. Ghi chép của Trần Đăng
Nhơn Hội bây giờ vẫn chỉ là vùng cát trắng mênh mang, song với những gì mà nó đã và đang có, vùng đất ấy đã thành niềm hy vọng của hơn một triệu năm trăm ngàn dân Bình Định.
|
Phác thảo cảng nước sâu Nhơn Hội.
|
1 .
Cách đây ít lâu, nhà văn Xuân Ba- "cây" phóng sự của báo Tiền Phong có bút ký Quí nhân Quy Nhơn in trên Văn Nghệ, đọc rất thú vị. Bài viết đề cập đến một người mà tên tuổi của ông đã vượt ra khỏi… đầm Thị Nại mấy chục năm nay. Đó là nhà nghiên cứu tuồng Vũ Ngọc Liễn. Ông Liễn là "tay tổ" trong chuyện nói trạng. Những lúc trà dư tửu hậu, ông thường "khoe" rằng: "Vì sinh lệch có hai phút chứ không thì mình làm tổng thống rồi". Ý ông muốn nói đến chiếc ghế tổng thống mà Nguyễn Văn Thiệu từng ngồi suốt 10 năm tại dinh Độc Lập. Ông Liễn cùng tuổi Giáp Tý (1924) với ông Thiệu mà. Chuyện ông "suýt" làm tổng thống thì tôi chẳng tin, nhưng có điều này là thật: Vũ Ngọc Liễn từng làm chủ tịch xã Nhơn Lý thời kháng chiến chống Pháp trước khi ông tập kết ra Bắc rồi học Trường Kịch nghệ Bắc Kinh để trở thành một trong những nhà nghiên cứu tuồng hàng đầu của Việt Nam hiện nay.
Nhơn Lý cũng chỉ là một xã ven biển "vô danh" như bao xã ven biển khác của tỉnh Bình Định nếu như nó không gắn liền với địa danh đang thu hút sự chú ý rất lớn đối với các nhà đầu tư: Khu Kinh tế Nhơn Hội. Nhân có chuyện ồn ào về việc hình thành hàng loạt các khu du lịch để "ăn theo" Nhơn Hội, tôi cà khịa ông Liễn: "Bác trữ được bao nhiêu lô đất bên ấy rồi?". Ông Liễn hét lên như… tuồng: "Cha mẹ ơi! Tao mà biết được cái vùng gà mang dép lốp suốt ngày ấy sẽ trở thành những khu resort hoành tráng sắp tới thì giàu to rồi!". Tôi vẫn không buông ông: "Chứ bộ làm chủ tịch xã cả nhiệm kỳ, không xà xẻo công quỹ được lô đất nào để lận lưng mà dưỡng già à?". Ông Liễn cười rung cả lợi: " Bây giờ thấy cây cầu Nhơn Hội bắc qua Thị Nại, ai cũng rậm rật muốn sang chứ năm sáu chục năm trước, ai thèm mơ đất cát bên ấy làm gì mà trữ với tích!".
Tôi nhìn cây cầu Nhơn Hội vắt qua đôi bờ đầm Thị Nại như một dải lụa mềm, lòng chợt vui niềm vui con trẻ: Bắt đầu từ bây giờ, nhà thơ nửa tỉnh nửa mê Khổng Vĩnh Nguyên không còn phải đi đò "chùa" nữa. Thời tôi còn ở Quy Nhơn, sau mỗi lần "xả láng" vài xị rượu Bàu Đá (chúng tôi hay gọi là "thuốc rầy") với các chiến hữu, Nguyên bí mật ra phía Thị Nại và… lên thuyền đi nhờ sang bên kia đầm. Từ bến đò, Nguyên lại phải lội bộ chừng ba tiếng nữa để vượt qua những động cát tưởng chừng không thấy đỉnh, mới có thể đặt chân về đến ngõ nhà mình. Bây giờ khu vực "hãi hùng gió cát" ấy đã thành những địa chỉ vô cùng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chuyên kinh doanh du lịch. Ông bạn nhà thơ của tôi cũng chỉ mất dăm chục phút xe ôm là có thể đặt chân đến Quy Nhơn để uống rượu "thuốc rầy" với ổi xanh được rồi. Vùng quê ấy mãi mãi sẽ là vùng cát trắng bời bời nếu như không có sự cựa quậy của Khu Kinh tế Nhơn Hội từ hơn một năm nay.
