Tỉ lệ sử dụng vòng tránh thai vẫn là BPTT phổ biến trong khi các BPTT hiện đại khác (thuốc, bao cao su, triệt sản) chiếm tỉ trọng rất thấp trong tất cả các biện pháp tránh thai.
Ảnh hưởng của phá thai tới sức khỏe phụ nữ
Phụ nữ khi phá thai luôn phải đối mặt với các tai biến có thể xảy ra đe dọa tính mạng. Các tai biến hay gặp là:
Chảy máu: thường do tử cung, hoặc cổ tử cung bị tổn thương nặng trong khi thực hiện thủ thuật.
Nhiễm khuẩn: dễ xảy ra khi thủ thuật không đảm bảo vô khuẩn hoặc không thực hiện tốt các yêu cầu chăm sóc sau phá thai.
Các tai biến lâu dài có thể là vô sinh thứ phát, sẩy thai, đẻ non.
Những ảnh hưởng về mặt tâm lý và cảm xúc, đặc biệt ở những trường hợp mang thai lần đầu, mang thai ở vị thành niên.
Những việc đã làm để giải quyết vấn đề phá thai
Thực thi các điều luật liên quan đến phá thai.
Cho phép phá thai được tiến hành trên những thai ngoài ý muốn tại các cơ sở đủ tiêu chuẩn, do cán bộ có kỹ năng chuyên môn được Nhà nước cho phép và có sự cam đoan của khách hàng.
Cung cấp các dịch vụ và thường xuyên nâng cấp cơ sở vật chất, tổ chức đào tạo cán bộ chuyên môn thực hiện các thủ thuật phá thai.
Tăng cường cung cấp các dịch vụ tư vấn và các biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả.
Những tồn tại trong việc giải quyết vấn đề phá thai
Mặc dù vậy, đến nay vẫn còn nhiều tồn tại trong các dịch vụ và các chương trình:
Cán bộ y tế chưa được đào tạo đầy đủ và chưa có đủ phương tiện để thực hiện thủ thuật phá thai an toàn.
Dịch vụ điều trị cho các trường hợp phá thai không an toàn chưa được quan tâm đúng mức.
Các dịch vụ CSSKSS và KHHGĐ chưa được thường xuyên cung cấp lồng ghép với các dịch vụ phá thai.
Tư vấn về phá thai và các biện pháp KHHGĐ chất lượng chưa cao.
Những việc cần làm để giảm phá thai và giảm phá thai không an toàn
1. Nâng cao tỉ lệ và hiệu quả áp dụng các biện pháp tránh thai:
- Mở rộng dịch vụ cung cấp các biện pháp tránh thai tới tất cả các đối tượng.
- Tăng cường công tác truyền thông và tư vấn về các biện pháp tránh thai, đặc biệt tới các đối tượng có trình độ văn hóa thấp hoặc hạn chế trong tiếp cận thông tin.
- Thực hiện cung cấp nhiều biện pháp tránh thai khác nhau để khách hàng lựa chọn.
2. Cung cấp dịch vụ chất lượng cao và thuận tiện:
- Đào tạo người cung cấp dịch vụ với đầy đủ kỹ năng cần thiết, có khả năng cung cấp một cách có hiệu quả các dịch vụ KHHGĐ và phá thai an toàn.
- Người cung cấp dịch vụ cần có kỹ năng hướng dẫn cho khách hàng một cách nhanh chóng và thuận tiện.
- Phổ biến rộng rãi trong cộng đồng về các dịch vụ có sẵn và tăng cường mối quan hệ liên kết với các tổ chức phụ nữ, các trung tâm y tế và các nhóm liên quan cho những người có nhu cầu có thể biết cách tìm đến cơ sở dịch vụ.
- Đảm bảo tất cả các trạm y tế có thể thực hiện dịch vụ hút thai dưới 6 tuần và được lồng ghép vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và chẩn đoán thai sớm.
3. Cung cấp các dịch vụ chăm sóc sau phá thai:
- Điều trị kịp thời, có chất lượng các biến chứng của phá thai.
- Tư vấn về việc tự chăm sóc sau phá thai, sự cần thiết phải áp dụng một biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả và cung cấp cho khách hàng biện pháp tránh thai thích hợp.
- Đảm bảo có một nhóm cán bộ y tế có kỹ năng thành thạo trong việc xử trí các biến chứng do phá thai.
- Cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Tài liệu tham khảo:
1. Ủy ban Quốc gia Dân số KHHGĐ. "Điều tra nhân khẩu học và sức khỏe -1997".
2. Bộ Y tế. "Niên giám thống kê y tế 1996-2001".
3. Báo cáo kiểm điểm tình hình thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2001-2010 của tỉnh Bình Định.