Một trong những vấn đề quan trọng để Khu kinh tế Nhơn Hội (KKTNH) nên hình nên vóc là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng KKT. Hiện nay các ngành chức năng đang gấp rút hoàn thành các chính sách về đền bù giải tỏa để kịp thời triển khai trong thời gian tới. Trong đó, các vấn đề liên quan đến cuộc sống của người dân đều được quan tâm.
Trên tổng diện tích 12.000 ha của toàn bộ KKTNH có 2.811 ha cần được thu hồi, đền bù, giải tỏa để làm KKT. Vì thế 1.010 hộ dân với khoảng hơn 5.000 nhân khẩu ở đây sẽ phải di dời đến nơi ở mới. Trong đó, các nơi có nhiều hộ phải di chuyển là: toàn bộ khu vực trung tâm hành chính xã Nhơn Hội hiện nay (650 hộ), Khu du lịch Vĩnh Hội thuộc xã Cát Tiến - Phù Cát (270 hộ) và Khu du lịch Hải Giang, xã Nhơn Hải, Quy Nhơn (90 hộ).
Khu vực được quy hoạch KKTNH là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hầu hết các hộ dân thuộc khu vực này đều là hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, trồng và chăm sóc rừng, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Mức sống dân cư ở đây rất thấp. Hiện trạng sử dụng đất trên địa bàn rất đa dạng, gồm: đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất ở, đất vườn ao, đất nghĩa địa, và mặt nước biển… Phần lớn đất sản xuất đã được nhà nước cân đối giao quyền hoặc cho thuê, còn lại là đất tự khai phá canh tác trên những thửa đất chưa được giao quyền hoặc không cân đối giao quyền sử dụng đất, hoặc chiếm dụng đất công chưa sử dụng. Hầu hết các hộ dân tại khu vực xây dựng các dự án công trình đều thuộc diện giải tỏa trắng và đều bị thu hồi toàn bộ đất ở và đất sản xuất.
650 hộ dân của khu trung tâm hành chính xã Nhơn Hội và 90 hộ dân của Khu du lịch Hải Giang sẽ di dời về khu tái định cư Nhơn Phước thuộc thôn Hội Thành, xã Nhơn Hội. 270 hộ dân ở khu du lịch Vĩnh Hội sẽ được chuyển đến trung tâm xã Cát Tiến. Hiện nay, các nhà thầu đang tập trung thi công hạ tầng giai đoạn 1 của khu tái định cư Nhơn Phước, trên diện tích 30 ha. Khu tái định cư này sẽ có nhiều công trình phúc lợi như quảng trường, công viên, vườn hoa, trường học, chợ. Dự kiến đến tháng 6 năm 2007 có thể bắt đầu giao đất cho 450 hộ dân xây nhà, sau đó triển khai tiếp giai đoạn 2 với 45 ha còn lại. |
Vấn đề đặt ra là cần phải bảo đảm tính thống nhất, công bằng khi thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư, sớm ổn định cuộc sống cho dân tại nơi ở mới. Lãnh đạo tỉnh chủ trương vận dụng các chính sách hiện hành về bồi thường tái định cư với mục tiêu các hộ dân đến nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ.
Ngày 17-7-2006, Ban Quản lý KKTNH đã có tờ trình gửi UBND tỉnh. Theo đó, trong thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh dựa trên các văn bản chính sách hiện hành, các điều khoản trong quy định về bồi thường, hỗ trợ đều bảo đảm lợi ích chính đáng cho dân, hợp lòng dân. Đáng quan tâm là việc hỗ trợ đơn giá bồi thường nhà, công trình trên đất, đối với công trình nhà cửa, vật kiến trúc, ngoài việc áp giá bồi thường theo quy định hiện hành của UBND tỉnh, còn hỗ trợ thêm chi phí vận chuyển vật liệu xây dựng bằng 14% đơn giá xây dựng hiện hành. Hỗ trợ ổn định đời sống khi nhà nước thu hồi đất là 6 tháng (nếu không phải di chuyển chỗ ở) và 12 tháng (nếu phải di chuyển chỗ ở). Mức hỗ trợ tương đương 30 kg gạo/ nhân khẩu/ tháng. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, được giao đất ở các vị trí có thể làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp. Đối với những thành viên trong hộ gia đình tái định cư, nếu còn trong độ tuổi lao động, có đủ điều kiện về sức khỏe và trình độ học vấn thì được đào tạo nghề miễn phí tại các cơ sở dạy nghề (trong hệ thống quản lý của Nhà nước) trong tỉnh. Sau khi được cấp chứng chỉ học nghề sẽ được ưu tiên giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn KKTNH. Đối với các hộ gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình chính sách, gia đình nghèo đều được hỗ trợ tương xứng. Dự kiến trong tháng 7 quy định này sẽ được thông qua người dân sở tại để tham gia góp ý trước khi UBND tỉnh ra Quyết định ban hành.
|