Dự án cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội nhìn từ góc độ dân sinh:
Thỏa giấc mơ gần, chắp cánh ước mơ xa
9:26', 12/12/ 2006 (GMT+7)

Tuy thuộc thành phố Quy Nhơn, nhưng từ bao đời nay các xã bán đảo Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Hải giống như con kình ngư nhưng không thể quẫy đuôi ưỡn mình ra biển bởi giao thông cách trở. Bây giờ, ước mơ cháy bỏng ngàn đời về một cây cầu nối đôi bờ Thị Nại của hơn 10.000 cư dân các xã bán đảo này đã trở thành hiện thực.

* Dấu ấn con đường, cây cầu mang tầm thế kỷ

Tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội hoàn thành và đưa vào sử dụng là một sự kiện lớn, tràn đầy niềm vui, niềm tự hào của người dân Bình Định. Với cư dân ở các xã bán đảo Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Hải, niềm vui ấy còn được nhân lên gấp bội. Tuyến cầu đường này đã xóa đi sự trắc trở về giao thông, bao đời nay đã kìm hãm sự phát triển của vùng đất rộng lớn, giàu tiềm năng nằm cách TP Quy Nhơn chỉ một tầm nhìn qua đầm Thị Nại.

Nhiều người dân mà cả cuộc đời gắn liền với khu vực bán đảo đầy cát và gió đều cho rằng: Nhà nước đã xây dựng cho nhân dân nơi đây một tuyến cầu đường “ước mơ”, một tuyến cầu đường “đổi đời”. Anh Nguyễn Đức Lệ, chủ một cửa hàng tạp hóa ở Nhơn Hải, tâm sự: “Trước đây, khi chưa có con đường liên xã Nhơn Hội - Nhơn Hải và chưa có tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội, muốn đưa hàng hóa về phục vụ cho bà con là hết sức khó khăn, phải qua mấy lần đò mới đến được, nên giá thành đội lên cao. Giờ thì, đường sá thông thương, chỉ cần điện thoại là các đại lý gửi hàng qua ngay và giá cả cũng thấp hơn rất nhiều”. Quan trọng hơn, cây cầu này sẽ kết nối mạch đường hội nhập của các xã bán đảo này với đời sống văn hóa, kinh tế đang trên đà phát triển của TP Quy Nhơn. Gần đây, đã có tuyến xe khách Nhơn Hải - Quy Nhơn, với 5-6 chuyến mỗi ngày, thuận lợi hơn đường thủy rất nhiều. Nhờ thế, hàng hóa tiêu dùng ở TP Quy Nhơn có gì thì ở đây có thứ đó; học sinh đi học ở Quy Nhơn, bà con đi chữa bệnh ở bệnh viện TP, bệnh viện tỉnh cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn...

Ngoài ra, tuyến cầu đường này cũng đã góp phần tạo thành một trục giao thông liên hoàn chạy suốt từ TP Quy Nhơn qua các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh và tạo thêm một trục giao thông mới từ Quy Nhơn đến sân bay Phù Cát, thiết lập mạng lưới giao thông hoàn chỉnh trên địa bàn tỉnh, kéo theo nhiều cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế - xã hội và đánh thức tiềm năng của cả một dải đất ven biển từ Quy Nhơn đến Hoài Nhơn.

* Nắm bắt vận hội mới

Trong thời gian qua, người dân ở các xã bán đảo luôn dõi theo từng nhịp cầu, từng động thái của KKT Nhơn Hội để nắm bắt thời cơ, tìm cơ hội làm ăn phát triển kinh tế. Bây giờ, đến các xã bán đảo của TP Quy Nhơn, chúng tôi đã bắt gặp nhiều cái mới, nhiều sự đổi thay lớn trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây. Các cư dân xã bán đảo một đời lặng lẽ, âm thầm, thô mộc, giờ đã năng động hơn, biết làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Ông Ngô Đức Tình - Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải - cho biết: “Chỉ chừng 2 tháng nay, ở xã đảo này đã có rất nhiều sự đổi thay. Nhịp sống của địa phương không còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, vào những chuyến biển được-mất, mà các hoạt động thương mại, dịch vụ đã và đang trên đà phát triển”. Từ con số không, bây giờ Nhơn Hải đã có 3 xe khách, 2 xe tải, khoảng 300 xe máy và hơn 1.000 xe đạp. Ngoài ra, các cửa hàng mua bán, sửa chữa xe gắn máy, xe đạp; các dịch vụ cung ứng xăng dầu, rửa xe…  cũng đã lần lượt mọc lên.

