Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em vùng khó khăn:
Ưu tiên hàng đầu
19:13', 28/12/ 2006 (GMT+7)

Đó là mục tiêu ưu tiên được tỉnh Bình Định đặt ra trong kế hoạch hoạt động giai đoạn II (2007-2008) của Dự án Sức khỏe bà mẹ trẻ em (BMTE) do Chính phủ New Zealand tài trợ thông qua Quỹ dân số Liên hiệp quốc.

 

“Sản khoa hóa” đội ngũ nhân viên y tế cơ sở là kế hoạch của ngành y tế trong giai đoạn II (2007-2008). Ảnh: T.H

 

* Ưu tiên vùng sâu, vùng xa

 Nét mới của dự án trong giai đoạn II là các hoạt động đào tạo cũng như truyền thông vận động không còn dàn trải mà tập trung hướng đến vùng sâu, vùng xa, xã đảo nhằm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), nâng cao chất lượng cuộc sống.

Dược sĩ Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Ngành y tế sẽ đào tạo thực hành về đỡ đẻ cho tất cả nhân viên trạm y tế các xã miền núi, xã khó khăn, đảm bảo có ít nhất 2-3 nhân viên y tế có khả năng đỡ đẻ để tổ chức đỡ đẻ tại trạm. Ngành cũng có chủ trương gửi các bà đỡ dân gian vào Bệnh viện Từ Dũ đào tạo nâng cao, hỗ trợ họ tiến hành đỡ đẻ tại nhà để tiến tới “sản khoa hóa” đội ngũ nhân viên y tế tuyến cơ sở”.

Với mục tiêu truyền thông vận động nhằm thay đổi hành vi của đối tượng, cải thiện chất lượng sử dụng các dịch vụ sức khỏe BMTE, nên ngoài các hoạt động mang tính chất chuyên môn của ngành y tế và dân số, các tiểu ban tham gia dự án cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tại cộng đồng. Trong kế hoạch 2 năm tiếp theo của Hội Nông dân tỉnh, bà Trịnh Thị Miều, Phó chủ tịch Hội, cho biết: “Hội sẽ xây dựng mô hình gia đình nông dân phát triển bền vững, tiếp tục triển khai hoạt động tuyên truyền phòng chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em ở nông thôn”.

Trong 2 năm 2007-2008, Ban quản lý (BQL) dự án sẽ triển khai thêm nhiều hoạt động mới: giáo dục kỹ năng chăm sóc sức khỏe vị thành niên cho người chăm sóc và trẻ khuyết tật, phòng chống tai nạn thương tích… Tỉnh đoàn Bình Định là tiểu ban chịu trách nhiệm chính phối hợp cùng các ngành hữu quan tổ chức đào tạo, giáo dục kỹ năng chăm sóc sức khỏe vị thành niên cho người chăm sóc và trẻ khuyết tật. Theo anh Huỳnh Cao Nhất, Phó bí thư Tỉnh đoàn, vị thành niên và thanh niên tại các vùng sâu, vùng xa và xã đảo không có điều kiện thuận lợi để tiếp cận các kênh thông tin về chăm sóc SKSS, nhất là đối tượng thanh niên ngoài trường học. Nhận thức của cộng đồng, rào cản văn hóa và phong tục tập quán ở vùng có đồng bào dân tộc về các vấn đề nói trên còn rất lớn. Do đó, sắp tới, Tỉnh đoàn sẽ tăng cường công tác giáo dục và nâng cao sự tiếp cận thông tin và dịch vụ SKSS cho vị thành niên, thanh niên, ưu tiên 3 huyện An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh.

* Thách thức chặng nước rút

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 80 ngàn công nhân và lao động, trong đó có 38 ngàn lao động nữ, trên 75% lao động trong độ tuổi sinh đẻ. Số lượng lao động ngày càng tăng theo đà phát triển mở rộng của các khu, cụm công nghiệp, trong đó chủ yếu là lao động trẻ nên nhu cầu tiếp cận thông tin, kiến thức về chăm sóc SKSS rất lớn. Ông John Egan, Bí thư thứ nhất đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam kiêm giám đốc Chương trình hỗ trợ và phát triển Quốc tế New Zealand tại Việt Nam gợi ý: “Sắp tới, tỉnh Bình Định sẽ hình thành Khu Kinh tế Nhơn Hội, thu hút dòng dân cư từ các địa phương khác đổ về, nhất là lao động trẻ, đây là một thách thức về tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS, nạo phá thai… Do đó, BQL dự án nên hướng các hoạt động vào các vấn đề và đối tượng ưu tiên”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Dự án, nhấn mạnh: “Ở giai đoạn II của dự án, đội ngũ nhân lực các tiểu ban đã ổn định và có kinh nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải dự báo trước những khó khăn, thách thức khi đồng thời triển khai nhiều đầu việc mới. Mặt khác, dù nói là hai năm nhưng khối lượng công việc sẽ rất nhiều chứ không chỉ đơn thuần tập trung vào hoạt động chuyên môn của một số ngành như trước”.

Một số vấn đề cần lưu tâm khác trong các hoạt động của giai đoạn II là sự hợp tác chặt chẽ giữa các tiểu ban cũng như giữa BQL Dự án với các tổ chức phi chính phủ khác đóng trên địa bàn tỉnh. Nhiều tiểu ban cùng lúc triển khai một đầu việc nên rất dễ có sự chồng chéo lên nhau, đòi hỏi phải có một cơ quan chịu trách nhiệm xâu đầu mối, phân phối nguồn lực.

  • Hiền Lê

Ông John Egan, Giám đốc Chương trình hỗ trợ và phát triển Quốc tế New Zealand: Qua các hoạt động giai đoạn I của dự án, chúng tôi đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Bình Định đã đạt được. Đây là dự án có quy mô lớn nhưng đã được vận hành bài bản. Chúng tôi hài lòng vì BQL dự án đã đưa ra kế hoạch những vấn đề ưu tiên về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân vùng khó khăn. Trong bước tiếp theo, chúng ta không nên trải rộng thông tin mà tập trung đến các đối tượng ưu tiên, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa. Kết quả cuối cùng mà chúng tôi mong chờ ở dự án không chỉ là người dân đọc và thu nhận thông tin mà cần có sự phản hồi lại thông tin.

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoài Ân: Phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật dựa vào cộng đồng  (08/12/2006)
Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS  (01/12/2006)
Hội SAP/VN với trẻ em khuyết tật Bình Định  (24/11/2006)
Tạo sự chuyển biến mới   (10/11/2006)
Truyền thông chuyển đổi hành vi  (27/10/2006)
Xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em  (27/10/2006)
Dinh dưỡng và phát triển  (16/10/2006)
Vân Canh: Điểm sáng trong chiến dịch cung cấp thông tin về SKSS/KHHGĐ  (13/10/2006)
Dự án sức khỏe bà mẹ trẻ em Bình Định  (04/10/2006)
Mang Trung thu đến với trẻ em nghèo  (29/09/2006)
Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em: Còn nhiều thách thức  (28/09/2006)
Nhìn lại 3 năm thực hiện Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em   (15/09/2006)
Thiếu cân bằng giới, tăng con thứ 3  (01/09/2006)
Đã hoàn thành phần lớn các công việc của Dự án  (18/08/2006)
Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên: Gia đình và nhà trường rất quan trọng  (17/08/2006)