HIV/AIDS xuất hiện ở nước ta vào tháng 12.1990, 17 năm qua, đại dịch này đã tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế- xã hội, đến mọi tầøng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với trẻ em.
Tính đến ngày 30.8.2007, cả nước đã có 128.367 người nhiễm HIV, trong đó 68% ở độ tuổi thanh thiếu niên và có hơn 10 ngàn bệnh nhân đã chết vì AIDS. Ước tính mỗi năm có 1,5 triệu bà mẹ sinh con thì có 0,4% số người có HIV (6.000 thai phụ bị nhiễm), trong đó có 1/3 (khoảng 2.000) trẻ em bị lây từ mẹ sang con.
Ở tỉnh ta, tính đến đầu tháng 11 đã phát hiện có 42 trường hợp nhiễm HIV mới, nâng tổng số 592 trường hợp có HIV được phát hiện, trong đó có 383 trường hợp đã chuyển sang AIDS và 270 trường hợp tử vong.
HIV lây truyền chủ yếu qua tiêm chích ma túy, qua quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Theo kết quả điều tra, có khoảng 30 đến 40% trường hợp HIV lây từ mẹ sang con. Cả nước hiện có hơn 600 trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ sang con, tỉnh ta có 4 trường hợp (Hoài Nhơn: 2; Phù Cát và Tuy Phước, mỗi huyện 1). Ước tính hiện cả nước có khoảng 10.000 trẻ em, độ tuổi từ 0 đến 15 đang sống chung với HIV/AIDS và có khoảng 20.000 trẻ em mồ côi do mất cha mẹ vì AIDS.
Đại dịch HIV/AIDS với sức tàn phá và sự lây nhiễm khó kiểm soát đã hạn chế rất nhiều đến những nỗ lực phòng, chống cũng như việc thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử làm hạn chế hiệu quả của công tác tuyên truyền, phòng, chống HIV/AIDS. Và nếu đại dịch bùng phát sẽ tác động nặng nề tới đời sống xã hội, nhất là trẻ em.
Năm qua, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền lồng ghép chăm sóc SKSS và dự phòng HIV cho hàng ngàn phụ nữ; tổ chức tư vấn cho 1.420 bà mẹ mang thai, cấp phát miễn phí trên 15 ngàn bao cao su; tổ chức giám sát HIV cho 300 bà mẹ mang thai và thường xuyên giám sát các quy trình chuyên môn kỹ thuật, quy trình vô khuẩn dự phòng lây nhiễm HIV trong sinh sản. Tuy nhiên số lượng bà mẹ mang thai, được khám, tư vấn và xét nghiệm HIV còn quá ít, do đó việc phát hiện sớm HIV trong khi mang thai để dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con còn hạn chế. Và việc điều trị thay thế sữa mẹ cho trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV hiện chưa có nguồn ổn định.
Để phòng chống HIV/AIDS, tổ chức phòng chống AIDS của Liên Hiệp Quốc và Quỹ Nhi đồng (UNICEF) đã nhấn mạnh bốn nguyên tắc chung của công ước về quyền trẻ em là: không phân biệt đối xử; vì quyền lợi của trẻ em; sống còn và phát triển; sự tham gia của trẻ em phải được thực hiện để làm giảm bớt những tác hại của HIV/AIDS đối với chúng.
Cần quan tâm tổ chức tốt công tác tuyên truyền để tránh phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, đặc biệt là đối với trẻ em và động viên họ tích cực tham gia các hoạt động truyền thông, giáo dục đồng đẳng. Cung cấp thông tin cơ bản về HIV/AIDS, tạo hiểu biết và nâng cao nhận thức về nguy cơ nhiễm HIV/AIDS trong những nhóm trẻ có nguy cơ, nhất là trẻ em lang thang. Trao đổi về ảnh hưởng của việc trẻ em lây nhiễm HIV/AIDS và hậu quả của sự lây nhiễm đối với trẻ. Tăng cường công tác tuyên truyền vâïn động và đối tượng được chú ý đặc biệt trong tuyên truyền là tuổi vị thành niên, phụ nữ ở độ tuổi lập gia đình và độ tuổi sinh sản. Họ cần biết rằng HIV không chỉ lây truyền qua con đường tiêm chích ma túy, tình dục, truyền máu mà bằng cả con đường truyền từ mẹ sang con và nếu con bị nhiễm HIV thì nguyên nhân tử vong sẽ cao.
Bên cạnh việc cung cấp cho các đối tượng trong xã hội và trẻ em có được những kiến thức phòng ngừa HIV, chúng ta cũng cần phải chú ý đến những trẻ em không may nhiễm bệnh. Đây là một công việc quan trọng nhằm tránh sự lây lan của HIV ra cộng đồng nói chung và trong nhóm trẻ nói riêng, cách ly nơi ở của các em; nhưng ở đây còn là vấn đề tâm lý, cần giáo dục cho mọi người biết rằng HIV không lây qua con đường giao tiếp thông thường và những trẻ em mắc bệnh rất ốm yếu về thể lực, cô đơn về tinh thần, cần được những người thân trong gia đình , bạn bè và toàn xã hội an ủi, động viên và giúp đỡ.
|