Nhơn Hội - Nhìn từ Dung Quất
15:8', 27/12/ 2005 (GMT+7)

Nhơn Hội cách Dung Quất chừng 240km nên không thể nhìn bằng mắt thường để thấy được. Song từ Dung Quất có thể nhìn về Nhơn Hội và cả khu vực miền Trung bằng chính những bước đi của các khu kinh tế và khu công nghiệp trong vùng.

 

Cầu qua Khu Kinh tế Nhơn Hội sẽ hoàn thành vào năm 2006 (ảnh: T.Đ)

 

Trong các báo cáo đọc tại Đại hội Đảng bộ các tỉnh miền Trung vừa qua, một vài số liệu về tỉ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế đã làm lộ sáng lý do nghèo đói của từng tỉnh. Ví như Quảng Ngãi, địa phương đang được cả nước chú ý với dự án nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước mà số vốn đầu tư vào đây bằng thu ngân sách của tỉnh này suốt… 80 năm (hiện Quảng Ngãi thu được 500 tỉ mà vốn của Nhà máy lọc dầu Dung Quất là 40 nghìn tỉ đồng), thì tỉ trọng công nghiệp chỉ chiếm 30% trong nền kinh tế.

Khái niệm "công nghiệp hóa" không có đất để chen chân vào những tỉnh mà nền công nghiệp còn quá èo uột như thế! Vì vậy, không nghèo mới là chuyện lạ.

Thế nhưng, sự hiện diện của Nhà máy lọc dầu Dung Quất ngay tại vùng cát trắng bời bời ấy vào năm 2008 đã khiến không chỉ Quảng Ngãi mà cả các tỉnh miền Trung biểu lộ sự phấn khởi của mình bằng một kế hoạch tăng tốc đến chóng mặt. Con số thu ngân sách mà Quảng Ngãi "xây dựng" vào thời điểm đó phải là 2.000 tỉ đồng/năm, bình quân thu nhập đầu người sẽ là trên 1.000 USD/năm… Nhà máy lọc dầu chỉ chiếm chưa đầy 700 hecta đất mà lực đẩy của nó có thể đưa một tỉnh luôn đội sổ về thu ngân sách như Quảng Ngãi lên thành một trong những "đại gia" của miền Trung. Ấy mới là … công nghiệp hóa chứ ạ!

Trả lời câu hỏi của tôi về tác động của Nhà máy lọc dầu Dung Quất với Khu Kinh tế Chu Lai và cả Quảng Nam như thế nào, ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định ngay: "Tác động mạnh chứ, trước mắt là sân bay Chu Lai không còn bay 2 chuyến/tuần bằng máy may "bay hoài mà không thấy đỗ" như hiện nay nữa. Một nơi mà có sân bay với cường suất ngày càng lớn, mở nhiều đường bay, ắt nơi đó sẽ phồn thịnh thôi". Ông Phúc không tiết lộ thêm về những dự định của Quảng Nam, mà cụ thể là Khu Kinh tế mở Chu Lai, sẽ "đón" lọc dầu như thế nào mà chỉ cười thật tươi khi nghe tôi nói (lại) rằng năm 2008 sẽ có dầu tại Dung Quất. Đó là cái cười của người biết nắm lấy vận hội ngàn vàng, dù vận hội ấy không có mặt ngay tại quê mình.

Nói điều ấy để thấy sức lan tỏa của Dung Quất thật lớn, từ trường của Dung Quất thật mạnh đối với các tỉnh lân cận.

Đâu cho xa, như Bình Định chẳng hạn. Sau khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào cuộc, tỉnh Bình Định đã bước những bước "thần tốc Quang Trung" tại Khu Kinh tế Nhơn Hội. Mới ra mắt khu kinh tế này hồi giữa năm 2005 nhưng đầu tháng 1-2006, tại vùng đất được mệnh danh "Hồng Kông bên hông Quy Nhơn" này, Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Sài Gòn-Nhơn Hội sẽ động thổ dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghiệp Nhơn Hội với số vốn gần 900 tỉ đồng. Có thể xem đây là "linh hồn" của toàn khu kinh tế này. "Phải làm thật nhanh, không thì chậm chân, mà chậm chân là thua cuộc". Đó là phương châm của Bình Định.

