phủ bằng tiền bạc đục khoét của dân.

Nhà vua thầm nghĩ: “Việc ấy lão Dương có nói, ta cũng đã biết”.

- Muôn tâu thượng hoàng, điều đáng nói không phải ở chỗĩây nhà lập phủ. Mà sự nguy hại là ở nơi nó tạo cho những người này có thói quen xa hoa hưởng lạc. Nó làm cho họ trở nên đồi bại. Lẽ ra toàn bộ trí tuệ con người có được phải nhằm vào việc ích nước lợi dân, thì những người này thuần lo vào chuyện biển lận, dối trên, lừa dưới, ích kỷ hại dân. Biến phép nước thành một thứ trò chơi con trẻ, Dạ tâu thượng hoàng, loại người này thì ở đâu cũng có. Vả lại trong những ngày vi hành vừa qua, thượng hoàng cũng đã mục kích. Không nói đâu xa, ngay nơi thang mộc của thượng hoàng và các tiên đế, sự nhũng nhiễu hà lạm cũng không thiếu. Thần nhớ, bữa về Thiên Trường, thần có gặp một bà lão ăn xin, là mẹ của hai liệt sĩ bỏ mình vì nước. Bản thân bà lão có công lừa giặc vào nơi hang bẫy, làm chết gần hết một cánh quân Nguyên. Những người như thế, triều đình đã ban ân tứ. Nhưng ân sủng của nhà vua đâu có đến được người dân. Nói đến đây Nhữ Hài thở dài, ngừng lời.

Nhà vua cũng nao nao buồn. Ngài nói:

- Việc đó, ta cũng có biết. Ngày ở Thiên trường về, Huyền Trân có đến phàn nàn với ta chuyện khanh vừa nói. Ta đã bảo quan gia phải khiển trách bọn hương chức sở tại. Phải chu cấp cho lão bà đầy đủ suốt đời. Khi chết phải lập miếu thờ.

- Tâu thượng hoàng, trong thiên hạ thiếu chi những người có cảnh ngộ như bà lão đó, mà thượng hoàng cũng như công nương và triều đình chưa biết tới. Thành thử người có công không được thưởng, kẻ có tội không bị trừng trị, lòng người sao phấn khích được.

Nhà vua đột ngột ngắt lời Nhữ Hài và hỏi:

- Thôi được, việc đó ta đã có chủ ý rồi. Khi ở Chiêm về, ta sẽ bàn kỹ với khanh và quan gia. Bây giờ ta muốn lưu ý khanh đôi điều khi vào đất Chiêm. Trước hết, ta muốn biết khi đi quan gia có căn dặn khanh điều gì không?

- Tâu thượng hoàng, quan gia chỉ nói nhất nhất mọi việc đều phải xin ý chỉ của thượng hoàng.

- Thượng tướng thái sư và quan điện súy có cậy nhờ khanh việc gì không? .

- Bẩm thượng hoàng, hai quan thượng tướng chỉ căn dặn thần phải hết lòng hộ giá.

Nhà vua trầm ngâm nhìn ra mặt biển lúc này hơi tối, trăng đã ngả về tây. Gương mặt ngài có vẻ thanh thản. Dường như ngài đang nghĩ về điều gì ở một cõi xa xăm nào đấy. tiếng nói ngài phát ra như từ thinh không dội xuống:

- Vậy chớ không có ai căn dặn hoặc nhờ cậy khanh điều gì sao?.

Như sực nhớ ra, Nhữ Hài “dạ “ lên một tiếng:

- Dạ tâu thượng hoàng, thần nhớ có lần trong buổi nhàn đàm với quan đại an phủ sứ Trần Khắc Chung về chuyện thế sự. Quan huynh có nói bâng quơ, kỳ thực hàm ẩn sự răn dặn.

- Vậy chớ Khắc Chung đã răn dặn khanh những gì?.

