Nhơn Hội - một cơ hội
8:17', 27/6/ 2005 (GMT+7)

Quy Nhơn là một trong những thành phố biển đẹp nhất Việt Nam. Song, đứng ở góc nhìn nào cũng thấy Quy Nhơn như bị đóng khung giữa núi và biển. Thành phố có vẻ như càng bị dồn nén lại khi đất nước mở cửa, vì vậy, nó luôn bị đặt trước một sự chọn lựa hết sức bức xúc: hoặc thúc thủ trong khó khăn hoặc phải tìm lối thoát để bung ra. Nếu như mười năm trước, tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu là một hướng "bung ra" cho Quy Nhơn thì bây giờ, Khu kinh tế Nhơn Hội đã thực sự mở ra một cơ hội vô cùng thuận lợi không chỉ cho Quy Nhơn mà là cho cả tỉnh Bình Định.

* Diện mạo mới

Hàng loạt các khu du lịch được hình thành sau khi có tuyến Quy Nhơn-Sông Cầu.

Tôi là người vốn không "mê tín" các cấp độ của thành phố. Có lẽ điều mà tôi cũng như nhiều người dân quan tâm hơn cả là chất lượng sống mà mình đã và sẽ được hưởng nơi thành phố ấy chứ không phải là cấp độ của thành phố mà nó đang mang. Dù còn nhiều điều để nói về Quy Nhơn, song những gì mà thành phố này có được, nó hoàn toàn xứng đáng với "danh hiệu" đô thị loại 2 mà nó đang khoác trên người. Ông bạn nhà thơ sau 10 năm trở lại Quy Nhơn cứ xuýt xoa khi nói về thành phố này. Không phải ông "hít hà" với cái resort ông đang ở mà "hít" trước một... vạt cỏ giữa khu đô thị khá hoành tráng ở sân bay Quy Nhơn! Đất ở đây là đất vàng đất bạc, ấy thế mà thành phố vẫn dành một khoảng không gian rất hào phóng để cho cỏ mọc, cũng là để cho trẻ con có chỗ mà chơi, cho người dân có nơi mà thở. Ấy là cái cách mà một đô thị hiện đại cần phải có chứ không phải cứ thấy trống chỗ nào là chia lô ra bán lấy tiền như một số đô thị khác đã làm! Quy hoạch là khâu quan trọng nhất cho mỗi đô thị. Tôi không tường tận lắm về các đề án quy hoạch cho Quy Nhơn trong mười hay hai mươi năm nữa, song hình hài của Quy Nhơn trong vài chục năm tới thì đã hiện dần ra. Tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu không thấy bóng dáng của nhà dân mọc lên dọc lộ như vẫn thường thấy ở các địa phương trên đường số 1. Không có một cái nhìn "dài hơi" một chút, cứ để cho dân thoải mái tràn ra đường thì còn đâu là "đường qua góc bể chân mây" như cách ví von của người Bình Định về tuyến đường này. Và cũng sẽ không có những khu resort thơ mộng như hiện nay.

Mới đây tôi có dịp đi theo đường bộ để ra cầu Nhơn Hội và nhìn thấy một loạt những ngôi nhà tạm ở khu tái định cư ngay sát trên đường. Hỏi ra mới biết là tỉnh Bình Định đã làm nhà tạm cho những gia đình nào có nhà trong diện giải tỏa thuộc dự án đường Xuân Diệu. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên cho cái sự lạ này, ông Vũ Hoàng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói: " Phải làm nhà tạm như thế, người dân mới yên tâm mà ra đi, dự án mới làm nhanh được. Tỉnh cũng như thành phố làm rất quyết liệt trong khâu giải phóng mặt bằng, giải tỏa đền bù, song phải hợp tình hợp lý, không thể ép người dân để cho được việc của Nhà nước được!".  Đó là một cách làm, một cách nghĩ, không phải mới nhưng không phải nơi nào cũng làm được như Bình Định. Đường Xuân Diệu sẽ là tuyến đường đẹp của thành phố. Hình hài của nó đang hiện dần ra. Để cho thành phố mang một diện mạo mới, người dân buộc phải hy sinh quyền lợi riêng của mình. Đến nơi ở mới là chuyện chẳng đặng đừng, song người dân vẫn vui vẻ ra đi mà không kiện tụng gì, đó cũng là một cách ứng xử có văn hóa của những công dân đang sống ở một đô thị loại 2 vậy. Diện mạo mới của thành phố không chỉ là những công trình quy mô đang được xây dựng trên thành phố mà có khi diện mạo ấy được thể hiện trong cách ứng xử của từng người dân nữa.