2.
Một trong những "cựa quậy" đầu tiên ấy là cây cầu bắc qua đầm Thị Nại được tiến hành xây dựng từ hai năm qua với chiều dài kỷ lục: 7km kể cả đường dẫn, cùng số tiền khổng lồ: gần 582 tỷ đồng! Những tỉnh "yếu bóng vía" như Kon Tum, Quảng Ngãi, tiền thu ngân sách một năm, chỉ vừa đủ để làm cây cầu khổng lồ này !
Khoảng nửa cuối năm nay, những ai đã từng khát khao được đặt chân lên vùng cát trắng thuộc bán đảo Phương Mai, chỉ cần tích tắc mười lăm phút qua cây cầu này là có thể đạt được ước nguyện. Thực ra nếu không có dự án KKT Nhơn Hội, chẳng ai ấm đầu đến mức bỏ ra ngần ấy tiền để làm chiếc cầu này. Bắc qua vùng đất chỉ toàn là cát trắng, dân số thưa thớt vào bậc nhất tỉnh Bình Định, cầu Nhơn Hội chỉ có thể là nhịp cầu đưa các nhà đầu tư đến khai phá một vùng đất hãy còn quá mới mẻ này chứ không chỉ đơn thuần phục vụ cho việc đi lại. Dải cát trắng bên kia đầm Thị Nại đã từng ám ảnh nhiều thế hệ lãnh đạo Bình Định nhưng đến hôm nay, niềm đau đáu ấy mới thực hiện được.
|
KKT Nhơn Hội sẽ phát huy toàn diện tiềm năng của bán đảo Phương Mai, là cánh cửa lớn để Quy Nhơn bung ra đại dương. Ảnh: B.P |
Quy Nhơn là một trong những thành phố biển đẹp và hấp dẫn du khách, song đây lại là thành phố bị dồn nén đến nghẹt thở bởi vị thế mắc kẹt giữa núi và biển. Nhơn Hội là cánh cửa lớn để Quy Nhơn bung ra đại dương. Và cây cầu bảy cây số bắc qua Thị Nại chính là cái bản lề cho cơ hội vĩ đại ấy.
Ông Vũ Hoàng Hà - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, mỗi khi nhắc đến hai chữ Nhơn Hội là y như ông nhập đồng: "Một triệu năm trăm ngàn dân Bình Định đang đặt trọn niềm tin vào KKT Nhơn Hội. Vì vậy, không làm quyết liệt là không được!". Theo "tư duy quyết liệt" này, Bình Định đã và sẽ mở toang cánh cửa để kêu gọi đầu tư. Cả miền Trung hiện nay đều hình thành các khu kinh tế, khu nào khu nấy to đùng như… dãy Trường Sơn, tỉnh nào cũng gồng mình lên "kêu gọi" , song hình như Bình Định có cách đi riêng của mình. Đã làm là làm chắc chắn và làm được.
Cầu Nhơn Hội vẫn chưa xong, cả bán đảo Phương Mai vẫn chỉ là "đảo cát", ấy thế mà Bình Định đã tổ chức cuộc thi ý tưởng cho cả khu kinh tế tương lai này. Cuộc thi không chỉ bó hẹp trong phạm vi Bình Định hay Việt Nam mà còn thu hút cả những nhà hoạch định chiến lược và nhà kiến trúc khắp thế giới. Hơn nhau là ở tầm nhìn chiến lược chứ không chỉ thực thi từng "phi vụ" cụ thể. Ví như mới nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "gợi ý" về việc các tỉnh miền Trung nên nghĩ đến một tuyến đường ven biển chạy song song với quốc lộ 1A, Bình Định là tỉnh đầu tiên đã hoàn thành tuyến đường này với chiều dài cả trăm cây số nối Tam Quan với KKT Nhơn Hội bây giờ. Trong khi đó, các tỉnh miền Trung khác, cho đến hôm nay mới bắt đầu triển khai tuyến đường sẽ đánh thức tiềm năng du lịch rất lớn này. Tuyến đường vừa mở ra, hàng loạt các nhà đầu tư đã đăng ký tham gia các dự án ven biển, trong đó có những dự án với số vốn hàng trăm triệu USD như nhà máy nhiệt điện hay khu du lịch biển cao cấp do một tập đoàn của Hoa Kỳ đầu tư. Mang tư duy "mở toang để đón gió" ấy, KKT Nhơn Hội lập tức được các nhà đầu tư trong và ngoài nước chú ý không phải bằng ánh mắt dò xét mà bằng sự háo hức hiếm thấy.
