Cùng với các chương trình y tế quốc gia khác, chương trình Phòng chống suy dinh dưỡng (PCSDD) trẻ em đã được sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của lãnh đạo các cấp, sự phối hợp đồng bộ của ngành y tế và các ngành đoàn thể liên quan. Ngoài kinh phí của Trung ương, ngân sách tỉnh cũng đã đầu tư đáng kể cho công tác này. Nhờ đó mà hàng năm trung bình tỉnh ta đã giảm được tỷ lệ trẻ em SDD từ 1 đến 1,5%, riêng năm 2006 giảm 1,27%.
|
Thực hành tô màu bát bột dinh dưỡng cho cộng tác viên. Ảnh: La Ánh
|
Tiếp tục thực hiện chương trình PCSDD trẻ em, năm qua, 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã triển khai chương trình bằng những kế hoạch hành động cụ thể. Công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên được phối hợp tổ chức khá tốt. Có 4.596 người là cán bộ y tế, cộng tác viên và hội viên các hội đoàn thể được học tập tại 90 lớp tập huấn về chuyên môn kỹ thuật, kiến thức dinh dưỡng, chế biến sữa đậu nành tại cộng đồng và nâng cao năng lực quản lý.
Công tác truyền thông, giáo dục dinh dưỡng, nhất là tuyên truyền giáo dục dinh dưỡng trực tiếp cho người dân đã được tăng cường và thực hiện thường xuyên qua việc tổ chức nói chuyện sâu các chuyên đề: sức khỏe và dinh dưỡng, chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho thanh niên và vị thành niên, chăm sóc phụ nữ có thai… Chương trình PCSDD còn có sự phối hợp chặt chẽ với Hội Làm vườn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Trung tâm y tế dự phòng và Ủy ban DS-GĐ&TE các cấp. Từ sự phối hợp này, đã tổ chức tập huấn kiến thức dinh dưỡng, triển khai quy trình phát triển VAC cho 1.100 cán bộ chi hội, hội viên là phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 5 tuổi tại 11 xã điểm của 11 huyện, thành phố. Tiêu chí đặt ra mỗi mô hình điểm gồm 100 hộ gia đình trong đó mỗi hộ gia đình phải có ô dinh dưỡng và không có trẻ em SDD. Qua một năm thực hiện, có 3.707 vườn tạp được cải tạo, các hộ gia đình đều cam kết phấn đấu không để trẻ em SDD. Chương trình uống vitamin A có 134.971 trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi được uống, đạt tỷ lệ 99,9%, đã tác động tích cực tới chương trình PCSDD.
Ngoài ra, trong năm qua, các cộng tác viên đã thực hiện 257.141 lượt thăm nhà các bà mẹ có con nhỏ, bà mẹ có con đau ốm, SDD và 65.720 lượt thăm nhà phụ nữ có thai. Qua việc viếng thăm này, các cộng tác viên đã tư vấn cho các bà mẹ về chăm sóc trẻ lúc ốm đau, nuôi con bằng sữa mẹ, ăn bổ sung cho trẻ, chăm sóc thai sản…
Cùng với các hoạt động của chương trình dinh dưỡng, các hoạt động khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và quản lý sức khỏe trẻ em tại cộng đồng cũng được tổ chức khá tốt. Chương trình đã khám và tư vấn cho 1.256 trẻ, cấp phát thuốc miễn phí cho 420 lượt trẻ. Công tác khám và điều trị miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi được tổ chức ở hầu hết các cơ sở y tế công trong toàn tỉnh, nên cũng đã góp phần hạ tỷ lệ trẻ em SDD. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau khi sinh có tác dụng rất lớn đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Có 20.369 bà mẹ được khám thai 3 lần/ kỳ thai nghén (tỷ lệ 97,5%); có 22.630 lượt bà mẹ được uống Vitamin A sau sinh đạt (tỷ lệ 98,4%). Việc duy trì và tăng cường số lượng bà mẹ uống vitamin A sau sinh giúp trẻ hấp thu một lượng vi chất cần thiết để phòng mù lòa, đồng thời giúp trẻ phát triển tốt về thể chất và vận động; khám thai và cấp viên sắt cho 8.715 người và khám phụ khoa cho hàng chục ngàn chị em phụ nữ tuổi từ 15 đến 49.
Năm qua, có 111.319 trẻ dưới 5 tuổi được cân theo dõi sức khỏe (tỷ lệ 99%), qua cân xác định có 26.138 trẻ SDD (tỷ lệ 23,48%), giảm 1,27% so với năm 2005.
|