Dinh dưỡng và phát triển
9:44', 16/10/ 2006 (GMT+7)

Hôm nay là ngày đầu tiên trong Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển (từ 16 đến 23-10) do Viện dinh dưỡng phối hợp với các viện khu vực và Sở Y tế các tỉnh, thành tổ chức, nhân Ngày lương thực thế giới 16-10. Thông điệp của Tuần lễ dinh dưỡng năm nay là: “Hãy nỗ lực vì an ninh dinh dưỡng cho mọi gia đình, đặc biệt là ở vùng khó khăn”.

Có thể hiểu vì sao vấn đề dinh dưỡng được quan tâm nhiều đến vậy. Theo thống kê, những năm gần đây tỉ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn là vấn đề xã hội bức xúc. Ở Bình Định, việc triển khai thực hiện chương trình phòng chống SDD trẻ em từ năm 1998 đến nay đã mang lại những kết quả khả quan, nhưng đến nay vẫn còn trên 24% trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD.

Kết quả của nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy những trẻ em bị SDD, nhất là 2 năm đầu sau khi sinh thường có nguy cơ bị còi cọc khi vào tuổi vị thành niên. Đối với các em gái ở tuổi vị thành niên nếu còi cọc sẽ là những phụ nữ gầy yếu và hậu quả là sinh ra những đứa con SDD. Cái vòng lẩn quẩn ấy có thể gây hậu quả cho nhiều thế hệ. Ngược lại với số trẻ em SDD là trẻ em béo phì, thừa cân cũng ngày càng gia tăng. Tỷ lệ này cũng gia tăng ở đối tượng người trưởng thành; càng cao tuổi thì số người bị thừa cân, béo phì càng lớn. Béo phì cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều trọng bệnh như: bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch...

Sự phát triển bất hợp lý này thường bắt nguồn từ việc ăn uống thiếu cân bằng. Không chỉ có người nghèo, nhiều người giàu cũng ăn thiếu chất. Giảm gạo, tăng thịt, cá, thiếu rau. Đó là thực trạng tiêu thụ lương thực của người Việt Nam qua 4 cuộc điều tra do Viện dinh dưỡng tiến hành từ năm 1985 đến nay (5 năm một lần). Trong cơ cấu bữa ăn thiếu hay thừa chất đều là bất lợi cho sức khỏe. Các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo, nếu không thay đổi cách ăn uống, cũng như thay đổi thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn thì số người mắc các bệnh liên quan đến dinh dưỡng sẽ ngày càng tăng lên.

Dinh dưỡng thiếu hụt bắt đầu từ trong bào thai, và điều đó có thể ảnh hưởng suốt cả cuộc đời. Bởi vậy trong những năm qua các chương trình can thiệp dinh dưỡng thường tập trung ưu tiên cho các bà mẹ và trẻ em. Tuy vậy mục tiêu hạ thấp tỉ lệ SDD trẻ em ở tỉnh Bình Định xuống dưới 20% năm 2010 vẫn chứa đựng nhiều thách thức. Các chuyên gia y tế của tỉnh phân tích: nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng SDD trẻ em là do sự hiểu biết và thực hành về chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ ở các bà mẹ còn nhiều hạn chế; đời sống của một bộ phận người dân ở vùng núi, vùng biển còn nhiều khó khăn... Nhưng để giải quyết vấn đề này riêng ngành Y tế không thể làm được mà đó phải là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội.

  • Ngọc Minh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vân Canh: Điểm sáng trong chiến dịch cung cấp thông tin về SKSS/KHHGĐ  (13/10/2006)
Dự án sức khỏe bà mẹ trẻ em Bình Định  (04/10/2006)
Mang Trung thu đến với trẻ em nghèo  (29/09/2006)
Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em: Còn nhiều thách thức  (28/09/2006)
Nhìn lại 3 năm thực hiện Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em   (15/09/2006)
Thiếu cân bằng giới, tăng con thứ 3  (01/09/2006)
Đã hoàn thành phần lớn các công việc của Dự án  (18/08/2006)
Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên: Gia đình và nhà trường rất quan trọng  (17/08/2006)
Thêm một đợt cao điểm hành động “vì trẻ em”   (11/08/2006)
Tăng cường chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên  (19/07/2006)
Sức khỏe sinh sản vị thành niên  (18/07/2006)
"Góc thân thiện" dành cho thanh niên và vị thành niên  (18/07/2006)
Phá thai - một nguy cơ đối với sức khỏe phụ nữ  (18/07/2006)
Kiểm soát nhiễm khuẩn: Một nhiệm vụ quan trọng trong chăm sóc SKSS  (18/07/2006)
Phòng ngừa và phát hiện sớm 5 tai biến sản khoa  (18/07/2006)