|
Ông Vũ Hoàng Hà |
Ngày 12-12-2006 là một dấu mốc lịch sử với Đảng bộ và nhân dân Bình Định trên đường phát triển và hội nhập, khi tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội được khánh thành đưa vào sử dụng. Ngay sau đó là việc khởi công xây dựng một số dự án và công trình hạ tầng của Khu kinh tế Nhơn Hội (KKTNH). PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Vũ Hoàng Hà về các vấn đề xung quanh việc phát triển KKTNH kể từ thời điểm đáng nhớ này.
* Thưa Chủ tịch, xin ông cho biết việc khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Thị Nại - cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam - có ý nghĩa như thế nào đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định?
- Dự án cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội, trong đó có cầu Thị Nại có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh Bình Định. Có thể thấy rằng, phía bắc TP. Quy Nhơn là bán đảo Phương Mai rộng 12.000 ha, có vị trí địa lý rất thuận lợi, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, rất thích hợp để xây dựng cảng biển nước sâu, khu công nghiệp, khu đô thị, khu thương mại, khu du lịch, dịch vụ… Tuy nhiên, từ bao đời nay, trên bán đảo này, dân cư thưa thớt, đất đai canh tác chưa đạt hiệu quả, phần lớn dân cư nơi đây nghèo khó, nhưng còn loay hoay chưa tìm được cơ hội đổi đời. Nhiều thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm của Bình Định đã luôn trăn trở là làm thế nào để có thể phát huy được tiềm năng vốn có của vùng đất này. Khó khăn là bán đảo Phương Mai bị ngăn cách với nội thành Quy Nhơn bởi đầm Thị Nại rộng lớn. Còn ở phía bắc, nếu từ Chợ Gồm (Phù Cát) muốn đến bán đảo này phải đi qua một quãng đường dài trên 20 km…
Trước đây, các vị lãnh đạo tiền nhiệm của tỉnh đã có ý tưởng xây dựng một cây cầu vượt đầm Thị Nại, nối liền nội thành Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai, tạo điều kiện khai thác tiềm năng, phát triển KT-XH ở khu vực này; đồng thời phát triển mở rộng đô thị Quy Nhơn. Đây quả thực là một thách thức không nhỏ bởi lẽ Bình Định là một tỉnh nghèo, mà xây dựng được “công trình thế kỷ” này phải cần một nguồn vốn rất lớn. Chính từ suy nghĩ và quyết tâm đầy ý nghĩa đó đã truyền sang cho thế hệ lãnh đạo kế nhiệm chúng tôi, và tập thể lãnh đạo tỉnh đã đêm ngày trăn trở tìm giải pháp.
Được sự thống nhất và quyết tâm cao trong lãnh đạo tỉnh, điều ấy cũng phù hợp với mong ước của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, và sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, nên chúng ta đã tìm được giải pháp khả thi. Việc chọn phương án vượt đầm Thị Nại từ ngã 3 Đống Đa đến khu vực Hang Dơi (Nhơn Hội) dài hơn 7 km nối thông nội thành Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai rộng lớn (có diện tích bằng cả TP Vũng Tàu), là cơ hội để mở rộng TP Quy Nhơn hiện hữu lên ngang tầm với một số đô thị lớn khác, để có thể bảo đảm các điều kiện cần và đủ, nâng TP Quy Nhơn lên ngang tầm một đô thị loại I trong tương lai không xa. Đồng thời, tuyến cầu đường này là tiền đề quan trọng, tạo điều kiện phát triển toàn diện và bền vững cho KKTNH, một KKT động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Đến bây giờ thì hệ thống cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội đã hoàn thành. Đây là giấc mơ ngàn đời của nhân dân Bình Định, là biểu tượng, là kết tinh cho ý chí tự lực tự cường, nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Bình Định trong khát vọng đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu. Cầu Thị Nại chính là nhịp cầu nối vào tương lai tươi sáng, là tiền đề để Bình Định cùng khu vực và cả nước tạo ra những bước đột phá quyết liệt hơn trong sự nghiệp xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước lúc sinh thời của Bác Hồ kính yêu.
