Cần có một tầm nhìn rộng hơn đối với Khu kinh tế Nhơn Hội
8:33', 25/8/ 2005 (GMT+7)

Đó là ý kiến của bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia tư vấn - Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ. Nhân chuyến công tác tại Bình Định, bà Phạm Chi Lan đã dành thời gian trao đổi với phóng viên Báo Bình Định xung quanh lĩnh vực đầu tư nói chung và công tác xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội nói riêng.

* Thưa bà, thời gian qua, trong lĩnh vực thu hút đầu tư đã nảy sinh hiện tượng "xé rào" ở một số địa phương, bà có ý kiến gì về hiện tượng này?

Công trình cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội đang được khẩn trương thi công. Ảnh: Duy Quyên

- Khi được các bộ, ngành báo cáo về việc 33 tỉnh thành thực hiện việc ưu đãi đầu tư quá mức, Thủ tướng có chỉ thị xem lại tình trạng "xé rào" này. Với góc độ chuyên gia Ban nghiên cứu giúp việc cho Thủ tướng, chúng tôi nhìn nhận thế này: Thứ nhất, việc các tỉnh, thành "xé rào" phần nào cũng có mặt tích cực của nó. Bởi vì, thực tế, trong quá trình đổi mới của nước ta một số vấn đề tích cực đôi khi bắt nguồn từ việc "xé rào" ở dưới. Chẳng hạn chuyện "xé rào" để giao đất, khoán sản phẩm cho nông dân; hay cơ chế trả lương ở Long An… Thực tế là ở một số nơi, từ chỗ "xé rào" mà làm ăn có hiệu quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho địa phương và tạo cho đời sống của người dân tốt hơn. Từ những việc "xé rào" hiệu quả đó, Nhà nước đã nhân rộng những mô hình này trong tiến trình đổi mới của đất nước. Bên cạnh đó, thực tế là trong hầu hết những cái mới đều có những yếu tố "xé rào". Với một đất nước đang trong quá trình tìm tòi chuyển đổi trong điều kiện không có mô hình sẵn có, chúng ta vẫn phải có những vấn đề rút kinh nghiệm từ thực tiễn. Vì vậy, tôi cho rằng vấn đề "xé rào" không phải hoàn toàn là tiêu cực.

Thứ 2, vấn đề "xé rào" phần nào đã biểu hiện cho thấy cái khuôn khổ chung chưa được hợp lý. Không thể tất cả mọi người đều mặc chung một cái áo như nhau. Chúng ta có 64 tỉnh, thành có điều kiện KT-XH rất khác nhau, nên cũng không thể cùng một mức giá, một mức thuế như nhau. Bởi vậy, phải chăng yêu cầu "xé rào" đó cũng phần nào thể hiện hệ thống chung của chúng ta chưa thực sự phù hợp đối với một số nơi, đòi hỏi chúng ta phải có một cơ chế linh hoạt hơn. Vấn đề là phải có biên độ. Chúng tôi đang đề nghị phải có một biên độ trong những chính sách cơ bản. Ví dụ, giảm thuế, miễn thuế là chừng đó, nhưng đối với những dự án mang tính chất cần thiết, ở những vùng khó khăn thì có thể tạo điều kiện "cởi mở" hơn.

Tuy nhiên, cũng cần thấy, việc một số tỉnh, thành tự ý "xé rào" là vô nguyên tắc. Làm gì cũng phải trong khuôn khổ luật chung cho phép; cùng với phần chủ động, sáng tạo của địa phương mình. Điều quan trọng ở đây là vai trò của chính quyền các địa phương, nhất là việc tạo điều kiện cho các DN hoạt động thuận lợi. Cùng với hệ thống luật, hệ thống chính sách chung của Chính phủ, nếu địa phương nào vận dụng sáng tạo theo chí hướng làm sao tạo điều kiện tốt cho các DN hoạt động để nền kinh tế địa phương phát triển, thì tình hình ở đó vẫn tốt hơn những nơi khác. Điển hình là tỉnh Bình Dương. Suốt mấy năm qua, Bình Dương liên tục được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đánh giá cao và cho rằng môi trường kinh doanh ở đây là hết sức thuận lợi. Thực ra, Bình Dương cũng không hề cho gì riêng DN, không bớt thuế, cũng không cho thuê đất rẻ đi… Chỉ thực hiện một điều là không gây khó cho các DN, ngược lại tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN. DN cần gì thì đáp ứng ngay. Nếu có vấn đề nào cần kiến nghị lên trên thì cũng kiến nghị ngay và chủ động đốc thúc cấp trên giải quyết nhanh chóng để đáp ứng cho DN. DN cũng không đòi hỏi gì nhiều lắm đâu! Họ chỉ cần một môi trường đầu tư thông thoáng, ổn định. Tiếc rằng, nhiều địa phương vẫn chưa làm được như Bình Dương. Không những thế, có tỉnh còn "nghĩ" ra những việc khác để ràng buộc, gây khó cho DN.

Về vấn đề "xé rào", kết luận cuối cùng sẽ do Thủ tướng quyết định, trên cơ sở các báo cáo tổng hợp và những phân tích đúng, sai… Ngay như Bộ Tài chính - cơ quan chủ chốt đang giải quyết "vụ" này, cũng thừa nhận rằng: trong chính sách chung cũng cần xem xét để có một độ linh hoạt cần thiết cho các nơi chứ không nên quá cứng nhắc.

* Bà đánh giá thế nào về KTT Nhơn Hội của Bình Định?

- Chính phủ đã cho phép thành lập KKT Nhơn Hội. Đây là một điều tốt, tạo thuận lợi cho Bình Định phát triển. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy e ngại một điều là trên bề mặt chung của miền Trung mà cho nhiều nơi có những ưu đãi quá, nhiều "cái riêng" quá, thì cuối cùng sẽ rất khó. Bởi vì, thực tế là không bao giờ chúng ta có thể đủ lực để làm tràn lan được, mà phải làm rất tập trung.

