Phát triển Hệ thống thông tin quản lý y tế (HMIS):
Việc làm cần thiết của ngành y tế
8:0', 18/7/ 2006 (GMT+7)

Hệ thống thông tin quản lý y tế hiện nay có nhiều hạn chế và bất cập:

Sổ sách, biểu mẫu quá nhiều và không thống nhất.

Thiếu thống nhất về định nghĩa, phương pháp thu thập số liệu và tính toán các chỉ số.

Khả năng quản lý, xử lý và phổ biến thông tin còn hạn chế.

Một số thông tin quan trọng chưa được cung cấp thường xuyên với độ tin cậy cần thiết.

Thiếu thông tin về y tế ngoài công lập và y tế các ngành khác...

 

Hệ thống thông tin quản lý y tế (Health Management Information System-HMIS) là gì?

Hệ thống thông tin quản lý y tế là mạng lưới thu thập, xử lý và cung cấp những thông tin cần thiết phục vụ quản lý và điều hành hoạt động của các đơn vị y tế, các tuyến, các lĩnh vực và toàn ngành. Mạng lưới thu thập thông tin gắn liền với mạng lưới cung cấp dịch vụ y tế từ thôn, bản đến xã, phường, huyện, tỉnh và trung ương. Hệ thống này là công cụ để các nhà quản lý lập kế hoạch và điều hành hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và cải tiến cung cấp dịch vụ y tế.

Vai trò của hệ thống thông tin quản lý y tế

Giúp cho các nhà quản lý các cấp nắm được nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực.

Đánh giá kết quả hoạt động, những điểm mạnh, điểm yếu, những khó khăn tồn tại và nguyên nhân của nó.

 

Phân tích thông tin, từ đó chọn mục tiêu ưu tiên, chọn các loại dịch vụ cần thiết phù hợp với khách hàng.

Xây dựng kế hoạch hành động sát với thực tiễn nhằm đạt kết quả cao và giảm chi phí.

Xây dựng tiêu chuẩn để cung cấp các dịch vụ y tế.

Những tồn tại của hệ thống thông tin quản lý y tế tại Bình Định

Sổ sách, biểu mẫu quá nhiều tại tất cả các tuyến, kể cả hệ điều trị và dự phòng. Việc ghi chép tốn rất nhiều thời gian nhưng không mang lại hiệu quả cao do nhiều thông tin bị chồng chéo, trùng lặp. Các biểu mẫu báo cáo không thống nhất, một số chương trình, dự án có xu hướng lập ra một mẫu báo cáo riêng.

Thiếu thống nhất về định nghĩa, phương pháp thu thập và tính toán các chỉ tiêu, gây khó khăn trong việc so sánh, phân tích về hoạt động y tế và tình trạng sức khỏe giữa các vùng, các địa phương.

Một số chỉ tiêu chưa được cung cấp thường xuyên, kịp thời và chưa đảm bảo độ tin cậy cần thiết như: tử vong mẹ và trẻ em, chấp nhận biện pháp tránh thai, vô sinh, bệnh tật và tử vong theo tuổi, giới...

Việc lưu trữ các thông tin y tế chưa được quan tâm đúng mức do vậy gặp lúng túng, khó khăn khi tổng hợp, phân tích thông tin.

Công tác báo cáo chưa tốt, tình trạng không báo cáo, báo cáo chậm, không đầy đủ, sai sót về tính toán các chỉ số rất phổ biến.

Việc áp dụng tin học trong quản lý thông tin y tế còn rất hạn chế: chưa có phần mềm quản lý thông tin, trình độ tin học của cán bộ y tế còn yếu, thiếu máy tính và các phương tiện chuyển tải thông tin.. .

Nguyên nhân chính của sự tồn tại

Thiếu những văn bản quy định trách nhiệm của các cơ sở y tế trong việc thu thập thông tin. Thiếu sự lồng ghép, phân công trách nhiệm trong việc thu thập, xử lý và chia sẻ thông tin.

Năng lực và trình độ cán bộ làm công tác thông tin các tuyến chưa đáp ứng với yêu cầu hiện nay, nhiều đơn vị chưa có cán bộ chuyên trách thực hiện công tác này.