Trước mắt, việc hoàn thành tuyến cầu đường này tạo điều kiện cho các nhà thầu, các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng (CTHT) và triển khai xây dựng các dự án đã được cấp phép; đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để đón tiếp làn sóng đầu tư sẽ tràn vào đây trong một tương lai gần.
* Thưa ông, sau việc khánh thành cầu Thị Nại, những công việc tiếp theo sẽ được triển khai ra sao tại KKTNH?
- KKTNH là một khu kinh tế tổng hợp. Ở đây vừa có khu phi thuế quan, khu chế xuất, khu thuế quan của nhiều lĩnh vực đầu tư: đô thị mới, công nghiệp, thương mại dịch vụ, tài chính, du lịch, cảng biển nước sâu… Đến nay, quy hoạch chi tiết của tất cả các phân khu chức năng đã cơ bản hoàn thành.
Để thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm triển khai các hoạt động đầu tư tại KKTNH, cần phải tập trung xây dựng hoàn thiện sớm các CTHT. Theo đó, một số công trình dạng này đã được triển khai thi công từ cách đây 6 tháng, như việc xây dựng các đường trục ngang, khu tái định cư Nhơn Phước… Gần đây, ngay sau khi dự án được cấp phép, một số nhà đầu tư trong nước đã khởi công triển khai dự án. Như Công ty TNHH Quốc Thắng xây dựng Trung tâm Thương mại - dịch vụ và du lịch (phía bắc cầu Thị Nại); Công ty TNHH Mỹ Tài xây dựng khu du lịch Rainbow resort Trung Lương. Cũng trong ngày khánh thành cầu Thị Nại, một số dự án khác sẽ được khởi công. Đó là: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Nhơn Hội A, dự án hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông cho KKTNH, dự án đường trục chính KKT; dự án cấp nước cho KKTNH giai đoạn 1; dự án cấp điện KKTNH. Tất cả các dự án này đều phải hoàn thành vào cuối năm 2007 và đầu năm 2008.
* So với các KKT khác của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, NH là KKT thuộc vào loại “sinh sau đẻ muộn”. Trong khi các KKT trong vùng đang triển khai đầu tư rất rầm rộ, thì việc các nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào KKTNH thực chất vẫn chỉ trên giấy tờ. Vậy vấn đề đặt ra với chúng ta hiện nay là gì?
- KKTNH được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập vào tháng 6-2005. Chỉ trong 17 tháng qua, chúng ta đã có nhiều cuộc “chạy marathon” để quảng bá về hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT) vào KKTNH cả ở trong và ngoài nước. Đến nay, đã có 46 nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã cam kết đầu tư vào KKTNH với tổng giá trị đăng ký đầu tư là 3,4 tỉ USD. Tuy nhiên, do hiện nay kết cấu hạ tầng của KKTNH chưa hoàn thiện, nên các nhà đầu tư chưa thể triển khai xây dựng các dự án đã đăng ký. Cho nên yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay với chúng ta là phải tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các CTHT. Chủ trương của lãnh đạo tỉnh là một mặt chia các dự án có quy mô lớn ra nhiều gói thầu, mặt khác huy động nhiều nguồn vốn và tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác thi công, để hoàn thành sớm các CTHT. Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục duy trì kết nối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đã đăng ký đầu tư vào KKTNH. Mặt khác, tiếp tục tổ chức XTĐT tại các quốc gia có tiềm năng đầu tư. Trước mắt, ngay sau lễ khánh thành cầu Thị Nại và khởi công xây dựng các dự án tại KKTNH, Đoàn cấp cao của tỉnh sẽ có 2 chuyến XTĐT tại Kazashtan và Hàn Quốc.
