Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định chính thức thành lập KKT Nhơn Hội, nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với KKT này. Đến nay đã có 2 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư là 336 triệu USD. Ông Vũ Hoàng Hà - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã trả lời phỏng vấn của Báo Bình Định về vấn đề giới thiệu và thu hút đầu tư vào KKT Nhơn Hội.
* Thưa Chủ tịch, theo đánh giá chung Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội có ít nhất là 6 lợi thế để phát triển so với các KKT khác, chúng ta sẽ phát huy cùng một lúc cả 6 lợi thế này hay sẽ chọn lựa phát huy trước những ưu thế vượt trội?
|
Trên công trường cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội (ảnh: Đào Tiến Đạt) |
- Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 16-8-2004 của Bộ Chính trị đã xác định: "Tiếp tục đầu tư phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành vùng kinh tế động lực thúc đẩy, lôi kéo các địa phương khác mà trước hết là các tỉnh trong vùng cùng phát triển; phát huy tối đa tác động hành lang Đông - Tây của tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và vùng Đông Bắc Thái Lan để phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hình thành một số khu vực kinh tế quan trọng khác để làm động lực phát triển cho cả vùng. KKT Nhơn Hội gắn với đường 19 và cửa khẩu Đức Cơ, Bờ Y...". Khi Bộ Chính trị đã xác định như vậy chúng ta phải dồn toàn lực, tận dụng mọi cơ hội có được để bứt phá, để vượt lên. Muốn làm được như vậy chúng ta phải toàn tâm thống nhất phát huy toàn bộ những lợi thế để mau chóng "thổi" luồng sinh khí mới lên không chỉ KKT Nhơn Hội mà còn trên cả địa bàn tỉnh Bình Định.
Thật ra, khi nói về các lợi thế là ta nói chung. Có doanh nghiệp rất mặn mà với lợi thế này nhưng lại không chú ý lắm những lợi thế khác, có đơn vị lại quan tâm, cân nhắc và sử dụng hết mọi lợi thế của mình. Vì thế, khi nói đến lợi thế mình phải nói hết, nói thật chi tiết, cặn kẽ để doanh nghiệp họ còn chọn lựa chứ. Tại các hội thảo mà ta phối hợp với Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, những đối tác mà ta đã làm việc bước đầu là những nhà đầu tư có uy tín, một số đã có quan hệ làm ăn khá bền vững với BIDV nên có thể nói Nhơn Hội của chúng ta như một cô gái trẻ trung đang có sức quyến rũ rất lớn. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm thật sự đến KKT Nhơn Hội của chúng ta, có thể kể đến VINASHIN, Công ty Phát triển Khu công nghiệp Tân Tạo, Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (LICOGI), Công ty Đầu tư bất động sản và sản xuất gia dụng (BITEXCO), VINACONEX, Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội... còn nhiều và rất nhiều tổng công ty, công ty khác nữa. Họ quan tâm đến tất cả những ưu điểm, cơ hội mà ta đã giới thiệu, đặc biệt rất quan tâm những chính sách ưu đãi mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và các chính sách của tỉnh sắp tới cũng sẽ được hoàn thiện.
* Được biết lãnh đạo Bình Định đã có hai phiên làm việc với VINASHIN (tháng 3 và 12-2004) về các chương trình hợp tác đầu tư ở Nhơn Hội. Mới đây (6-2005), khi Bình Định tổ chức hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào Bình Định tại Hà Nội, VINASHIN là một trong những đối tác tích cực nhất và là doanh nghiệp đầu tiên đã trình dự án đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu và nhà máy đóng và sửa chữa tàu biển Nhơn Hội để Bình Định xem xét. Thưa Chủ tịch, có thể xem động thái tích cực của VINASHIN như là dấu hiệu cho thấy Nhơn Hội của chúng ta thật sự hấp dẫn ?
