Trần Nhân tôn theo đường thủy từ Chiêm Thành về. Vừa tới Thăng Long, nhà vua đã sai sửa lễ để ngài vào bái yết trong nhà thái miếu. triều thần theo đến làm lễ đông đủ. Trải gần chín tháng vừa đi về, vừa ở lại đất Chiêm, nhà vua không những khỏe mạnh mà lại có phần nhuận sắc ra. Các quan lấy làm mừng lắm. Vua Anh tôn luôn theo hầu bên cạnh thượng hoàng. Công chúa Huyền Trân cũng không rời cha một bước.
Cáo nhà thái miếu xong, vua Nhân tôn hỏi han sức khỏe và công việc của từng người. Các quan nóng lòng chờ đợi thượng hoàng kể chuyện người vào đất Chiêm. Nhà vua mỉm cười nhìn khắp lượt các quan, ngài nói:
- Chiêm Thành là một nước có nền văn hiến cao. Dân Chiêm tôn thờ quốc vương của họ như tôn thờ một vị ác thần. Bởi họ chỉ kính sợ mà không dám gần gũi. Nền kiến trúc và nghề hàng hải của họ phát triển ngang nhau. Họ có nhiều tôn giáo. Đạo Bà-la-môn được coi là quốc giáo. Nhà vua cũng theo đạo này. Đạo Phật là đạo lớn thứ hai sau Bà-la-môn. Phật giáo Chiêm Thành theo phái Tiểu thừa và cả Đại thừa, như ta. Nhà sư Du Già sang ta hồi đầu năm, là giáo chủ Phật giáo Chiêm Thành. Chiêm quốc cũng mới có một nhóm người theo đạo Hồi, Nhà vua không cấm, nhưng đạo này còn ít người theo. Người theo đạo Hồi, không ăn thịt lợn, không nuôi và không giết lợn. Họ thờ con lợn như một vị thần. Cũng như người Bà-la-môn không ăn thịt bò, và thờ bò như thờ thần. Ta nghe nói có một số giáo sĩ thuộc loài bạch chủng, vào Chiêm xin truyền đạo của Tây dương, nhưng nhà vua không thuận. Ngoài ba tôn giáo đó ra, người Chiêm không thờ các tạp thần. Về phần chữ nghĩa, nước họ cũng có. Chữ Chiêm giống như chữ Phạn theo thổ âm của họ, giống như ta đọc chữ Trung Quốc.
Đột ngột Trần Nhân tôn ngừng lời quay sang hỏi vua Anh tôn:
- Mặt bắc thế nào quan gia? Từ khi ta vào Chiêm tới nay, người Nguyên có động tĩnh gì không?
- Muôn tâu phụ hoàng, không có chuyện gì lớn xảy ra.
- Thế còn chuyện nhỏ xảy ra là cái gì? - Nhân tôn hỏi lại:
- Bẩm phụ hoàng, lính Nguyên xui dân bên đó sang cày ruộng của dân bên này. Có chỗ lính của họ đóng giả dân thường, sang gặt lúa của ta. Họ cãi bừa là đất ruộng của họ, dân ta cày cấy thì họ gặt. Quan lại sở tại giải quyết việc này đã êm cả.
- Quan gia nói lại ta nghe cách giải quyết các vụ tranh đoạt?.
- Bẩm phụ hoàng, đám dân sang gặt đó, quan sở tại mời tất cả về công quán, cho ăn uống tử tế, rồi hỏi họ tại sao dám liều lĩnh như vậy, có đúng là ruộng ấy họ đã sở hữu từ trước không. Chúng đều trả lời là do quan địa phương bên Trung Quốc xui, còn bọn lính thì thúc bách họ. Viên huyện lệnh đã có làm tờ biên bản tường thuật lại đầu đuôi sự việc, bắt họ ký cả vào đó. Còn đám lính bị ta bắt, cho ăn uống no say, cũng khai là do quan sở tại bắt đi. Viên huyện lệnh đã làm biên bản bắt chúng ký, rồi tha về hết. Tất cả bọn chúng đều hứa từ nay không dám làm càn như thế nữa. Bên ta đã cử viên tri phủ sang gặp an phủ sứ của họ. Nói cho họ biết các sự việc diễn ra do cấp dưới của họ gây nên. Ta cũng cho họ xem biên bản, và bảo, nếu họ còn để việc trên tái phạm sẽ tâu về Yên Kinh (1) . Họ hứa là sẽ giữ nghiêm lệnh của triều đình.
Vua Nhân tôn thở dài:
- Vậy chớ quan gia và các khanh có ngờ rằng đấy lại chính là chủ ý của triều đình nhà Nguyên không?.
