Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em: Còn nhiều thách thức
16:22', 28/9/ 2006 (GMT+7)

Từ năm 2001 đến nay, nguồn kinh phí địa phương và trung ương mỗi năm đầu tư gần 2 tỉ đồng cho chương trình Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE) ở tỉnh Bình Định. Tuy vậy, đến năm 2005 tỷ lệ trẻ SDD vẫn còn ở mức cao: 24,5%!

 

Cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống Vitamin A tại phòng khám đa khoa khu vực thị trấn Bình Dương (Phù Mỹ). Ảnh: Trang Xuân Chi

 

Chương trình Phòng chống SDDTE ở Bình Định bắt đầu triển khai từ năm 1998 và đến nay đã triển khai tại 11 huyện, thành phố; 157 xã, phường, thị trấn; 1.059 thôn, khu vực với sự trợ giúp của 1.644 cộng tác viên dinh dưỡng. Qua điều tra khảo sát, các chuyên gia y tế của tỉnh phân tích đánh giá có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng SDDTE nhưng nguyên nhân chính là sự hiểu biết và thực hành về chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ ở các bà mẹ còn nhiều hạn chế, số phụ nữ có thai và diện sinh đẻ bị thiếu máu dinh dưỡng và thiếu năng lượng trường diễn còn ở mức khá cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, đời sống của bộ phận người dân ở vùng núi, vùng biển, hải đảo còn nhiều khó khăn…

Kết quả điều tra tháng 9-1999, tỷ lệ SDDTE dưới 5 tuổi là 39,9%; tỷ lệ bà mẹ có thai thiếu máu là 51,8%; tỷ lệ phụ nữ diện sinh đẻ bị thiếu năng lượng trường diễn là 59,7%. Kết quả cân trẻ cuối năm 2000, tỷ lệ SDDTE dưới 5 tuổi giảm xuống còn 34,9%, đến năm 2005 tỷ lệ SDDTE hạ xuống còn 24,5%.

Từ thực tế này, chương trình đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông tại cộng đồng với nhiều hình thức phong phú như tư vấn trực tiếp (thăm nhà, truyền thông nhóm) cho các bà mẹ có thai và nuôi con nhỏ, tổ chức hướng dẫn chế biến bữa ăn bổ sung cho trẻ đủ 4 nhóm thực phẩm; tổ chức các hội thi “Kiến thức mẹ- Sức khỏe con”, “Gia đình điểm 10”, “Nhân viên y tế thôn”… Chương trình cũng đặt nặng vấn đề theo dõi tăng trưởng bằng biểu đồ phát triển: 96% trẻ em dưới 2 tuổi được theo dõi cân nặng mỗi tháng một lần, 98% trẻ em dưới 5 tuổi được theo dõi cân nặng vào tháng 6 hàng năm. Chương trình cũng đã cung cấp hỗ trợ sản phẩm dinh dưỡng cho phụ nữ có thai 6 tháng nhưng chỉ tăng cân dưới 2,5 kg với số tiền 10.000đ/người/quý trong kỳ thai và trẻ em dưới 2 tuổi không tăng cân 3 tháng liền với số tiền 12.000đ/trẻ/quý. Ngoài ra, kết quả của chương trình đã giúp nâng tỷ lệ bà mẹ khám thai đủ 3 lần đạt 94,64%, quản lý thai đạt 96,3%, bà mẹ có thai được cấp viên sắt đạt 100%, tiêm phòng uốn ván đạt 99,26% số bà mẹ có thai. Chương trình đã tổ chức nhiều hoạt động có sự phối hợp liên ngành từ các ngành, hội, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội VAC, Liên đoàn lao động, ngành Giáo dục… đã đưa nội dung hoạt động phòng chống SDDTE vào chương trình hoạt động chung của hội, đoàn thể nhằm giúp hội viên cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao nhận thức và thực hành dinh dưỡng tại gia đình, góp phần vào việc duy trì giảm tỷ lệ SDDTE một cách bền vững.

