Đó chỉ là một hội thảo mini, diễn ra tại phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn), và là một trong 16 hội thảo mini mà Tiểu ban Dự án VIE/03/P20 Tỉnh Đoàn Bình Định tổ chức tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Tuy nhiên, chính từ những cuộc hội thảo nhỏ như thế này, nhiều vấn đề trong việc giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên (SKSSVTN) đã được đặt ra một cách cụ thể và sát sườn.
|
Một buổi tư vấn trực tiếp cho học sinh THPT do Tỉnh Đoàn tổ chức trong khuôn khổ Dự án VIE/03/P20. Ảnh: Thu Hiền
|
* “Xới” và “vỡ”
“Chúng ta phải xới vấn đề lên để tìm ra những giải pháp thích hợp, hiệu quả trong việc đưa kiến thức SKSS đến lứa tuổi vị thành niên (VTN)” - lời mở đầu cho phần thảo luận của ông Nguyễn Anh Tuấn - chuyên viên Ủy ban DS-GĐ và TE TP Quy Nhơn - đã khiến nhiều vị lãnh đạo, phụ huynh cũng như các em VTN hăng hái tham gia. Ông Võ Văn Tranh - một phụ huynh có con trong lứa tuổi VTN - nêu vấn đề: “Chúng ta vẫn còn nặng về tư tưởng Nho giáo, xem những chuyện này là điều cấm kỵ. Thử hỏi có ai ngồi đây đã từng nói một cách rõ ràng, minh bạch với con mình về vấn đề tình dục chưa? Ngay cả tôi cũng chưa nói. Và có ai đã từng nghe con mình hỏi về chuyện này chưa?” Điều này đã được em Nguyễn Thị Thanh Dung, 19 tuổi xác nhận bằng mong muốn tha thiết: “...Có được nhiều chương trình, trung tâm để tư vấn những vấn đề về tình dục, tình yêu, SKSS... vì có những thắc mắc chúng cháu chẳng biết hỏi ai, bạn bè thì cũng không biết gì nhiều như mình, cha mẹ và thầy cô thì chúng cháu rất ngại”.
Thật sự là các vị phụ huynh rất sợ phải “vẽ đường cho hươu chạy”. Tuy nhiên, khi đã vượt qua tư tưởng này rồi thì lại lúng túng không biết phải nói với con như thế nào về những vấn đề của tuổi mới lớn. Ông Võ Văn Tranh bày tỏ: “Ngày xưa, ông bà ta không biết vẽ như thế nào cho hươu chạy đúng nên cấm cho chắc. Nhưng ngày nay, nếu nói thì liệu các vị phụ huynh có đủ kiến thức về SKSSVTN để nói cho con cái mình biết hay không? Trong khi đó, chúng ta vẫn chưa có một giáo trình phổ biến kiến thức SKSSVTN trong từng giai đoạn phù hợp từ 10 đến 19 tuổi cho các cháu!”.
* Gia đình và nhà trường rất quan trọng
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Ngọ - Phó Chủ tịch UBND phường Nhơn Phú, với tư cách là một phụ huynh có con trong độ tuổi VTN - đã có cái nhìn khác về vấn đề này. Bà lý luận: “Trách nhiệm của cha mẹ là phải giáo dục con cái, và phải tự tìm hiểu các kiến thức trên ở sách báo cũng như cách thức truyền đạt cho con. Bởi vì nếu để xảy ra những hậu quả đáng tiếc như: quan hệ tình dục trước hôn nhân, nạo phá thai... thì cha mẹ chính là những người phải chịu trách nhiệm trước tiên”. Còn việc vì sao con cái không hỏi cha mẹ những chuyện riêng tư, thầm kín lứa tuổi mình, theo bà Ngọ chính là vì cha mẹ chưa phát huy hết trách nhiệm của mình trong việc giáo dục con cái. Bà kể: “Con trai tôi vẫn hỏi tôi về những chuyện trên. Cháu cũng hay tâm sự với tôi chuyện bạn bè ở trường”.
Và không chỉ gia đình, vai trò của nhà trường trong việc giáo dục SKSSVTN cũng được nhiều người đặt ra. Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Trưởng Ban Trường học Tỉnh Đoàn, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn Tuổi Thanh Xuân - cho hay: “Khi chúng tôi đặt vấn đề tổ chức các buổi tuyên truyền, giao lưu tìm hiểu về SKSSVTN tại các trường, có lãnh đạo trường khẳng định: Trường tôi không hề có hiện tượng đó (quan hệ tình dục ở tuổi VTN). Tuy nhiên, khi thuyết phục được và tổ chức thì có trường chúng tôi nhận được đến 500 câu hỏi, trong đó nhiều em nhận thức rất mơ hồ về SKSSVTN. Như vậy vấn đề cơ bản là nhận thức của nhà trường và phụ huynh về vấn đề giáo dục SKSSVTN”.
Về điều này, một bạn trẻ là cán bộ đoàn cơ sở của phường Nhơn Phú - đề xuất: “Trong việc truyền thông về SKSSVTN, cần có các chương trình, mô hình để thu hút nhiều bạn tham gia, từ đó trao đổi, nói chuyện cởi mở; cần có chuyên viên nói chuyện thì các bạn mới lắng nghe, hiểu và tin. Nhà trường cũng cần có nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa về vấn đề này…”.
|