Nhân Ngày Dân số Việt Nam (26-12), Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh tổ chức gặp mặt 54 cán bộ chuyên trách công tác DS-GĐ&TE xã, phường, thị trấn tiêu biểu. Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã trao đổi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác DS-GĐ&TE, nhất là công tác truyền thông chuyển đổi hành vi DS/SKSS/KHHGĐ ở cơ sở. Báo Bình Định xin giới thiệu 3 gương mặt tiêu biểu đến từ 3 vùng địa lý khác nhau.
|
Anh Nguyễn Văn Ngọc phát biểu tọa đàm tại buổi gặp mặt chuyên trách giỏi năm 2006. Ảnh: L.A
|
* Người gây nhiều ảnh hưởng
Hơn 12 năm làm công tác chuyên trách DS-GĐ&TE ở xã Phước Quang (Tuy Phước), anh Nguyễn Văn Ngọc đã vận động rất nhiều trường hợp tham gia KHHGĐ. Giờ đây nhiều người trong số họ bày tỏ lòng biết ơn đối với anh vì nhờ anh họ đã ổn định cuộc sống và làm ăn phát đạt. Không chỉ là người giỏi vận động KHHGĐ, anh Ngọc cũng đồng thời rất quan tâm đến công tác chăm sóc SKSS cho thanh niên và vị thành niên bằng việc đầu tư vào các hoạt động: truyền thông, tư vấn, trang bị kiến thức về SKSS cho các em trong xã. Hoạt động ở một xã đồng bằng mà công tác dân số còn nhiều yếu kém, anh Ngọc đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, phát huy lòng nhiệt tình, yêu thương con trẻ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những năm gần đây Phước Quang liên tục hoàn thành các chỉ tiêu về dân số và là đơn vị dẫn đầu ngành DS-GĐ&TE huyện Tuy Phước. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng hằng năm, năm 2006 đạt tỷ lệ 88,5%; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 15,5%.
Bí quyết tạo nên sự thành công của anh Ngọc là tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tư vấn. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật được anh tham mưu chính quyền địa phương quan tâm chăm sóc và giáo dục hoà nhập. Nhiều năm liền xã không có trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại và trẻ em lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại. Xã cũng đã xây dựng được một điểm vui chơi giải trí tập trung cho trẻ em. Thông qua đội ngũ cộng tác viên từng thôn, anh đã quản lý giáo dục tốt số trẻ em hư, phạm pháp và đề xuất, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.
* Chỉ nói tiếng của người Kinh thôi là chưa đủ
Bá Thân, cán bộ chuyên trách xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) tâm sự, nhờ truyền thông bằng 2 thứ tiếng Kinh và Bana nên anh đã giúp cho bà con người Bana quê anh hiểu được những tác dụng của KHHGĐ, chăm sóc SKSS. Chị em được khám theo dõi SKSS, khám thai đúng định kỳ và khi sinh đẻ biết đến trạm y tế xã. Chính vì vậy, nhiều năm qua, công tác DS-GĐ&TE ở xã vùng cao Vĩnh Sơn luôn đạt kết quả khá. Mức sinh giảm hàng năm từ 1,2 đến 1,5%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 35,8% năm 2000 xuống còn 19,6% năm 2006; số người sử dụng các biêïn pháp tránh thai hiện đại từ 57% năm 2000 lên 69% năm 2006. Tuy xã còn nhiều khó khăn, nhưng Bá Thân đã vận động xây dựng được Quỹ bảo trợ trẻ em và tổ chức tốt các hoạt động thăm hỏi tặng quà cho trẻ em mồ côi, khuyết tật, trao học bổng cho trẻ em nghèo “vượt khó học giỏi”. 13 năm làm cán bộ chuyên trách xã, năm nào Bá Thân cũng được Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh khen thưởng.
* Cô giáo giàu tình thương
Ngoài công việc của một cán bộ chuyên trách dân số ở một phường đông dân cư, như phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, chị Nguyễn Thị Cúc còn là một cô giáo lớp học tình thương. Đời sống của người dân lao động, nhất là ở khu vực Xóm Tiêu còn nhiều khó khăn nên có nhiều em phải bỏ học sớm để lao động giúp đỡ gia đình. Mở lớp học tình thương cho các em học thì dễ, nhưng tìm người dạy dỗ cho các em rất khó khăn. Đồng cảm với hoàn cảnh của các em, chị Cúc đã tự nguyện nhận dạy lớp tình thương từ nhiều năm qua. Nhà chị ở khá xa trường, nhưng đêm nào chị cũng đạp xe đến với các em. Có lúc lớp có tới 75 học sinh, phải chia thành 2 lớp. Từ ngày chị Cúc nhận dạy, các em tiến bộ rõ rệt. Chị cho biết: dạy ở lớp tình thương, ngoài dạy văn hoá cho các em, chúng tôi rất quan tâm dạy đạo đức, lối sống giúp cho các em từ bỏ các thói hư tật xấu.
|