Ông Vũ Hoàng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh:
Các nhà đầu tư Nhật rất quan tâm đến Khu kinh tế Nhơn Hội
7:29', 30/10/ 2006 (GMT+7)

Ông Vũ Hoàng Hà là một trong số 11 Chủ tịch UBND tỉnh- thành phố trong cả nước tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm chính thức nước Nhật vừa qua. PV Báo Bình Định đã  phỏng vấn ông Vũ Hoàng Hà về chuyến đi này.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (đầu tiên bên trái), ông Vũ Hoàng Hà (đầu tiên bên phải) tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam được tổ chức ở Tokyo. Ảnh: H.X

 

* Thưa ông, xin ông cho biết về kết quả chuyến thăm chính thức nước Nhật của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong thời gian vừa qua?

- Trước khi về nước, Thủ tướng có tổ chức cuộc họp đoàn và đánh giá về kết quả chuyến đi này. Thủ tướng cho biết chuyến đi đã đạt được các mục tiêu đề ra và thành công tốt đẹp. Trong chuyến đi lần này, chúng ta đưa ra 4 mục tiêu. Đó là tăng cường sự hiểu biết và tăng cường sự hợp tác giữa Chính phủ và nhân dân Việt Nam và Chính phủ- nhân dân Nhật; đàm phán với bạn để tăng cường vốn ODA của Nhật dành cho Việt Nam trong những năm tới; tiếp xúc, trao đổi giữa các địa phương, doanh nghiệp 2 nước nhằm tăng cường mối quan hệ hiểu biết, hợp tác phát triển thương mại và đầu tư giữa 2 nước; nâng quan hệ hợp tác giữa 2 nước lên một tầm cao mới, thành đối tác chiến lược (trước đây là đối tác tin cậy).

Ngoài các hoạt động mang tính chất lễ tân, qua quá trình đàm phán giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Thủ tướng cùng Chính phủ Nhật, phía bạn cam kết sẽ tăng vốn ODA trong thời gian sắp tới cho Việt Nam để tập trung cho 3 công trình trọng điểm quan trọng của đất nước. Đó là các công trình: đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường bộ cao tốc Bắc - Nam (Quốc lộ 1) và Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Bên cạnh đó, 2 bên thống nhất xây dựng sớm một hiệp định song phương về thương mại. Về xúc tiến đầu tư (XTĐT), Bộ KH-ĐT Việt Nam đã phối hợp với cơ quan chức năng của bạn tổ chức 2 hội nghị XTĐT tại TokyoOsaka. Mỗi hội nghị đã thu hút 400 doanh nghiệp của bạn và 60 doanh nghiệp của ta, cùng với đoàn chính thức của ta. Qua đó, dự báo sẽ mở ra một làn sóng đầu tư lớn từ Nhật vào Việt Nam.

* Trong thời gian ở nước bạn, với tư cách là người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định, ông đã có những hoạt động XTĐT và thương mại như thế nào?

- Trong 2 cuộc XTĐT tại Nhật, ngoài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông Võ Hồng Phúc (Bộ trưởng Bộ KH-ĐT), thì Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đã chọn Bình Định (mà người đại diện là tôi) được duy nhất đại diện cho phía Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Trong vòng 10 phút, tôi đã giới thiệu quảng bá về môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam, trong đó tập trung giới thiệu về tiềm năng phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (VTĐKTMT), về Bình Định và Khu kinh tế Nhơn Hội (KKTNH) của chúng ta. Nước Nhật hiện đang là quốc gia dẫn đầu về giá trị đầu tư vào Việt Nam. Nhưng lâu nay, các nhà đầu tư Nhật mới tập trung đầu tư ở miền Bắc và một phần ở miền Nam. Do đó, khi nghe tôi giới thiệu về VKTTĐMT và KKTNH với khả năng lan tỏa ảnh hưởng đầu tư, các nhà đầu tư Nhật rất quan tâm đến vấn đề này.

Sau đó, chúng tôi có gặp riêng một số nhà đầu tư, như tập đoàn Sojitz- một tập đoàn lớn, hoạt động đa ngành, rất quan tâm đến KKTNH- họ cam kết sẽ sang Bình Định một ngày gần đây để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Chúng tôi cũng đã đàm phán với tập đoàn đang có quan hệ với Bình Định trên lĩnh vực trồng rừng. Tập đoàn này muốn đầu tư một nhà máy chế biến gỗ nội thất xuất khẩu tại Bình Định. Ngoài ra, tôi và ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hiệp hội các khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (đã đăng ký đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp nằm trong KKTNH) đã gặp gỡ, tiếp xúc với một số nhà đầu tư lớn của Nhật Bản như Mitsubishi, Canon... Khi nghe chúng tôi giới thiệu về KKTNH họ đã rất quan tâm và cam kết rằng, khi sang Việt Nam họ sẽ đến Bình Định để xem xét khả năng đầu tư vào KKTNH. Đồng thời, khi còn ở Hà Nội, trước khi sang Nhật, tôi có gặp một tổ chức của Nhật rất quan tâm đến việc đặt tại Bình Định một trường dạy nghề ở bậc đại học. Điều này rất phù hợp với yêu cầu của Bình Định và các tỉnh nằm trong VTĐKTMT, nên tôi đã cam kết sẽ ủng hộ họ thực hiện mong muốn đó...