Một công việc quan trọng khác mà chúng ta phải tập trung giải quyết là cần tăng cường đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, để không chỉ đủ đáp ứng cho nhu cầu của tỉnh và KKTNH (với khoảng 85.000 lao động đã qua đào tạo), mà còn cho các tỉnh khác, KKT khác theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị. Do đó, trong chương trình hành động của tỉnh, chúng ta đã có nhiều kế hoạch và giải pháp thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, tỉnh cũng đã ban hành các chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Bình Định. Mặt khác, cần tăng cường mối liên kết giữa các KKT, các tỉnh, các địa phương lân cận cả trong và ngoài nước, trên cả 2 trục Bắc - Nam và Đông - Tây để khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh vốn có, để làm nội lực phát triển toàn diện và bền vững.
Vấn đề rất quan trọng là công tác cải cách bộ máy hành chính. Mục tiêu hướng tới của chúng ta là phải có được một bộ máy hành chính vừa đủ tâm, đủ tầm, sao cho cán bộ, công chức làm việc tại khu vực này phải xem quyền lợi của nhà đầu tư chính là quyền lợi của mình. Trên phương diện quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cam kết bảo trợ vốn và quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, địa phương cũng phải vậy, phải giữ gìn trật tự an ninh và tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, rõ ràng, tạo được sự an tâm cho các nhà đầu tư…
* Xin cám ơn đồng chí Chủ tịch!
Ông VŨ VĂN THANH - Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình giao thông (BQLDACTGT) tỉnh:
Dự án cầu đường QN - NH là tiền đề quan trọng tạo điều kiện khai thác tiềm năng về nhiều mặt của vùng đất rộng lớn ở phía Đông Bắc TP Quy Nhơn. BQLDACTGT tỉnh của chúng tôi rất vinh dự khi được lãnh đạo tỉnh và Sở GTVT giao nhiệm vụ quản lý dự án. Song, có thể nói rằng đi đôi với vinh dự là một trách nhiệm rất lớn, với nhiều trăn trở, lo lắng, bởi đây là công trình mà điều kiện thi công rất phức tạp, đi qua vùng đầm lầy mênh mông, rất khó vận chuyển vật tư, thiết bị, cùng nhiều khó khăn về vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng….
Nhờ có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, vướng mắc đến đâu các lãnh đạo tỉnh đã hỗ trợ tháo gỡ đến đó, nhất là sau khi đường công vụ hoàn thành đã mở ra triển vọng cho toàn dự án. Về vốn đầu tư, cũng được Chính phủ ưu tiên ứng vốn cho tỉnh để đảm bảo tiến độ thi công… Đến nay, vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, dự án đã hoàn thành, đúng với tâm nguyện của toàn thể cán bộ, nhân dân tỉnh Bình Định; đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật như kế hoạch đã đề ra, chúng tôi rất vui mừng. Ban QLDACTGT tỉnh xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ, đồng cảm, chia sẻ của toàn thể cán bộ, nhân dân, các ban ngành chức năng trong tỉnh. Xin cảm ơn sự nỗ lực của các nhà thầu, sự hỗ trợ của các lực lượng làm công tác bảo vệ an ninh trật tự, các cơ quan truyền thông đại chúng…
Qua công trình này, chúng tôi rút được nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình quản lý, điều hành các dự án xây dựng cầu - đường. Hơn 4 năm lăn lộn với công trình cầu đường lớn nhất tỉnh tính đến nay, điều lắng đọng nhất trong tôi là sự khẳng định niềm tin; tin vào quyết tâm của tỉnh; tin vào công việc mình được giao nhiệm vụ… Bây giờ nghĩ lại, cách đây mấy năm vùng đất phía Đông Bắc TP Quy Nhơn là một nơi “đèo heo hút gió”, sắp tới sẽ là một khu kinh tế hiện đại, sầm uất, tôi rất vui mừng và tự hào, vì mình là một trong số nhiều người được tham gia góp phần đặt nền móng cho sự đi lên của Bình Định, qua công trình cầu đường QN-NH.
