Phòng chống lạm dụng, xâm hại trẻ em
8:13', 23/11/ 2007 (GMT+7)

Tình hình ngược đãi, xâm hại, lạm dụng trẻ em vẫn tồn tại phổ biến mà nguyên nhân chủ yếu là do sự hiểu biết pháp luật về bảo vệ chăm sóc trẻ em còn hạn chế.

Ở tỉnh ta, mặc dù chưa có cuộc điều tra, khảo sát để có những con số cụ thể về tình trạng ngược đãi, xâm hại, lạm dụng trẻ em nhưng một thực tế dễ nhận thấy là hiện tượng trẻ em bị đánh đập, mắng chửi trong các gia đình còn khá phổ biến. Điển hình là vụ xảy ra ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn). Nghi cháu lấy 50 ngàn đồng, người chú ruột đã nhẫn tâm đánh đập, trói, treo rồi đốt lửa. Rồi vụ cha dượng giết chết con riêng mới 3 tháng tuổi của vợ ở thị trấn Bình Định (An Nhơn), vụ thầy giáo phạt học sinh quỳ liên tục nhiều ngày liền ở thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn)… Có thể việc đánh đập xuất phát từ động cơ mong muốn con em mình ngoan ngoãn, nên người nhưng đó lại là một hình thức xâm hại trẻ em, vi phạm pháp luật.

 

Cần bảo vệ quyền học tập và vui chơi của trẻ em, tránh những hình thức ngược đãi, xâm hại và lạm dụng trẻ em. Ảnh: Hoàng Vân
 

Hiện tượng xâm hại trẻ em trong gia đình diễn ra ở hai hình thức: Xâm hại thân thể (biểu hiện bằng những hành vi đánh đập, ngược đãi) và xâm hại tâm lý tình cảm (biểu hiện bằng những hành vi mắng chửi, xúc phạm, cô lập hoặc tạo ra áp lực đối với trẻ em). Câu nói “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho ngào” từng là phương châm giáo dục của nhiều thế hệ cùng với việc các em không dám phản ứng vì sống phụ thuộc vào cha mẹ khiến cho vấn đề lạm dụng, xâm hại trẻ em cứ trường diễn.

Đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi, khiến cho đa số các em, nhất là các em nam, có tính hiếu động, nghịch ngợm, đôi khi ương bướng dễ làm cha mẹ tức giận. Nhiều người không kiềm chế được dẫn đến hành vi đánh đập, ngược đãi con cái, thậm chí có những ông cha, bà mẹ “cả giận mất khôn” đã trừng phạt con cái dã man, đến khi tỉnh ra thì đã quá muộn.

Trẻ em bị mắng chửi cũng gây ra những hậu quả khó lường, nhất là trẻ em gái. Em Huỳnh Thị S., học sinh lớp 8, ở khu vực 9, phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn tâm sự: “Em làm việc gì cũng hấp tấp, hay đổ bể, mỗi khi như vậy em bị mẹ mắng thậm tệ như: đồ ăn hại, đồ vô dụng… Em rất buồn và tự ái, muốn bỏ nhà ra đi”. Xâm hại tâm lý tình cảm còn biểu hiện ở thái độ cô lập, chê bai, phân biệt trai gái, đối xử không công bằng, hạ thấp danh dự của trẻ, hoặc tạo ra những áp lực cho trẻ.

Lạm dụng, xâm hại trẻ em sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đến việc hình thành tính cách, tâm lý và tình cảm của trẻ, nhiều em bị rối loạn trầm cảm. Có em phản ứng bằng những hành vi tiêu cực như: tự hại bản thân, bỏ nhà đi lang thang và dễ rơi vào các tệ nạn xã hội. Đối với cha mẹ thường xuyên đánh đập, chửi bới con cái sẽ làm giảm sút uy tín, tình cảm và hình ảnh tốt đẹp của mình trong lòng chúng.

Để hạn chế và ngăn chặn tình trạng xâm hại, lạm dụng trẻ em, nhất là xâm hại trẻ em trong gia đình, các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể cần tăng cường các hoạt động truyền thông về quyền trẻ em. Các bậc cha mẹ cần có cái nhìn đúng đắn hơn, khoa học hơn trong vấn đề giáo dục con cái; cần trang bị kỹ năng phòng chống xâm hại, lạm dụng trẻ em trong gia đình và phải thật sự là tấm gương sáng cho con cái noi theo.

  • La Ánh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cần sự cộng đồng trách nhiệm  (09/11/2007)
Tập trung vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn   (26/10/2007)
Nhiều lực lượng xã hội vào cuộc  (12/10/2007)
Những gương mặt chuyên trách vùng cao  (05/10/2007)
Tỉ lệ ngày càng cao!  (28/09/2007)
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quyền trẻ em  (14/09/2007)
Hạnh phúc của trẻ em nghèo  (07/09/2007)
Phụ nữ vẫn “nặng gánh”  (31/08/2007)
Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục trẻ em?  (24/08/2007)
Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục trẻ em?  (24/08/2007)
Trẻ em được chăm sóc tốt hơn   (10/08/2007)
Đak Mang - Nỗi lo trẻ em suy dinh dưỡng  (20/07/2007)
Căn bản đạt mức sinh thay thế  (13/07/2007)
Nam giới là bạn đồng hành trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ  (11/07/2007)
Thêm nhiều niềm vui cho trẻ em nghèo  (06/07/2007)