Từ ngày 15-6 đến 15-8, Ủy ban DS-GĐ và TE tỉnh tổ chức điều tra, khảo sát về chuyển đổi sổ hộ gia đình, về giới tính và trẻ em là con thứ 3 sinh ra trong 2 năm 2004, 2005. Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ giới tính đang trên đà mất cân đối và tỷ lệ sinh con thứ 3 vẫn còn cao.
|
Gia đình 3 thế hệ của chị Nguyễn Thị Lên ở xã Ân Tường Tây (Hoài Ân) - thành viên Câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3.
|
* Nam nhiều nữ ít
Mục đích của cuộc điều tra khảo sát là giúp các nhà quản lý, các nhà chuyên môn nắm được tình hình về giới và tỉ lệ sinh con thứ 3 để tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền đề ra những chính sách mới theo hướng có lợi và bền vững nhằm nâng cao chất lượng dân số và chất lượng cuộc sống cho người dân. Thông qua các hoạt động truyền thông, tư vấn và điều tra, giám sát ngẫu nhiên ở 19 xã, phường, thị trấn từ các vùng khác nhau trong quá trình thực hiện Chiến lược truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số, SKSS/KHHGĐ giai đoạn 2005-2010 đã cho cuộc khảo sát một kết quả đáng quan tâm.
Trong quá trình khảo sát, bằng nhiều hình thức như phỏng vấn trực tiếp, thông qua bộ câu hỏi và trực tiếp điều tra từ các hộ gia đình, các cán bộ của Ủy ban DS-GĐ và TE ở các huyện, TP; các cán bộ chuyên trách DS-GĐ và TE và trưởng trạm y tế xã đã thu nhận và thẩm định 100% số phiếu cộng tác viên cung cấp là chính xác. Các địa phương nhận sổ hộ gia đình mới đều ghi chép đầy đủ các thông tin.
Kết quả từ cuộc khảo sát cho thấy: về chỉ số giới tính của 19 xã được giám sát có tỷ số nam/nữ năm sau cao hơn năm trước. Số trẻ em sinh ra trong năm 2004 ở xã Vĩnh Hiệp (Vĩnh Thạnh) là 41 em thì nữ là 24 em (tỷ lệ nam/nữ 70,8%); năm 2005, sinh 48 em thì nữ chỉ có 17 em ( tỷ lệ 182%). Ở xã Nhơn Mỹ (An Nhơn) năm 2004 sinh 160 em, nữ 77 em (tỷ lệ 107%) thì năm 2005, sinh 181 em, nữ chỉ có 69 em (tỷ lệ 162%). Ở phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn) năm 2004, sinh 164 em, nữ 76 em (tỷ lệ 115,7%) thì năm 2005 sinh 136 em, nữ 55 em (tỷ lệ 147%). Ở thị trấn Tam Quan (Hoài Nhơn) năm 2004 sinh 151 em, nữ 65 (tỷ lệ 132%) và năm 2005 sinh 131 em, nữ 57 em (tỷ lệ 129%)…
Nếu so với mức thông thường cứ 100 bé gái sinh ra tương ứng với 105 bé trai thì tỷ lệ giới tính nam/nữ nói trên là quá cao. Đây là tỷ lệ không bình thường về giới tính trong dân số học cũng như trong đời sống thường ngày!
* Con thứ 3 nhiều lên
Cũng theo kết quả khảo sát, tỷ lệ sinh con thứ 3 ở xã Canh Thuận (Vân Canh) năm 2004 sinh 57 em thì đã có 13 em là con thứ 3 trở lên (tỷ lệ 22,8%) và năm 2005 sinh 47 em thì có 11 em là con thứ 3 (tỷ lệ 23,4%). Ở xã Ân Đức (Hoài Ân) năm 2004 sinh 115 em có 25 em con thứ 3 (tỷ lệ 20%) và năm 2005 sinh 127 em có 30 em con thứ 3 (tỷ lệ 23,6%). Xã Phước An (Tuy Phước) năm 2004 sinh 264 em có 60 em con thứ 3 (tỷ lệ 22,7%) và năm 2005 sinh 306 em có 78 em con thứ 3 (tỷ lệ 25%). Xã Cát Chánh (Phù Cát) năm 2004 sinh 90 em có 20 em con thứ 3 (tỷ lệ 22,2%) và năm 2005 sinh 94 em có 25 em con thứ 3 (tỷ lệ 22,9%)…
So với chỉ tiêu tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của toàn tỉnh 18% rõ ràng còn khoảng cách quá xa.
* Cần một chính sách mới
Những con số của khảo sát kể trên chắc chắn sẽ đẩy những nhà làm chính sách vào cuộc. Vì sao mất cân bằng giới? Có chăng sự can thiệp quá sâu của các phương tiện kỹ thuật; có chăng việc phổ biến các biện pháp sinh con theo ý muốn vô tình đã có tác dụng ngược? Một số nước trên thế giới đã chịu hậu quả bi thương về tình trạng nam nhiều nữ ít, Việt Nam không thể không coi đó là bài học.
Để từng bước ổn định quy mô dân số, cân bằng giới tính, đạt được tỷ lệ giảm sinh 0,6‰ và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 dưới 18%, ngành DS-GĐ và TE và các ngành, đoàn thể trong tỉnh cần phấn đấu nhiều hơn nữa, nhất là trong phối hợp tổ chức thực hiện công tác truyền thông thay đổi hành vi, giáo dục giới và giới tính, bình đẳng nam nữ theo tinh thần Pháp lệnh Dân số; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về công tác dân số.
|