Chiến dịch tuyên truyền, vận động và lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đợt II năm 2006 ở huyện miền núi Vân Canh đạt kết quả mỹ mãn với 334 người thực hiện các biện pháp tránh thai, đạt 112% chỉ tiêu kế hoạch.
|
Gia đình anh Mai Văn Thanh người dân tộc Chăm ở làng Hòn Mẻ, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh là gia đình văn hóa tiêu biểu của người Chăm, thực hiện tốt KHHGĐ, nuôi con khỏe dạy con ngoan. Ảnh: L.A
|
Huyện miền núi Vân Canh có 7 xã, thị trấn, trong đó có 1 xã vùng cao Canh Liên, với 48 thôn, làng. Dân số toàn huyện 24.537 người, dân tộc thiểu số chiếm hơn 36% dân số, chủ yếu là người dân tộc Bana và Chăm; phụ nữ tuổi từ 15 đến 49 có chồng là 4.239 người, số cặp vợ chồng đang sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 3.614 cặp. So với các huyện khác trong tỉnh, đời sống của nhân dân Vân Canh còn nhiều khó khăn, địa bàn phức tạp, trình độ dân trí không đồng đều nhưng nhờ có sự phối hợp tốt giữa Ủy ban DS-GĐ và TE với các ngành đoàn thể liên quan, nên chiến dịch đợt II, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu công tác DS-GĐ và TE năm 2006.
Bước vào chiến dịch, Ủy ban DS-GĐ và TE huyện đã chủ động phối hợp với ngành y tế và Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, chủ yếu trên Đài truyền thanh huyện, xã và tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, đặc biệt chú trọng đến đối tượng phụ nữ người dân tộc thiểu số ở các xã Canh Liên, Canh Hòa, Canh Thuận và thị trấn Vân Canh. Tham gia chiến dịch có 16 cán bộ ngành y tế; 7/7 trạm y tế xã tự cung cấp được 3 gói dịch vụ cùng với 30 lượt đội lưu động. Kinh phí đầu tư cho chiến dịch là 11 triệu đồng. Ngoài ra, các xã Canh Vinh, Canh Thuận và thị trấn Vân Canh còn hỗ trợ kinh phí cho công tác tuyên truyền, bồi dưỡng cho những đối tượng tự nguyện thực hiện các biện pháp tránh thai, nhất là các ca đình sản nữ.
Công tác truyền thông tư vấn cũng được các xã chú trọng. Hầu hết chị em phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ đều được nhân viên y tế và các cộng tác viên tư vấn về SKSS/KHHGĐ. Ngoài ra các cộng tác viên cũng đã cung cấp hơn 1.000 tờ rơi, sách lật và tài liệu tuyên truyền. Trong chiến dịch lần này, đã có 334 người thực hiện các biện pháp tránh thai, trong đó 132 người đặt vòng tránh thai (đạt 132% kế hoạch); đăng ký sử dụng bao cao su 85 người, thuốc viên 70 người, thuốc tiêm 82 người, triệt sản nữ 4 người, đạt tỷ lệ chung 112% chỉ tiêu kế hoạch.
Chiến dịch cũng đã tổ chức khám thai cho 139 người, hầu hết phụ nữ có thai đều được tiêm phòng uốn ván, các chị có thai bị thiếu máu được cấp viên sắt. Tính trong năm đã có 110 chị được sinh tại trạm y tế; một số chị không sinh tại trạm y tế nhưng đều được cán bộ y tế giúp đỡ. Gói dịch vụ làm mẹ an toàn trong chiến dịch đã góp phần nâng cao kiến thức cho các bà mẹ, nhất là với các chị người dân tộc thiểu số giúp nâng cao sức khỏe và giảm được tai biến sản khoa.
Cũng qua chiến dịch này có 724 phụ nữ được khám phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản. Qua khám phát hiện 396 chị em mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, hầu hết các chị đều được cấp thuốc điều trị. Bà Trần Thị Ngọc Như, Chủ nhiệm Ủy ban DS-GĐ vàTE huyện cho biết: Nhờ đội ngũ cán bộ chuyên trách và các cộng tác viên nhiệt tình, làm tốt công tác tuyên truyền vận động; mặt khác, việc tổ chức chiến dịch trong thời điểm nông nhàn, thời tiết thuận lợi nên đã thu hút khá đông chị em tham gia. Các xã Canh Liên, Canh Vinh và thị trấn Vân Canh ngay trong ngày đầu triển khai đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch.
Có thể khẳng định việc đầu tư vào chiến dịch tuyên truyền vận động lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đợt II năm 2006, mà trọng tâm là tập trung cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, vùng sâu và xã Canh Vinh có đông dân, mức sinh cao đã đi đúng hướng, đáp ứng nhu cầu của chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo người dân tộc thiểu số. Chiến dịch đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của người dân về DS-KHHGĐ, về chăm sóc SKSS; được dư luận xã hội đồng tình và đã góp phần vào sự thành công của công tác DS-GĐ và TE của huyện trong năm 2006.
|