Chiến dịch tuyên truyền, vận động và lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đợt II năm 2007 ở tỉnh ta được triển khai thực hiện ở 159 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Có 59.074 người thực hiệïn các biện pháp tránh thai, đạt 295,7% chỉ tiêu kế hoạch.
Trong chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ đợt II năm 2007, Ủy ban DS-GĐ&TE các cấp đã chủ động phối hợp với ngành y tế và các đoàn thể liên quan, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, tư vấn và lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Trong thời gian từ ngày 1.8 đến 30.9 tất cả các xã, phường, thị trấn của 11 huyện, TP đều tổ chức triển khai thực hiện từ 2 đến 3 ngày. Kết quả thực hiện các gói dịch vụ thật mỹ mãn.
|
Y, bác sĩ trạm y tế Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) đang khám, chữa bệnh cho trẻ em dân tộc thiểu số. Ảnh: Long Vũ |
Gói dịch vụ KHHGĐ đã huy động 59.074 người thực hiện các biện pháp tránh thai, nâng tổng số người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại từ đầu năm đến nay lên 76.794 người, đạt tỷ lệ 295,7% kế hoạch. Trong đó 5.205 người đặt vòng tránh thai, 29.510 người dùng bao cao su, 22.634 người dùng thuốc viên, 1.599 người tiêm thuốc tránh thai, 88 phụ nữ triệt sản. Số trẻ sinh ra là 11.068 trẻ, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 486 trẻ; số trẻ là con thứ 3 là 1.928 trẻ, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 155 trẻ.
Gói dịch vụ làm mẹ an toàn đã tổ chức khám thai cho 5.851 người, đạt tỷ lệ 125,2%, nâng tổng số phụ nữ có thai được khám qua 2 vòng chiến dịch là 11.612 người; hầu hết chị em có thai đều được tiêm phòng uốn ván; các chị có thai bị thiếu máu được cấp viên sắt. Có thể nói, gói dịch vụ làm mẹ an toàn trong chiến dịch đã góp phần nâng cao kiến thức về dinh dưỡng, về sức khỏe cho các bà mẹ và trẻ em; chăm sóc thai sản cho các bà mẹ, hạn chế tai biến sản khoa, nhất là các bà mẹ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, người dân tộc thiểu số.
Hàng năm tỉnh tổ chức 2 đợt chiến dịch tuyên truyền, vận động và lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Mục đích của chiến dịch là đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, cung cấp thông tin và tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ có chất lượng, nhất là đối với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, vùng có mức sinh cao để giảm nhanh mức sinh ở các vùng này.
|
Cũng qua chiến dịch này đã huy động được 26.778 phụ nữ khám phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản, nâng tổng số chị em được khám qua 2 vòng chiến dịch là 53.224 người. Qua khám, phát hiện 14.776 chị em mắc bệnh; hầu hết các chị em đều được cấp thuốc điều trị. Kinh phí đầu tư cho chiến dịch là 536 triệu đồng. Ngoài ra 159 xã, phường còn chi thêm ngân sách cho chiến dịch 47 triệu đồng.
Công tác tuyên truyền vận động trong chiến dịch được tổ chức khá tốt bằng nhiều hình thức như: nói chuyện chuyên đề, mít tinh, cổ động trực quan, sinh hoạt tổ, nhóm, câu lạc bộ, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh ở cơ sở và phát tờ rơi, cung cấp, sách báo tạp chí cho hàng ngàn đối tượng.
Có thể khẳng định việc đầu tư vào chiến dịch tuyên truyền, vận động lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đợt II năm 2007, mà trọng tâm là tập trung cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, vùng có mức sinh cao đã đi đúng hướng, đáp ứng nhu cầu của chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo, phụ nữ người dân tộc thiểu số. Chiến dịch đã góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu công tác DS-GĐ&TE năm 2007. Qua chiến dịch, Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh đã quyết định khen thưởng cho 34 tập thể vượt chỉ tiêu kế hoạch chiến dịch và 177 cá nhân có thành tích xuất sắc với số tiền 36,7 triêïu đồng.
|