* Từ "chìa khóa" đến "kết nối"
Buổi chiều một ngày sau khi các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh Bình Định đồng loạt công bố quyết định thành lập Khu kinh tế Nhơn Hội của Thủ tướng chính phủ cùng những chính sách, những qui định và cả triển vọng hiện thực của khu kinh tế "Hồng Kông bên hông Quy Nhơn" này, trong lúc tình cờ bên bờ biển Quy Hòa, tôi đã thấy hiện lên phía trước mình một… cầu vồng.
|
Cầu vồng trên bán đảo Phương Mai (ảnh: Thanh Thảo) |
Cầu vồng bảy màu hẳn hoi, đẹp như một giấc mơ, và điều lạ lùng là một chân cầu vồng cắm thẳng xuống chân sóng trước bán đảo Phương Mai, gần tượng Trần Hưng Đạo. Theo phản ứng của một người làm báo, tôi đã chụp được tấm ảnh khá đẹp về cầu vồng này mà tôi nghĩ là một điềm lành. Một điềm lành cho Khu kinh tế Nhơn Hội vừa được khai sinh.
Nhưng ai cũng biết, cầu vồng dù rất đẹp, nhưng nó hiện rồi tan, và chỉ trẻ con với… nhà thơ là có thể chạy qua cầu vồng đó mà không bị rơi xuống biển. Cần một cây cầu khác, bê tông cốt thép, vững chắc hơn, đời sống hơn, một cây cầu cũng bắc qua biển như chiếc cầu vồng mà tôi thấy, nhưng nó không phải là một giấc mơ, mà là nơi người ta có thể đi qua để tới thẳng một giấc mơ, một giấc mơ sẽ, sắp và đang thành hiện thực.
* "Chìa khóa" ở đâu?
Anh Vũ Hoàng Hà, Chủ tịch tỉnh Bình Định, chợt thanh thoát lên, nhanh nhẹn hẳn lên trong một khổ người khá… nặng ký, khi trước mắt anh và chúng tôi hiện lên "chiếc cầu thế kỷ" - cầu Nhơn Hội bắc ngang qua đầm Thị Nại đang được thi công với tốc độ cao nhất. Thực ra, có thể gọi đây là chiếc cầu bắc qua biển đầu tiên ở Việt Nam, và là chiếc cầu bắc qua biển dài nhất Đông Nam Á.
Lâu nay chúng ta vẫn thích thú với các "kỷ lục", kể cả những kỷ lục kỳ quặc, và tôi lại không thuộc số những người thích thú kiểu đó, nhưng phải nói thực, nhìn cây cầu Nhơn Hội đang hình thành dáng vóc trước mắt mình, tôi không khỏi tự hào. Đó là cây cầu ở ngay Quy Nhơn này, chứ không phải ở Singapore, Hồng Kông hay Malaysia. Và quan trọng hơn, khi có nó, lập tức cái thành phố Quy Nhơn nơi tôi đã sống 10 năm tự giải thoát cho mình khỏi "ách kiềm kẹp" của núi và biển.
Rất nhiều nhà thơ đã ca ngợi Quy Nhơn là thành phố được bao bọc bởi núi và biển, đẹp như một lẵng hoa hồng giữa sóng và đá, và càng bị ép bởi sóng và đá thì… thơ ca càng bay lên (!). Nhưng mấy ai thấy được chính "sóng và đá" ấy đã ngăn cản không cho Quy Nhơn phát triển, một Quy Nhơn không phải cánh chim huyền thoại nên không thể tự nhiên… bay lên. Không thể bay nhưng có thể đi, có thể chạy. Chạy đi đâu, bằng gì?
Có lẽ không phải tới những năm đầu thế kỷ 21, người Quy Nhơn người Bình Định mới nghĩ đến cây cầu Nhơn Hội bắc qua biển để giải thoát cho Quy Nhơn, nhưng từ ý tưởng đến thực hiện, từ nghĩ đến làm quả thật còn gian nan hơn chuyện đập quả trứng của Christopher Columbus nhiều. Anh Vũ Hoàng Hà nói với tôi, nếu cứ ngồi chờ chính phủ cấp vốn rồi mới triển khai làm cầu hay làm Khu kinh tế Nhơn Hội thì chưa biết đến bao giờ mới có. Vì chính phủ cũng phải nhìn vào năng lực thực sự của Bình Định, khả năng sử dụng vốn, khả năng giải ngân của Bình Định rồi mới quyết.
Vậy để có chiếc "chìa khóa" đầu tiên là "tiền đâu", Bình Định phải tự mình huy động nội lực, huy động công sức, trần thân ra làm trước để chính phủ "mục sở thị", mắt thấy tai nghe hẳn hoi. Sau đó khi chính phủ thấy dự án này khả thi, kế hoạch kia có cơ sở hiện thực, nói làm cầu thì ít nhất cũng chôn được… cọc, nói làm đường thì con đường dù chưa đủ "thênh thang… 20 thước" cũng khiêm nhường 12 thước nhưng là đường trên đất chứ không phải đường trên… giấy, chừng đó chính phủ nào có tiếc vốn cho một địa phương thuộc diện "kinh tế trọng điểm miền Trung", lại biết cách làm ăn năng động như Bình Định.
