Kiểm soát nhiễm khuẩn: Một nhiệm vụ quan trọng trong chăm sóc SKSS
8:10', 18/7/ 2006 (GMT+7)

Hiện nay, vẫn còn: Nhiều cơ sở y tế chưa tuân thủ đúng nguyên tắc vô khuẩn trong thủ thuật, phẫu thuật; nhiều cơ sở chưa đảm bảo vô khuẩn dụng cụ; nhiều cơ sở chưa trang bị đầy đủ phương tiện khử khuẩn.

Từ những năm đầu thế kỷ XIX, bác sĩ sản khoa Ignaz Philip Semmelweis - người Hungary nhận thấy có mối liên quan giữa việc rửa tay của nhân viên đỡ đẻ với những đợt dịch sốt hậu sản xảy ra trên những sản phụ sau sinh. Từ đó, ông đề xuất biện pháp rửa tay trước khi đỡ đẻ làm giảm hẳn sốt hậu sản và tử vong cho sản phụ.

Josep Lister cho rằng vi khuẩn là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn vết thương và sử dụng acid carbolic để sát khuẩn, đã làm cho vết thương mau lành, tránh tử vong.

Louis Pasteur phân lập được vi khuẩn gây bệnh đã giúp phát hiện được nguồn lây, đường lây truyền và cách phòng ngừa nhiễm khuẩn. Sự ra đời của kháng sinh có ý nghĩa to lớn trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn.

Hiện nay, các loại vi sinh vật gây bệnh kháng thuốc ngày càng tăng làm khó khăn cho việc điều trị nhiễm khuẩn, đồng thời sự đầu tư về phòng chống nhiễm khuẩn cũng như kiến thức và thực hành chống nhiễm khuẩn của cán bộ y tế còn kém nên nhiễm khuẩn vẫn là một tai họa đối với con người.

Tại Việt Nam, nghiên cứu của Bộ Y tế năm 2001 tại 11 bệnh viện cho thấy tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 6,8% (dao động từ 2-11%). Nghiên cứu của Sở Y tế Bình định về nhiễm khuẩn bệnh viện tại BVĐK tỉnh và BVĐK Bồng Sơn năm 2003, tỉ lệ này là 6-8%.

Những tồn tại trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn ở Bình Định

Kiến thức, ý thức và thực hành phòng chống nhiễm khuẩn của cán bộ y tế còn kém.

Thực hành rửa tay của cán bộ y tế chưa đạt yêu cầu. Hầu hết các bồn rửa tay tại các cơ sở y tế không sạch, không có đủ xà phòng và khăn vô khuẩn. Quy trình rửa tay chưa thống nhất, chưa phân biệt được sự khác nhau giữa các quy trình rửa tay.

Trang thiết bị để khử khuẩn, tiệt khuẩn (nồi hấp, hóa chất khử khuẩn) đã được cung cấp khá đầy đủ tại các cơ sở y tế nhưng hiệu quả sử dụng không cao, nguyên nhân chính vẫn là do ý thức của cán bộ y tế còn yếu. Một số cán bộ cung cấp dịch vụ không biết cách sử dụng đúng trang thiết bị hoặc pha hóa chất không đúng quy định.

Hầu hết các cơ sở y tế chưa thực hiện tốt việc phổ biến các quy trình vô khuẩn, khử khuẩn tại các phòng phẫu thuật, thủ thuật, phòng sinh.

Công tác xử lý chất thải chưa tốt tại hầu hết các cơ sở y tế.

Công tác theo dõi, giám sát nhằm hỗ trợ cán bộ y tế có thói quen và nề nếp thực thi đầy đủ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn còn quá ít và không thường xuyên.

Quy định hiện hành về các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn

Để kiểm soát nhiễm khuẩn, Bộ Y tế đã đưa ra phương châm 4 sạch cho mọi dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Cơ sở, môi trường sạch:

Phòng khám, phòng đẻ, phòng thủ thuật phải đảm bảo theo chuẩn quốc gia. Các bệnh viện phải có phòng cho người bệnh lây nhiễm, các trường hợp đẻ hay mổ nhiễm khuẩn phải có phòng riêng. Các phòng hoạt động chuyên môn phải có chế độ vệ sinh khử khuẩn định kỳ và chỉ được dùng theo đúng chức năng quy định.

