Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh vừa phối hợp với các địa phương tổ chức đợt khảo sát, đánh giá năng lực, chất lượng thu thập thông tin, ghi chép ban đầu của đội ngũ cán bộ chuyên trách và nhân viên y tế thôn. Qua đó cho thấy, trình độ đã được nâng lên một bước, giúp công tác quản lý và xây dựng kế hoạch về DS-GĐ&TE ngày càng đáp ứng tốt hơn.
Khảo sát, đánh giá chất lượng, thu thập thông tin, ghi chép ban đầu là một khâu rất quan trọng, làm cơ sở cho việc định ra kế hoạch, chỉ tiêu trong công tác DS-GĐ&TE và tổ chức các hoạt động truyền thông. Nếu thực hiện tốt khâu này nghĩa là việc cung cấp thông tin được đầy đủ, chính xác, kịp thời sẽ giúp nhà quản lý định ra chiến lược sát hợp với thực tế.
|
Kiểm tra kiến thức và tình huống trong công tác tư vấn cho nhân viên y tế thôn tại Hội thi nhân viên y tế thôn giỏi lần 2 năm 2006. Ảnh: L.A |
Thông qua hình thức trả lời các câu hỏi và kiểm tra sổ sách ghi chép của 169 nhân viên y tế thôn và 19 cán bộ chuyên trách xã, đợt khảo sát đã cho thấy những dấu hiệu đáng phấn khởi về hoạt động trên lĩnh vực DS-GĐ&TE của cán bộ cơ sở.
Hầu hết cán bộ chuyên trách và nhân viên y tế thôn đều đã được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về công tác DS-GĐ&TE. Có 100% số xã khảo sát đã hoàn thành việc ghi chép thông tin ban đầu vào sổ hộ gia đình và lập báo cáo thống kê chuyên ngành từng tháng, từng quý đạt yêu cầu đề ra. Về quản lý địa bàn, trung bình mỗi nhân viên y tế thôn quản lý 233 hộ; khoảng cách đi lại trong địa bàn gần nhất là 200m xa nhất là 5.000m. Tuy nhiên do mật độ dân số các vùng khác nhau nên có đến 40 nhân viên quản lý trên 300 hộ, chủ yếu là vùng đồng bằng đông dân cư và thành thị. Việc quản lý địa bàn rộng, đông dân cư đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thu thập thông tin và quản lý biến động DS-KHHGĐ. Có 99,4% nhân viên y tế thôn đã xác định đúng đối tượng cần theo dõi về DS-KHHGĐ là những hộ sống ổn định trong địa bàn; thực hiện thu thập thông tin trực tiếp thông qua phỏng vấn thành viên của hộ gia đình. Về theo dõi biến động sinh- chết, có 98,2% nhân viên y tế thôn thực hiện đúng quy định, nhất là đối với trẻ sơ sinh tử vong.
Một tiêu chí đánh giá hết sức quan trọng của nhân viên y tế thôn nữa là theo dõi diễn biến các biện pháp tránh thai nghĩa là ở mọi thời điểm cần nắm chắc số người đang sử dụng các biện pháp tránh thai. Về tiêu chí này có 91,1% nhân viên y tế trong số được khảo sát hoàn thành khá tốt. Chính nhờ theo dõi, nắm được thực trạng đối tượng sử dụng các biện pháp tránh thai mà đội ngũ cán bộ chuyên trách và nhân viên y tế có kế hoạch tuyên truyền vận động và tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình, giúp cho đối tượng thấy được lợi ích của công tác KHHGĐ, tự nguyện thực hiện các biện pháp tránh thai. Chính vì thực hiện tốt tiêu chí này mà tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ở tỉnh ta trong các năm qua luôn đạt trên 80%.
Từ cuộc khảo sát này, Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở về kỹ năng thu thập thông tin; phân tích, xử lý số liệu và làm báo cáo thống kê chuyên ngành.
|