Hàng chục tuyến đường và khu dân cư được hình thành trong mười năm qua ở Quy Nhơn, vừa giải quyết việc đi lại, chỗ ở cho người dân, vừa tạo một khuôn mặt bề thế cho thành phố. Cùng với việc "mở cửa thoát hiểm" bằng tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu, tỉnh Bình Định còn mở rộng biên địa cho Quy Nhơn về phía tây bằng Khu công nghiệp Phú Tài khá quy mô. Tuy nhiên, tất cả những cố gắng đề vùng thoát ấy vẫn chưa đủ để gỡ thế bí cho cái thành phố nhìn đâu cũng gặp núi và biển này. Và, Nhơn Hội trở thành cái đích mà các nhà lãnh đạo Bình Định hướng tới.

* Cơ hội cho Bình Định

Resort Hoàng Anh Quy Nhơn mang lại cho thành phố một khuôn mặt mới.

Hôm đi với Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà để sang Nhơn Hội bằng thuyền máy, tôi có hỏi ông rằng, những "đời" chủ tịch trước đây, có vị nào nghĩ đến việc sẽ "nống" Quy Nhơn ra đến đây không? Ông cười: "Có chứ, nhiều đồng chí lãnh đạo Bình Định trước đây cũng đã nghĩ đến việc mở rộng về vùng đất Nhơn Hội rồi nhưng vì lực bất tòng tâm. Bây giờ điều kiện đã khác, cho phép chúng tôi thực hiện những dự định và cả những giấc mơ của nhiều thế hệ đi trước". Một dải cát trắng, một dãy núi chạy dài, cách Quy Nhơn chỉ một tầm nhìn mà Nhơn Hội đã thành niềm đau đáu của bao thế hệ. Bây giờ, niềm đau đáu ấy đã và đang được xóa đi bằng một tuyến đường và cây cầu với tổng số tiền 546 tỉ. Có người cho rằng, hễ có tiền là làm được cầu, có gì mà khó khăn, song tôi thì nghĩ khác. Tiền không thôi chưa đủ mà còn có cả quyết tâm và một tầm nhìn mang tính chiến lược nữa. Nếu bỏ ra ngần ấy tiền cho 600 hộ dân Nhơn Hội có cây cầu để đi Quy Nhơn cho… tiện thì quả là "chơi sang". Nhưng những người lãnh đạo Bình Định đã nhắm đến một cái đích lớn hơn, dài hơi hơn, không chỉ cho một vài chục năm mà còn cho cả hàng năm bảy chục năm sau nữa. Cầu Nhơn Hội sẽ bắc nhịp cho hàng loạt những dự án sẽ được triển khai trong một vài năm tới chứ không phải chỉ để giải quyết những bức xúc của người dân nơi "ốc đảo" này. Không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ đã đồng ý cho Nhơn Hội thành khu kinh tế. Ngoài một mặt bằng 6.000 ha trong quy hoạch, khu kinh tế này còn có đủ các điều kiện để xây dựng những cảng nước sâu, hình thành một cụm cảng liên hoàn cho cả Quy Nhơn; xây dựng các khu du lịch với những lợi thế ít nơi nào có được. Đó là điểm mạnh của Nhơn Hội chứ không phải là xây dựng khu phi thuế quan hay những khu công nghệ cao, vì gần như các khu kinh tế nào hiện nay ở miền Trung cũng đều có kế hoạch như vậy cả. Vấn đề ưu đãi cho các nhà đầu tư, tỉnh nào cũng đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn, song các doanh nghiệp hiện nay luôn luôn được đứng trước nhiều phương án cùng một lúc để có sự chọn lựa. Và, Nhơn Hội có vẻ như đang chiếm ưu thế so với nhiều khu kinh tế khác ở miền Trung. Đó là Nhơn Hội đang có một "sân sau" vô cùng hùng hậu là thành phố Quy Nhơn với những điều kiện hết sức thuận lợi cho các nhà đầu tư. Chỉ qua một cây cầu thôi là các nhà đầu tư sẽ "chạm" Quy Nhơn và tiếp cận được với các phương tiện giao dịch hiện đại nhất. Chính ưu thế này mà, chỉ vừa công bố thành lập khu kinh tế, lập tức hàng loạt các dự án đã xin cấp phép đầu tư vào đây với số vốn trên 1.500 tỉ đồng. Chưa có khu kinh tế nào mà "hút" vốn nhanh như Nhơn Hội. Đó vừa là niềm vui, song nó cũng vừa đặt ra cho các nhà quản lý những suy nghĩ trong việc chọn lựa đầu tư. Mở cửa nhưng phải chọn lọc, đó là cách làm của Bình Định.

