Năm 2005, huyện An Nhơn đã gặt hái kết quả đáng ghi nhận trong công tác DS- KHHGĐ. UBND tỉnh đã quyết định trao cờ thi đua xuất sắc của ngành DS-GĐ&TE cho huyện.
Trong năm qua, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động trực tiếp gắn với dịch vụ KHHGĐ, ngành DS-GĐ và TE huyện An Nhơn đã duy trì và nhân rộng các mô hình CLB: CLB phụ nữ không sinh con thứ ba, CLB gia đình trẻ, CLB nông dân phát triển bền vững, CLB gia đình an toàn cho trẻ em…; phối hợp với 5 trường THPT và 2 trường THCS tổ chức các hội thi “Bạn hiểu thế nào về SKSS vị thành niên?” thu hút hàng ngàn em tham gia.
|
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Trung tâm Y tế huyện An Nhơn. Ảnh: T.X.C
|
Chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ được triển khai cho tất cả các xã, thị trấn. Qua 3 vòng chiến dịch có 4.897 người thực hiện các biện pháp tránh thai đạt 121% chỉ tiêu kế hoạch, có 13.723 chị em phụ nữ được khám thai, khám và điều trị bệnh phụ khoa đạt 105% kế hoạch. Công tác tập huấn bồi dưỡng các kiến thức về DS-GĐ&TE cho đội ngũ cán bộ cơ sở được huyện quan tâm. Ở huyện đã mở được 6 lớp tập huấn cho 15 cán bộ chuyên trách và 169 nhân viên y tế; có 16 thôn của 4 xã, thị trấn thực hiện thí điểm đưa công tác DS-GĐ&TE vào hương ước, quy ước khu dân cư.
Nét mới của huyện An Nhơn trong năm 2005 là đã quan tâm đầu tư và tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động thực hiện công tác dân số. Chính hoạt động này đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm: giảm tỷ suất sinh 0,8‰; giảm tỷ lệ sinh con thứ ba 4,9%; có 10.310 chị em phụ nữ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 103% chỉ tiêu kế hoạch.
Là lá cờ đầu của tỉnh trong công tác DS-GĐ&TE, huyện An Nhơn đã đạt tới những kết quả rất tốt: Mức giảm sinh 0,5‰, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,95%, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên 18%, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại 87%, tỷ lệ trẻ em tử vong dưới 1 tuổi 0,25%, dưới 5 tuổi 0,50%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 22,6%, tỷ lệ trẻ em học hết bậc tiểu học đúng độ tuổi 100%, tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp một 100%, tỷ lệ trẻ em có HCĐBKK được chăm sóc 70%, tỷ lệ trẻ em được vui chơi giải trí được hưởng thụ văn hóa dành cho lứa tuổi 65%. |
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng có nhiều tiến bộ. Có 3.162 trẻ em có HCĐBKK được quan tâm chăm sóc, trong đó có 54 trẻ em khuyết tật được khám phân loại bệnh tật, 13 em được phẫu thuật chỉnh hình, 6 em được cấp xe lăn, 20 em được phẫu thuật trả lại nụ cười, 21 em được nhận học bổng “trẻ em nghèo vượt khó học giỏi” mỗi suất 500.000 đồng, tặng quà trị giá hàng chục triệu đồng cho hàng ngàn em trong các dịp lễ tết; có 18.000 trẻ em dưới 6 tuổi đươc cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí.
Tuy nhiên, công tác DS-GĐ&TE của huyện An Nhơn trong thời gian qua vẫn còn có một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới đó là: Trình độ chuyên môn của cán bộ chuyên trách và cộng tác viên còn yếu, nhất là kỹ năng tư vấn, theo dõi biến động dân số. Việc bố trí nhân viên y tế nhiều nơi chưa hợp lý, tình hình tai biến sau khi thực hiện KHHGĐ vẫn còn xảy ra nên phần nào đã ảnh hưởng đến phong trào chung. Công tác vận động xây dựng Quỹ bảo trợ trẻ em chưa được đẩy mạnh đồng bộ ở các cấp, các ngành. Trẻ em vi phạm pháp luật và tình hình đánh đập, ngược đãi, xâm hại trẻ em đây đó còn xảy ra. Đây là những vấn đề mà công tác DS-GĐ&TE huyện An Nhơn đang nỗ lực vượt qua để gặt hái thành tích xuất sắc hơn nữa trong những năm tới.
|