Phòng ngừa và phát hiện sớm 5 tai biến sản khoa
8:8', 18/7/ 2006 (GMT+7)

Biện pháp quan trọng giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh

Tại Bình Định, tỉ suất tử vong mẹ là 75/100.000  trẻ đẻ sống. Nguyên nhân hàng đầu là do chảy máu sau sinh và nhiễm độc thai nghén nặng. Tử vong mẹ tại nông thôn cao hơn thành thị, miền núi và trung du cao hơn đồng bằng. Đó là chưa kể đến các di chứng do tai biến sản khoa để lại suốt đời cho bà mẹ khi  họ may mắn thoát khỏi tử thần...

5 tai biến sản khoa ở Bình Định (2003)

Băng huyết

Sản giật

Vỡ tử cung

Nhiễm khuẩn

Uốn ván sơ sinh

77 ca

22 ca

8 ca

2 ca

1 ca

Thai nghén và sinh đẻ là những quá trình luôn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong cho cả mẹ và con. Cần nói rằng cả 5 tai biến trên hoàn toàn có khả năng phòng ngừa và có thể phát hiện sớm trong hoàn cảnh y tế của nước ta nói chung và Bình Định nói riêng hiện nay.

Trong 5 tai biến sản khoa, băng huyết sau sinh đứng hàng đầu, nhiễm khuẩn hậu sản đứng thứ hai tiếp theo là sản giật.Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ là chảy máu nặng sau sinh (33,3%), nhiễm độc thai nghén nặng (26,7%), vỡ tử cung (13,3%).

Những tồn tại trong phòng ngừa và phát hiện sớm 5 tai biến sản khoa

- Trên 90% các trường hợp tử vong mẹ do thai nghén và sinh đẻ có thể phòng tránh được. Ví dụ, với tai biến vỡ tử cung nếu thai phụ được khám thai định kỳ đầy đủ để phát hiện những trường hợp thai nghén có nguy cơ cao như có sẹo mổ cũ ở tử cung, bụng chửa quá to, người mẹ lùn thấp, thai phụ đã đẻ nhiều lần thì phải chọn nơi đẻ an toàn nhất cho họ là nơi có khả năng phẫu thuật.

Với thai phụ bị sản giật cũng vậy, nếu được khám thai phát hiện tình trạng tăng huyết áp, phù nề, nước tiểu có prôtêin ngay từ ban đầu, thai phụ chắc chắn sẽ được theo dõi, điều trị và có thể ngăn chặn được cơn sản giật xảy ra.

Như vậy, rõ ràng nếu làm tốt công tác quản lý thai nghén tại các tuyến y tế cơ sở theo đúng "Hướng dẫn Chuẩn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc SKSS" thì đã có thể hạn chế nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc cho bà mẹ và sơ sinh.

Những tồn tại chính trong công tác chăm sóc bà mẹ có thai, khi đẻ và sau đẻ ở Bình Định:

+ Số lần khám thai: hiện nay có 16,5% phụ nữ có thai khám thai chưa đủ 3 lần. Bên cạnh nhiều thai phụ (ở thành thị) số lần khám thai bình quân có thể lên tới 7-10 lần thì có không ít thai phụ nhất là những người ở miền núi, vùng sâu, vùng xa không hề được khám thai lần nào.

+ Tiêm phòng uốn ván: Tỉ lệ tiêm đủ mũi chỉ đạt 75,7%, tiêm thiếu mũi 8,1% và 2,9% không tiêm mũi nào.

+ Tỉ lệ đẻ phụ nữ sinh con tại nhà: còn cao chiếm 26%. Vùng miền núi còn nhiều phụ nữ tự đẻ hoặc do các bà đỡ dân gian không có kiến thức chuyên môn, đặc biệt kiến thức về vô khuẩn đỡ đẻ.

+ Chăm sóc sản phụ sau đẻ: Sản phụ sau đẻ có nguy cơ rất cao về nhiễm khuẩn, có thể còn bị sản giật sau đẻ trong những ngày đầu nhưng hầu hết các sản phụ sau đẻ về nhà không có sự theo dõi, chăm sóc của cán bộ y tế. Hiện nay, chỉ có 5% cán bộ y tế có đủ kiến thức chăm sóc sơ sinh sau đẻ và 68% biết chăm sóc mẹ sau đẻ đạt Chuẩn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc SKSS.

+ Tỉ lệ phá thai: (tính theo 100 trẻ đẻ sống) tuy có giảm nhưng vẫn còn cao (10% ở cơ sở nhà nước). Phá thai sẽ có nguy cơ dẫn đến các tai biến chửa ngoài tử cung, rau tiền đạo, vỡ tử cung của lần thai nghén sau.