Mục tiêu tổng quát của chương trình Phòng chống SDDTE là cải thiện dinh dưỡng theo hướng dự phòng, nâng cao kiến thức dinh dưỡng cho người mẹ trước, trong và sau khi có thai để đảm bảo trẻ sinh ra khỏe mạnh không bị SDD; chăm sóc sớm và liên tục đối với trẻ em từ khi sinh ra; tập trung ưu tiên đối với trẻ em trong 2 năm đầu bởi vì ở giai đoạn này nếu được chăm sóc tốt sẽ có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển về thể chất và tinh thần sau này.

Đến nay toàn tỉnh đã thành lập 703 tổ nhóm, câu lạc bộ không sinh con thứ 3 và phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế vườn, có hơn 31.000 hội viên tham gia; đã thực hiện 7 mô hình sữa đậu nành tại trường mẫu giáo và 4 mô hình tại cộng đồng; 72% vườn tạp cải tạo và 200 mô hình VAC có “ô dinh dưỡng”. Mặc dù đã giảm nhiều nhưng theo đánh giá chung từ các chuyên gia y tế, thì tỷ lệ SDDTE dưới 5 tuổi ở Bình Định vẫn còn ở mức cao, việc thay đổi thực hành dinh dưỡng của các bà mẹ trong chăm sóc nuôi dưỡng con trẻ chuyển biến chậm; một số vùng còn chịu ảnh hưởng những tập quán lạc hậu…

BS Nguyễn Thị Bích - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho biết: “Nhằm giảm tỷ lệ trẻ em SDD dưới 5 tuổi xuống còn dưới 20% vào năm 2010, những năm tới chương trình sẽ tập trung vào các chiến lược mới, bao gồm: chiến lược dự phòng (tức chăm sóc sớm cho đối tượng nữ thanh niên, tiền hôn nhân và bà mẹ có thai) để trẻ đẻ ra khỏe mạnh không bị suy dinh dưỡng bào thai; chiến lược ưu tiên cho thời kỳ có nguy cơ SDD cao nhất, đặc biệt ưu tiên cho số bà mẹ mang thai và trẻ dưới 2 tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn bằng các hoạt động thiết thực tại cộng đồng như bổ sung viên sắt, đa vi chất và sinh tố cho bà mẹ có thai; hỗ trợ sản phẩm dinh dưỡng cho mẹ và con đồng thời thực hiện chiến lược phối hợp liên ngành và xã hội hóa”.

  • Ngô Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhìn lại 3 năm thực hiện Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em   (15/09/2006)
Thiếu cân bằng giới, tăng con thứ 3  (01/09/2006)
Đã hoàn thành phần lớn các công việc của Dự án  (18/08/2006)
Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên: Gia đình và nhà trường rất quan trọng  (17/08/2006)
Thêm một đợt cao điểm hành động “vì trẻ em”   (11/08/2006)
Tăng cường chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên  (19/07/2006)
Sức khỏe sinh sản vị thành niên  (18/07/2006)
"Góc thân thiện" dành cho thanh niên và vị thành niên  (18/07/2006)
Phá thai - một nguy cơ đối với sức khỏe phụ nữ  (18/07/2006)
Kiểm soát nhiễm khuẩn: Một nhiệm vụ quan trọng trong chăm sóc SKSS  (18/07/2006)
Phòng ngừa và phát hiện sớm 5 tai biến sản khoa  (18/07/2006)
Giới trong chăm sóc SKSS - Một yếu tố cần được quan tâm  (18/07/2006)
Một vấn đề cấp bách cần phải giải quyết  (18/07/2006)
Một số đòi hỏi và sự tồn tại của mọi cơ sở cung cấp dịch vụ SKSS  (18/07/2006)
Việc làm cần thiết của ngành y tế  (18/07/2006)