Trong 2 ngày 25 và 26-12-2006, tại Hà Nội, Ủy ban DS-GĐ và TE Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tuyên dương những người yêu trẻ toàn quốc. Tỉnh Bình Định có 3 đại biểu tham dự là những tấm gương sáng trong phong trào bảo vệ và chăm sóc trẻ em trong nhiều năm qua.
* 34 năm gắn bó với trẻ em
Tính đến đầu năm nay, anh La Quang Ánh, Trưởng phòng tuyên truyền- giáo dục Ủy ban DS-GĐ và TE tỉnh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh) đã có thời gian công tác gắn với trẻ em hơn 34 năm. Sau 4 năm công tác ở quân đội, tháng 5-1972, anh chuyển về Tỉnh đoàn Bình Định và được phân công làm công tác thiếu nhi, chủ yếu là phát động và xây dựng tổ chức Đội Thiếu niên tiền phong ở vùng giải phóng của các huyện: Hoài Ân, Hoài Nhơn và Phù Mỹ. Những năm làm Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh và ủy viên thường trực Ủy ban BV-CSTE tỉnh, anh đã có nhiều đóng góp với công tác Đội và phong trào thiếu nhi của tỉnh nhà.
|
Anh La Quang Ánh |
Bình Định là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước phát động phong trào “tấm lòng vàng giúp bạn vượt khó”, phong trào “trẻ em nghèo vượt khó học giỏi” và giờ đây phong trào đã phát triển rộng khắp các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Anh La Quang Ánh đã góp phần vào kết quả đó. Anh đã vận động nhiều tổ chức xã hội, các nhà doanh nghiệp, các cá nhân có lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ hàng trăm triệu đồng, để trao học bổng cho trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi và trao hàng trăm xe lăn cho trẻ em khuyết tật. Tổ chức điều tra, tiếp cận, tư vấn và vận động trẻ em lang thang hồi gia là một trong những công việc mà anh rất trăn trở, quan tâm thực hiện trong các năm qua và đã đạt được kết quả đáng kể. Giờ đã qua tuổi ngũ thập, anh vẫn xác định cuộc đời anh chỉ gắn bó với công tác thiếu nhi, với trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi và trẻ em khuyết tật.
* Một phần cuộc sống là lớp học tình thương
Xuất thân từ một gia đình lao động nghèo, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Trần Đình Chính đã không thi vào đại học mà ở nhà lao động giúp đỡ gia đình và tham gia công tác xã hội ở địa phương. Khu vực 6, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn, nơi anh sinh sống, có chợ Lớn và khu Nhà đèn tập trung nhiều đối tượng tệ nạn xã hội: như cờ bạc, trộm cắp, ma túy, mại dâm và nhất trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ. Là Bí thư Chi đoàn, anh rất trăn trở trước tình hình an ninh trật tự ở địa phương và đã phối hợp với công an khu vực tập hợp, giáo dục số trẻ em đường phố. Được sự hỗ trợ của Mặt trận và Hội Phụ nữ khu phố, sự giúp đỡ của các tiểu thương xung quanh chợ, không lâu sau, Chi đoàn đã nắm chắc danh sách trẻ em lang thang. Sau khi phân loại từng đối tượng, anh đã tiếp cận với các em, cảm hóa và vận động các em ra học lớp tình thương. Cuối năm 1990, lớp học tình thương khu vực 6 được hình thành, ban đầu có 24 em theo học, anh Trần Đình Chính trực tiếp giảng dạy cho các em dẫu ban đầu rất lúng túng vì không có chuyên môn sư phạm, các em lại có nhiều độ tuổi, nhiều trình độ khác nhau. Được sự giúp đỡ của Mặt trận và Hội Phụ nữ, như: tặng quần áo, sách vở và dụng cụ học tập... lớp học dần dần ổn định, số học sinh tăng dần.
Từ năm 1990 đến 2003, anh Trần Đình Chính đảm nhận nhiều công tác khác nhau, Bí thư Chi đoàn, cán bộ văn phòng UBND phường, Bí thư Đoàn phường, nhưng anh vẫn sắp xếp thời gian hợp lý cho công tác chuyên môn, cho công việc gia đình, và đứng vững ở lớp học tình thương, xem đó như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh. Qua 13 năm làm giáo viên ở lớp tình thương là đã dạy dỗ cho hơn 400 trẻ em có HCĐBKK. Không chỉ dạy cho các em biết chữ mà quan trọng là còn dạy đạo đức cho các em, giúp các em bỏ các thói hư, tật xấu, hòa nhập với cuộc sống.
|
Anh Trần Đình Chính |
Tháng 6-2003, anh được bầu làm Chủ tịch UBND phường Lê Lợi. Mặc dù bận rộn công việc nhưng anh luôn quan tâm tới công tác BV-CSTE. Nhiều năm qua, phường Lê Lợi là một trong những đơn vị xã, phường dẫn đầu công tác DS-GĐ và TE của TP Quy Nhơn.
* Tận tâm chăm sóc trẻ em nghèo người dân tộc thiểu số
Sau khi tốt nghiệp lớp Trung cấp y tế năm 1995, chị Nguyễn Thị Trung Mỹ về công tác tại Ủy ban BV-CSTE, nay là Ủy ban DS-GĐ và TE huyện miền núi Vân Canh. Chăm lo cho trẻ em nghèo người dân tộc thiểu số, chị đã về các bản làng xa xôi ở các xã Canh Liên, Canh Hòa, Canh Thuận cùng với anh chị em cán bộ chuyên trách và cộng tác viên tổ chức điều tra khảo sát trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ em có HCĐBKK. Trên cơ sở đó chị xây dựng kế hoạch, dự án vận động sự giúp đỡ của xã hội để chăm sóc các em. Lập hồ sơ đưa 45 trẻ em mồ côi đi nuôi dưỡng tập trung, hầu hết các em là người dân tộc Chăm, Bana.
Để có nguồn lực ổn định cho công tác BV-CSTE, chị tích cực vận động sự đóng góp của cán bộ công chức và nhân dân cho Quỹ Bảo trợ trẻ em, hàng năm hơn 20 triệu đồng. Hơn 10 năm hình thành có hơn 5 nghìn lượt trẻ em trong huyện, chủ yếu là trẻ em người dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ Quỹ. Trẻ em sứt môi, hở hàm ếch được phẫu thuật trả lại nụ cười.
Đến nay huyện Vân Canh cơ bản hoàn thành chương trình phẫu thuật trả lại nụ cười cho các em; trẻ em khuyết tật có nhu cầu đi xe lăn đều được cấp đầy đủ.
|