Mọi người ngơ ngác. Vì không có ai ngờ một nhà nước lớn như thế, lại xui dân gây sự bất hòa với lân quốc bằng những điều nhỏ mọn, mà ngay đám tiểu nhân cũng không bao giờ làm. Vua Nhân tôn nói với giọng ngùi ngùi:
- Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Vả lại, phải xem đây là mưu của người Trung Quốc. Chỉ người Trung Quốc mới nghĩ ra các thứ mẹo vặt ấy. Ngoại trừ những điều nhân nghĩa ra, thì các nhà cai trị Trung Hoa không việc gì là họ không làm. Từ những việc kinh thiên động địa đến việc táng tận lương tâm, miễn sao họ có lợi. Cũng nên nhớ, đây còn là quốc sách truyền thống của người Hoa Hạ (2) từ ngày họ mới lập nước tới nay. Các người có nhớ hồi đánh giặc Thát, ta chỉ ngại cái đám mưu sĩ người Tống, đầu hàng nhà Nguyên, lẩn vào trong đó. Cho tới khi trừ được bọn Lý Hằng, Lý Quán rồi ta mới yên tâm đánh bọn Thoát-hoan, Tích Lệ Cơ Ngọc. Bọn người Thát, trước sau gì cũng không nuốt nổi Trung Hoa. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Quốc. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phảI nhớ lời ta dặn: "Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác". Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu.
Ngừng một lát, nhà vua lại nói:
- Ta vào Chiêm có bàn bạc kỹ với quốc vương Chiêm: Chế Mân. Ông ta là một người vừa trung hậu, vừa hào hoa nhân ái. Vương quốc của ông ta giàu có. Dân chúng cần cù, khéo léo tay chân. Cứ xem những đền, đài, tượng, tháp hoặc chùa, Phật của họ, ta cứ tưởng sức người không làm nổi, mà phải có thần linh giúp rập. Nhưng không, chính mắt ta thấy những người thợ đá, họ tạc những bức tượng vũ nữ, những con chim thần khiến ta tưởng như đó là người đang múa, chim đang bay vậy.
Trần Huyền Trân, con gái yêu của thượng hoàng đang ở tuổi trăng tròn, lòng đầy mơ mộng, nghe cha kể về một xứ sở kỳ lạ khiến nàng có cảm giác đó là xứ sở của thần tiên. Từ bữa vua cha trở về, nàng lẽo đẽo theo cha từng bước, nghe đủ thứ chuyện, hỏi không biết bao nhiêu điều. Nàng đón nhận từng lời nói của vua cha, như người đi lâu ngày trên sa mạc khát bỏng, hít hà lấy từng giọt sương đêm. Huyền Trân không những chỉ có nghe, mà trí tưởng tượng của nàng còn vẽ ra cả một thế giới của người Chiêm cực kỳ sống động, hệt như thế giới cực lạc trên cõi Niết bàn.
Chợt Trần Nhân tôn bắt gặp khuôn mặt kỳ ảo của con gái, dường như ngài đọc được cả ý nghĩ của con. Tự nhiên ngài thấy có gì nhoi nhói ở trong lòng, khi ngài nghĩ đến tương lai của Huyền Trân. Ngài tự nhủ: Con yêu quí của cha ơi. Lẽ nào số phận của con lại không được tốt đẹp như cha mong muốn. Chao ôi, cái xứ sở kiêu hùng và đau đớn của ta, số phận mỗi con người đều gắn chặt với số phận của đất nước. Cả như con ta cũng không tránh khỏi điều đó nữa sao? Nếu như không có cái nước Trung Hoa khổng lồ quái quỉ và ác độc ở cạnh ta ám ảnh, chèn ép, bức bách và lúc nào cũng chỉ rình rập, thôn tính ta, thì thần dân ta đâu đến nỗI trăm bề cực nhọc thế này. Nếu mỗi người dân Đại Việt không ý thức được phải làm gì cho đất nước giàu có và hùng cường, đủ sức mạnh để vượt lên kẻ thù, thì ngàn năm sau ta vẫn cứ mãi là cái bóng mờ nhạt của con quỷ này, và phụ thuộc vào nó. Ước chi Trời Phật giúp ta phép lạ, ta sẽ di chuyển cả quốc gia Đại Việt này tới một miền nào mà các dân tộc, các quốc gia cùng sống trong cảnh hiếu hòa, bình đẳng và yêu thương nhau như người trong một nhà. Sau khi cả quốc gia ta di chuyển rồi, nơi đây sẽ là một vành đai chết. Sẽ không có một quốc gia nào chung sống với nó nữa. Nó sẽ trở thành một con quỷ cô đơn…
Nhà vua sực nhớ là mình đang nói chuyện với quần thần về nước Chiêm. Định thần một lát, người nói tiếp:
- Ta phảI vui mừng báo cho các khanh một điều. Ở Chiêm có giống lúa gặt vào tháng 5. Ta chưa từng thấy có lúa chín vào tháng 5. Họ cũng có lúa gặt vào tháng 10 như ta. Vậy là một năm họ có tới hai vụ lúa. Dân tình no ấm lắm. No là vì họ nhiều lúa gạo. Ấm là vì họ có nghề trồng bông, dệt vải. Ấm còn vì quanh năm nắng đẹp. Ở Chiêm không có mùa đông lạnh giá. Cây cối của họ bốn mùa xanh tốt. Nhiều giống hoa đẹp quả ngon. Ồ, ta có lấy về được một ít giống lúa gặt vào vụ tháng 5, gieo cấy vào đầu tháng giêng. Nếu việc này nhờ ơn Trời Phật mà thành, dân ta một năm sẽ có hai vụ lúa, hẳn là không còn phảI lo thiếu đói nữa.
