Khi chưa có Hướng dẫn chuẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc SKSS:
Dịch vụ chăm sóc SKSS không được thực hiện dựa trên một quy trình chuẩn thống nhất.
Trang thiết bị không đồng bộ, thiếu thống nhất dựa trên một chuẩn.
Cơ sở vật chất không phù hợp với khả năng và nhu cầu dịch vụ.
Thực trạng về cơ sở và dịch vụ chăm sóc SKSS tại Bình Định
Do chưa có những quy định pháp lý đầy đủ và chặt chẽ, dịch vụ chăm sóc SKSS ở Bình Định còn thiếu thống nhất và có nhiều thiếu sót:
1. Cơ sở chăm sóc SKSS tuyến xã:
- 100% xã có trạm y tế, nhưng có tới 10% không có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi.
- Khoảng 2/3 không đủ số phòng tối thiểu theo Chuẩn quốc gia.
- 16,7% không có nguồn cung cấp nước sạch thường xuyên.
- 56,7% có nhà vệ sinh cho khách hàng có thể sử dụng được.
- Chỉ 50% có phòng tư vấn, trong đó gần 70% không được kín đáo.
2. Trang thiết bị và dụng cụ y tế:
- Tại 4 Trung tâm y tế huyện được điều tra, không có đơn vị nào có các bộ dụng cụ phẫu thuật đủ.
- Chỉ có 6,7% trạm y tế xã có đủ 7 bộ dụng cụ cơ bản theo Chuẩn quốc gia. Thiếu nhiều nhất là bộ hồi sức sơ sinh.
- 100% trạm y tế không có hộp nhựa có nắp để khử khuẩn lạnh; hầu hết đều thiếu tủ sấy khô và bàn để dụng cụ.
- 63,3% trạm y tế chỉ đạt mức 51-75% so với tiêu chuẩn về trang thiết bị của Chuẩn quốc gia. Đáng lưu ý, còn 13,3% đạt £ 50% so với Chuẩn quốc gia.
3. Thuốc thiết yếu:
- 100% trạm y tế chỉ đạt bằng hoặc dưới 50% quy định về thuốc thiết yếu của Chuẩn quốc gia.
- Các nhóm thuốc thiếu nhiều là: kháng sinh, vitamin, thuốc sát khuẩn và khử khuẩn, giảm đau, tiền mê (loại không chứa Opi).
- Hầu hết các trạm y tế chưa có cơ số thuốc cấp cứu phòng chống 5 tai biến sản khoa.
4. Hoạt động chuyên môn:
- Tuyến tỉnh chỉ có 50% cơ sở đạt 8 tiêu chuẩn cấp cứu sản khoa thiết yếu và 50% cơ sở đạt 2 tiêu chuẩn.
- Tuyến huyện có 50% cơ sở đạt 8 tiêu chuẩn cấp cứu sản khoa thiết yếu và 50% cơ sở đạt 7 tiêu chuẩn.
- Tuyến xã chỉ có 20% cơ sở đạt 4 tiêu chuẩn cấp cứu sản khoa thiết yếu và 30,6% chỉ đạt 1 tiêu chuẩn; 11,1% không đạt tiêu chuẩn nào.
- Hầu hết các trạm y tế thiếu dịch vụ "tiêm/truyền thuốc chống co giật, sản giật".
- Công tác vô khuẩn trong thực hiện các dịch vụ còn kém ở hầu hết các cơ sở cung cấp dịch vụ.
- Công tác truyền thông tư vấn còn bị xem nhẹ. Nhiều khách hàng không được tư vấn đầy đủ trước khi nhận dịch vụ.
Sự ra đời và mục đích của hướng dẫn chuẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc SKSS
Ngày 28-11-2000, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 136/2000/QĐ-TTg ban hành "Chiến lược Quốc gia về chăm sóc SKSS giai đoạn 2001-2010".
Ngày 13-2-2001, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành "Quy định nhiệm vụ kỹ thuật trong lĩnh vực chăm sóc SKSS" tại các cơ sở y tế theo quyết định số 385/2001/QĐ-BYT.
Trên cơ sở những văn bản trên, "Hướng dẫn Chuẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc SKSS" đã được xây dựng và ban hành vào ngày 12-9-2002 nhằm các mục đích sau:
Quy định thống nhất về chuyên môn trong mọi dịch vụ chăm sóc SKSS tại tuyến y tế cơ sở (xã và huyện);
Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và vững chắc cho việc thực hiện các dịch vụ;
Đặt cơ sở thống nhất cho các nội dung đào tạo tại các trường y tế và cho các chương trình, dự án về chăm sóc SKSS;
Làm chuẩn mực cho công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá;
Nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ quyền lợi của khách hàng đến với các dịch vụ chăm sóc SKSS;
Làm tiêu chí phấn đấu đối với các cơ sở y tế, nhất là các cơ sở chưa đủ điều kiện như Hướng dẫn chuẩn quốc gia đã quy định từ nay đến năm 2010.
Đối tượng sử dụng hướng dẫn chuẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc SKSS
Tất cả những người cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS trong các tổ chức y tế công lập tại tất cả các tuyến, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở;
Những người cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS trong các cơ sở y tế ngoài công lập từ thành phố đến tận thôn xã;
Cá nhân và các tổ chức của người nước ngoài được phép hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc SKSS tại Việt Nam.
Các cán bộ quản lý các cấp nếu tham gia vào các dịch vụ chăm sóc SKSS phải tuân thủ nghiêm túc các Quy định theo Chuẩn quốc gia về các dịch vụ này. Nếu không trực tiếp tham gia cần nghiên cứu và tham khảo các quy định trong Chuẩn quốc gia để quản lý và điều hành công việc.
Những việc cần làm để thực hiện hướng dẫn chuẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc SKSS
Năm 2005, tổ chức tốt việc đào tạo Chuẩn quốc gia cho 100% cán bộ quản lý và cung cấp dịch vụ trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực và các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS ngoài công lập.
Tổ chức tốt công tác theo dõi, giám sát hỗ trợ sau đào tạo Chuẩn quốc gia về chăm sóc SKSS đối với tất cả các tuyến, đảm bảo người cung cấp dịch vụ hình thành thói quen thực hành đúng theo các Chuẩn đã quy định. Có chế độ khuyến khích các cá nhân, tập thể làm đúng chuẩn.
Bản thân Hướng dẫn Chuẩn quốc gia về chăm sóc SKSS cũng không phải là chuẩn vĩnh viễn, mà theo đà phát triển của khoa học kỹ thuật, nó cần được rà soát hàng năm để bổ sung, sửa đổi, cập nhật kiến thức cho phù hợp.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Y tế. "Chiến lược Quốc gia về chăm sóc SKSS giai đoạn 2001-2010". Hà Nội, 2001.
2. Bộ Y tế. "Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế số 385/2001/QĐ-BYT ngày 13/02/2001 ban hành quy định nhiệm vụ kỹ thuật trong lĩnh vực SKSS tại các cơ sở y tế".
3. Bộ Y tế. " Hướng dẫn chẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc SKSS". Hà Nội, 2002.
4. UNFPA " Báo cáo điều tra ban đầu thực trạng cung cấp và sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS 2003 tỉnh Bình Định". |