Những việc cần làm để phòng ngừa và phát hiện sớm 5 tai biến sản khoa

Chiến lược Quốc gia về chăm sóc SKSS giai đoạn 2001-2010 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định đến 2010, cần phải đạt chỉ tiêu:

Hạ tỉ lệ chết mẹ còn 70/100.000 trẻ đẻ sống.

Tỉ lệ tai biến sản khoa trên tổng số ca sinh giảm 50%.

Để thực hiện được các chỉ tiêu này chúng ta cần:

Đẩy mạnh công tác truyền thông - tư vấn ở tất cả các tuyến nhằm giúp mọi người trong cộng đồng thay đổi hành vi như đi khám thai định kỳ đầy đủ, tiêm phòng đủ hai mũi phòng uốn ván, biết tự phát hiện những bất thường cần đi khám khẩn cấp, biết chọn nơi an toàn nhất cho cuộc đẻ với sự chăm sóc của cán bộ y tế...

Bên cạnh đó, tập trung giám sát giúp đỡ những cơ sở còn yếu kém về công tác này.

Hoàn thành việc đào tạo Chuẩn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc SKSS cho cán bộ quản lý và cung cấp dịch vụ tuyến xã.

Thực hiện đầy đủ công tác quản lý thai nghén đã được quy định trong "Hướng dẫn Chuẩn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc SKSS".

Phấn đấu thực hiện được chỉ tiêu ít nhất ba lần khám thai cho mỗi thai phụ trong thời gian mang thai; cán bộ y tế phải thực hiện đủ chín bước khám thai trong mỗi lần khám như quy định của "Hướng dẫn Chuẩn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc SKSS", sản phụ khi đẻ được cán bộ y tế theo dõi, đỡ đẻ và được thăm hỏi tại nhà ít nhất hai lần trong 6 tuần đầu.

Thực hiện giảm tỉ lệ tử vong bà mẹ, sơ sinh và phòng  ngừa tai biến sản khoa là công việc xã hội lớn đòi hỏi sự tham gia góp sức của nhiều ngành và đoàn thể. Ví dụ cần nâng cao dân trí, cải thiện đường sá giao thông, xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các bệnh viện, trạm y tế, đảm bảo đời sống cho cán bộ y tế ở mọi tuyến... là những việc quan trọng góp phần không nhỏ giảm thiểu tử vong và tai biến, nhưng rõ ràng đó là những công việc ngành y tế không thể một mình làm được.

Tài liệu tham khảo:

- Bộ Y tế. Chiến lược quốc gia về CSKSS giai đoạn 2001-2010.

- Ủy ban Quốc gia Dân số-KHHGĐ. Chiến lược Dân số Việt nam 2001-2010.

- Thực trạng cung cấp và sử dụng dịch vụ CSSKSS 2003 tỉnh Bình Định.

- Niên giám thống kê 2003 tỉnh Bình Định.

- Báo cáo tổng kết 2003 Sở Y tế Bình Định.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giới trong chăm sóc SKSS - Một yếu tố cần được quan tâm  (18/07/2006)
Một vấn đề cấp bách cần phải giải quyết  (18/07/2006)
Một số đòi hỏi và sự tồn tại của mọi cơ sở cung cấp dịch vụ SKSS  (18/07/2006)
Việc làm cần thiết của ngành y tế  (18/07/2006)
Xây dựng hướng dẫn chuẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc SKSS: Một việc làm cần thiết  (18/07/2006)
Sự cần thiết của cách tiếp cận đa ngành trong chăm sóc SKSS  (18/07/2006)
Quyền khách hàng trong dịch vụ chăm sóc SKSS: Vấn đề cần được quan tâm  (18/07/2006)
Yếu tố quan trọng cho sự thành công của chương trình chăm sóc SKSS  (18/07/2006)
Nhận thức về luật của trẻ em còn hạn chế  (30/06/2006)
Dự án sức khỏe bà mẹ trẻ em Bình Định   (22/06/2006)
Đề phòng thiếu vi chất dinh dưỡng  (08/06/2006)
Hoa cho những người yêu trẻ   (12/05/2006)
Triển khai Tháng hành động vì trẻ em và Ngày Gia đình Việt Nam   (10/05/2006)
­Sẽ sôi động các hoạt động vì trẻ em   (05/05/2006)
Nâng cao vai trò quản lý, giáo dục con em không phạm tội  (28/04/2006)