Sắc mặt các quan bừng lên rạng rỡ. Ai nấy đều mong ngóng đến một ngày nào đó vào tháng năm, những cánh đồng bạt ngàn xưa kia bỏ hóa, nay là những cánh đồng lúa chín vàng, như lúa vụ mười. Vậy là ta có gấp đôi số lúa hiện có.
Nhà vua lại nói:
- Trưởng lão Phật giáo Chiêm quốc là người tâm đắc với ta, có cho ta được độ một đấu thóc giống. Ta đã giao cho lão Thái cất giấu cẩn thận, nay mai ta giao lại cho Nhữ Hài trông nom việc gieo cấy rồi nhân giống ra. Một hạt thóc này quí bằng cả trăm nén vàng. Nếu sơ suất để chuột, chim phá hoại mất giống, ta sẽ trị tội ngang với tội phản quốc. Các người phảI nhớ, việc cấy được giống lúa này, có quan hệ đến vận mệnh nước nhà. Lúa lấy giống từ Chiêm Thành về, nên ta đặt tạm cho nó cái tên là Lúa Chiêm.
Ngừng một lát, nhà vua lại tiếp:
- Điều hệ trọng nhất trong chuyến vào Chiêm này ta đạt được, ấy là ta đã phân giải thấu đáo với vua Chiêm, để Chế Mân thấy được cả Đại Việt và Chiêm Thành đều nằm trong mưu đồ thôn tính của các triều đại Trung Hoa. Vậy hai nước phảI liên kết lại trên tình huynh đệ, để tạo ra sức mạnh chống lại các cuộc xâm lăng của phương bắc.
Việc này ta đã thận trọng cân nhắc, các ngươi chớ có làm điều gì hồ đồ hại đến chữ tín, khiến người Chiêm phải nghi ngờ. Ta cũng đã nói hết nhẽ với Chế Mân. Nhưng quả thật ông ta đang ở vào thế bí. Theo nhà Nguyên, nhất định Đại Việt chống lại. Liên minh với Đại Việt, hẳn nhà Nguyên đe dọa. Vả lại, ngay trong nước cũng còn có thế lực muốn chống ông ta. Cho nên muốn tạo được thế liên minh bền vững với Chiêm, ta phảI làm được hai điều: Một là giúp cho Chế Mân đủ mạnh để trong thì chế được kẻ muốn chia rẽ chống đối, ngoài thì kẻ thù phải nể sợ. Hai là, phảI làm cho mỗi người Chiêm, từ vua quan tới thứ dân tin vào lòng thành thật hòa hiếu của Đại Việt. Cho nên các ngươi từ tướng lĩnh ngoài biên ải, đến các sứ đoàn vào Chiêm, nhất nhất không được làm điều gì khinh xuất, để có thể tổn hại đến tình bang giao hữu hảo giữa hai nước. các ngươi nên nhớ, người Nguyên như loài cú vọ, lúc nào cũng rình rập, hễ ta sơ hở là họ sấn sổ nhảy vào ngay. Cứ xem hành vi các sứ đoàn của họ ở Thăng Long này và ở Chà Bàn, là ta biết hết ruột gan họ… Nhà vua đột ngột dừng lời, vẻ như cân nhắc, rồI tiếp:
- Còn miền đất hai Châu, sẽ được Chiêm Thành trả lại Đại Việt bằng con đường tế nhị, tránh việc nhà Nguyên gây khó dễ cho ta. Việc này ta sẽ bàn kỹ với quan gia, các ngươi cứ yên tâm, ta không bao giờ để một tấc đất của Đại Việt lọt vào tay kẻ khác. Nhưng ta còn muốn không bao giờ có nạn can qua, diễn ra trên mảnh đất thấm biết bao máu của người Việt mình, từ bao đời nay đông kết lại…
(Còn tiếp)
(1) Yên Kinh: Bắc Kinh ngày nay.
(2) Người Trung Quốc xưa thường cho dân tộc mình là nòi giống đẹp đẽ nhất hoàn vũ, nên gọi là Hoa Hạ. |