Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh vừa tổ chức gặp mặt biểu dương, khen thưởng 84 cán bộ chuyên trách công tác DS-GĐ&TE ở cơ sở. Dưới đây là những gương mặt tiêu biểu của chuyên trách cơ sở ở các xã miền núi. Sự nỗ lực của họ đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về công tác DS-GĐ&TE.
* Nguyễn Thị Hồng Nga: Không được tự ái
|
Chị Nguyễn Thị Hồng Nga, cán bộ chuyên trách thị trấn Vân Canh báo cáo kinh nghiệm công tác truyền thông tại buổi gặp mặt. |
Báo cáo điển hình tại cuộc gặp mặt biểu dương, khen thưởng cán bộ chuyên trách, chị Nguyễn Thị Hồng Nga, cán bộ chuyên trách thị trấn Vân Canh cho biết: “Người làm công tác tuyên truyền vận động chuyển đổi hành vi DS-GĐ&TE phải chịu khó và không được tự ái... Phải hiểu từng đối tượng, thông cảm chia sẻ với những vất vả lo toan của chị em phụ nữ trong cuộc sống gia đình cũng như các hoạt động xã hội. Đến thăm nhà đối tượng một lần không được, thì phải đến nhiều lần. Vận động vợ không được thì vận động chồng và ngược lại, có khi phải nhờ đến ông bà và bà con hàng xóm tác động...”.
Quả vậy, nhờ vào sự kiên trì vận động của chị mà công tác DS-GĐ&TE của thị trấn Vân Canh luôn đạt kết quả cao, là đơn vị dẫn đầu trong công tác DS-GĐ&TE ở huyện Vân Canh. Riêng làng Suối Mây của thị trấn nhiều năm liền được công nhận là làng không có người sinh con thứ 3 và là làng văn hóa của người Chăm.
* Đinh Văn Đêm: Nhờ nói được tiếng H’re
|
Anh Đinh Văn Đêm người dân tộc H’re, cán bộ chuyên trách xã An Vinh. |
Xã vùng cao đặc biệt khó khăn An Vinh cách trung tâm huyện lỵ An Lão trên 30 km, có trên 2.000 nhân khẩu là người dân tộc H’re sống chủ yếu bằng nghề làm lúa nước và trồng cây ăn trái. 15 năm làm công tác DS-GĐ&TE ở đây, anh Đinh Văn Đêm đã có nhiều đóng góp tích cực giúp bà con thực hiện KHHGĐ. Nhờ nói được tiếng H’re, anh Đêm đã giúp cho bà con ở đây hiểu được những lợi ích của công tác DS/KHHGĐ, chăm sóc SKSS.
Qua vận động của anh, hàng năm, chị em phụ nữ đều được khám theo dõi SKSS, khám thai đúng định kỳ và khi sinh đẻ biết đến trạm y tế xã. Nhờ đó mà trong nhiều năm qua, công tác DS-GĐ&TE ở xã vùng cao An Vinh luôn đạt kết quả tốt: năm 2004 được công nhận là xã không có người sinh con thứ 3 trở lên; năm 2005, có 2 thôn được công nhận 5 năm liền không có người sinh con thứ 3; năm 2006 có 4 thôn được công nhận không có người sinh con thứ 3; số người sử dụng các biêïn pháp tránh thai hiện đại đạt trên 80%; mức sinh giảm đáng kể.
Tuy là xã đặc biệt khó khăn nhưng anh Đêm đã vận động mỗi CBNV của xã tự nguyện đóng góp 1 ngày lương, mỗi hộ dân tự nguyện góp 5.000 đồng xây dựng Quỹ bảo trợ trẻ em, tổ chức tốt các hoạt động thăm hỏi tặng quà cho trẻ em mồ côi, khuyết tật, trao học bổng cho trẻ em nghèo “vượt khó học giỏi”. Đặc biệt, xã không có trẻ em thất học, bỏ học giữa chừng, 98% trẻ em đi học đúng độ tuổi, không có trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại và trẻ em hư, phạm pháp...
15 năm làm cán bộ chuyên trách xã, năm nào anh Đinh Văn Đêm cũng được Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh khen thưởng.
* Lê Thành Công: Tùy người mà nói chuyện
|
Anh Lê Thành Công cán bộ chuyên trách xã Cát Sơn. |
Do đặc điểm của một xã miền núi còn nhiều khó khăn; hiểu biết về SKSS/KHHGĐ, còn nhiều hạn chế; nam giới chưa thật sự chia sẻ với phụ nữ trong lĩnh vực này, anh Lê Thành Công, cán bộ chuyên trách của xã Cát Sơn (Phù Cát) luôn coi trọng từng đối tượng trong quá trình tổ chức các hoạt động về DS-GĐ&TE, nhất là công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về SKSS/KHHGĐ. Theo anh, phải xem mặt người mà chọn cách nói chuyện phù hợp. Những dẫn chứng cũng phải cụ thể, thích hợp thì mới tác dụng.
Ở Cát Sơn việc lồng ghép công tác DS-GĐ&TE vào cuộc vận động TDĐKXDĐSVHƠKDC được thực hiện rất tốt, đặc biệt anh rất chú trọng công tác truyền thông trực tiếp thông qua các hoạt động tổ, nhóm và các CLB “Nông dân với dân số phát triển”, “Phụ nữ với chăm sóc SKSS/KHHGĐ” và “Thanh niên với SKSS tiền hôn nhân”. Từ một xã có mức sinh cao, nay Cát Sơn đã giảm đáng kể. Số con trung bình của một phụ nữ chỉ còn ở mức 1,9 con; có 72,8% người thực hiện các biện pháp tránh thai...
|