Tại các xã Nhơn Hội, Nhơn Lý, nhịp sống cũng đã đổi thay. Một số gia đình lâu nay gắn bó với con đò đã có kế hoạch chuyển đổi nghề nghiệp. Anh Trần Thanh Hà, hành nghề vận tải đò biển tuyến Nhơn Hội - Quy Nhơn mười mấy năm nay, đã chuyển sang học lái ô tô. Anh dự định, sẽ mua xe về phục vụ vận tải hàng hóa ở đây. Không chỉ có thế, trong thời gian qua chính quyền và người dân ở các xã bán đảo này cũng đã “đón đầu” sự ra đời của KKT Nhơn Hội. Hiện nay, ở Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Hải có trên 50 thanh niên đang theo học các lớp trung cấp, công nhân kỹ thuật tại Quy Nhơn. Số học sinh đang học phổ thông cũng đã được gia đình hướng nghiệp theo học các ngành nghề để sau này có thể xin vào làm việc ở các nhà máy trong KKT. Một số gia đình lâu nay sống bằng nghề biển cũng đã và đang “rục rịch” các dự án cho tương lai, người chuẩn bị mở cửa hàng kinh doanh, người mở các dịch vụ ăn uống, giải khát... phục vụ cho khách đi đường cũng như công nhân đang thi công các dự án trong KKT Nhơn Hội và lâu dài là phục vụ giới công nhân làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp ở đây”.

Phải khẳng định rằng, tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội ngoài ý nghĩa là tiền đề cho việc xây dựng thành công KKT Nhơn Hội, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định, nó còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực về dân sinh cho hơn 10.000 người dân ở khu vực bán đảo trước đây là vùng sâu vùng xa của TP Quy Nhơn. Chính vì vậy, dự án cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội không chỉ thỏa giấc mơ gần mà còn nối ước mơ xa vì một tương lai tươi sáng, đẹp giàu.

  • Ngọc Thái - Nguyễn Hân
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khu công nghiệp Nhơn Hội (khu A): Điểm đột phá ở Khu kinh tế Nhơn Hội  (12/12/2006)
Khởi công khu công nghiệp và các dự án trong Khu kinh tế Nhơn Hội  (12/12/2006)
Khu kinh tế Nhơn Hội: Điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư  (12/12/2006)
Khánh thành cầu Thị Nại là tiền đề đẩy nhanh tốc độ xây dựng KKT Nhơn Hội  (12/12/2006)
Khánh thành cầu Thị Nại, khởi công KCN và một số dự án trong KKT Nhơn Hội  (12/12/2006)
Cầu Thị Nại sẽ khánh thành vào ngày 12-12  (01/12/2006)
Khởi công xây dựng dự án đầu tư đầu tiên của Khu kinh tế Nhơn Hội  (23/11/2006)
Chúng tôi mong muốn được đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội  (30/10/2006)
Các nhà đầu tư Nhật rất quan tâm đến Khu kinh tế Nhơn Hội  (30/10/2006)
Chuẩn bị triển khai xây dựng khu cảng Quốc tế GEMADEPT - Nhơn Hội  (25/10/2006)
Đẩy nhanh tiến độ những hạng mục cuối cùng  (25/10/2006)
Thành lập Ban chỉ đạo Lễ khánh thành cầu Nhơn Hội  (23/10/2006)
Xây dựng Khu dịch vụ, du lịch phía Bắc đầu cầu Nhơn Hội   (30/09/2006)
Thỏa ước mơ gần nối ước mơ xa  (06/09/2006)
Thông xe cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam  (06/09/2006)