Đơn cử như chuyện xây dựng tại đây một nhà máy lọc dầu với số vốn ban đầu là gần 2 tỷ USD. Vốn hoàn toàn của nước ngoài mà không chịu bất cứ sự ràng buộc nào về giá tiêu thụ sản phẩm cũng như việc cung cấp dầu thô từ các mỏ dầu của Việt Nam. Theo kế hoạch thì đến năm 2009, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động. Ai cũng biết, cả nước chỉ mỗi một Nhà máy lọc dầu Dung Quất mà đặt lên để xuống, tốn không biết bao giấy mực suốt mười năm qua, vẫn chưa thấy đâu, ấy thế mà, đùng một cái, vâng, một cái "đùng", Nhơn Hội đã có lọc dầu.
Rồi cảng dầu 150 triệu USD, một khu công nghiệp 1.050 ha, khu đô thị 750 ha… cùng hàng loạt các dự án khác đang rục rịch nhập cuộc một khi cây cầu Nhơn Hội hoàn thành. Hàng chục ngàn tỷ đồng đã được các nhà đầu tư đăng ký vào Nhơn Hội chỉ trong vòng một năm qua, đây quả là con số lý tưởng mà bất cứ một khu kinh tế nào cũng mơ ước. Cũng cần phải nói thêm rằng, không phải Bình Định kêu gọi suông, nằm đợi sung rụng đâu, mà họ đã mở cả một chiến dịch vận động kêu gọi đầu tư hẳn hoi. Những bước chân xuôi ngược của những người lãnh đạo Bình Định hầu như đã in lên hầu hết các nước và vùng lãnh thổ mà họ tin rằng có thể thu hút vốn đầu tư vào Nhơn Hội...
Và họ đã thành công bước đầu trong việc kéo các nhà đầu tư về phía Nhơn Hội.
Trong một lúc hào hứng, Tôi đem "tinh thần Nhơn Hội" hết sức "phơi phới" ấy truyền đạt lại cho ông Nguyễn Văn Ngọc - Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý - địa phương mà nhà nghiên cứu tuồng Vũ Ngọc Liễn từng làm chủ tịch xã từ… 60 năm trước, được đề cập ở đầu bài viết, ông Ngọc đã hưởng ứng niềm vui ấy bằng một bài thơ của Hồ Xuân Hương làm tôi suýt… xỉu! Ông cũng không quên "khoe" rằng, xã Nhơn Lý của ông hiện có 280 tàu đánh cá, trong đó có 10 chiếc xa bờ nhưng hai chiếc đánh được cá, 8 chiếc lỗ trắng mắt. "Xã có 9.000 dân nhưng có đến 356 hộ nghèo, giờ chỉ biết trông vào Nhơn Hội để đổi đời, để ngẩng đầu lên với thiên hạ, nhà báo ơi!".
Dĩ nhiên, không phải ông Ngọc cùng tập thể lãnh đạo Nhơn Lý chỉ biết "trông suông" mà họ đã có sự chuẩn bị từ mấy năm nay. "Vận động thanh niên trong xã phải "phủ sóng" hết tú tài. Hễ các nhà đầu tư tuyển người để đào tạo nghề, cần trình độ ấy, mình có ngay!". Ông Ngọc khẳng định.
Nhơn Hội bây giờ hãy còn cát trắng nhưng với những gì mà nó đang có, vùng đất ấy đã thành cơ hội đổi đời cho hơn một triệu năm trăm ngàn dân.
|