* Đã có một nhà đầu tư Nhật mong muốn được đặt văn phòng đại diện tại Bình Định và hỗ trợ chúng ta đặt văn phòng đại diện tại Nhật. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Các nhà đầu tư Nhật Bản nhận tài liệu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư. Ảnh: H.X

- Chúng ta đều biết Nhật có một nền kinh tế lớn. Họ đã và đang quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam. Chúng ta luôn hoan nghênh thiện chí hợp tác của các nhà đầu tư Nhật khi họ mong muốn được đầu tư vào Bình Định. Chúng ta cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước khi họ đến Bình Định tìm hiểu và triển khai việc hợp tác đầu tư. Hiện nay, Hà Nội và Đà Nẵng đã có văn phòng đại diện tại Nhật. Các văn phòng này hoạt động rất hiệu quả. Tôi thấy chúng ta cần học tập cách làm này để sớm có các văn phòng như thế tại Nhật và các đối tác đầu tư tiềm năng khác, tạo điều kiện tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa 2 bên.

* Như vậy chúng ta cần có sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

- Tôi tin rằng sắp tới sẽ có một làn sóng đầu tư lớn của Nhật vào Việt Nam, miền Trung và Bình Định với KKTNH. Đây là một khu kinh tế động lực của khu vực, nên sẽ là một địa chỉ mới hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật. Do đó, hiện nay chúng ta một mặt tiếp tục giữ mối liên lạc với các nhà đầu tư đã quen biết; đồng thời tiếp tục quảng bá hình ảnh của Bình Định và KKTNH thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật. Ngoài ra, trước mắt chúng ta phải tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng của KKTNH, để các nhà đầu tư có thể quyết định và triển khai đầu tư nhanh chóng. Nếu chúng ta làm chậm, thì sẽ mất cơ hội. Chúng ta cũng phải rà soát lại các chính sách thu hút đầu tư để hấp dẫn hơn nữa các nhà đầu tư lớn, có yêu cầu rất khắt khe, như các nhà đầu tư Nhật. Mặt khác, chúng ta cần quan tâm đặc biệt đến việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều mà lâu nay chúng ta đã đề cập đến rất nhiều, nhưng tôi vẫn thấy cần thiết phải nhắc lại, đó chính là vấn đề đội ngũ của chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để đủ tâm, đủ tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong thời kỳ mới. Các nhà đầu tư Nhật rất có thế mạnh và tiềm năng, nhưng rất khó tính. Nếu đội ngũ công chức, viên chức của chúng ta chưa thật sự xem trách nhiệm và quyền lợi của nhà đầu tư như là của mình thì chưa hoàn thành nhiệm vụ.

* Xin cám ơn ông!

  • Cát Hùng (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuẩn bị triển khai xây dựng khu cảng Quốc tế GEMADEPT - Nhơn Hội  (25/10/2006)
Đẩy nhanh tiến độ những hạng mục cuối cùng  (25/10/2006)
Thành lập Ban chỉ đạo Lễ khánh thành cầu Nhơn Hội  (23/10/2006)
Xây dựng Khu dịch vụ, du lịch phía Bắc đầu cầu Nhơn Hội   (30/09/2006)
Thỏa ước mơ gần nối ước mơ xa  (06/09/2006)
Thông xe cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam  (06/09/2006)
EVN Telecom cung cấp dịch vụ viễn thông cho KKT Nhơn Hội  (06/09/2006)
Các ngân hàng thương mại sẽ đáp ứng vốn tín dụng cho KKT Nhơn Hội  (01/09/2006)
Được tạm ứng 45 tỷ đồng để đầu tư dự án cấp nước KKT Nhơn Hội  (30/08/2006)
Hợp long cầu vượt đầm Thị Nại  (30/08/2006)
Tháng 1-2008, hạng mục đầu tiên của DAKDL Trung Lương đi vào hoạt động  (14/08/2006)
Phê duyệt thiết kế Quy hoạch chi tiết Khu dịch vụ, du lịch phía Bắc đầu cầu Nhơn Hội  (09/08/2006)
Bình Định được tạm ứng thêm 130 tỷ đồng để đầu tư  (30/07/2006)
Công trình cầu vượt đầm Thị Nại: Sẽ hợp long đúng dịp 2-9  (26/07/2006)
Giải phóng mặt bằng Khu kinh tế Nhơn Hội: Sẽ thực hiện các chính sách phù hợp  (25/07/2006)