* Liên kết vùng

Khu kinh tế Nhơn Hội vừa "trình bày" những thuận lợi của mình để thu hút các nhà đầu tư, song Bình Định không muốn biến mình thành một ốc đảo. Hàng loạt các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với lãnh đạo tỉnh bạn được tiến hành trong thời gian gần đây đã nói lên rằng, một nền kinh tế bền vững không chỉ dựa vào "nội lực" mà còn phải có những mối quan hệ thông thương với bên ngoài. Tôi có dịp đi dọc chiều dài gần trăm cây số đường ven biển từ Nhơn Hội ra tận Tam Quan và thấy rằng, con đường này không chỉ đánh thức cả một vùng cát trắng mênh mông của Bình Định trong việc đầu tư cho các dự án về du lịch và chế biến hải sản mà chính nó làm cầu nối với một tuyến đường khác của Quảng Ngãi, cũng chạy dọc biển từ Dung Quất đến Sa Huỳnh. Mỗi tỉnh có một con đường chạy dọc biển như thế, cả miền Trung sẽ có một mạng lưới giao thông ven biển hết sức thuận lợi để phát triển du lịch. Bình Định là tỉnh đầu tiên bắn phát pháo tín hiệu để hình thành con đường hết sức lý tưởng này. Điều khá thú vị là con đường ấy được bắt đầu từ Nhơn Hội. Nó cũng là một cơ hội nữa để Bình Định bứt phá vậy.

. Trần Đăng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chúng tôi vinh dự là nhà đầu tư tiên phong tại KKT Nhơn Hội  (27/06/2005)
Hiện thực hóa một giấc mơ  (26/06/2005)
Nhiều dự án đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội  (24/06/2005)
Phải tập trung giới thiệu nhiều hơn, hiệu quả hơn về Nhơn Hội  (22/06/2005)
Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định  (21/06/2005)
Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định đến năm 2020  (21/06/2005)
Quyết định về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định  (21/06/2005)
Đã có 2 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với số vốn 336 triệu USD   (20/06/2005)
Giới thiệu Khu kinh tế Nhơn Hội tại Mỹ  (20/06/2005)
Bước thực hiện quy hoạch KKT Nhơn Hội đến năm 2010   (20/06/2005)
Các khu dân cư trong KKT Nhơn Hội  (19/06/2005)
Các phân khu chức năng trong KKT Nhơn Hội  (17/06/2005)
Định hướng phát triển KKT Nhơn Hội  (16/06/2005)
Điều kiện tự nhiên của Khu kinh tế Nhơn Hội  (15/06/2005)
Tọa đàm Xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội   (14/06/2005)