Đó là làng Suối Mây, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh. Làng có 45 hộ gia đình với 209 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng nghề làm lúa nước, trỉa bắp, trồng mì, trồng chuối, đu đủ... Trong số 34 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trong làng thì đã có 30 cặp áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, 4 cặp còn lại mới lập gia đình.
Mấy năm qua, nhất là từ khi có chiếc cầu bê tông bắc qua sông Hà Thanh, ô tô đã có thể chạy thẳng về làng, cuộc sống có nhiều thay đổi, nhận thức về công tác dân số của người dân ở đây cũng được nâng lên. Chuyện dân số mà người dân bàn luận bây giờ là dân số với phát triển kinh tế- xã hội; dân số với chất lượng cuộc sống. Trong suốt 5 năm liền (2002- 2006), trong làng không có trường hợp nào sinh con thứ 3. Hiện nay, đời sống, sinh hoạt của người dân làng Suối Mây vượt xa những gia đình đông con ở các làng lân cận. Qua những lần sinh hoạt tổ phụ nữ, sinh hoạt ở thôn, câu chuyện thường đưa ra tranh luận là việc đẻ nhiều sẽ không có điều kiện cho con ăn học đến nơi đến chốn; đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Và hầu hết người dân ở đây đều thống nhất với quan điểm “mỗi gia đình chỉ nên có 1 đến 2 con để nuôi dạy cho tốt”.
Từ nhận thức như vậy, từ năm 2002 phụ nữ ở làng Suối Mây đều sinh con thứ 1 và thứ 2, không có ai sinh đến con thứ 3.
Ông K’so Dộp trưởng làng và cô Cơ O Thị Hồng Hảo, cộng tác viên dân số ở làng đều xác định: Nhờ các dự án từ chương trình 134, 135 của Nhà nước, kinh tế của làng liên tục phát triển; đời sống được cải thiện nên cái đầu của dân làng cũng “sáng” ra!
Đến nay, ngoài việc trên 80% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; hộ nghèo hàng năm giảm 10%; 100% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ 6 loại vacxin và uống vitamin A. Ở làng Suối Mây các chương trình phòng chống suy dinh dưỡng, chương trình ARI, CDD đã tác động tốt đến sức khỏe trẻ em. Nhiều năm liền, làng Suối Mây không có trẻ em dưới 5 tuổi tử vong. Trẻ em đến tuổi đều được đến trường học tập đầy đủ.
|