* Ông MẠNH VĂN BÌNH - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng An Bình:
Chúng tôi rất vinh dự khi được tham gia thi công dự án cầu đường QN - NH, trong đó có cầu Thị Nại- cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, với công nghệ tiên tiến và hiện đại. Tại công trình nói trên, An Bình chịu trách nhiệm thi công một số hạng mục của các gói thầu số 4, 11, 13, 15, 24, 27, với giá trị sản lượng khoảng 59,6 tỉ đồng. Khách quan mà nói, khi tham gia công trình này chúng tôi rất lo về nhiều mặt, song quyết tâm phải đạt được mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ. Qua công trình này, Công ty chúng tôi đã tiếp cận được công nghệ thi công cầu đường tiên tiến; điều này rất phù hợp với định hướng phát triển của An Bình. Chúng tôi cũng học tập được rất nhiều trong công tác quản lý, điều hành, quản lý thi công. Đội ngũ cán bộ, công nhân của An Bình đã tiến một bước quan trọng và trưởng thành hơn, tăng được cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm và tay nghề, tăng năng lực thi công cầu đường.
Trong quá trình tham gia thi công cầu Thị Nại, những công nghệ tiên tiến, những kinh nghiệm nghề nghiệp tích lũy từ công trình này đã được chúng tôi áp dụng thành công khi xây dựng các cầu: Trường Thi, Lại Giang, Bờ Kịnh và đang triển khai thi công một cây cầu ở Nha Trang. Hiện nay, năng lực thiết bị của An Bình có thể thi công cùng lúc 3 cây cầu với quy mô lớn, công nghệ mới. Có thể nói rằng, qua 3 năm nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, góp phần xây dựng thành công công trình cầu đường QN - NH, đã đặt nền móng vững chắc cho quá trình phát triển của doanh nghiệp chúng tôi; thương hiệu An Bình được biết đến nhiều hơn, tạo đà cho sự phát triển của đơn vị. Chúng tôi rất tự hào vì đã có những đóng góp tích cực đối với dự án tạo tiền đề hình thành Khu kinh tế Nhơn Hội, đảm bảo yêu cầu và xứng đáng với sự tin tưởng của tỉnh…
* Ông NGUYỄN NGỌC TRUNG - Phó Giám đốc Công ty CTGT 473, chỉ huy thi công gói thầu 13, 15:
Ở tỉnh Bình Định, Công ty 473 đã thi công cầu Bồng Sơn và 3 cây cầu trên tuyến đường tránh thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn). Từ cuối năm 2003, chúng tôi bắt đầu triển khai thi công 2 gói thầu 13 và 15 của cầu Thị Nại, với công nghệ tiên tiến và hiện đại. 2 gói thầu này chiếm 2/3 khối lượng cầu Thị Nại và 2/5 khối lượng dự án cầu đường QN-NH. Đây là cây cầu vượt biển dài nhất nước, có đặc điểm địa chất phức tạp, điều kiện thi công khó khăn… Trong quá trình thi công, cũng đã phát sinh thêm nhiều khó khăn mới, song tất cả đều được lãnh đạo tỉnh Bình Định và Ban A tích cực hỗ trợ, giải quyết kịp thời, cùng với sự nỗ lực vượt khó của toàn đơn vị đã giúp chúng tôi hoàn thành công trình, đảm bảo yêu cầu đề ra.
Qua 3 năm thi công cầu Thị Nại, chúng tôi đã được sự hỗ trợ về nhiều mặt của lãnh đạo tỉnh, chính quyền và nhân dân các địa phương liên quan, BQLDACTGT tỉnh… Chúng tôi rất biết ơn và luôn ghi nhận những tình cảm quý báu ấy. Bây giờ, nhìn cây cầu sừng sững vắt qua đầm Thị Nại, chúng tôi rất tự hào và hạnh phúc. Mặc dù Công ty 473 đã thi công nhiều cây cầu lớn trong cả nước, nhưng cầu Thị Nại đã để lại dấu ấn đậm đà nhất đối với chúng tôi, giúp đội ngũ CB-CN của Công ty trưởng thành hơn, tự tin hơn trước những công trình sắp đến.
|
|