- Mình không phải chỉ mới làm việc với VINASHIN mà đã làm việc với nhiều nhà đầu tư. Nhưng nên hiểu như thế này, trước khi đề xuất với Chính phủ cho thành lập KKT Nhơn Hội, tự mình, Bình Định đã triển khai dự án cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội, dự án xây dựng tuyến đường ven biển... Những dự án này là cơ sở để phát huy lợi thế của Nhơn Hội, để thuyết phục Chính phủ về lợi thế của Nhơn Hội. Cùng với việc xúc tiến bảo vệ dự án xây dựng KKT Nhơn Hội, Bình Định đã thực hiện nhiều chương trình xúc tiến đầu tư ở trong nước cũng như nước ngoài... Các dự án, ý tưởng, hoạt động giới thiệu Nhơn Hội cùng chạy đều và khi thời cơ đến ta có thể nhanh chóng "ráp" chúng lại với nhau. Nếu chờ Chính phủ phê duyệt xong ta mới tổ chức thu hút đầu tư có lẽ sẽ bị mất cơ hội tốt.
Ở đây tôi chỉ đề cập về đối tác VINASHIN. Ngày 25-3-2004, tôi và Tổng Giám đốc VINASHIN đã ký kết văn bản thống nhất hợp tác đầu tư với các hạng mục như: nâng cấp đội tàu biển lên 10.000 tấn, xây dựng nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu biển từ 10.000 tấn đến 100.000 tấn, xây dựng cảng biển nước sâu phía Nhơn Hội... Ngay sau đó họ cũng đã đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan có chức năng liên quan trong tỉnh giúp đỡ để họ xây dựng dự án. Và như các anh đã biết, dự án của họ đã hoàn tất đúng như mong muốn của họ, thậm chí là của cả ta nữa. Phải thấy rằng khi tổ hợp dự án trị giá 300 triệu USD của VINASHIN khởi động một lực lôi cuốn đầu tư rất lớn sẽ xuất hiện.
Theo chỗ tôi biết thì ông Phạm Thanh Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VINASHIN đã khẳng định - Nhơn Hội là "điểm nóng đầu tư" của VINASHIN. Phương án đầu tư trên là một phần của Đề án phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt.
Xét về khía cạnh tài chính Bình Định có quan hệ tốt với Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), tương tự như vậy, BIDV cũng đã ký với VINASHIN một thỏa thuận cung cấp tín dụng rất lớn. Như vậy có thể hình dung ra một tam giác liên kết BÌNH ĐỊNH (địa phương) - BIDV (tổ chức tín dụng) - VINASHIN (doanh nghiệp). Khi cả phía Bình Định và VINASHIN cùng nhìn thấy lợi ích chiến lược từ đây, nguồn lực này sẽ được giải phóng. Trước mắt theo cam kết hợp tác, họ đưa vào sử dụng tàu viễn dương Ngôi sao Bình Định (Binhdinh Star) tải trọng 4.000 tấn, hiện tàu đã hoàn thành và tàu sẽ về đến Quy Nhơn thực hiện chuyến hải hành đầu tiên vào ngày 22-6.
* Chúng ta đang nỗ lực để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vậy còn vấn đề phát huy nội lực của chính mình thì sao, thưa Chủ tịch ?
- Chưa bao giờ chúng ta lơ là vấn đề phát huy nội lực của chính mình cả. Nên nhớ chúng ta đã có hàng chục doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh rất hiệu quả ở các KCN trong tỉnh. Đó là một nguồn lực quan trọng. Xây dựng KKT là để sản xuất, kinh doanh nói cách khác muốn một KKT thành công thì phải có doanh nghiệp vào sản xuất, phải dồi dào nguồn hàng luân chuyển ra-vào, phải có một vùng kinh tế rộng lớn sau lưng. Tạm gác chuyện các tỉnh trong nước. Bởi quan tâm đến vấn đề này Bình Định đã ký kết văn bản hợp tác với một số tỉnh của CHDCND Lào, Hiệp hội thương mại đầu tư quốc tế Hồng Kông, một số doanh nghiệp của Trung Quốc.