Kiến thức sử dụng số liệu thu thập được để ứng dụng trong quản lý, lập kế hoạch và điều hành hoạt động còn hạn chế. Hầu hết các cơ sở y tế lưu giữ, xử lý thông tin theo phương pháp thủ công. Chúng ta chỉ mới áp dụng phần mềm quản lý thông tin tại bệnh viện, thiếu các phần mềm quản lý thông tin y tế tại cộng đồng.

Công tác theo dõi, giám sát, đánh giá việc thu thập, quản lý thông tin gần như chưa được thực hiện.

Những việc đã làm để xây dựng hệ thống thông tin quản lý y tế

Bộ Y tế:

Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế đã xây dựng được mạng lưới thu thập,xử lý thông tin từ xã, huyện, tỉnh và trung ương.

Chính thức phê duyệt, ban hành các văn bản qui phạm pháp luật, các biểu mẫu để thu thập số liệu cho từng lĩnh vực và từng tuyến.

Sở Y tế:

Được sự phê duyệt của UBND tỉnh, Sở Y tế đã thực hiện dự án nối mạng LAN tại BVĐK tỉnh và Văn phòng Sở Y tế.

Được sự hỗ trợ của Chính phủ Tân Tây Lan và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, Dự án SKBMTE đã được triển khai, một trong những hoạt động chính của Dự án là thiết lập, ứng dụng HMIS tại Sở Y tế và các TTYT huyện, thành phố của tỉnh từ năm 2005.

Chỉ đạo tất cả các đơn vị trong toàn ngành rà soát lại hệ thống sổ sách, biểu mẫu, đảm bảo tính thống nhất về mẫu sổ sách, biểu mẫu trong toàn ngành, đặc biệt là tuyến xã.

Những việc cần làm để phát triển hệ thống thông tin quản lý y tế

Tăng cường đào tạo và đào tạo lại về nghiệp vụ chuyên môn cho các cán bộ làm công tác thu thập và xử lý thông tin của các tuyến, các lĩnh vực.

Tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các đơn vị trong ngành.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học trong hệ thống thông tin quản lý. Triển khai tốt HMIS tại các cơ sở y tế được Dự án SKBMTE hỗ trợ, phát triển mạng LAN tại các bệnh viện chuyên khoa, các trung tâm y tế tuyến tỉnh: Y tế dự phòng, BVSKBMTE...

Nâng cao năng lực cho cán bộ thống kê - tin học.

Thường xuyên giám sát hoạt động ghi chép, thu thập thông tin của các cấp, các lĩnh vực, đảm bảo hệ thống vận hành được thống nhất.

Có sự đầu tư thích hợp từ ngân sách Nhà nước và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế nhằm triển khai HMIS tại tất cả các cơ sở y tế của tỉnh

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xây dựng hướng dẫn chuẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc SKSS: Một việc làm cần thiết  (18/07/2006)
Sự cần thiết của cách tiếp cận đa ngành trong chăm sóc SKSS  (18/07/2006)
Quyền khách hàng trong dịch vụ chăm sóc SKSS: Vấn đề cần được quan tâm  (18/07/2006)
Yếu tố quan trọng cho sự thành công của chương trình chăm sóc SKSS  (18/07/2006)
Nhận thức về luật của trẻ em còn hạn chế  (30/06/2006)
Dự án sức khỏe bà mẹ trẻ em Bình Định   (22/06/2006)
Đề phòng thiếu vi chất dinh dưỡng  (08/06/2006)
Hoa cho những người yêu trẻ   (12/05/2006)
Triển khai Tháng hành động vì trẻ em và Ngày Gia đình Việt Nam   (10/05/2006)
­Sẽ sôi động các hoạt động vì trẻ em   (05/05/2006)
Nâng cao vai trò quản lý, giáo dục con em không phạm tội  (28/04/2006)
An Nhơn: Lá cờ đầu của ngành dân số  (28/04/2006)
An Nhơn: Lá cờ đầu của ngành dân số  (28/04/2006)
An Nhơn: Lá cờ đầu của ngành dân số  (28/04/2006)
Nâng cao vai trò quản lý, giáo dục con em không phạm tội  (28/04/2006)