Đối với KKT Nhơn Hội, theo tôi, tỉnh Bình Định cần phải nghiên cứu thêm thông tin và có cái nhìn về thị trường này cho rộng. Đừng nghĩ rằng các nhà đầu tư sẽ nhảy vào Nhơn Hội ngay. Cần phải có thời gian, có bước đi đồng bộ, vững chắc. Điều cần quan tâm là tỉnh nên tận dụng lợi thế của KKT Nhơn Hội với khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong nền kinh tế chung của Việt Nam và kể cả với các nước Lào, Thái Lan, Campuchia…; tuyến hành lang Đông - Tây… để từ đó vận động, phát triển.

* Vậy theo bà, để kêu gọi, thu hút đầu tư có hiệu quả vào KKT Nhơn Hội, tỉnh Bình Định cần phải làm gì?

- Như trên đã đề cập, cần phải có một tầm nhìn rộng hơn đối với KKT Nhơn Hội. Tôi xin nhắc lại, cần đặt KKT Nhơn Hội vào vị thế tổng thể chung của miền Trung - Tây Nguyên, của Việt Nam và các nước tiểu vùng sông Mê Kông… để mời gọi, thu hút đầu tư. Công tác xúc tiến đầu tư cũng vậy. Một số địa phương hiện đua nhau ra nước ngoài kêu gọi, xúc tiến đầu tư. Nhiều khi những chuyến đi như thế chỉ tốn kém mà không hiệu quả. Bởi vì, các nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm đến việc KKT của các tỉnh có ưu đãi gì. Cái mà họ quan tâm là môi trường, điều kiện đầu tư của cả quốc gia, khu vực. Việc xúc tiến, kêu gọi đầu tư ra nước ngoài muốn có hiệu quả, tốt nhất địa phương đó nên gắn với những chuyến đi của Chính phủ, các bộ, ngành, không nên làm theo kiểu đơn lẻ, tự phát… Đối với KKT Nhơn Hội, Bình Định cần nghiên cứu kỹ và cung cấp cho các nhà đầu tư những dữ liệu đầy đủ hơn, ngoài những thông tin về quy hoạch, cơ chế chính sách… Trong đó, rất cần cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin về nguồn nhân lực; khả năng về thị trường trong nước, thị trường ngoài nước. Sau đó, hãy để cho các nhà đầu tư được chọn và quyết định đầu tư vào ngành nào.

Một vấn đề mà các nhà đầu tư rất quan tâm là nguồn nhân lực. Họ rất e ngại về tình trạng thiếu nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao, công nhân lành nghề… Vì vậy, tỉnh Bình Định cần sớm có những trung tâm đào tạo. Bên cạnh đó là các điều kiện về nước, môi trường, xử lý môi trường, giao thông… Các nhà đầu tư cũng thường quan tâm đến dân số, độ tuổi trung bình của người dân, cơ cấu nam - nữ, ngành nghề nông nghiệp - công nghiệp… Về hệ thống đào tạo, tỉnh có trường đào tạo nào, nếu tỉnh chưa có trường đào tạo thì đào tạo từ những trường, trung tâm đào tạo gần nhất ở đâu? Khả năng tiếp cận thông tin; trình độ sử dụng internet của người dân? Số lượng, chất lượng của đội ngũ các DN trong tỉnh? Các nhà đầu tư quan niệm: nơi nào có DN phát triển thì chứng tỏ nơi đó có môi trường kinh doanh tốt; đồng thời, có DN phát triển thì mới có tương lai và mới có những đối tác… Đặc biệt, các nhà đầu tư rất quan tâm đến môi trường đầu tư, nhất là nền hành chính của quốc gia đó, địa phương đó. Không cần phải chạy đua, "xé rào", đưa ra những ưu đãi quá mức, trong khi lại không quan tâm đến việc cải cách hành chính ở địa phương mình. Theo tôi, hãy học tập cách làm của tỉnh Bình Dương.

* Xin cảm ơn bà!

. Viết Hiền (thực hiện)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khu kinh tế Nhơn Hội đã thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước   (24/08/2005)
Các nhà đầu tư quan tâm đặc biệt đến Khu kinh tế Nhơn Hội  (21/08/2005)
Giới thiệu KKT Nhơn Hội với hơn 200 doanh nghiệp Đài Loan  (15/08/2005)
Đăng ký tham gia tư vấn, quy hoạch kiến trúc chi tiết khu đô thị mới Nhơn Hội  (12/08/2005)
Đăng ký đầu tư toàn bộ KCN Nhơn Hội  (11/08/2005)
Lập Dự án cung cấp điện và viễn thông cho Khu kinh tế Nhơn Hội  (10/08/2005)
Đã có 54 nhà đầu tư đăng ký đầu tư với tổng vốn 1,4 tỉ USD  (09/08/2005)
Sẽ lắp đặt trạm thu phát sóng phục vụ Khu kinh tế Nhơn Hội  (04/08/2005)
100 triệu USD xây dựng hạ tầng Khu Kinh tế Nhơn Hội  (02/08/2005)
Bốn vấn đề cần sớm thực hiện để xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội  (02/08/2005)
Xây dựng hệ thống cấp nước phục vụ KKT Nhơn Hội  (28/07/2005)
Xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội ra nước ngoài  (28/07/2005)
Nguồn nhân lực trình độ cao  (27/07/2005)
Phải đặt Khu kinh tế Nhơn Hội trong tầm nhìn chiến lược  (26/07/2005)
Thành công hơn sự mong đợi  (20/07/2005)