- Tâu thượng hoàng, thần nhớ vào dịp lễ Thường tân năm ngoái, sau khi theo quan gia vào làm lễ dâng cơm mới ở nhà thái miếu, quan đại an có mời thần ghé chơi bên an phủ sứ. Sau khi bàn bạc nhiều về thời cuộc, về lẽ thịnh suy ở đời, câu chuyện lại dẫn dắt đến thế sự Trung nguyên (2) . 

Chúng thần đều cho rằng trước sau rồi người Thát-đát cũng bị người Trung nguyên tống ra khỏi cõi. Nhưng trước mắt thì đế quốc Nguyên tức là cả người Thát lẫn người Trung Hoa đều muốn thôn tính Đại Việt ta. Cho nên thượng hoàng dùng kế: “hòa hoãn với phương bắc, hòa hợp với phương nam” là thượng sách. Nhân đó quan đại an phủ sứ có lưu ý thần, nếu có dịp nào vào Chiêm công cán, thì trước hết nên thăm thú xem nội tình nước họ ra sao? Binh lực họ bố trí thế nào. Lương thảo họ tích trữ ở những đâu, và các đường giao thông thủy bộ của họ đi được loại xe nào, thuyền nào, cửa bể của họ nông sâu bao nhiêu. Rồi quan đại an mở cuốn “Binh pháp Tôn Tử” chìa cho thần xem thiên “Dụng gián”. Thần ngầm hiểu ý quan đại an và hỏi lại:

 Quan huynh làm tướng văn mà lại am tường sâu sắc về ngành võ.

Đáp:

 Tôi ngờ rằng giặc Bắc chẳng bao giờ để cho ta yên, nên lúc nào tôi cũng phải chuẩn bị, phòng khi quan gia và thượng hoàng sai khiến.

Nhữ Hài ngừng lời. Vua Nhân tôn thở dài. Ngài ngó nhìn ra phía biển, trăng đã ngả ngang mái thuyền. Ngài nói, giọng ôn tồn:

 Ta mừng vì Khắc Chung có cái lo cho thiên hạ. y nhìn phương Bắc thế là sáng suốt. Rất hợp ý ta. Nhưng ta buồn vì y lại có ý nhòm nhỏ phía nam. Ta nghĩ rằng, nếu mình không muốn người Nguyên xâm lấn thế nào, chắc chắn người Chiêm cũng nghĩ như vậy với chúng ta. Khắc Chung có cái tâm không thiện, vì thế ta đã nhiều lần khước từ quan gia có ý muốn chuyển y sang làm tướng võ. Ta còn nghe y nói với các bạn đồng liêu, y có tài dùng tì tướng, nhưng cũng có tài chém tì tướng. Mà nghệ thuật của việc sai khiến này là ở chỗ đã chém thì gươm phải thật sắc và lau máu cho thật nhanh. Đức vua rùng mình, ngài nói tiếp:

Vì vậy ta không để quan gia trao quyền làm tướng võ cho một kẻ thất đức. 

 

(1) Đoàn Nhữ Hài được cất nhắc vào hàng quan trụ cột của triều đình. Nhiều người làm thơ, ngầm có ý phản đối. Trong đó có ý chế giễu Nhữ Hài có hai câu như:

“Phong hiến luận đàm truyền cổ ngữ.

Khẩu tồn nhũ sú Đoàn trung tán”.

Dịch:

“Đài ngự sử ôn câu cổ ngữ.

Miệng Đoàn trung tán sữa còn hoi”. 

(2) chỉ Trung Hoa

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chương XI  (30/03/2005)
Chương X  (28/03/2005)
Chương IX  (28/03/2005)
Chương VIII  (25/03/2005)
Chương VII  (24/03/2005)
Chương VI  (22/03/2005)
Chương V  (18/03/2005)
Chương IV   (16/03/2005)
Chương III   (14/03/2005)
Chương II  (10/03/2005)
Chương I   (07/03/2005)
Tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quốc Hải   (07/03/2005)