Nếu nhìn ngay thời điểm hiện tại thì mức độ phát triển của các bạn Lào còn ở mức thấp so với mình. Nhưng tiềm năng phát triển thì rất rõ ràng. Bình Định có thế mạnh là có nhiều kinh nghiệm trồng rừng, kỹ thuật tinh chế gỗ cao, nhưng rừng tự nhiên đã bị hạn chế rất nhiều. Hợp tác với Lào một mặt ta có thêm một số gỗ tự nhiên, mặt khác có thêm nhiều đất để liên doanh trồng rừng. 3 tỉnh Se Kong, Attapu, Champasak đã đồng ý cho ta 90.000 ha đất để trồng rừng và các loại cây khác. Trước mắt, PISICO sẽ đầu tư 100 tỉ đồng để trồng khoảng 10.000 ha rừng tại Lào, chủ yếu là cây cao su (để lấy gỗ) và cây tếch (phục vụ đóng đồ mộc cao cấp). Bidiphar cũng đã có kế hoạch trồng 5.000 ha cà phê, cao su... Chỉ ở khu vực miền Trung hiện đã có tới 30 nhà máy sản xuất dăm gỗ nguyên liệu giấy, mỗi nhà máy có công suất bình quân 50.000 đến 100.000 tấn sản phẩm/năm. Khi mình tổ chức liên doanh trồng rừng tốt với bạn Lào thì cơ hội của mình là rất lớn. Chúng ta cũng sẽ chuyển nhà máy sản xuất thức ăn gia súc sang Lào và đồng thời còn giúp bạn phát triển chăn nuôi, hỗ trợ bạn phát triển hệ thống điện, xây dựng công trình thủy lợi, công nghệ thông tin...
Hãy hình dung thế này nhé, từ Quy Nhơn ra Hà Nội mất hơn 1.065 km, vào TP Hồ Chí Minh 686 km, trong khi sang đến các vùng biên của Lào chỉ có chừng 400km với những cơ hội tăng trưởng phát triển hết sức dồi dào. Chỉ còn 6 tháng nữa đường 18B của Lào hoàn thành sẽ nối cửa khẩu Bờ Y với đường 19 ra biển Quy Nhơn. Trong xu thế toàn cầu hóa, thế giới là một thị trường muốn phát triển các bạn Lào sẽ phải vươn ra biển. Mình tạo hành lang cho bạn đi thì cả bạn và mình cùng có lợi. Nói như vậy có nghĩa là trong xu thế mới, phát huy nội lực không có nghĩa phải làm ăn ở nhà, xây dựng nhà máy cơ xưởng ở trên đất Bình Định mới gọi là phát huy nội lực. Bidiphar đầu tư hàng triệu đô la Mỹ ở thị trường Lào, làm chủ hàng ngàn ha cà phê ở Lào, đó cũng là phát huy nội lực. Nếu có thêm vài chục doanh nghiệp của tỉnh mình làm ăn phát đạt như Bidiphar thì tốt quá đi chứ. Nếu mình làm tốt thậm chí cả vùng Đông Bắc Campuchia, Thái Lan cũng sẽ quan hệ làm ăn với mình. Tại sao không nhỉ, khi ta có quốc lộ 19 rất tốt, ô tô, hàng hóa trên container đi chưa đến một buổi đã ra đến biển. Sau đó chỉ đi tiếp gần 6 hải lý nữa là đã ra đến phao số 0...
Nhiệm vụ của chúng ta, tức là cả anh, tôi, cán bộ đảng viên và nhân dân tỉnh Bình Định phải xem việc giới thiệu và giữ gìn vẻ đẹp của cô gái Nhơn Hội phải là chuyện của mình. Ta phải tập trung giới thiệu nhiều hơn, hiệu quả hơn về Nhơn Hội.
. Bá Phùng (thực hiện)
|