Một trong những hoạt động nổi bật của công tác giáo dục, chăm sóc trẻ em 9 tháng đầu năm nay là Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành liên quan, huy động được nhiều lực lượng xã hội tham gia chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (HCĐBKK).
|
Lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Bình Định trao quà Trung thu cho trẻ em khiếm thính, Trường dạy nghề Bình Định.
|
Tỉnh ta hiện có 46.761 trẻ em dưới 16 tuổi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 4.610 trẻ em có HCĐBKK gồm: 1.871 trẻ em mồ côi, 95 em mồ côi bị bỏ rơi; 2.456 em bị tàn tật nặng; 188 em là nạn nhân chất dộc da cam… Nhằm giúp đỡ trẻ em có HCĐBKK hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống và có cơ hội thực hiện các quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật, việc huy động các nguồn lực xã hội thông qua các hình thức tuyên truyền, vận động được coi là giải pháp quan trọng.
Trong 9 tháng đầu năm nay, các lực lượng xã hội đã sôi nổi vào cuộc tham gia các hoạt động chăm sóc trẻ em có HCĐBKK. Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng Quy Nhơn, với tổ chức SAP-VN (một tổ chức xã hội từ thiệïn của Mỹ có văn phòng tại TP Hồ Chí Minh) tổ chức khám phân loại khuyết tật cho 190 em. Qua khám, các y, bác sĩ đã chọn 58 em đủ điều kiện về sức khỏe, để phẫu thuật chỉnh hình miễn phí (chi phí cho mỗi em hơn 2 triệu đồng); phối hợp với tổ chức Interplast (Tân Tây Lan) và BVĐK tỉnh phẫu thuật miễn phí “trả lại nụ cười” cho 97 trẻ em sứt môi, hở hàm ếch (chi phí phẫu thuật và hỗ trợ tiền ăn, đi lại cho mỗi em khoảng hơn 1 triệu đồng); phối hợp với tổ chức Đông Tây Hội Ngộ, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Trung ương Huế và Viện tim TP Hồ Chí Minh phẫu thuật tim bẩm sinh cho 52 em (chi phí cho mỗi em từ 25 đến 30 triệu đồng).
Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh cũng vừa hoàn thành và chuyển cho Bệnh viện Trung ương Huế 16 hồ sơ trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh để xếp lịch phẫu thuật trong thời gian tới; duy trì có hiệu quả dự án phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật tại cộng đồng (gồm 140 trẻ em khuyết tật được hưởng lợi tại 2 trung tâm ở Phù Cát và Hoài Ân); phối hợp tổ chức trao 251 suất học bổng cho “trẻ em nghèo vượt khó học giỏi”, mỗi suất trị giá 530 ngàn đồng (học bổng do Hội đồng hương Bình Định tại Hà Nội, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Bình Định, Công ty bảo hiểm Prudential và các doanh nghiệp trong tỉnh tài trợ).
Cũng trong 9 tháng qua, các địa phương đơn vị đã tổ chức đi thăm tặng quà cho 2.540 em có HCĐBK với số tiền 75 triệu đồng; phối hợp cấp xe lăn, xe lắc cho 200 em, mỗi chiếc trị giá từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng; trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng cho 450 trẻ em mồ côi; khám chữa bệnh miễn phí và miễn giảm học phí cùng các khoản xây dựng trường cho 100% số trẻ em nghèo, có HCĐBKK; hỗ trợ sách vở và đồ dùng học tập cho hàng ngàn em với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Song song với các hoạt động xã hội nói trên, Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh đã chủ động phối hợp, tổ chức triển khai có hiệu quả các đề án theo Quyết định 19 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại. Đầu tư tổ chức diễn đàn quyền trẻ em cho 30 xã trọng điểm, tổ chức Hội thi tìm hiểu Luật BVCS&GD trẻ em cho 20 liên đội TNTP, thu hút hàng ngàn em tham gia…
|