Dự luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) vừa được thảo luận sôi nổi tại nghị trường của Quốc hội. Luật PCBLGĐ ra đời sẽ góp phần quan trọng cho việc thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ xã hội bởi BLGĐ vẫn đang là vấn đề nóng của cả nước và ở tỉnh ta.
Theo nghiên cứu của Hội LHPN Việt Nam, cả nước có 2,3% số gia đình có các hành vi bạo lực về thể chất, 25% gia đình có hành vi bạo lực tinh thần và 30% các cặp vợ chồng có hiện tượng ép buộc quan hệ tình dục. Ở tỉnh ta, tình trạng BLGĐ khá phổ biến, mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên nhiều phụ nữ đã nhẫn nhục chịu đựng, trẻ em không dám nói ra, hàng xóm thì thờ ơ và nếu có biết thì cũng không dễ can thiệp được. Chỉ có những vụ bạo lực để lại hậu quả nghiêm trọng thì xã hội mới biết đến.
Bạo lực trong gia đình đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như: tổn hại sức khỏe, giảm khả năng lao động của phụ nữ, gây đau khổ về tinh thần, thậm chí gây tử vong cho phụ nữ và trẻ em. Nếu phải chứng kiến nạn bạo lực gia đình trẻ em sẽ luôn bị ám ảnh, sợ hãi, dẫn đến rối loạn tinh thần, dễ bỏ nhà đi lang thang và dễ có hành vi bạo lực với bạn bè. Ở một số gia đình, thế hệï con đã lập lại hành vi BLGĐ do ảnh hưởng của cha mẹ từ nhỏ.
Trong số 18 vụ giết người ở những năm gần đây mà Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý giải quyết, có 8 bị cáo bị xử phạt tù chung thân, trong đó có 5 bị cáo giết vợ, 1 giết con. Điển hình như các vụ: Lê Đình Tuyến ở Phước Thắng (Tuy Phước), đánh đập vợ dã man, trói quăng xuống sông, dùng dây xích sắt xích vào gốc cây dẫn đến cái chết của vợ là chị Nguyễn Thị Hồng Thủy; vụ Đinh Văn Đường ở An Trung (An Lão) nghi vợ ngoại tình đã đánh đập vợ và cố ý giết chết con; vụ Trần Xuân Ba ở Phước Hiệp (Tuy Phước) đánh đập vợ rồi đuổi ra khỏi nhà...
Cũng do nạn BLGĐ mà ngày càng có nhiều cặp vợ chồng phải đưa nhau ra tòa xin ly hôn. Theo thống kê, có hơn 60% số cặp vợ chồng ly hôn trong các năm gần đây đều do nguyên nhân BLGĐ.
Theo Dự luật Phòng chống bạo lực gia đình, vừa được thảo luận tại kỳ họp Quốc hội, có 10 hành vi được coi là bạo lực của thành viên đối với các thành viên khác trong gia đình bị pháp luật nghiêm cấm là: đánh đập, ngược đãi, chửi mắng, lăng mạ, cô lập, xua đuổi, cưỡng ép quan hệ tình dục, cưỡng ép tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cưỡng ép các thành viên trong gia đình lao động quá mức. |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ, nhưng nguyên nhân cơ bản là do bất bình đẳng giới, sự phân biệt đối xử giữa chồng và vợ trong gia đình; nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế; kinh tế gia đình khó khăn; sự im lặng chịu đựng của bản thân người phụ nữ; chính quyền cơ sở chưa quan tâm giải quyết triệt để.
Để hạn chế thấp nhất tình trạng BLGĐ, trước hết cần tăng cường công tác giáo dục pháp luật, nhất là Luật hôn nhân và gia đình, Luật BVCS&GD trẻ em và sắp tới là Luật PCBLGĐ cho các tầng lớp nhân dân, cung cấp cho phụ nữ và trẻ em các kiến thức và kỹ năng ứng xử; tổ chức sinh hoạt nhóm và tư vấn cho phụ nữ và trẻ vị thành niên phương pháp phòng chống BLGĐ; động viên chị em tố giác các hành vi BLGĐ một cách kịp thời, để chính quyền và các đoàn thể có biện pháp ngăn chặn, không để tình trạng bạo lực kéo dài, dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Bên cạnh công tác tuyên truyền giáo dục, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có biện pháp mạnh, nghiêm trị những hành vi BLGĐ. Cộng đồng cần quan tâm chia sẻ, thông cảm và giúp đỡ phụ nữ và trẻ em bị chồng, cha đánh đập hành hạ, lên án “bệnh vô cảm” trước thân phận những nạn nhân của BLGĐ.
|