Truyền thông thay đổi hành vi là một công tác quan trọng của công tác DS-GĐ và TE, trọng tâm của công tác này là ưu tiên cho các hoạt động cung cấp thông tin, kiến thức, giáo dục, tư vấn cho gia đình, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm cho từng thành viên trong gia đình trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
|
Ông Nguyễn Ngọc Điểm - Phó Chủ nhiệm Ủy ban DS-GĐ và TE tỉnh trao giải thưởng cho các gia đình tiêu biểu về tham dự Liên hoan gia đình tiêu biểu năm 2006. Ảnh: La Ánh
|
Thực hiện Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn (2006-2010), Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban DS-GĐ và TE Việt Nam vừa ký Quyết định ban hành Đề án tuyên truyền, giáo dục chuyển đổi hành vi giai đoạn (2006-2010). Theo đó, mục tiêu của đề án là: Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và các thành viên gia đình về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình; giúp các gia đình có kiến thức và kỷ năng sống, chủ động phòng chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.
Để thực hiện mục tiêu này, Đề án đã đề ra nhiều giải pháp mà trước hết là phải đẩy mạnh và phát triển các can thiệp truyền thông có hiệu quả về gia đình; hình thức truyền thông, giáo dục, vận động phải phong phú, đa dạng phù hợp với từng khu vực, từng vùng, từng loại hình gia đình và từng nhóm đối tượng. Xây dựng các câu lạc bộ gia đình nhằm nâng cao hiệu quả kênh truyền thông trực tiếp. Trong các buổi nói chuyện chuyên đề và truyền thông tư vấn cần cung cấp các thông tin về thực trạng gia đình Việt Nam hiện nay, nhất là hậu quả của tình trạng: bạo hành trong gia đình, ly hôn, chung sống không kết hôn, tảo hôn, tệ nạn xã hội trong gia đình và bình đẳng giới. Chú ý đến các gia đình trẻ, đến đối tượng nam nữ thanh niên trước hôn nhân.
Tăng cường sự cam kết của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể trong tham mưu, chỉ đạo và phối hợp tổ chức thực hiện chương trình xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; lồng ghép các nội dung về gia đình vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nâng cao nhận thức và hành vi của gia đình và cộng đồng theo hướng tự nguyện; vận động người dân tích cực thực hiện chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, quy ước, hương ước của địa phương; xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản, khu phố văn hóa.
Ngoài ra, Đề án đánh giá cao giải pháp huy động đồng bộ, thường xuyên các kênh truyền thông và nhấn mạnh việc chú trọng các kênh thông tin đại chúng, đảm bảo tính nhất quán về nội dung và thông điệp tuyên truyền, nhằm tác động tích cực, hiệu quả đến các đối tượng gia đình.
Để thực hiện tốt các giải pháp trên, Đề án đã đặt ra các điều kiện hỗ trợ truyền thông như: tăng cường nghiên cứu, điều tra giúp cho cán bộ quản lý, cán bộ truyền thông có một bức tranh khái quát về nhận thức, thái độ của các nhóm đối tượng về gia đình; tổ chức hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm truyền thông; biên soạn tài liệu tuyên truyền về gia đình cho từng nhóm đối tượng, đáp ứng yêu cầu truyền thông ở cơ sở. Nâng cao năng lực vận động của các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên hàng năm. Kinh phí truyền thông tăng dần qua các năm, bình quân 5%/năm. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này là: 135 tỉ đồng. Kinh phí huy động từ các nguồn: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.
|