Người cung cấp dịch vụ sạch:

Khi làm việc người cung cấp dịch vụ phải đầy đủ áo choàng, mũ, khẩu trang, phải rửa tay trước và sau khi thăm khám hay làm thủ thuật. Với những thủ thuật có tiếp xúc với máu hay dịch tiết của người bệnh nhất thiết phải đeo găng bảo vệ. Nếu làm nhiệm vụ lau rửa hay xử lý thải bỏ các bệnh phẩm cần mặc tạp dề, đi ủng và đeo kính bảo hộ lao động.

Khách hàng sạch:

Người bệnh khi nằm viện phải có quần áo riêng với chế độ thay, giặt định kỳ, được hướng dẫn tắm rửa giữ vệ sinh. Phải được sát khuẩn kỹ nơi tiêm, vùng sẽ được phẫu thuật và phải thực hiện đúng và đủ quy trình chuẩn bị trước mổ hay trước khi làm thủ thuật.

Phương tiện, y cụ dụng cụ sạch.

Những giải pháp để làm tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn

Tổ chức mạng lưới chống nhiễm khuẩn: đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của Hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, xây dựng mạng lưới chống nhiễm khuẩn đến tận khoa phòng trong bệnh viện và tới trạm y tế.

Tổ chức đào tạo cho cán bộ y tế về phòng chống nhiễm khuẩn, xử lý chất thải, tiêm an toàn. Thực hiện công tác giám sát sau đào tạo nhằm đảm bảo về thái độ và hành vi cán bộ y tế trong phòng chống nhiễm khuẩn.

Cải thiện cấu trúc hạ tầng phù hợp với nguyên tắc phòng chống nhiễm khuẩn và tăng cường sử dụng các dụng cụ y tế dùng một lần.

Cung cấp đầy đủ các phương tiện thiết yếu phục vụ công tác phòng chống nhiễm khuẩn như: bồn rửa tay, nước sạch, khăn vô khuẩn, xà phòng, hóa chất khử khuẩn...

Giám sát việc thực hiện các quy trình kỹ thuật, chú trọng đến các quy trình thiết yếu như: khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ, tiêm, thực hiện các thủ thuật xâm lấn...

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Y tế. "Hướng dẫn Chuẩn quốc gia về các dịch vụ CSSKSS". Hà Nội, 2004

2. Bộ Y tế. "Tài liệu hướng dẫn quy trình chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện"-Tập I. Hà Nội, 2002.

3. UNFPA. "Kết quả điều tra hiện trạng cung cấp và nhu cầu sử dụng dịch vụ SKSS tỉnh Bình Định", 2003

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phòng ngừa và phát hiện sớm 5 tai biến sản khoa  (18/07/2006)
Giới trong chăm sóc SKSS - Một yếu tố cần được quan tâm  (18/07/2006)
Một vấn đề cấp bách cần phải giải quyết  (18/07/2006)
Một số đòi hỏi và sự tồn tại của mọi cơ sở cung cấp dịch vụ SKSS  (18/07/2006)
Việc làm cần thiết của ngành y tế  (18/07/2006)
Xây dựng hướng dẫn chuẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc SKSS: Một việc làm cần thiết  (18/07/2006)
Sự cần thiết của cách tiếp cận đa ngành trong chăm sóc SKSS  (18/07/2006)
Quyền khách hàng trong dịch vụ chăm sóc SKSS: Vấn đề cần được quan tâm  (18/07/2006)
Yếu tố quan trọng cho sự thành công của chương trình chăm sóc SKSS  (18/07/2006)
Nhận thức về luật của trẻ em còn hạn chế  (30/06/2006)
Dự án sức khỏe bà mẹ trẻ em Bình Định   (22/06/2006)
Đề phòng thiếu vi chất dinh dưỡng  (08/06/2006)
Hoa cho những người yêu trẻ   (12/05/2006)
Triển khai Tháng hành động vì trẻ em và Ngày Gia đình Việt Nam   (10/05/2006)
­Sẽ sôi động các hoạt động vì trẻ em   (05/05/2006)