Qua các Hội thi tìm hiểu Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em:
Nhận thức về luật của trẻ em còn hạn chế
15:31', 30/6/ 2006 (GMT+7)

Ủy ban DS-GĐ và TE tỉnh  đã tổ chức triển khai thi tìm hiểu Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCS và GDTE) và diễn đàn Quyền trẻ em cho 47 xã, phường trọng điểm và 20 Liên đội TNTP Hồ Chí Minh. Qua hội thi cho thấy trên thực tế còn quá nhiều trẻ ít hiểu biết về luật này.

Nhận thức của trẻ em về quyền trẻ em có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi trẻ em, nhất là trẻ em nông thôn vốn được dạy dỗ một chiều, áp đặt khiến cho nhiều em thiếu tự tin, không dám biểu đạt ý nghĩ và tình cảm của mình trước các hiện tượng, sự việc xảy ra hàng ngày trong cuộc sống. Mặt khác, sự tiếp cận với các dịch vụ xã hội còn hạn chế, nhất là với các em nghèo, nên việc chuyển biến nhận thức về quyền lợi, nghĩa vụ là hoàn toàn không dễ.

Qua Hội thi tìm hiểu Luật BVCS vàGDTE và diễn đàn Quyền trẻ em ở các phường: Nhơn Bình, Thị Nại, Ghềnh Ráng, Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn) và các xã: Cát Hưng (Phù Cát), Canh Vinh, thị trấn Vân Canh (Vân Canh) cho thấy khoảng 85% trẻ em nhận thức được các quyền và bổn phận của mình. Các quyền mà các em quan tâm là: quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; quyền sống chung với cha mẹ; quyền được học tập; quyền được chăm sóc sức khỏe; quyền được vui chơi, giải trí, hoạt động VHNT,TDTT, du lịch. Em Nguyễn Anh Thư - học sinh lớp 8, Trường THCS Ngô Văn Sở (Quy Nhơn) cho biết: “Em biết các quyền của trẻ em và hiểu được quyền cơ bản là nhờ mẹ em làm cán bộ chuyên trách công tác DS-GĐ và TE ở phường thường xuyên chỉ bảo cho em”. Em Nguyễn Thị Minh Kha, Trường Tiểu học Nhơn Khánh (An Nhơn) thì tâm sự: “Em biết các quyền của trẻ em là nhờ ba mẹ em là giáo viên, phụ trách đội dạy bảo”. Tuy nhiên, cũng qua các hội thi nói trên và khi tiếp xúc với các em, chúng tôi thấy, nhìn chung trẻ em nhận thức về quyền và bổn phận của mình chưa sâu, chưa đồng đều, tỉ lệ này ở trẻ em trai cao hơn trẻ em gái. Đáng chú ý là trẻ em ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa có nhận thức về quyền trẻ em thấp hơn trẻ em ở các vùng khác.

Có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân cơ bản là do phương pháp tuyên truyền, giáo dục về quyền trẻ em của đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông vận động của đội ngũ giáo viên còn hạn chế, chưa sâu. Một em dự Hội thi ở phường Nhơn Bình phát biểu: “Em thấy các cô, chú tuyên truyền thì nhiều, nhưng toàn nói chung chung. Các cô chú phải nói rõ hơn, cụ thể hơn, nhất là những quyền lợi liên quan đến đời sống hàng ngày của trẻ em”. Một em khác thì cho biết: “Em không biết quyền gì cụ thể đâu, vì thầy- cô chỉ nói các em có quyền thế thôi”. Còn một học sinh lớp 7, ở An Lão thì nói: “Em đọc thuộc lòng tất cả các quyền của trẻ em, nhưng để hiểu và áp dụng vào cuộc sống hàng ngày thì chưa”.     

Để khắc phục những hạn chế trong nhận thức của trẻ em về quyền trẻ em, cần tăng cường phối hợp và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông cho cả cộng đồng. Riêng đối với các em, cần triển khai các đợt truyền thông về quyền trẻ em với những hình thức phong phú hơn, đa dạng hơn, phù hợp với lứa tuổi và từng đối tượng ở từng vùng cụ thể như: thông qua hội thi tìm hiểu, diễn đàn, hội diễn văn nghệ, hoạt động văn hóa, văn nghệ, tham quan dã ngoại…

  • La Ánh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dự án sức khỏe bà mẹ trẻ em Bình Định   (22/06/2006)
Đề phòng thiếu vi chất dinh dưỡng  (08/06/2006)
Hoa cho những người yêu trẻ   (12/05/2006)
Triển khai Tháng hành động vì trẻ em và Ngày Gia đình Việt Nam   (10/05/2006)
­Sẽ sôi động các hoạt động vì trẻ em   (05/05/2006)
Nâng cao vai trò quản lý, giáo dục con em không phạm tội  (28/04/2006)
An Nhơn: Lá cờ đầu của ngành dân số  (28/04/2006)
An Nhơn: Lá cờ đầu của ngành dân số  (28/04/2006)
An Nhơn: Lá cờ đầu của ngành dân số  (28/04/2006)
Nâng cao vai trò quản lý, giáo dục con em không phạm tội  (28/04/2006)