 

                      Bến cảng số 1 Dung Quất (ảnh: T.Đ)

 

Bởi lẽ, theo tính toán của các nhà kinh tế, nếu Khu Công nghiệp Nhơn Hội hoàn thành, trước mắt sẽ thu hút khoảng 500 triệu USD của các nhà doanh nghiệp đầu tư vào đây. Tuy nhiên, cái đích mà Bình Định đang ngắm là qua khu công nghiệp "điển hình" tại Nhơn Hội này, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh sẽ tăng gấp 4 lần giá trị sản xuất công nghiệp năm 2005, tức vào khoảng 11-13 ngàn tỉ, và thu ngân sách tại khu công nghiệp này sẽ tăng vọt với khoảng 800-1.000 tỉ, bằng thu ngân sách của cả tỉnh Bình Định năm 2005.

Chỉ một mỏm cát trắng quanh năm lóa mắt dân Quy Nhơn ấy thôi nhưng khi tham gia vào sản xuất công nghiệp thì tự thân nó đã thành chiếc đầu máy của cả một đoàn tàu tiến về phía trước. Ông Vũ Hoàng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có lần nói với tôi rằng: "Bây giờ phải liên kết vùng miền mới tồn tại được". Và, Bình Định là tỉnh đầu tiên ở khu vực Nam Trung Bộ đã đứng ra tổ chức các cuộc "liên doanh liên kết" với các tỉnh lân cận. Họ còn vươn tới cả Kon Tum và tận bên Lào nữa.

Thế mới biết, những ốc đảo lâu này mà chúng ta tự xây, chính là địa chỉ trú ngụ của đói nghèo mà ta không biết. Với tư duy đó, Dung Quất dù không ảnh hưởng trực tiếp đến Nhơn Hội, đến Chân Mây hay Lao Bảo, Cam Ranh, song nó đã thành ngọn hải đăng cho cả khu vực để nhìn vào đó mà vượt bóng đêm nghèo đói.

Mấy năm nay, các tỉnh đã âm thầm chuẩn bị để hình thành các khu kinh tế hoặc khu công nghiệp cho từng tỉnh. Cơ hội và điều kiện cho mỗi tỉnh thì khác nhau nhưng đích ngắm thì hướng về một điểm: Làm giàu. Có điều, trúng mục tiêu hay không là do người bắn. "Người bắn" đó chính là các vị lãnh đạo vừa được Đảng giao trọng trách trong nhiệm kỳ 2005-2010 qua đợt đại hội vừa rồi.

Mười bốn triệu dân miền Trung đang kỳ vọng vào giai đoạn có tính quyết định này để họ có thể ngẩng cao đầu với cả nước và nói rằng: Miền Trung không chỉ biết đánh giặc mà còn biết làm giàu nữa. Hy vọng là thế. Tin tưởng là thế.

  • Trần Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xây dựng hệ thống cấp nước Khu Kinh tế Nhơn Hội giai đoạn 1  (19/12/2005)
23 đơn vị mua hồ sơ dự thầu tư vấn  (15/12/2005)
Phê duyệt kế hoạch đấu thầu tư vấn trị giá hơn 5,3 tỉ đồng tại KKT Nhơn Hội  (09/12/2005)
"Phấn đấu thông xe kỹ thuật công trình cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội vào dịp sinh nhật Bác"  (02/12/2005)
Quy định một số chính sách khuyến khích đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội   (30/11/2005)
Ngày 1-1-2006: Khởi công dự án hạ tầng kỹ thuật KCN Nhơn Hội  (28/11/2005)
Được bổ nhiệm làm Trưởng ban Ban Quản lý KKT Nhơn Hội  (25/11/2005)
Quy hoạch chi tiết Khu Phi thuế quan thuộc Khu Kinh tế Nhơn Hội  (25/11/2005)
Khu Kinh tế Nhơn Hội: Ưu đãi đầu tư và áp dụng cơ chế "một cửa, tại chỗ"  (24/11/2005)
Cơ cấu tổ chức bộ máy của BQL Khu Kinh tế Nhơn Hội  (24/11/2005)
Thêm một dự án đầu tư phát triển du lịch vào Khu Kinh tế Nhơn Hội  (17/11/2005)
Đã có 5 đơn vị đăng ký tham gia  (17/11/2005)
Tập đoàn SALCON đầu tư 3 dự án trị giá 135 triệu USD  (13/11/2005)
Thi tuyển quốc tế quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Nhơn Hội  (04/11/2005)
Có 4 dự án gọi vốn đầu tư trọng điểm quốc gia giai đoạn 2005-2010  (03/11/2005)