|
Học sinh tự đi học trong mùa lũ lụt rất nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh: Văn Lưu |
Trong mùa mưa lũ vừa qua, ở tỉnh ta có hàng chục trường hợp trẻ em bị đuối nước. Các em chết đuối không phải vì mưa to, gió lớn mà vì sự chủ quan, thiếu cảnh giác của bản thân các em và của người lớn. Mùa lũ lụt đã qua vậy mà giờ đây vẫn còn trẻ em bị đuối nước do chủ quan, sơ suất.
* Những cái chết thương tâm
Đã mười ngày trôi qua mà nỗi đau buồn và sự tiếc thương vẫn còn bao trùm trên nét mặt của mọi người thân trong gia đình em Võ Thị Thùy Duyên (13 tuổi) học lớp 7 Trường THCS Hòa Bình, thường trú ở thôn An Lợi, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn. Chiều ngày 6.12 là buổi chiều định mệnh của em Duyên và em đã ra đi mãi mãi, để lại bao day dứt cho người thân và bạn bè. Chiều hôm đó, em và 2 bạn cùng thôn trên đường đi học qua bờ tràn thôn An Lợi thì bị một cơn gió thổi mạnh làm em ngã xuống sông. Hai em cùng đi kêu cứu, nhưng khi mọi người chạy đến thì đã muộn. Được biết, bờ tràn này đã bị sạt lở do các đợt lũ lụt vừa qua.
Một trường hợp khác vừa mới xảy ra ở huyện Tây Sơn làm chết em Cao Minh Đính (10 tuổi). Vì chủ quan, không lường trước dòng nước đang chảy xiết nên em Đính đã lừa bò băng qua sông và bị nước cuốn chết đuối. Đây cũng là vụ chết đuối thứ 3 sau lũ ở huyện Tây Sơn. Trường hợp em Lê Thanh Thắng (17 tuổi) ở thôn An Quý, xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn thì do chủ quan, nghĩ mình là một người bơi giỏi, nên khi lũ về Thắng đi giăng câu, bắt cá và lại bị nước lũ cuốn trôi đến chết. Trường hợp 2 chị em Đặng Thị Cẩm Ngọc (17 tuổi) và Đặng Thị Cẩm Nga (11 tuổi) ở xã Nhơn Hạnh, huyện An Nhơn trên đường đi học lội qua bờ tràn bị nước lũ cuốn trôi, chỉ cứu sống được Cẩm Nga còn Cẩm Ngọc ra đi mãi mãi...
Phần lớn các em bị đuối nước đều ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, lứa tuổi rất hiếu động và chưa hiểu hết sự nguy hiểm của sông nước, lũ lụt vì thế đã dẫn đến những cái chết thương tâm.
* Giải pháp phòng chống
Trong các năm qua, Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh đã triển khai thực hiện Dự án “Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em”. Dự án chủ yếu tập trung cho công tác tuyên truyền- giáo dục cho người dân, nhất là trẻ em hiểu biết về các tai nạn thương tích thường xảy ra, qua đó nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho các em. Nội dung tuyên truyền của dự án là: những tai nạn xảy ra ở trẻ em do người lớn gây ra; ngôi nhà an toàn cho trẻ em; phòng chống đuối nước cho trẻ em. Trong nội dung phòng chống đuối nước cho trẻ em mà dự án triển khai, chủ yếu phòng chống đuối nước trong mùa hè, chứ chưa quan tâm tới phòng chống đuối nước trong mùa mưa lũ. Và Dự án cũng mới triển khai tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chứ chưa tổ chức truyền thông trực tiếp cho người dân và trẻ em ở những vùng có nguy cơ cao nên hiệu quả của dự án còn hạn chế.
Để hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp bị đuối nước, thiết nghĩ, các cấp chính quyền, các ngành đoàn thể cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền-giáo dục, giúp cho người dân và các em thiếu nhi hiểu biết về những mối nguy hiểm trong mùa mưa lũ, qua đó nâng cao ý thức cảnh giác trong sinh hoạt và đi lại cho các em. Những vùng thường bị ngậïp lụt cần trang bị cho các em áo phao, giúp các em yên tâm trong đi lại.
Các bậc cha mẹ cần quan tâm tới việc đi lại của con em, không nên giao công việc để các em phải đi lại trong mùa mưa lũ. Đối với các em lứa tuổi nhi đồng thì cần giám sát, theo dõi sinh hoạt của các em, nhất thiết không để các em đi lại trong mưa lũ mà không có người lớn đi cùng. Nhà trường ở các vùng mưa lũ cần có kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng và các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức đưa đón học sinh đi học, qua lại sông suối được an toàn. Đồng thời các trường học cũng cần phối hợp với ngành thể dục - thể thao tổ chức các lớp học bơi lội cho các em.
|