Xem ra, đó không phải là chuyện "cầm đèn chạy trước ô tô" hay lối làm việc theo kiểu "tiền trảm hậu tấu", mà là cách làm của những người muốn quê hương mình nhanh thoát đói giảm nghèo, tiến lên cho bằng chị bằng em. Năm qua, Bình Định lần đầu tiên đã đường hoàng gia nhập "Câu lạc bộ nghìn tỉ", một kết quả có thể coi là phi thường đối với một tỉnh miền Trung không được "trời cấp vốn" cho giàu có. Như thế, nghĩ cho cùng, mọi loại "chìa khóa" đều có thể trong tầm tay mình, miễn biết tìm cho ra, bằng tư duy sáng tạo, bằng sự năng động và chủ động. Một vùng đất cũng như một con người, đều có số phận riêng, và đều có khả năng thay đổi để hướng tới những kết quả tích cực. Với một điều kiện: phải tìm cho được "chìa khóa" để thay đổi, để phát triển, để mở ra những cánh cửa chưa từng được mở.
* Thoát kiềm tỏa-kết nối vùng
Đánh thức một vùng đất ngủ quên trong đói nghèo từ bao đời nay như vùng sẽ thành Khu kinh tế Nhơn Hội với diện tích 12.000 ha đã là một việc lớn, nhưng "giải phóng" cho Quy Nhơn, thành phố biển có tiềm năng phát triển rất lớn nhưng lâu nay bị bó rọ giữa núi và biển không mở ra được, mới là chuyện "lấp biển vá trời" đáng kinh ngạc. Chỉ một cây cầu vượt đầm Thị Nại, lập tức Quy Nhơn thanh thản bước về hướng Đông, về phía biển, và không còn ở thế bị cô lập nữa. Và Nhơn Hội, Nhơn Lý, Phương Mai cũng thoát thế bị cô lập và kết nối ngay được với đất liền ở một hướng gần nhất, thuận lợi nhất.
Quy Nhơn thành "hậu cứ" cho Khu kinh tế Nhơn Hội, khu kinh tế có một thành phố đứng sau lưng với khoảng cách gần nhất so với tất cả các khu kinh tế ở miền Trung hiện tại. Cả một tuyến cầu đường Quy Nhơn-Nhơn Hội dài hơn 7 km với tổng mức kinh phí đầu tư 530 tỉ đồng với thời hạn thi công 4 năm (sẽ khánh thành tháng 6-2006 - trùng với thời gian bóng đá World Cup tại Đức) sẽ làm nên sự thay đổi kỳ diệu không chỉ riêng cho Nhơn Hội hay Quy Nhơn.
Từ Quy Nhơn, Bình Định sẽ kết nối thẳng với Tây Nguyên, với Lào và Campuchia, với vùng Đông Thái Lan qua đường 19 và 19B. Cả một tiểu vùng Mê-Kông trở thành "bạn hàng" của Khu kinh tế Nhơn Hội. Ở phía đông, con đường kinh tế và du lịch từ Nhơn Hội sẽ quanh quanh giữa những vùng non xanh nước biếc ven biển Phù Cát, Phù Mỹ chạy ra tới Tam Quan, tới tận chân đèo Bình Đê để đón chờ đoạn đường phía bắc từ Dung Quất (Quảng Ngãi) chạy vào Sa Huỳnh.
Đã dần hiện lên con đường du lịch ven biển miền Trung đẹp nhất Việt Nam chạy qua tất cả các tỉnh miền Trung. Và rất nhiều con đường xương cá kết nối miền Đông với miền Tây, đường Hồ Chí Minh phía tây với đường ven biển phía đông. Những liên kết kinh tế vùng, du lịch vùng sẽ thành hình từ những con đường ấy. Và cơ hội để trở nên giàu có không còn bó hẹp ở một vài trọng điểm kinh tế, mà mở rộng tới rất nhiều vùng đất vốn quanh năm cằn cỗi của Bình Định, Quảng Ngãi, của miền Trung.
12.000 ha đất của Khu kinh tế Nhơn Hội so với diện tích một số khu kinh tế khác ở miền Trung là không lớn, nhưng về điều kiện địa lý, điều kiện giao thông và khả năng liên kết, thì Khu kinh tế Nhơn Hội đúng là "đắc phong thủy" và "đắc nhân tâm". Đơn giản, vì khi xây dựng khu kinh tế ở đây, người dân không bị "lùa" đi, bị bật gốc, mà họ được tái định cư ngay trong khu kinh tế để có thể trực tiếp tham gia làm ăn, được hưởng lợi từ chính khu kinh tế trên đất đai mình.
. Thanh Thảo
Quảng Ngãi 5-7-2005 |